SlideShare uma empresa Scribd logo
1 de 107
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
---------------------
TRẦN THỊ KIM OANH
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM
VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI ĐỐI VỚI
VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Hà Nội – Năm 2014
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
---------------------
TRẦN THỊ KIM OANH
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM
VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI ĐỐI VỚI
VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI
Chuyên ngành: LUẬT KINH TẾ
Mã số: 60 38 01 07
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: TS . HOÀNG ANH TUẤN
Hà Nội – Năm 2014
3
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU ........................................................................................ 5
CHƢƠNG 1 : LÝ LUẬN TỔNG QUÁT VỀ CÁC CHẾ TÀI ĐỐI
VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI.................................... 9
1.1. Khái niệm, bản chất, ý nghĩa và các đặc điểm của chế tài đối với vi
phạm hợp đồng thương mại..................................................................... 9
1.1.1. Khái niệm hợp đồng thương mại và các đặc điểm liên quan của
hợp đồng thương mại với các loại chế tài ............................................... 9
1.1.2. Khái niệm và bản chất của chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thương mại............................................................................................. 11
1.1.3. Ý nghĩa của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ........ 15
1.1.4. Đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ..... 17
1.2. Phân loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ............... 22
1.3. Nội dung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại......... 24
1.3.1. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng........................................ 24
1.3.2. Chế tài phạt vi phạm.................................................................... 29
1.3.3. Chế tài bồi thường thiệt hại ......................................................... 33
1.3.4. Chế tài hủy bỏ hợp đồng.............................................................. 36
1.3.5. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng............................................ 38
1.3.6. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng ....................................... 40
1.4. Mối quan hệ giữa chế tài và áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thương mại.................................................................................... 41
1.4.1. Mối quan hệ giữa các chế tài....................................................... 41
1.4.2. Áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.............. 42
CHƢƠNG 2 : THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHẾ
TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI................. 56
2.1. Nguồn của pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương
mại. ........................................................................................................ 56
2.2. Thực tiễn áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ở
Việt Nam................................................................................................ 57
2.3. Những bất cập chủ yếu của pháp luật Việt Nam về chế tài áp dụng
đối với vi phạm hợp đồng thương mại .................................................. 91
2.4. Nguyên nhân của những bất cập .................................................... 94
CHƢƠNG 3 : KIẾN NGHỊ ĐỊNH HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN
THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI
PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI................................................ 96
3.1. Sự cần thiết hoàn thiện pháp luật về thể loại chế tài đói với vi phạm
hợp đồng thương mại............................................................................. 96
3.2. Định hướng hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thương mại.................................................................................... 98
4
3.3. Các giải pháp chủ yếu hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với vi
phạm hợp đồng thương mại................................................................... 99
KẾT LUẬN......................................................................................... 104
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................. 106
5
LỜI MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của đề tài
Hợp đồng là nền tảng của luật kinh doanh [2, tr. 8]. Do đó việc
thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại
nói riêng giúp cho pháp luật kinh doanh, thương mại được thực hiện và
thúc đẩy kinh tế phát triển bởi hợp đồng có chức năng biến các dự định,
kế hoạch kinh doanh trở thành hiện thực [2, tr. 7]. Tuy nhiên trong quá
trình thực hiện hợp đồng thường xảy ra các vi phạm hợp đồng mà sự vi
phạm đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để bảo đảm lợi ích
cho bên bị vi phạm, pháp luật bao giờ cũng dự liệu những chế tài do vi
phạm hợp đồng. Các chế tài này được chia thành nhiều thể loại khác
nhau phụ thuộc vào từng nền tài phán, nhưng có nhiều điểm chung giữa
các nền tài phán bởi mục đích của chúng.
Cũng như pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam rất coi trọng
việc qui định các chế tài bởi chúng là một phần không thể tách rời của
pháp luật hợp đồng. Các quy định về chế tài thương mại đã dành được
sự quan tâm thích đáng của các nhà làm luật và đã được thể hiện trong
các văn bản pháp luật quan trọng ở Việt Nam như: Bộ luật Dân sự 2005,
và Luật Thương mại 2005… Tuy nhiên qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung
một cách toàn diện và cơ bản, nhưng các quy định của các văn bản này
và nhiều văn bản khác về chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói chung và
vi phạm hợp đồng thương mại nói riêng tại còn có nhiều bất cập. Chúng
mâu thuẫn, chồng chéo, vừa thừa lại vừa thiếu. Hơn nữa việc áp dụng
chúng còn nhiều điểm phải bàn. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung và hoàn
6
thiện các chế tài này cho phù hợp với thực tế cuộc sống và đáp ứng mục
tiêu hội nhập quốc tế là một nhu cầu cấp thiết.
Bởi những lẽ đó, tôi xin lựa chọn đề tài “Hoàn thiện pháp luật
Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng
mại” làm đề tài cho Luận văn thạc sĩ luật học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Là một chế định hết sức quan trọng, bởi vậy việc tìm hiểu và
nghiên cứu về chế tài do vi phạm hợp đồng nói chung và hợp đồng
thương mại nói riêng đã dành được nhiều sự quan tâm của các luật gia
trên thế giới và ở Việt Nam từ trước tới nay. Một số công trình ở nước
ngoài tiêu biểu nghiên cứu chuyên sâu về chế tài đối với vi phạm hợp
đồng phải kể đến là: (1) tác phẩm “Remedies: Commentary and
Materials” của Michael Tilbury, Micheal Noone, Bruce Kercher xuất
bản tại The Law Book Company Limited, năm 1988, tại New South
Wales, Australia; và (2) tác phẩm “Contract Remedies” của Jane M.
Friedman xuất bản tại St. Paul, Minn. West Publishing Co., năm 2981
tại USA. Ở Việt Nam có một số công trình có giá trị lớn về lý luận và
thực tiễn nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này như: (1) “Giáo trình
luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học)” của PGS.
TS. Ngô Huy Cương xuất bản tai Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà
Nội năm 2013; (2) tác phẩm “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình
luận bản án” cuat PGS. TS. Đỗ Văn Đại xuất bản tại Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia năm 2008 tại Hà Nội; (3) tác phẩm “Chế định hợp
đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Ngọc Khánh
xuất bản tại Nhà xuất bản Tư pháp năm 2007 tại Hà Nội. Tuy nhiên các
7
công trình này không hoàn toàn dành cho việc hoàn thiện pháp luật hiện
hành ở Việt Nam về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.
3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu
Luận văn giới hạn hoạt động nghiên cứu của mình tới các mục
đích sau:
+ Nghiên cứu tổng quát lý luận về các hình thức chế tài đối với vi
phạm hợp đồng thương mại;
+ Phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay về vấn đề
này;
+ Kiến nghị các định hướng và giải pháp hoàn thiện chế định này
ở Việt Nam.
Luận văn không hướng tới việc xây dựng cụ thể mô hình xây
dựng pháp luật về lĩnh vực này. Luận văn cũng không đi sâu vào nghiên
cứu việc áp dụng chế tài cho các loại tranh chấp cụ thể.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng chủ yếu các phương pháp sau đây trên cơ sở
phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy
vật lịch sử: Phương pháp so sánh pháp luật, phương pháp phân tích các
quy định pháp luật, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê,
phương pháp phân tích vụ việc và phương pháp lịch sử.
5. Kết cấu của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chủ
yếu của Luận văn chia thành ba chương như sau:
8
Chương 1: Lý luận tổng quát về các chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thương mại.
Chương 2: Thực trạng pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài
đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Chương 3: Kiến nghị định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp
luật Việt Nam về thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.
9
CHƢƠNG 1
LÝ LUẬN TỔNG QUÁT VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI
ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI
1.1. Khái niệm, bản chất, ý nghĩa và các đặc điểm của chế tài đối với
vi phạm hợp đồng thƣơng mại
1.1.1. Khái niệm hợp đồng thƣơng mại và các đặc điểm liên quan
của hợp đồng thƣơng mại với các loại chế tài
Hợp đồng luôn luôn được hiểu trong tất cả các nền tài phán là sự
thỏa thuận hay thống nhất ý chí nhằm xác lập nên một hậu quả pháp lý,
hay nói cách khác làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ
pháp luật. Hợp đồng được phân loại theo nhiều căn cứ phân loại khác
nhau. Có một căn cứ phân loại liên quan tới đề tài Luận văn này là căn
cứ vào pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Với căn cứ này, hợp
đồng được chia thành hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại và hợp
đồng hành chính.
Hợp đồng là một loại hành vi pháp lý, có nghĩa là hành vi pháp lý
được chia thành hợp đồng (sự thống nhất ý chí) và hành vi pháp lý đơn
phương (sự thể hiện ý chí đơn phương). Do đó khi phân biệt giữa hợp
đồng dân sự và hợp đồng thương mại, người ta thường dựa vào lý
thuyết phân biệt giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại. PGS. TS.
Ngô Huy Cương cho rằng có ba cách để phân biệt giữa hành vi dân sự
và hành vi thương mại như sau:
Cách thứ nhất, lấy công thức T - H - T’ của kinh tế chính trị để
phân biệt. Theo công thức này hành vi thương mại khác với hành vi dân
sự ở chỗ nó nhằm tới ∆T = T’ – T.
10
Cách thứ hai, phân loại hành vi thương mại để phân biệt với hành
vi dân sự. Hành vi thương mại có thể được chia thành hành vi thương
mại do bản chất, hành vi thương mại do hình thức, và hành vi thuơng
mại do phụ thuộc. Hành vi thương mại do bản chất là loại hành vi có
bản chất nhằm tới ∆T. Còn hành vi thương mại do hình thức là loại
hành vi mà có hình thức khiến người ta cho rằng nó nhằm tới ∆T.
Cách thứ ba, lấy các thành tố mua vào, bán ra của tư bản thương
mại để xác định. Mua vào là một yếu tố khởi đầu để tạo nên hành vi
thương mại. Người ta có thể mua vào hàng hóa rồi bán ra chính hàng
hóa đó hoặc có thể gia công thêm như bao gói, chia nhỏ, chế biến, sửa
chữa, bồi đắp, hoặc gia cố lại … rồi bán. Người ta cũng có thể mua vào
vật liệu, sức lao động, công cụ để làm ra dịch vụ để bán ra. Nếu một
người mua hàng hoá về để tiêu dùng thì hành vi này không có tính cách
thương mại mà là hành vi dân sự. Thuật ngữ bán ra ở đây phải được
hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả việc cho thuê các đồ vật mà người cho
thuê đã mua vào hay đã thuê về nhằm mục đích kiếm lời. Đôi khi người
ta bắt gặp cả đối tượng của sự thuê mướn là các tài sản vô hình là các
quyền. Vậy hành vi thuê lại (sub- lease) thường là hành vi thương mại
[3, tr. 109 – 110].
Qua các phân tích trên, có thể hiểu: hợp đồng thương mại là loại
hành vi thương mại chủ yếu được giao kết giữa thương nhân với thương
nhân, hoặc giữa thương nhân với người không phải là thương nhân,
hoặc giữa những người không phải là thương nhân với nhau đều nhằm
mục tiêu lợi nhuận. Lưu ý rằng trong các hợp đồng giao kết giữa thương
nhân và người không phải là thương nhân phần nhiều là hợp đồng hỗn
hợp, có nghĩa là hành vi thương mại và dân sự hỗn hợp. Liên quan tới
loại hành vi hỗn hợp này, Điều 1, khoản 3 của Luật Thương mại 2005
11
cho phép bên không phải là thương nhân có quyền lựa chọn áp dụng
luật thương mại hoặc luật dân sự.
Sự phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có ý
nghĩa trong những nền tài phán có sự pháp điển hóa riêng biệt giữa luật
dân sự và luật thương mại bởi sự phân biệt này có thể dẫn đến sự tách
bạch các chế tài đối với các vi phạm hợp đồng dân sự và các chế tài đối
với các vi phạm hợp đồng thương mại.
Hợp đồng thương mại có các đặc điểm khác biệt so với hợp đồng
dân sự. Tất cả các hợp đồng thương mại đều là hợp đồng song vụ có đền
bù bởi mục tiêu lợi nhuận của hành vi thương mại. Còn đối với hợp
đồng dân sự thì không phải tất cả các hợp đồng dân sự đều là hợp đồng
song vụ có đền bù. Chẳng hạn hợp đồng tặng cho, hợp đồng gửi giữ
không có đối khoản không phải là hợp đồng có đền bù vì người tặng
cho, người nhận gửi giữ không nhận lại một lợi ích nào từ người được
tặng cho hay người gửi giữ. Từ đặc điểm khác biệt này của hợp đồng
thương mại làm phát sinh ra một hệ quả là, ngoài các chế tài chung đối
với các vi phạm các loại hợp đồng nói chung, có các thể loại chế tài áp
dụng riêng cho hợp đồng thương mại, chẳng hạn như chế tài tạm ngừng
thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng. Các
loại chế tài này không áp dụng cho các loại hợp đồng đơn vụ, không có
đền bù.
1.1.2. Khái niệm và bản chất của chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thƣơng mại
Hợp đồng là một chế định trung tâm của luật dân sự, cũng như
luật thương mại. Hoạt động chủ yếu của thương nhân là việc giao kết và
thực hiện hợp đồng như: hợp đồng thuê trụ sở; hợp đồng thuê lao động;
12
hợp đồng mua sắm trang thiết bị; hợp đồng mua dịch vụ điện, nước,
viễn thông; hợp đồng mua nguyên, nhiên, vật liệu; hợp đồng bán hàng
hóa, dịch vụ…
Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng khiến các bên đạt được
những lợi ích mà mình nhằm tới. Tuy nhiên do những nguyên nhân
hoặc khách quan hoặc chủ quan hợp đồng có thể bị vi phạm, có nghĩa là
không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Sự vi phạm có
thể gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Ngoài ra sự vi phạm đó còn có thể
gây ảnh hưởng tới sự ổn định của các quan hệ xã hội, trật tự của các
giao dịch thương mại, sự phát triển bình thường nền kinh tế.
Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 1134 tuyên bố một nguyên tắc quan
trọng cho việc thi hành các hợp đồng là: “Hợp đồng được giao kết hợp
pháp có giá trị như luật đối với các bên giao kết”. Do đó hợp đồng một
khi đã được giao kết hợp pháp có hiệu lực ràng buộc như pháp luật đối
với các bên gioa kết, có nghĩa là các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ
những nghĩa vụ được thoả thuận trong hợp đồng [13, tr48]. Vì thế bên
vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp
đồng đối với bên bị vi phạm. Để bảo vệ bên bị vi phạm, cũng như để
làm bình ổn các quan hệ thương mại, pháp luật đặt ra các chế tài đối với
bên vi phạm, có nghĩa là bắt bên vi phạm phải gánh chịu các hậu quả
pháp lý bất lợi do sự kiện vi phạm hợp đồng.
Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại theo tinh thần của
Luật Thương mại 2005 (Điều 292) là biện pháp pháp lý mà bên bị vi
phạm, toà án, hay trọng tài áp dụng đối với bên vi phạm do việc không
thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ
theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật liên quan. PGS. TS.
Ngô Huy Cương cho rằng: “Trong nghĩa vụ hợp đồng, nếu một bên
13
không tự nguyện thực hiện, thì tố quyền đối với vi phạm nghĩa vụ là cần
thiết; và pháp luật cần dự liệu các loại chế tài khác nhau để trái chủ tìm
kiếm sự cưỡng bức thi hành nghĩa vụ” [2, tr. 389 – 390]. Như vậy chế
tài trước hết gắn với quyền khởi kiện, và bảo đảm thi hành nghĩa vụ hợp
đồng.
Có quan điểm cho rằng: trách nhiệm dân sự nói chung là một chế
tài của ngành luật dân sự và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là
một chế tài trong nghĩa vụ [12, tr 46]. Như vậy theo quan điểm này, chế
tài và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là đồng nhất.
Trong khi đó quan điểm khác lại cho rằng không có sự đồng nhất như
vậy, và cho rằng xem xét bản chất trách nhiệm dân sự, cần tính đến một
thực tế là những xử sự trái với yêu cầu của pháp luật dân sự và/hoặc
cam kết đã thoả thuận sẽ dẫn một loạt các chế tài cho bên vi phạm,
nhưng trong đó không phải chế tài nào cũng là biện pháp của trách
nhiệm dân sự [7, tr. 344]. Một số quan điểm thuộc pháp luật của nước
Nga cho rằng: Trách nhiệm dân sự không phải chỉ là chế tài dân sự
thuần tuý đối với hành vi vi phạm mà phải là loại chế tài dẫn tới sự tước
đoạt mang tính chất tài sản hoặc nhân thân đối với bản thân người vi
phạm [6, tr 95]. Như vậy theo quan điểm này thì có sự khác biệt, không
phải chế tài nào cũng là biện pháp của trách nhiệm dân sự mà trách
nhiệm dân sự- là những chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ mà việc áp
dụng những chế tài đó sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho bên vi
phạm dưói hình thức tước quyền dân sự và/ hoặc đặt ra những nghĩa vụ
mới hoặc nghĩa vụ bổ xung như bồi thường thiệt hại, nộp phạt vi phạm
hoặc trả tiền lãi đối với khoản tiền trả chậm [6, tr. 95]. Trách nhiệm dân
sự là nguồn gốc của nghĩa vụ dân sự không căn cứ vào ý chí của các
đương sự muốn tạo lập ra nghĩa vụ, nguồn gốc này căn cứ vào hành vi mà
14
dân luật coi như trái luật. Vì vậy dân luật bắt người làm ra hành vi ấy phải
bồi thường cho người chịu những hậu quả thua thiệt của hành vi ấy [8, tr.
431]. Vũ Văn Mẫu đã phân biệt hai nguồn gốc của nghĩa vụ khác nhau đó
là khế ước và trách nhiệm khế ước. Khế ước ấn định rõ phạm vi nội dung
nghĩa vụ của các người kết ước. Nếu họ tự ngưyện thi hành tất cả các nghĩa
vụ ấy thì sẽ không có vấn đề gì đặt ra. Nếu trái lại các nghĩa vụ ấy không
đựơc thi hành, sẽ đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho bên nào bị tổn
thiệt. Đây là nguồn gốc thứ hai của nghĩa vụ trách nhiệm khế ước [8, tr.
433 - 434]. Giới luật học vẫn chưa thống nhất với nhau về khái niệm
trách nhiệm dân sự. Vì vậy cần làm rõ mối quan hệ giữa chế tài do vi
phạm hợp đồng và trách nhiệm hợp đồng. Cụ thể bên vi phạm hợp đồng
bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế theo pháp luật hoặc theo sự thoả
thuận của các bên mà những biện pháp này có thể do tòa án, có thể do
trọng tài áp dụng hoặc có thể do các bên tự áp dụng. Vậy có thể coi chế
tài là hình thức của trách nhiệm dân sự áp dụng đối với người có hành
vi vi phạm hợp đồng. Vì là chế tài của luật tư nên chế tài đối với vi
phạm hợp đồng thương mại rất linh động và có thể do các bên tự thoả
thuận áp dụng. PGS. TS. Ngô Huy Cương viết: “Chế tài là một đặc
trưng cơ bản của pháp luật. Nó là một phương tiện để thi hành quyền
hoặc ngăn cản việc vi phạm quyền hay khắc phục các hậu quả của sự vi
phạm quyền. Trong quan hệ hợp đồng, chế tài được hiểu là các quyền
trao cho một bên bởi pháp luật hoặc bởi hợp đồng mà bên được trao
quyền có thể thi hành đối với sự vi phạm bởi bên đối ước kia” [2, tr.
391].
Có thể hiểu một cách đơn giản: chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thương mại là một loại hậu quả pháp lý bất lợi do pháp luật hoặc do
15
chính hợp đồng đó qui định mà bên vi phạm hợp đồng thương mại phải
gánh chịu vì lợi ích của bên bị vi phạm.
1.1.3. Ý nghĩa của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại
Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại có những ý nghĩa
cơ bản đối với các bên và đối với xã hội như sau:
Ý nghĩa thứ nhất: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi
phạm, đồng thời bảo vệ bên vi phạm.
Qua hợp đồng thương mại các bên giao kết đều nhắm tới một lợi
ích nhất định từ việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng được giao kết hợp
pháp là luật ràng buộc các bên giao kết. Khi hợp đồng bị một bên vi
phạm thì có nghĩa là bên vi phạm đã bội ước và được xem là vi phạm
pháp luật. Do đó chế tài đặt ra đối với bên vi phạm hợp đồng để buộc
bên vi phạm chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm. Quyền và lợi ích
chính đáng của bên bị vi phạm được bảo vệ bằng việc tự mình áp dụng
những chế tài đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc yêu cầu các toà án,
trọng tài áp dụng những chế tài đã được pháp luật dự liệu. Những thiệt
hại do vi phạm hợp đồng phải được bên vi phạm bù đắp. Khi hợp đồng
không được thực hiện đúng và đầy đủ, lợi ích đáng được hưởng (nếu
hợp đồng được thực hiện đúng) bị mất. Do đó chế tài bồi thường thiệt
hại đặt ra để trả lại cho ngưòi bị vi phạm vị thế mà anh ta được hưởng
nếu hợp đồng được thực hiện đúng và đầy đủ.
Chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng là hậu quả pháp lý
bất lợi mà bên này phải gánh chịu do sự không thực hiện hay thực hiện
không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ mà mình đã cam kết trong hợp
đồng. Tuy nhiên ngoài mục đích cưỡng chế đối với bên vi phạm, pháp
16
luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại cũng bảo vệ bên vi
phạm bằng cách quy định một cách rõ ràng điều kiện áp dụng, trình tự
áp dụng, cũng như những mức độ, phạm vi hợp lý của những gì mà bên
vi phạm phải bù đắp cho bên bị vi phạm. Đối với việc áp dụng chế tài
pháp luật còn quy định một cách rõ ràng về các trường hợp miễn trách
nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng, quy định về việc lạm dụng quyền
của bên bị vi phạm, cũng như qui định về nghĩa vụ hạn chế tổn thất của
bên bị vi phạm, qui định về nguyên tắc thiện chí, công bằng trong việc
áp dụng chế tài.
Ý nghĩa thứ hai: Ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng, đồng
thời nâng cao ý thức đối với vấn đề thi hành hợp đồng.
Luật Thương mại 2005 tại Điều 292 qui định về chế tài phạt vi
phạm hợp đồng thương mại. Đây là một thể loại chế tài mang tính trừng
phạt đối với bên vi pham hợp đồng dù chưa có thiệt hại vật chất nào xảy
ra đối với bên bị vi phạm. Chế tài này có ý nghĩa răn đe đối với bên vi
phạm hợp đồng, đồng thời răn đe chung đối với bất kỳ ai đã giao kết
hợp đồng hoặc sẽ giao kết hợp đồng trong tương lai.
Việc quy định các chế tài nói chung đối với vi phạm hợp đồng
thương mại tác động tới ý thức của mọi người trong việc giao kết và
thực hiện hợp đồng. Qua các thể loại chế tài đối vi phạm hợp đồng
thương mại, ý thức, trách nhiệm đối với việc thực hiện đúng và đầy đủ
hợp đồng được nâng cao, cóa tác dụng ngăn ngừa các vi phạm xảy ra
hoặc hạn chế tổn thất có thể xảy ra do hợp đồng nói chung và hợp đồng
thương mại nói riêng bị vi phạm.
17
Ý nghĩa thứ ba: Bảo vệ sự trật tự và ổn định của giao lưu dân sự
và thúc đẩy sự phát triển của thương mại.
Việc quy định rõ ràng, cụ thể về các thể loại chế tài đối với vi
phạm hợp đồng thương mại, cũng như các điều kiện, trình tự thủ tục áp
dụng từng loại chế tài khiến cho người giao kết hợp đồng nói chung và
các thương nhân nói riêng an tâm để tiến hành các dự định giao lưu hay
công cuộc làm ăn của mình bởi quyền lợi chính đáng của mình được
bảo vệ bởi pháp luật. Việc áp dụng đúng đắn các chế tài đối với các vi
phạm hợp đồng góp phần làm cho các tranh chấp được xử lý nhanh
chóng, công bằng, và qua đó làm ổn định các giao dịch; đồng thời người
giao kết hợp đồng không mất nhiều thời gian cho việc giải quyết hợp
đồng bị vi phạm, và các bên có thể nhanh chóng đi tìm những quan hệ
hợp tác mới hoặc tạo những cơ hội mới cho sự hợp tác. Việc áp dụng
đúng đắn các chế tài như vậy mặt khác cũng khuyến khích mọi người
mạnh dạn giao kết hợp đồng không chỉ với các đối tác trong nước, mà
còn với các đối tác nước ngoài, đồng thời khuyến khích người dân tham
gia kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
1.1.4. Đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại
Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ngoài việc mang
các đặc điểm của chế tài nói chung, còn mang những đặc điểm riêng
biệt của chế tài thương mại.
Các đặc điểm chung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương
mại bao gồm:
Thứ nhất, chế tài chỉ áp dụng khi có vi phạm hợp đồng .Khi một
bên vi phạm hợp đồng là vi phạm các thoả thuận mà mình đã cam kết
18
trong hợp đồng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác
được pháp luật bảo vệ. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
chỉ được đặt ra khi mà có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên – đó là
những xử sự trái với những gì mà mình đã cam kết trong hợp đồng dẫn
tới việc gây nên hoặc đe dọa gây nên một tổn thất cho người khác, và đó
chính là xâm phạm tới những quan hệ được pháp luật thương mại bảo
vệ. Do đó bên vi phạm phải gánh chịu một chế tài tương thích vì sự vi
phạm hợp đồng như vậy.
Thứ hai, chế tài là hình thức cưỡng chế của nhà nước đối với bên
vi phạm. Việc không thực hiện, thực hiện không đúng hay thực hiện
không đầy đủ hợp đồng gây nên hoặc đe dọa gây nên sự thiệt hại của
bên bị vi phạm. Vì vậy bên bị vi phạm có quyền tự mình bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc yêu cầu nhà nước can thiệp để bảo
vệ quyền lợi của mình trước sự vi phạm pháp luật đó. Đối với luật tư,
nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu của đương sự. Khi được yêu cầu,
nhà nước sự dụng biện pháp cưỡng chế cưỡng chế đối với bên vi phạm
hợp đồng bằng cách áp dụng chế tài do pháp luật qui định hay do các
bên tự thỏa thuận. Cưỡng chế bằng sức mạnh nhà nước buộc các chủ thể
vi phạm hợp đồng phải chịu những hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm
của mình hoặc thi hành một mệnh lệnh của toà án. Tính cưỡng chế trong
các biện pháp chế tài do nhà áp dụng để vệ quyền lợi chính đáng cho
bên bị vi phạm một cách hiệu quả nhất và cũng làm ổn định các quan hệ
hợp đồng thương mại, bảo đảm công lý. Chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thương mại là chế tài của luật tư nên các chủ thể trong quan hệ
hợp đồng được tự do thoả thuận các hình thức trách nhiệm cho việc vi
phạm hợp đồng. Bởi vậy, toà án hay trọng tài phải tôn trọng những biện
pháp chế tài mà các bên đã dự liệu trong hợp đồng để áp dụng cho vi
19
phạm là căn cứ để áp dụng chế tài đó và chỉ xem xét áp dụng các chế
tài do các bên yêu cầu mà không thể tự ý áp dụng các biện pháp chế tài
mà các bên không yêu cầu. Toà án hay trọng tài là người đứng giữa
phân xử cho các bên tranh chấp và áp dụng các biện pháp chế tài bằng
sức mạnh của nhà nước để bảo vệ bên bị vi phạm và công lý.
Thứ ba, chế tài mang lại hậu quả bất lợi cho bên vi phạm hợp
đồng. Bên vi phạm hợp đồng phải thi hành những phán quyết của toà án
hay trọng tài về việc áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói
chung và hợp đồng thuơng mại nói riêng. Chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thương mại thường liên quan tới tài sản dù chỉ buộc bên vi phạm
hợp đồng phải tuân thủ những gì mình đã cam kết trong hợp đồng (ví
dụ: buộc thực hiện đúng hợp đồng như sửa chữa hàng hoá bị khuyết tật,
giao nốt hàng hoá còn thiếu, làm một công việc chưa làm…) cho tới
buộc bồi thường thiệt hại.
Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại còn có những
đặc điểm riêng biệt liên quan tới đặc thù luật tư của luật thương mại,
bao gồm:
(1) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại mang tính tự do
thoả thuận, tự định đoạt của đương sự.
Bộ luật Dân sự 2005 qui định: “Quyền tự do cam kêt, thoả thuận
trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu
cam kêt, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức
xã hội. Cam kêt, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối
với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.”
(Điều 4). Như vậy khi có yêu cầu của đương sự thì tòa án hay trọng tài
mới xem xét áp dụng chế tài mà chế tài đó trước hết do các bên đương
sự tự thỏa thuận. Sau đó nếu không có sự thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận
20
không rõ ràng hoặc sự thỏa thuận đó trái pháp luật và theo yêu cầu của
đương sự, tòa án hay trọng tài căn cứ vào pháp luật để áp dụng chế tài.
Toà án không thể buộc bên vi phạm phải bồi thường khi mà bên bị vi
phạm không có yêu cầu về bồi thường thiệt hại. Điều đó khác biệt với
chế tài hình sự hay chế tài hành chính, các cơ quan nhà nước được tự
mình lựa chọn áp dụng chế tài cho những hành vi vi phạm pháp luật bởi
hành vi vi phạm đó xâm phạm tới lợi ích của xã hội chứ không phải là
những lợi ích tư trong quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại.Trong
quan hệ luật tư, toà án hay trọng tài chỉ xem xét những biện pháp chế tài
được yêu cầu áp dụng có đủ căn cứ áp dụng hay không, có hợp pháp
hay không, quyết định mức độ áp dụng trên những nguyên tắc cơ bản
của luật tư.
(2) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại áp dụng cho
thương nhân.
Như trên đã phân tích hợp đồng thương mại được tiến hành bởi
các thương nhân. Do đó chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại là
hình thức chế tài áp dụng cho đối tượng thương nhân.
Thương nhân là người chuyên tiến hành các hành vi thương mại
và lấy lấy việc tiến hành các hành vi thương mại làm nghề nghiệp của
mình. Thương nhân được chia thành thương nhân thể nhân và thương
nhân pháp nhân [3, tr. 66]. Khi tiến hành các hành vi thương mại (trong
đó chủ yếu là hợp đồng thương mại), thương nhân nếu vi phạm hợp
đồng thương mại thì bị áp dụng chế tài đối với những vi phạm đó. Tuy
nhiên trong thực tế có những người tiến hành những hành vi thương mại
nhưng không có đăng ký kinh doanh, do đó không được coi là thương
nhân chính thức nhưng pháp luật vẫn áp dụng chế tài thương mại đối
với họ bởi coi họ là thương nhân thực tế.
21
(3) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại được áp dụng rất
linh hoạt và mềm dẻo.
Tính linh hoạt và mềm dẻo của việc áp dụng chế tài thương mại
trước tiên được thể hiện thông qua việc các bên được tự do thoả thuận
chế tài áp dụng trong trường hợp có vi phạm trong hợp đồng. Luật
thương mại nói chung không quy định một cách cứng nhắc chỉ một loại
chế tài được áp dụng cho bên vi phạm hợp đồng. Ngoài ra các bên có sự
lựa chọn các chế tài khác nhau cho cùng một vi phạm (chẳng hạn như
chế tài hủy bỏ hợp đồng, chế tài đình chỉ hợp đồng và chế tài tạm ngừng
thực hiện hợp đồng có chung một điều kiện áp dụng, nhưng các bên có
thể lựa chọn áp dụng một trong các chế tài đó phù hợp với hoàn cảnh
riêng của họ). Có thể áp dụng nhiều chế tài đồng thời đối với một vi
phạm hợp đồng thương mại cụ thể mà không có sự phân biệt giữa chế
tài chính và chế tài phụ như trong luật hình sự hay luật hành chính. Ví
dụ khi một bên giao thiếu hàng hóa và hàng hoá có khuyết tật thì các
chế tài có thể được áp dụng đồng thời bao gồm: buộc thực hiện đúng
hợp đồng (giao hàng còn thiếu), khắc phục khuyết tật của hàng hoá, bồi
thường thiệt hại, và phạt vi phạm hợp đồng (nếu các bên có thỏa thuận
chế tài phạt vi phạm hợp đồng). Chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thương mại do các bên trong quan hệ hợp đồng áp dụng hoặc yêu cầu
toà án hay trọng tài áp dụng. Chẳng hạn: bên bị vi phạm hợp đồng có
thể tự mình áp dụng các chế tài như buộc thực hiện đúng hợp đồng,
khắc phục khuyết tật hàng hoá, hay tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình
chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng… Bên bị vi phạm có
cũng có quyền yêu cầu toà án hay trọng tài buộc bên vi phạm phải bồi
thường thiệt hại, chi trả tiền phạt, hoặc tuyên bố hủy bỏ hợp đồng…
22
Như vậy vi phạm hợp đồng thương mại cũng là một hình thức vi
phạm pháp luật. Tuy nhiên chế tài và việc áp dụng chế tài đối với các vi
phạm đó linh động hơn và mềm dẻo hơn bởi tính chất luật tư của luật
thương mại quyết định.
1.2. Phân loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại
Luật Thương mại 2005 liệt kê sáu chế tài cụ thể có thể được áp
dụng đối với các vi phạm hợp đồng thương mại tại Điều 292. Ngoài các
chế tài đó, đạo luật này còn cho phép các bên có thể sáng tạo ra các thể
loại chế tài khác. Người áp dụng pháp luật không thể từ chối yêu cầu áp
dụng các chế tài do các bên sáng tạo bởi sự thỏa thuận. Đây là điểm tiến
bộ của Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997. Luật
Thương mại 1997 chỉ ghi nhận bốn thể loại chế tài cụ thể là buộc thực
hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, và hủy bỏ hợp
đồng. Căn cứ vào chế tài có được qui định bởi luật hay không, có thể
phân loại chế tài thành chế tài do luật định và chế tài do thỏa thuận.
Việc phân loại này có ý nghĩa trong việc áp dụng chế tài. Các điều kiện
áp dụng từng loại chế tài do luật định phải căn cứ vào luật. Còn đối với
các chế tài do các bên tự thỏa thuận: nếu trong thỏa thuận đó có cả các
điều kiện áp dụng thì phải căn cứ vào các điều kiện đó; nếu không có
các điều kiện áp dụng trong thỏa thuận đó thì có thể áp dụng các điều
kiện tương tự hoặc áp dụng theo lẽ công bằng. Chế tài do luật định
thông thường rõ ràng và dễ áp dụng hơn so với chế tài có được do sự
thỏa thuận. Chế tài do luật định thường có các điều kiện áp dụng đi kèm
và bản thân nó đã được dùng quen dùng bởi các cơ quan tài phán. Còn
chế tài do thỏa thuận ít khi có bộ các điều kiện áp dụng đi kèm và các
23
cơ quan tài phán ít khi sử dụng. Do đó trong chừng mực nào đó, chế tài
loại này gây ra những khó khăn nhất định cho người áp dụng.
Điều 292 của Luật Thương mại 2005 có qui định sáu thể loại chế
tài cụ thể, bao gồm: (1) buộc thực hiện đúng hợp đồng; (2) phạt vi
phạm; (3) buộc bồi thường thiệt hại; (4) tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
(5) đình chỉ thực hiện hợp đồng; và (6) hủy bỏ hợp đồng. Có thể nhận
xét: ba thể loại chế tài được liệt kê đầu tiên tại điều luật này là các chế
tài chung đối với bất kể vi phạm hợp đồng nào; còn ba thể loại chê tài
liệt kê tiếp theo là các chế tài chỉ áp dụng đối với các vi phạm hợp đồng
thương mại (loại hợp đồng song vụ có đền bù). Vì vậy căn cứ vào đó, có
thể chia các thể loại chế tài thành chế tài áp dụng chung đối với vi phạm
bất kể loại hợp đồng nào và chế tài chỉ áp dụng đối với các vi phạm hợp
đồng song vụ có đền bù.
Tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định chế tài phạt vi phạm
khác với các nước theo truyền thống Common Law. Các nước theo
truyền thống Common Law không chấp nhận chế tài phạt vi phạm hợp
đồng vì cho đó là một sự trừng phạt. Họ cho rằng các chế tài chỉ mang
tính chất đền bù, do đó mọi thoả thuận về một khoản phạt vi phạm hợp
đồng bị bác bỏ [7, tr. 481]. Đây là một điểm tranh luận khá nhiều về mặt
học thuật, nhất là về chức năng của chế tài phạt vi phạm hợp đồng.
Cần lưu ý rằng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
không trùng khít với chế tài thương mại, có nghĩa là nội hàm của chế tài
thương mại rộng hơn nội hàm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thương mại. Chế tài thương mại còn bao hàm cả các chế tài liên quan tới
vô hiệu hóa hợp đồng thương mại, vô hiệu hóa công ty thương mại, liên
quan tới tài sản kinh doanh… [4].
24
1.3. Nội dung của các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thƣơng mại
Các chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại không thể
nghiên cứu đầy đủ trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ luật học
bởi ngoài các chế tài do luật định còn rất nhiều thể loại chế tài do các
bên tự thỏa thuận. Do đó mục này chỉ đề cập tới nội dung của từng chế
tài được qui định tại Luật Thương mại 2005, nhưng tập trung vào phần
lý luận.
1.3.1. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
Trong quan hệ hợp đồng, bên có nghĩa vụ có thể không thực hiện
nghĩa vụ, thực hiện không đúng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp
đồng. Vì vậy quyền yêu cầu của bên kia có thể không được làm thỏa
mãn. Để bảo đảm những lợi ích kinh tế của bên có quyền yêu cầu thì
bên này có thể yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện những nghĩa vụ đã
được thoả thuận trong hợp đồng mà họ vi phạm. Buộc thực hiện đúng
nghĩa vụ hợp đồng là việc buộc thi hành nghiêm chỉnh và đúng đắn
nghĩa vụ hợp đồng. Biện pháp này nhằm thiết lập lại vị trí ban đầu vốn
có trước khi có sự vi phạm, đưa các bên trở lại với quan hệ hợp đồng
như đã thoả thuận. Buộc thực hiện hợp đồng là một thể loại chế tài do
luật định nhằm áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng khi bên bị vi
phạm yêu cầu. Đây là sự cưỡng chế của nhà nước bắt buộc bên vi phạm
thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Chế tài
buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ đặt ra khi hợp đồng không được thực
hiện, thực hiện không đúng.
Cần có sự phân biệt giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
với trách nhiệm dân sự. Buộc thực hiện đúng hợp đồng không phải là
25
trách nhiệm dân sự mà đó chỉ nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế những
gì mà bên vi phạm đã cam kết thực hiện trong hợp đồng. Nhờ vào sự
cưỡng chế này các bên trong hợp đồng trở lại vị trí vốn có của mình
trong hợp đồng [7, tr. 345 - 346]. Tuy nhiên việc áp dụng chế tài buộc
thực hiện đúng hợp đồng không làm mất đi quyền yêu cầu đòi bồi
thường những thiệt hại phát sinh do việc nghĩa vụ hợp đồng không được
thực hiện, cũng như phạt vi phạm mà các bên đã thoả thuận áp dụng
trong trường hợp có vi phạm xảy ra.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa qui định khi nào chế tài phạt vi
phạm, chế tài bồi thường thiệt hại loại trừ việc yêu cầu áp dụng chế tài
buộc thực hiện đúng hợp đồng. Ví dụ: Thương nhân A ký hợp đồng
mua 1000 tấn cà phê từ thương nhân B với điều kiện giao hàng vào
ngày 02/09/2014. Hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm như sau:
“Trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện do cà phê không
được giao thì bên B phải chịu một khoản phạt là 20.000.000,00 VNĐ”.
Đến ngày 02/09/2014, B không giao cà phê cho A. Tiếp đó A đã gia hạn
cho B thêm một tháng để thực hiện việc giao hàng nhưng B vẫn không
thực hiện. A khởi kiện ra toà yêu cầu B tiếp tục thực hiện hợp đồng và
đòi khoản tiền phạt vi phạm như đã thoả thuận trong hợp đồng”.
Với trường hợp như vậy, có một câu hỏi đặt ra là: liệu tòa án có
chấp nhận yêu cầu vừa đòi phạt vi phạm hợp đồng, vừa buộc thực hiện
đúng hợp đồng hay không? Luật Thương mại 2005 có qui định về mối
quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các thể loại chế
tài khác như sau: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian
áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền
yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp
dụng các chế tài khác”. Vi phạm hợp đồng có hai hình thức: (1) không
26
thực hiện hợp đồng; và (2) thực hiện không đúng hợp đồng. Vì vậy dù
là không thực hiện hợp đồng hay thực hiện không đúng hợp đồng thì
bên vi phạm đều phải trả tiền phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại và
thực hiện đúng hợp đồng. Như vậy, theo quy định của Luật Thương mại
2005, toà án phải chấp nhận yêu cầu của thương nhân A. Vậy có thể
thấy: ở đây có sự bất hợp lý là nếu toà chấp nhận yêu cầu của A thì vì
khoản tiền phạt vi phạm đối với việc không thực hiện hợp đồng trong
trường hợp này được áp dụng sẽ giải phóng bên vi phạm khỏi hợp đồng,
nên không thể áp dụng biện pháp buộc thực hiện hợp đồng. Bộ luật Dân
sự Pháp tại Điều 1229 có quy định: “Điều khoản phạt vi phạm là sự đền
bù cho các thiệt hại do việc không thực hiện các nghĩa vụ chính gây ra
cho người có quyền. Người có quyền không thể vừa yêu cầu thực hiện
nghĩa vụ chính vừa đòi phạt vi phạm, trừ trường hợp điều khoản phạt vi
phạm được quy định riêng cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ”.
Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan tại Điều 380 cũng có qui định
tương tự như sau: “Nếu người mắc nợ đã hứa trả tiền phạt khi người đó
không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người chủ nợ có thể đòi khoản
tiền phạt phải trả thay cho việc thi hành hợp đồng. Nếu người chủ nợ
tuyên bố với người mắc nợ là người đó yêu cầu trả tiền phạt thì khiếu
nại đòi thi hành bị ngăn chặn”. Pháp luật nhiều nước khác cũng quy
định tương tự trong trường hợp như vậy, chẳng hạn: Điều 396, Bộ luật
Dân sự Liên bang Nga 1994.
Hợp đồng được lập ra để nhằm tới một lợi ích về mặt kinh tế cho
cả hai bên thương nhân. Do đó việc yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng
hợp đồng sẽ tránh được những sự lãng phí về mặt kinh tế cho các bên
cũng như cho xã hội. Hơn nữa, biện pháp buộc thực hiện hợp đồng tỏ ra
rất thiện chí đối với bên vi phạm vì anh ta có một cơ hội sửa chữa
27
khuyết tật của hàng hoá, bổ sung hàng hoá thiếu, và có ý nghĩa gần như
gia hạn thực hiện hợp đòng cho anh ta. Khuyến khích việc các bên duy
trì hợp đồng sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn khi áp dụng các
thể loại chế tài khác.
Các trường hợp mà bên bị vi phạm yêu cầu buộc bên vi phạm
thực hiện đúng hợp đồng.
+ Bên vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng như giao thiếu
hàng, cung ứng dịch vụ không đúng với thoả thuận trong hợp đồng, thì
bên bị vi phạm yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng như: giao hàng hoá
còn thiếu so với thoả thuận, cung ứng đúng dịch vụ trong hợp đồng. Bên
vi phạm không thể dùng các hàng hoá khác không cùng chủng loại,
cung ứng dịch vụ khác so với hợp đồng để thay thế, và phải chịu mọi
chi phí phát sinh từ việc thực hiện đó.
+ Trường hợp hàng hoá giao không đúng phẩm chất, kỹ thuật,
chất lượng, hàng hoá có khuyết tật thì bên vi phạm phải thay thế, bổ
sung thiếu sót, sửa chữa khuyết tật hoặc thay thế hàng hoá theo đúng
thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với các nghĩa vụ về tiền tệ hay phi tiền tệ nguyên tắc là khi
có sự vi phạm hợp đồng bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm
thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Nhưng vẫn có những
ngoại lệ không cho phép áp dụng biện pháp này vì tính chất của hợp
đồng, hay nghĩa vụ không thể thực hiện đựoc do hoàn cảnh hoặc theo
quy định của pháp luật, sự bất hợp lí về chi phí đối với việc sửa chữa
hàng hoá dịch vụ, hay việc thực hiện hợp đồng mang tính tuyệt đối cá
nhân…Ví dụ: một kiến trúc sư danh tiếng chuyên thiết kế những công
trình xây dựng nổi tiếng cam kết thiết kế một công trình cho Chính phủ
Việt Nam để chào mừng kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Đến thời
28
hạn phải giao bản thiết kế công trình, kiến trúc sư đó không giao được bản
thiết kế để bắt đầu xây dựng. Chính phủ Việt Nam kiện ra trọng tài bắt
kiến trúc sư phải thực hiện đúng hợp đồng. Sẽ là bất hợp lí và không
mang lại hiệu quả khi cưỡng ép một công việc mang tính sáng tạo, dấu
ấn cá nhân, vì thế không thể bắt kiến trúc sư phải đưa ra bằng được một
bản thiết kế công trình kỉ niệm cho Chính phủ Việt Nam. Nếu bắt buộc
kiến trúc sư phải thi hành đúng hợp đồng thì kết quả khó có thể như
mong đợi và việc làm này không có lợi cho các bên, gây lãng chí không
cần thiết. Hơn nữa nhiều khi việc bắt buộc thực hiện hợp đồng dẫn đến
những chi phí bất hợp lí phát sinh. Trong trường hợp chi phí phát sinh
do việc buộc thực hiện đúng nghĩa vụ cao hơn nhiều lần giá trị phần
nghĩa vụ phải thực hiện, thì thay vi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng
hợp đồng, người ta có thể áp dụng những chế tài khác hợp lí hơn, công
bằng hơn cho bên vi phạm hợp đồng, tránh những sự lãng phí vô ích.
Những trường hợp về việc không thể áp dụng chế tài buộc thực hiện
hợp đồng được qui định khá chi tiết trong Bộ nguyên tắc của
UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế như sau:
“Khi bên có nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ thanh toán, bên có
quyền có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, trừ khi:
a) Không thể thực hiện nghĩa vụ trên thực tế hoặc theo quy định
của pháp luật;
b) Việc thực hiện nghĩa vụ hoặc nếu có thể, các phương thức thực
hiện nghĩa vụ đòi hỏi những cố gắng hoặc những chi phí bất hợp lý;
c) Bên có quyền có thể nhận một cách hợp lý được việc thực hiện
nghĩa vụ thông qua các phương pháp khác;
d) Việc thực hiện mang tính tuyệt đối cá nhân;
29
e) Bên có quyền không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một
khoảng thời gian hợp lý kể từ thời điểm bên này biết hoặc đáng ra phải
biết về không thực hiện nghĩa vụ” (Điều 7.2.2).
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
cũng quy định tương tự tại Điều 46 như sau: “Trong trường hợp hàng
hoá được giao không phù hợp với hợp đồng, bên mua có quyền yêu cầu
bên bán khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá, trừ khi trong hoàn
cảnh lúc đó yêu cầu này là bất hợp lý”. Luật Thương mại Việt Nam
2005 tại Điều 297 về buộc thực hiện đúng hợp đồng không có quy định
về những trường hợp loại trừ việc áp dụng biện pháp này. Thiếu sót như
vậy có thể gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào giải
quyết tranh chấp, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, ảnh hưởng tới
tính kinh tế của việc thực hiện hợp đồng, sự công bằng, hợp lý đối với
các bên.
1.3.2. Chế tài phạt vi phạm
Chế tài này là một dạng của trách nhiệm vật chất được áp dụng
đối với bên vi phạm hợp đồng khi các bên thoả thuận một cách rõ ràng
về một khoản phạt mà bên vi phạm sẽ phải gánh chịu khi vi phạm hợp
đồng.
Luật Thương mại 2005 qui định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi
phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng
nếu trong hợp đồng có thoả thuận.” (Điều 300). Bộ luật Dân sự 2005
đưa ra định nghĩa: “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong
hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho
bên bị vi phạm” (Điều 442). Phạt vi phạm là một chế tài truyền thống ở
30
Việt Nam. Trước khi kia phạt vi phạm đã được qui định bởi Bộ luật Dân
sự 1995, Luật Thương mại 1997, và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989.
Theo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm
chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp
đồng. Trước đó Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 qui định phạt vi phạm là
một chế tài luật định áp dụng đối với bên bị vi phạm hợp đồng dù có hay
không sự thỏa thuận về chế tài đó.
Hiện nay phạt vi phạm được xem là một dạng trách nhiệm vật
chất chỉ được áp dụng khi các bên thoả thuận trong hợp đồng. Trước kia
pháp luật xem phát vi phạm như là một biện pháp bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ.
Pháp luật nhiều nước coi phạt vi phạm vừa là một biện pháp bảo
đảm thực hiện nghĩa vụ, vừa là một dạng trách nhiệm vật chất, ví dụ
như Điều 1226 và Điều 1229 của Bộ luật Dân sự Pháp. Các nước theo
truyền thống Common Law cho rằng, các biện pháp bảo vệ pháp lý
trong dân sự chỉ có thể mang tính chất đền bù mà không có tính chất dự
phạt hoặc trừng phạt bên vi phạm hợp đồng vì vậy những thoả thuận
mang tính chất dự phạt sẽ không được công nhận hoặc bị bác bỏ [7, tr.
481]. Luật hợp đồng không phải là để trừng phạt các bên không thực thi
vì đã không giữ đúng cam kết hợp đồng, mà chỉ để bù đắp những thiệt
hại do việc không thực hiện hợp đồng gây ra [9, tr. 348]. Như vậy trong
những hệ thống pháp luật khác nhau thì quan niệm về biện pháp phạt vi
phạm khác nhau.
Phạt vi phạm được coi là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp
đồng bởi vì bản chất của việc trả tiền phạt vi phạm là sự đền bù vật chất
cho bên bị vi phạm [11, tr. 9]. Khoản tiền phạt mà các bên thoả thuận
nhằm mục đích bù đắp một phần thiệt hại về tài sản cho bên bị vi phạm.
31
Khoản phạt này tác động trực tiếp nên tình trạng tài sản của người vi
phạm. Qua đó họ bị tước đoạt một phần tài sản khi vi phạm hợp đồng.
Phạt vi phạm cũng được xem là một biện pháp răn đe, trừng phạt đối
với một bên vì đã không giữ đúng những cam kết của mình. Do tính
chất là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nên khoản tiền phạt
luôn được xem là một bản án treo trên đầu của người vi phạm, và đặt
xuống khi có bất cứ yếu tố nào đã được dự tính trong thoả thuận là điều
kiện cho việc phát sinh như không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ hợp đồng. Phạt vi phạm có tính trừng phạt bởi khi áp dụng
biện pháp này, bên bị vi phạm không cần chứng minh thiệt hại xảy ra,
có nghĩa là dù không có thiệt hại xảy ra liên quan tới việc vi phạm thì
chế tài phạt vi phạm vẫn được áp dụng. Phạt vi phạm còn được xem như
sự bảo đảm cho các quan hệ hợp đồng được ổn định, và giao lưu dân sự
phát triển, ngoài ra còn là biện pháp nâng cao đạo đức kinh doanh của
các thương nhân.
Chế tài phạt vi phạm có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, phạt vi phạm là một chế tài chỉ được áp dụng khi các bên
có thỏa thuận phạt. Do phạt vi phạm không còn là một hình thức trách
nhiệm như các qui định trước kia, nên các cơ quan tài phán phải tôn trọng
ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng, không tự ý áp dụng khi không
có thoả thuận.
Thứ hai, điều khoản về phạt vi phạm không phải là điều khoản bắt
buộc trong hợp đồng mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Đặc điểm
này xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự.
Thứ ba, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi có sự vi phạm hợp
đồng của một bên mà không cần tính tới có thiệt hại hay không. Nói
cách khác, chỉ cần một bên vi phạm hợp đồng là chế tài phạt vi phạm
32
có thể được áp dụng. Hợp đồng không được thực hiện, hoặc thực hiện
không đúng bởi một bên, và không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm
thì bên vi phạm phải chi trả khoản tiền phạt đã thoả thuận ngay cả trường
hợp bên bị vi phạm không có thiệt hại xảy ra. Đặc điểm này có được bởi
chế tài phạt vi phạm là một biện pháp pháp lý mang tính răn đe, trừng phạt
đối với bên không giữ đúng cam kết của mình.
Thứ tư, mức phạt vi phạm theo Luật Thương mại 2005 có giới
hạn là 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trong khi đó Bộ luật Dân sự 2005
tại Điều 422 không quy định giới hạn tối đa mức phạt đối với vi phạm
hợp đồng. Có thể sự khác biệt trên là do cách tiếp cận khác nhau giữa
hai đạo luật này về bản chất và chức năng của phạt vi phạm hợp đồng.
Có thể Bộ luật Dân sự 2005 coi phạt vi phạm vừa mang chức năng đền
bù, vừa mang chức năng dự phạt. Dường như nhà làm luật không cho
phép toà án can thiệp vào việc xác định mức phạt vi phạm. Do vậy có
thể dẫn đến sự bất công bằng đối với bên vi phạm khi mà thoả thuận về
mức phạt vi phạm vượt quá rất nhiều so với thiệt hại mà bên bị vi phạm
phải gánh chịu và phạt vi phạm mang nặng tính trừng phạt. Trong khi
pháp luật của hầu hết các nước cho phép toà án can thiệp vào việc xác
định lại mức phạt đã thoả thuận trong hợp đồng nhằm mục đích bảo vệ
bên yếu thế bị chèn ép, bảo vệ sự công bằng và bảo vệ nguyên tắc thiện
chí trung thực. Mức phạt tối đa là 8% phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm
theo Luật Thương mại 2005 có lẽ do nhà làm luật coi trọng chức năng
trừng phạt đối với việc vi phạm hợp đồng hơn là tính đền bù thiệt hại.
Thứ năm, chế tài phạt vi phạm là một dạng trách nhiệm vật chất
đối với bên vi phạm nghĩa vụ. Vì thế so với chế tài bồi thường thiệt hại
thì phạt vi phạm thuận tiện và dễ dàng cho tất cả các bên và cả cơ quan
33
giải quyết tranh chấp, trong một số trường hợp, khó khăn trong việc xác
định thiệt hại, hay mức độ thiệt hại.
Phạt vi phạm là một chế tài phổ biến theo pháp luật các nước
Civil Law. Nhưng nó không được các nước Common Law chấp nhận,
tuy nhiên trong một số trường hợp toà án vẫn có thể quyết định biện
pháp phạt vi phạm hợp đồng [9, tr. 349].
1.3.3. Chế tài bồi thƣờng thiệt hại
Các thương nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc ký kết và
thực hiện các hợp đồng thương mại. Nếu hợp đồng không được thực
hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ có thể dẫn đến một bên
bị thiệt hại bởi sự vi phạm đó. Thiệt hại về vật chất, cơ hội làm ăn bị bỏ
lỡ, khoản lợi nhận không thu được, chi phí phát sinh… là những vấn đề
mà pháp luật về hợp đồng quan tâm nhằm mang lại sự công bằng cho
bên bị thiệt hại, làm ổn định các giao lưu dân sự. Chế tài bồi thường
thiệt hại được đặt ra để bù đắp các thiệt hại về vật chất cho bên bị vi
phạm.
Bồi thường thiệt hại thiệt hại là một chế định quan trọng trong các
biện pháp chế tài đối với việc vi phạm hợp đồng. Trong pháp luật Việt
Nam bồi thường thiệt hại được quy định cơ bản trong Bộ luật Dân sự 2005
và Luật Thương mại 2005 và một số đạo luật chuyên ngành khác. Chế tài
này được áp dụng rất phổ biến cho mọi trường hợp vi phạm hợp đồng mà
có thiệt hại phát sinh.
Bồi thường thiệt hại chủ yếu mang tính chất đền bù những thiệt
hại mà người có quyền yêu cầu phải gánh chịu do việc hợp đồng bị vi
phạm, hoặc những lợi nhuận mà đáng ra được hưởng nếu như việc vi
34
phạm hợp đồng không xảy ra. Bồi thường thiệt hại mang tính tài sản.
Đền bù thiệt hại để nhằm mục đích cao nhất không phải là khôi phục lại
tình trạng ban đầu mà là trả người có quyền yêu cầu vào vị trí mà anh ta
được hưởng nếu như hợp đồng được thực hiện đúng và đầy đủ.
Thiệt hại được bồi thường bao gồm: tổn thất về tài sản; chi phí
hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, và khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị
mất hoặc giảm sút. Luật Thương mại 2005 quy định những thiệt hại
được bồi thường bao gồm cả những khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi
phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 302,
khoản 2). Như vậy Luật Thương mại 2005 khá tương thích với pháp luật
quốc tế, chẳng hạn như: Công ước Viên 1980 (Điều74); Bộ nguyên tắc
của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Điều 7.4.2).
Đối với các nước Common Law, bồi thường thiệt hại nhằm bảo
vệ những lợi ích hợp pháp cao nhất cho người bị vi phạm và chia lợi ích
được bảo vệ gồm ba loại: sự kỳ vọng, sự tin tưởng và sự đền bù. Lợi ích
kỳ vọng là những gì theo kỳ vọng của nguyên đơn về lợi ích thu được từ
việc hợp đồng được hiện thực như đã hứa. Sự bảo vệ lợi ích này liên
quan đến việc đặt nguyên đơn vào vị trí mà họ được hưởng nếu hợp
đồng được thực hiện đầy đủ bằng cách mang lại cho nguyên đơn những
lợi ích tương đương mà họ có thể nhận được. Lợi ích tin tưởng là lợi ích
của nguyên đơn khi được đặt vào vị trí mà lẽ ra đã có nếu như hợp đồng
không được thiết lập (liên quan đến vị trí được thiết lập từ những hợp
đồng được thiết lập trên sự tin tưởng). Lợi ích đền bù là lợi ích của
nguyên đơn khi được bồi thường những thiệt hại phát sinh từ sự hưởng
lợi không công bằng của bị đơn [9, tr. 350]. Trong đó những khoản lợi
kỳ vọng là lợi ích cao nhất mà bị đơn có thể được bù đắp.
35
Như vậy có thể thấy có những sự tương đồng nhất định giữa các
hệ thống pháp luật khác nhau. Mục đích của chế tài bồi thường thiệt hại
trong truyền thống Civil Law và truyền thống Common Law đều nhằm
tới việc đưa người bị thiệt hại trở về với đúng vị trí mà đáng ra anh ta
được hưởng nếu như hợp đồng được thực hiện một cách đầy đủ (khoản
lợi bị mất đi khi mà hợp đồng không được thực hiện đúng của Civil
Law và lợi ích kỳ vọng trong Common Law ).
Chế tài bồi thường thiệt hại có các đặc điểm sau đây:
+ Chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế;
+ Bồi thường thiệt hại không được đem lại cho người bị thiệt hại
sự hưởng lợi bất chính đáng;
+ Bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào việc các bên có thoả
thuận về nó trong hợp đồng hay không;
+ Chế tài bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng với tất cả các
loại chế tài khác miễn là có thiệt hại phát sinh từ việc hợp đồng bị vi
phạm;
+ Thiệt hại được bồi thường phải xác thực, hợp lý và có thể dự
đoán được bởi người bình thưòng trong những hoàn cảnh, diễn biến bất
thường của hợp đồng dự đoán được những thiệt hại có thể xảy ra.
Chế tài bồi thường thiệt hại chỉ có thể được áp dụng theo các căn
cứ sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy
ra;
- Có lỗi của bên vi phạm.
36
Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng, nhằm bù đắp
những tổn thất cho bên bị vi phạm, bảo đảm sự công bằng đối với các
bên trong quan hệ hợp đồng. Ngoài ra người bị vi phạm hợp đồng, trên
nguyên tắc cơ bản là thiện chí, trung thực có nghĩa vụ thực hiện những
biện pháp nhất định để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
1.3.4. Chế tài hủy bỏ hợp đồng
Hợp đồng là công cụ hữu hiệu nhất của các thương nhân muốn
hợp tác làm ăn với nhau, là công cụ kết nối các nhu cầu, nguồn lực để
tạo ra các giá trị mới, lợi nhuận cho các bên. Các bên đều mong muốn
những lợi ích kinh tế dù ít, dù nhiều từ các hợp đồng. Mỗi bên giao kết
hợp đồng thương mại đều có những mục đích riêng của mình. Nhưng
mong muốn về lợi ích đó được bên kia mang lại. Khi hợp đồng bị vi
phạm, mục đích của việc tiếp tục thiết lập và duy trì hợp đồng nếu
không đạt được, thì các bên có quyền giải thoát khỏi hợp đồng và đòi
bồi thường thiệt hại.
Hủy hợp đồng là phản ứng gay gắt nhất của người bị vi phạm
trước bên vi phạm. Khi mục đích của hợp đồng không đạt được bởi
những vi phạm quan trọng, hoặc việc thực thi đúng nghĩa vụ của hợp
đồng có thể làm cho một bên phải gánh chịu những tổn thất rất lớn mà
việc thực hiện hợp đồng đúng không thể bù đắp được những tổn thất đó,
hoặc hợp đồng không có hy vọng để thực hiện trong tương lai. Nói một
cách đúng đắn, hợp đồng không phải được lập ra để huỷ bỏ mà nhằm
mang đến những lợi ích mong muốn cho các bên. Như vậy chế tài hủy
bỏ hợp đồng là giải pháp hữu hiệu cho các bên khi quan hệ hợp đồng
37
không thể tiếp tục duy trì. Mục đích của hợp đồng không đạt được các
bên có thể giải thoát khỏi nó để đi tìm cơ hội hợp tác mới.
Chế tài hủy bỏ hợp đồng có các đặc điểm sau đây:
- Hủy bỏ hợp đồng chỉ áp dụng khi hành vi vi phạm nghiêm
trọng hợp đồng làm cho mục đích của hợp đồng không đạt được hoặc
khi xảy ra những hành vi vi phạm là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã
thoả thuận. Vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hay vi phạm cơ bản hay
những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, để xác định một vi phạm là
chủ yếu hay cơ bản, nghiêm trọng phải xem xét một cách cẩn thận từng
loại hợp đồng, mục đích hình thành hợp đồng, mong muốn của các bên
trong đó, hoàn cảnh diễn biến của việc thực hiện hợp đồng. Ví dụ trong
hợp đồng mua bán hàng hoá thì mục đích của bên bán là thu số tiền mà
bên mua phải trả và mục đích của bên mua là quyền sở hữu hàng hoá
của bên bán hay bên bán chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá cho bên
mua. Khi bên bán không giao hàng thì đây được coi là vi phạm cơ bản
hợp đồng dẫn đến quyền xin hủy bỏ hợp đồng.
- Huỷ hợp đồng giải phóng các bên khỏi nghĩa vụ, sự ràng buộc
của hợp đồng, xác lập lại tình trạng ban đầu trước khi có quan hệ hợp
đồng. Đó khi giải quyết hậu quả của việc huy hợp đồng hầu hết pháp
luật các nước đều quy định nguyên tắc các bên phải hoàn lại cho nhau
những gì đã nhận, tuy nhiên khi xử lý hậu quả của việc hợp đồng bị huỷ
bỏ không phải tất cả đều áp dụng đúng nguyên tắc trên mà trọng tài
hoặc toà án công nhận hủy hợp đồng không có hiệu lực hồi tố, những gì
mà các bên đã nhận không phải trả lại, hợp đồng có hiệu lực trong quá
khứ [5, tr. 525].
- Do không logic và trái ngược hẳn nhau nên hủy bỏ hợp đồng
không thể áp dụng đồng thời với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp
38
đồng, tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng mà chỉ có thể áp dụng cùng với
biện pháp xin đòi bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm.
- Khi muốn hủy bỏ hợp đồng thì pháp luật quy định bên hủy bỏ
hợp đồng phải có nghĩa vụ thông báo về việc huỷ hợp đồng. Các cơ
quan giải quyết tranh chấp chỉ có quyền xem xét việc huỷ hợp đồng là
hợp pháp hay không hợp pháp mà không có quyền tự huỷ hợp đồng
giữa các bên khi không có yêu cầu. Bởi bản chất hợp đồng là do ý chí
của các bên tạo lập, trong đó quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được tạo
lập. Bất kỳ chủ thể nào cũng không có quyền can thiệp khi những thoả
thuận đó là hợp pháp. Việc chấm dứt một quan hệ pháp luật hợp đồng
do ý chí của các bên quyết định hoặc toà án can thiệp theo yêu cầu mà
không được tự mình xem xét khi chúng hợp pháp.
1.3.5. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng khi mà xảy ra trường hợp mà các bên thoả thuận là
điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ
hợp đồng (trừ trường hợp miễn trách nhiệm do thoả thuận hoặc pháp
luật quy định).
Bản chất của đình chỉ hợp đồng là việc chấm dứt quan hệ hợp
đồng tại thời điểm một bên đưa ra quyết định đình chỉ hợp đồng. Nó là
một hành vi làm chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên. Các bên
ngừng hẳn không bên nào còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình nữa và
hợp đồng giữa các bên được kết thúc.
Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng có các đặc điểm sau đây:
39
- Hợp đồng bị đình chỉ thì hiệu lực của nó chấm dứt từ khi một
bên quyết định đình chỉ hợp đồng và thông báo cho bên kia về việc đình
chỉ hợp đồng.
- Chấm đứt hợp đồng bằng việc đình chỉ hợp đồng không đưa
các bên quay trở lại tình trạng ban đầu khi thiết lập hợp đồng, phần hợp
đồng đã thực hiện trước đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
- Khi quyết đinh chấm dứt hợp đồng thì bên đình chỉ phải thông
báo cho bên kia biết về việc hợp đồng bị đình chỉ, nếu không thông báo
mà tự động chấm dứt sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Ba thể loại chế tài như hủy bỏ hợp đồng, tạm ngừng thực hiện và
đình chỉ hợp đồng có nhiều điểm chung dễ nhầm lẫn, nhưng hậu quả
pháp lý của từng chế tài là hoàn toàn khác nhau. Hủy bỏ hợp đồng làm
cho toàn bộ hợp đồng coi như không hề tồn tại giữa các bên. Sau khi
hủy bỏ hợp đồng quan hệ hợp đồng kết thúc và các bên quay trở về vị trí
ban đầu như khi chưa có quan hệ hợp đồng. Các bên phải hoàn lại cho
nhau những gì đã nhận. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng không làm mất
đi hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vẫn tồn tại ràng buộc các bên, nghĩa
vụ hợp đồng chỉ tạm hoãn thực hiện trong một thời gian. Đình chỉ hợp
đồng làm cho hợp đồng chấm dứt như huỷ hợp đồng nhưng hợp đồng
chỉ chấm hết hiệu lực tại thời điểm đình chỉ, còn phần đã thực hiện về
trước vẫn tồn tại hợp đồng, nó không đưa các bên trở lại với tình trạng
như khi chưa có quan hệ hợp đồng mà tình trạng những gì đã thực hiện
của hợp đồng được giữ nguyên hiệu lực, các bên không phải hoàn trả
cho nhau những gi đã nhận vì hợp đồng là có hiệu lực trước khi huỷ.
40
1.3.6. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không
thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi mà xảy ra hành vi vi phạm mà các bên
thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm
nghĩa vụ cơ bản hợp đồng trừ trường hợp miễn trách nhiệm. Các bên
không thực hiện hợp đồng trong một thời hạn xác định do thoả thuận
hoặc đến khi nào mà điều kiện tạm ngừng không còn, bên vi phạm thực
hiện nghĩa vụ của mình.
Mặc dù mới được Luật Thương mại 2005 qui định thành một loại
chế tài nhưng quy định như vậy dường như không hợp lý vì bản thân
qui định tạm ngừng thực hiện hợp đồng là một trong những quy định
của phần thực hiện hợp đồng trong hầu hết pháp luật của các nước, của
Công ước Viên 1980 về hợp đông mua bán hàng hoá quốc tế, của Bộ
nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế.
Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng có các đặc điểm sau đây:
- Hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện nhưng hiệu lực của nó không
mất đi, các bên vẫn bị ràng buộc bởi hợp đồng. Các nghĩa vụ chỉ tạm
thời không được thực hiện trong một khoảng thời hạn xác định được
đưa ra bởi bên tạm ngừng, hoặc cho tới khi bên vi phạm thực hiện nghĩa
vụ của mình.
- Bên bị vi phạm có thể áp dụng tạm ngừng thực hiện hợp đồng
và đồng thời đòi bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
41
1.4. Mối quan hệ giữachế tài và áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp
đồng thƣơng mại
1.4.1. Mối quan hệ giữa các chế tài
Mối quan hệ giữa các chế tài đó là việc có thể áp dụng hay không
áp dụng các chế tài khác nhau cho một vi phạm.
Về nguyên tắc những loại chế tài không logic, trái ngược nhau về
hậu quả thì không thể cùng áp dụng được. Như chế tài buộc thực hiện
đúng hợp đồng thì không thể áp dụng đồng thời với nó là huỷ hợp đồng,
tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng vì làm như vậy không hề logic do
mục đích và hậu quả của mỗi loại chế tài đưa đến là khác nhau.
Một số loại chế tài có thể tuỳ nghi lựa chọn vì chúng có cùng điều
kiện áp dụng như huỷ hợp đồng, đình chỉ hay tạm ngưng đều có cùng
điều kiện áp dụng là khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Quy định của
pháp luật như vậy không rõ ràng, thiếu chuẩn mực đối với mỗi loại chế
tài vì mức độ khắc nghiệt và hậu quả của nó khác biệt nhau rất lớn.
Những chế tài mang tính trách nhiệm vật chất lại có thể áp dụng
với tất cả các chế tài khác. Điều 299, Luật Thương mại 2005 qui định:
“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian thực hiện buộc thực
hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt
hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác.
Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện hợp
đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp
dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.”.
Quan hệ giữa các biện pháp trách nhiệm vật chất cũng cần phải
được làm rõ. Điều 307, Luật Thương mại 2005 qui định về quan hệ giữa
chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm như sau:
42
“1) Trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi pham thì
bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường
hợp pháp luật có quy định khác.
2) Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm thì bên bị
vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt
hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
1.4.2. Áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại
1.4.2.1. Cơ sở áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại
Các chế tài áp dụng cho việc vi phạm hợp đồng thương mại là
những hình thức của trách nhiệm hợp đồng bởi vậy khi muốn áp dụng
chúng ta cần phải có đủ các điều kiện là căn cứ, cơ sở cho việc áp dụng.
Đối với trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì cơ sở của nó chính là có
hành vi vi phạm hợp đồng, hành xử có lỗi, có mối quan hệ nhân quả
giữa hành vi vi phạm hợp đồng và hậu quả xảy ra.
(1) Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
Trách nhiệm hợp đồng chỉ có thể đặt ra khi có hành vi vi phạm
hợp đồng, như không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, thực hiện không
đúng, chậm trễ trong việc thực hiên nghĩa vụ…Tuy nhiên không phải
người vi phạm nghĩa vụ luôn phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm
nghĩa vụ hợp đồng mà hành vi đó phải trái pháp luật hay thoả thuận của
các bên và không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm do bất khả
kháng, do lỗi hoàn toàn của người có quyền…Hợp đồng trên nguyên tắc
cơ bản khi mà được tạo ra một cách hợp pháp thì nó được coi là có hiệu
lực như luật đối với các bên giao kết. Những ràng buộc của nghĩa vụ
trong hợp đồng được pháp luật bảo vệ, người có nghĩa vụ phải thi hành
43
nghiêm chỉnh nghĩa vụ đã cam kết. Những sử sự không phù hợp với
thoả thuận của các bên, trái với pháp luật, tập quán sẽ là bất hợp pháp và
là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2005 và Luật
Thương mại 2005 đều quy định vi phạm hợp đồng là không thực hiện
nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng. Điều 302, Bộ
luật Dân sự 2005 và khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 qui định:
“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không
đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các
bên hoặc theo quy định của luật này”. Như vậy theo pháp luật Việt
Nam, khi một bên không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ bị
coi là vi phạm và là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng. Hành vi vi phạm
có thể là tác vi hoặc bất tác vi.
Do cách tiếp cận khác nhau nên pháp luật các nước có nhiều cách
phân loại khác nhau về hành vi vi phạm hợp đồng. Bộ luật Dân sự Đức
qui định hai loại là vi phạm dưới hình thức chậm thực hiện nghĩa vụ và
không thể thực hiện nghĩa vụ hay không có khả năng thực hiện nghĩa
vụ. Ngoài ra thực tiễn xét xử còn ghi nhận một hình thức khác là chủ
động vi phạm hợp đồng [7, tr. 359 – 360]. Pháp luật Anh-Mỹ phân chia
hành vi vi phạm thành: vi phạm thực tế (real breach of contract ) là việc
không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng khi đến
hạn. Vi phạm thấy trước hay vi phạm tiên liệu trước (anticipatory
breach of contract) là dạng vi phạm theo đó nếu trước khi đến hạn thực
hiện nghĩa vụ hợp đồng mà bên có nghĩa vụ bằng hành vi của mình
tuyên bố rằng sẽ không thực hiện nghĩa vụ trước khi hết hạn thực hiện
nghĩa vụ [7, tr. 374]. Đây là những cách phân loại mà pháp luật Việt
Nam còn thiếu.
44
(2) Có thiệt hại
Có thiệt hại vật chất đối với bên bị vi phạm mà thiệt hại có thể
là những tổn thất về tài sản, giảm sút uy tín, những chi phí hợp lý mà
bên bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn thiệt hại, khoản lợi nhuận bị
mất…Đối với biện pháp bồi thường thiệt hại thì mục đích là nhằm đặt
nguyên đơn vào vị trí mà họ có thể được hưởng nếu khi không có sự vi
phạm hợp đồng hoặc ít ra cũng là khôi phục lại tình trang ban đầu nếu
mà nguyên đơn không giao kết hợp đồng do tin vào lời hứa của bị đơn.
Luật Thương mại 2005 không nhắc tới những thiệt hại về tinh thần do vi
phạm hợp đồng gây ra có được bồi thường. Trong một vụ việc thực tế
mà trọng tài đã giải quyết, tổn thất về uy tín cũng được bồi thường.
Trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán giầy nữ, trọng tài cho rằng: “Uy
tín thương mại của một thương nhân sẽ bị ảnh hưởng khi họ không thể
thoả mãn được phần lớn các đơn hàng đã ký với khách hàng và xem xét
những suy giảm về lợi nhuận và những số liệu kinh doanh với các khách
hàng đã từng có đơn đặt hàng với nguyên đơn trong thời gian bị vi
phạm so với trước đó” [14, tr. 40].
(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại
Không phải tất sự vi phạm nghĩa vụ nào cũng đều là cơ sở của
trách nhiệm hợp đồng và không phải bất kỳ thiệt hại nào xảy ra trong
quan hệ nghĩa vụ cũng đều do bên vi phạm gánh chịu.
Quan hệ nhân quả là một phạm trù chung cho tất cả các ngành
khoa học tự nhiên, xã hội mà không phải riêng có ở luật học. Quan hệ
nhân quả là mối quan hệ tất yếu tự nhiên của một số sự vật hiện tượng
trong tự nhiên và xã hội, trong đó có những sự vật hiện tượng này là
nguyên nhân và những sự vật hiện tượng kia là kết quả. Trong khoa học
luật, quan hệ nhân quả là quan hệ giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và hậu
45
quả xảy ra, trong đó hành vi vi phạm nghĩa vụ là nguyên nhân còn thịêt
hại xảy ra là kết quả tất yếu. Hành vi phải xuất hiện trước khi thiệt hại
thiệt hại xảy ra, quan hệ giữa hành vi và hậu quả xảy ra đặt trong mối
quan hệ nội tại tất yếu của sự vật hiện tượng. Bên có hành vi vi phạm
nghĩa vụ chỉ phải bồi thường những thiệt hại có nguyên nhân trực tiếp từ
hành vi vi phạm. Tuy nhiên một mối quan hệ nhân quả không thể đi quá
xa vời một cách không hợp lý để bắt người vi phạm phải bồi thường hay
nói cách khác những hành vi vi phạm nghĩa vụ và hậu quả (thiệt hại) chỉ
có thể dự đoán được trước một bởi một người bình thường, minh mẫn, cẩn
trọng thì người bị vi phạm mới phải bồi thường. Trong nhiều trường hợp
thiệt hại xảy ra bắt nguồn từ nhiều hành vi khác nhau bởi vậy để có thể xác
định chính xác trách nhiệm của bên có nghĩa vụ thì nhất thiết phải xem xét
một cách thận trọng những gì là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả
thiệt hại xảy ra.
(4) Có lỗi
Lỗi là một vấn đề pháp lý được đánh giá là tiến bộ, là cơ sở quan
trọng để một người phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nghĩa vụ
hợp đồng của mình. Trong trách nhiệm hợp đồng, khi một người không
thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng
thì đương nhiên bị coi là có lỗi.
Bởi vậy người bị vi phạm chỉ cần quan tâm tới việc nghĩa vụ của
bên kia có được thực hiện, đầy đủ hay không để yêu cầu các biện pháp chế
tài để bảo vệ quyền lợi của mình. Người vi phạm muốn không phải chịu
trách nhiệm thì buộc phải chứng minh là do hoàn cảnh bất khả kháng làm
cho mình không thể thực hiện đúng nghĩa vụ, hoặc đã lỗ lực hết sức trong
phạm vi năng lực của mình nhưng cũng không thể ngăn chặn được việc
nghĩa vụ không được thực hiện đúng, việc không thực hiện được hoàn
46
toàn do lỗi của bên có quyền.
Bộ luật Dân sự 2005, cũng như nhiều luật gia Việt Nam đã định nghĩa
lỗi trong luật dân sự lấy từ quy định về ý tưởng lỗi quy định trong Bộ
luật Hình sự 1999. Lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi vi gây
thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả
của hành vi mà họ đã thực hiện [12, tr. 51]. Theo các luật gia La Mã, lỗi
cũng bao gồm hai loại là cố ý và vô ý nhưng họ dùng tiêu chí một con
người bình thường giả tưởng trung thực, cần mẫn, thận trọng trong
những hoàn cảnh nhất định phải hành động hợp lý làm thước đo để đánh
giá việc có lỗi hay không của người thực hiện hành vi đó [1, tr. 25].
Pháp luật dân sự Pháp cũng xuất phát từ cách quy định lỗi trong luật La
Mã sử dụng các tiêu chí khác so với pháp luật Việt Nam: Lỗi nặng là
trường hợp một người có sự hành xử đi lệch quá xa so với yêu câu, đòi
hỏi của hoàn cảch cho thấy người đó hành động hoàn toàn bất cẩn, ngớ
ngẩn, cẩu thả, không lo lắng gì tới hậu quả có thể xảy ra [10, tr. 107].
Trong khi đó pháp luật Anh - Mỹ không có quy định về lỗi cho việc vi
phạm hợp đồng mà lỗi chỉ có tác dụng trong việc xác định trách nhiệm
ngoài hợp đồng, vì nguyên tắc cơ bản của pháp luật Anh là hợp đồng
phải được thực hiện trong mọi trường hợp và không phụ thuộc vào lỗi
của người vi phạm. Nếu một người nào đã nhận lấy nghĩa vụ theo hợp
đồng thì không thể từ chối thực hiện nó. Nguyên tắc này được gọi là
trách nhiệm tuyệt đối. Trách nhiệm tuyệt đối về mặt lôgic xuất phát từ
nội dung và bản chất của hợp đồng trong luật pháp Anh [1, tr. 26]. Pháp
luật các nước Common Law không đưa ra khái niệm lỗi cho vị vi phạm
hợp đồng. Pháp luật các nước Civil Law đưa ra khái niệm lỗi nhưng
không phải dựa trên thái độ tâm lý đối với hành vi mà sử dụng một tiêu
chuẩn con người bình thường được giả định.
47
Trong trách nhiệm hợp đồng nói chung thì yếu tố lỗi được suy
đoán. Những cam kết, nghĩa vụ đặt ra trong hợp đồng là cái mà pháp luật
buộc các bên phải thực hiện đúng do vậy khi không thực hiện đương nhiên
bị coi là có lỗi, không cần biết đó là hình thức lỗi gì, trừ trường hợp chứng
minh rằng không thể thực hiện được do bất khả kháng hoặc hoàn toàn do
lỗi của bên có quyền.
Luật Thương mại 2005 không coi lỗi là cơ sở duy nhất phát sinh
trách nhiệm hợp đồng tại Điều 294 và Điều 303. Một bên không thực
hiện được nghĩa vụ của mình đã cam kết trong hợp đồng và không thuộc
trường hợp miễn trách nhiệm thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm hợp
đồng. Đây là trường hợp trách nhiệm khách quan, dựa trên lỗi mặc
nhiên.
1.4.2.2. Nguyên tắc áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng
thƣơng mại
Chế tài do các bên lựa chọn và áp dụng
Xuất phát từ nguyên tắc tự do khế ước, các bên có quyền thoả
thuận về mọi thứ không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nên các bên
trong quan hệ hợp đồng có quyền thoả thuận về mọi biện pháp trách
nhiệm, chế tài áp dụng khi mà hợp đồng bị vi phạm. Những thoả thuận
hợp pháp của các bên có hiệu lực, được pháp luật bảo vệ, và người thứ
ba cũng như các cơ quan tài phán toà án, trọng tài tôn trọng. Trên
nguyên tắc tự định đoạt của đương sự toà án hay trọng tài chỉ xem xét,
giải quyết khi có bên yêu cầu cho nên toà án, trọng tài không thể tự
mình áp dụng chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng khi mà các bên
không có yêu cầu. Toà án hay trọng tài chỉ có thể xem về tính hợp pháp
của biện pháp chế tài được yêu cầu áp dụng, phạm vi thiệt hại phải bồi
48
thường hay số tiền phạt vi phạm hợp lý…Bên bị vi phạm áp dụng biện
pháp chế tài nào là do tự họ quýêt định để bảo vệ lấy quyền lợi của
mình.
Nhiều chế tài có thể cùng lúc áp dụng cho một vi phạm cụ thể
Hợp đồng bị vi phạm, để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của
mình người bị vi phạm có yêu cầu áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp
chế tài khác nhau khi mà các biện pháp chế tài được áp dụng không mâu
thuẫn với nhau về bản chất, không logic. Như biện pháp buộc thực hiện
hợp đồng và huỷ hợp đồng, đình chỉ hợp đồng hoàn toàn trái ngược
nhau về bản chất, hậu quả nên không thể cùng áp dụng. Khi những biện
pháp đã áp dụng không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình bên
bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài khác mạnh hơn. Việc áp dụng các
biện pháp chế tài khác không làm mất đi quyền yêu cầu đòi bồi thường
thiệt hại của bên bị thiệt hại.
Không áp dụng các biện pháp chế tài khi những vi phạm thuộc
trường hợp miễn trách nhiệm
Điều 294, Luật Thương mại 2005 quy định các trường hợp khi
mà bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không phải chịu trách nhiệm đối với
việc vi phạm nghĩa vụ. Bên vi phạm nghĩa vụ chứng minh rằng mình
thuộc một trong những trường hợp miễn trách nhiệm thì không thể áp
dụng chế tài.
1.4.2.3. Điều kiện áp dụng đối với các chế tài cụ thể
Không phải tất cả các biện pháp chế tài khi áp dụng đều cần đầy
đủ cả bốn cơ sở đó là có hành vi vi phạm, có thiệt hại xảy ra, có lỗi và
có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Bởi
vậy đối với mỗi chế tài có những điều kiện để áp dụng riêng.
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại

Mais conteúdo relacionado

Mais procurados

Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đềTổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Thanh Trúc Lưu Hoàng
 

Mais procurados (20)

Đề tài Bồi thường thiệt hại hợp đồng theo luật thương mại
Đề tài Bồi thường thiệt hại hợp đồng theo luật thương mạiĐề tài Bồi thường thiệt hại hợp đồng theo luật thương mại
Đề tài Bồi thường thiệt hại hợp đồng theo luật thương mại
 
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAYĐề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
 
Đề tài: Giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng, HOT
Đề tài: Giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng, HOTĐề tài: Giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng, HOT
Đề tài: Giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng, HOT
 
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt NamLuận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
 
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản, HOT
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản, HOTLuận văn: Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản, HOT
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản, HOT
 
Quy định về miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, HAY
Quy định về miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, HAYQuy định về miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, HAY
Quy định về miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, HAY
 
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt NamLuận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
 
Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HAY
Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HAYMiễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HAY
Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HAY
 
Luận văn: Vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế trong luật quốc tế
Luận văn: Vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế trong luật quốc tế Luận văn: Vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế trong luật quốc tế
Luận văn: Vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế trong luật quốc tế
 
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đLuận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
 
Luận văn: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài vụ việc
Luận văn: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài vụ việcLuận văn: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài vụ việc
Luận văn: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài vụ việc
 
Luận văn: Giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế hiện nay, HAY
Luận văn: Giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế hiện nay, HAYLuận văn: Giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế hiện nay, HAY
Luận văn: Giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế hiện nay, HAY
 
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOTLuận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
 
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAYLuận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
 
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đềTổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
 
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đLuận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
 
Luận văn: Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển, HAY
Luận văn: Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển, HAYLuận văn: Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển, HAY
Luận văn: Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển, HAY
 
Luận văn: Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam, HAYLuận văn: Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam, HAY
 
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
 
Luận văn: Pháp luật hợp đồng đáp yêu cầu của nền kinh tế thị trường
Luận văn: Pháp luật hợp đồng đáp yêu cầu của nền kinh tế thị trườngLuận văn: Pháp luật hợp đồng đáp yêu cầu của nền kinh tế thị trường
Luận văn: Pháp luật hợp đồng đáp yêu cầu của nền kinh tế thị trường
 

Semelhante a Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại

Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt namHiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
https://www.facebook.com/garmentspace
 

Semelhante a Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại (20)

Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂMLuận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
 
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
 
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánLuận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
 
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mạiLuận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
 
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂMLuận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật, 9 ĐIỂMLuận văn: Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật, 9 ĐIỂM
 
Luan van giai thich hop dong theo phap luat dan su viet nam, hot
Luan van giai thich hop dong theo phap luat dan su viet nam, hotLuan van giai thich hop dong theo phap luat dan su viet nam, hot
Luan van giai thich hop dong theo phap luat dan su viet nam, hot
 
Luận văn: Giải thích hợp đồng theo pháp luật dân sự, HOT
Luận văn: Giải thích hợp đồng theo pháp luật dân sự, HOTLuận văn: Giải thích hợp đồng theo pháp luật dân sự, HOT
Luận văn: Giải thích hợp đồng theo pháp luật dân sự, HOT
 
Luận văn: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo pháp luật - Gửi miễn ph...
Luận văn: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo pháp luật - Gửi miễn ph...Luận văn: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo pháp luật - Gửi miễn ph...
Luận văn: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo pháp luật - Gửi miễn ph...
 
Luận văn: Pháp luật về đề nghị giao kết hợp đồng trong toàn cầu hóa
Luận văn: Pháp luật về đề nghị giao kết hợp đồng trong toàn cầu hóaLuận văn: Pháp luật về đề nghị giao kết hợp đồng trong toàn cầu hóa
Luận văn: Pháp luật về đề nghị giao kết hợp đồng trong toàn cầu hóa
 
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đThỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
 
Vi phạm về giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, HAY
Vi phạm về giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, HAYVi phạm về giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, HAY
Vi phạm về giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, HAY
 
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt namHiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
 
Luan an hieu luc cua hop dong theo qui dinh cua phap luat viet nam
Luan an   hieu luc cua hop dong theo qui dinh cua phap luat viet namLuan an   hieu luc cua hop dong theo qui dinh cua phap luat viet nam
Luan an hieu luc cua hop dong theo qui dinh cua phap luat viet nam
 
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật, HAY
Đề tài: Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật, HAYĐề tài: Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật, HAY
Đề tài: Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật, HAY
 
Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật lao động Việt Nam.pdf
Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật lao động Việt Nam.pdfVi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật lao động Việt Nam.pdf
Vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động trong pháp luật lao động Việt Nam.pdf
 
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, 9 điểm
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, 9 điểmLuận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, 9 điểm
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, 9 điểm
 
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật, HAY
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật, HAYLuận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật, HAY
Luận văn: Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật, HAY
 
Luận văn: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật - Gửi miễn phí qu...
 

Mais de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Mais de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Último

Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
dangdinhkien2k4
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
ChuThNgnFEFPLHN
 

Último (20)

3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 

Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại

  • 1. 1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT --------------------- TRẦN THỊ KIM OANH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Hà Nội – Năm 2014
  • 2. 2 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT --------------------- TRẦN THỊ KIM OANH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI Chuyên ngành: LUẬT KINH TẾ Mã số: 60 38 01 07 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: TS . HOÀNG ANH TUẤN Hà Nội – Năm 2014
  • 3. 3 MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU ........................................................................................ 5 CHƢƠNG 1 : LÝ LUẬN TỔNG QUÁT VỀ CÁC CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI.................................... 9 1.1. Khái niệm, bản chất, ý nghĩa và các đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại..................................................................... 9 1.1.1. Khái niệm hợp đồng thương mại và các đặc điểm liên quan của hợp đồng thương mại với các loại chế tài ............................................... 9 1.1.2. Khái niệm và bản chất của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại............................................................................................. 11 1.1.3. Ý nghĩa của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ........ 15 1.1.4. Đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ..... 17 1.2. Phân loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ............... 22 1.3. Nội dung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại......... 24 1.3.1. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng........................................ 24 1.3.2. Chế tài phạt vi phạm.................................................................... 29 1.3.3. Chế tài bồi thường thiệt hại ......................................................... 33 1.3.4. Chế tài hủy bỏ hợp đồng.............................................................. 36 1.3.5. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng............................................ 38 1.3.6. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng ....................................... 40 1.4. Mối quan hệ giữa chế tài và áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.................................................................................... 41 1.4.1. Mối quan hệ giữa các chế tài....................................................... 41 1.4.2. Áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.............. 42 CHƢƠNG 2 : THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI................. 56 2.1. Nguồn của pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại. ........................................................................................................ 56 2.2. Thực tiễn áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ở Việt Nam................................................................................................ 57 2.3. Những bất cập chủ yếu của pháp luật Việt Nam về chế tài áp dụng đối với vi phạm hợp đồng thương mại .................................................. 91 2.4. Nguyên nhân của những bất cập .................................................... 94 CHƢƠNG 3 : KIẾN NGHỊ ĐỊNH HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI................................................ 96 3.1. Sự cần thiết hoàn thiện pháp luật về thể loại chế tài đói với vi phạm hợp đồng thương mại............................................................................. 96 3.2. Định hướng hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.................................................................................... 98
  • 4. 4 3.3. Các giải pháp chủ yếu hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại................................................................... 99 KẾT LUẬN......................................................................................... 104 TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................. 106
  • 5. 5 LỜI MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của đề tài Hợp đồng là nền tảng của luật kinh doanh [2, tr. 8]. Do đó việc thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng giúp cho pháp luật kinh doanh, thương mại được thực hiện và thúc đẩy kinh tế phát triển bởi hợp đồng có chức năng biến các dự định, kế hoạch kinh doanh trở thành hiện thực [2, tr. 7]. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng thường xảy ra các vi phạm hợp đồng mà sự vi phạm đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để bảo đảm lợi ích cho bên bị vi phạm, pháp luật bao giờ cũng dự liệu những chế tài do vi phạm hợp đồng. Các chế tài này được chia thành nhiều thể loại khác nhau phụ thuộc vào từng nền tài phán, nhưng có nhiều điểm chung giữa các nền tài phán bởi mục đích của chúng. Cũng như pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam rất coi trọng việc qui định các chế tài bởi chúng là một phần không thể tách rời của pháp luật hợp đồng. Các quy định về chế tài thương mại đã dành được sự quan tâm thích đáng của các nhà làm luật và đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật quan trọng ở Việt Nam như: Bộ luật Dân sự 2005, và Luật Thương mại 2005… Tuy nhiên qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện và cơ bản, nhưng các quy định của các văn bản này và nhiều văn bản khác về chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói chung và vi phạm hợp đồng thương mại nói riêng tại còn có nhiều bất cập. Chúng mâu thuẫn, chồng chéo, vừa thừa lại vừa thiếu. Hơn nữa việc áp dụng chúng còn nhiều điểm phải bàn. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung và hoàn
  • 6. 6 thiện các chế tài này cho phù hợp với thực tế cuộc sống và đáp ứng mục tiêu hội nhập quốc tế là một nhu cầu cấp thiết. Bởi những lẽ đó, tôi xin lựa chọn đề tài “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại” làm đề tài cho Luận văn thạc sĩ luật học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu Là một chế định hết sức quan trọng, bởi vậy việc tìm hiểu và nghiên cứu về chế tài do vi phạm hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng đã dành được nhiều sự quan tâm của các luật gia trên thế giới và ở Việt Nam từ trước tới nay. Một số công trình ở nước ngoài tiêu biểu nghiên cứu chuyên sâu về chế tài đối với vi phạm hợp đồng phải kể đến là: (1) tác phẩm “Remedies: Commentary and Materials” của Michael Tilbury, Micheal Noone, Bruce Kercher xuất bản tại The Law Book Company Limited, năm 1988, tại New South Wales, Australia; và (2) tác phẩm “Contract Remedies” của Jane M. Friedman xuất bản tại St. Paul, Minn. West Publishing Co., năm 2981 tại USA. Ở Việt Nam có một số công trình có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này như: (1) “Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học)” của PGS. TS. Ngô Huy Cương xuất bản tai Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013; (2) tác phẩm “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án” cuat PGS. TS. Đỗ Văn Đại xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2008 tại Hà Nội; (3) tác phẩm “Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Ngọc Khánh xuất bản tại Nhà xuất bản Tư pháp năm 2007 tại Hà Nội. Tuy nhiên các
  • 7. 7 công trình này không hoàn toàn dành cho việc hoàn thiện pháp luật hiện hành ở Việt Nam về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại. 3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu Luận văn giới hạn hoạt động nghiên cứu của mình tới các mục đích sau: + Nghiên cứu tổng quát lý luận về các hình thức chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại; + Phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay về vấn đề này; + Kiến nghị các định hướng và giải pháp hoàn thiện chế định này ở Việt Nam. Luận văn không hướng tới việc xây dựng cụ thể mô hình xây dựng pháp luật về lĩnh vực này. Luận văn cũng không đi sâu vào nghiên cứu việc áp dụng chế tài cho các loại tranh chấp cụ thể. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng chủ yếu các phương pháp sau đây trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử: Phương pháp so sánh pháp luật, phương pháp phân tích các quy định pháp luật, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích vụ việc và phương pháp lịch sử. 5. Kết cấu của Luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chủ yếu của Luận văn chia thành ba chương như sau:
  • 8. 8 Chương 1: Lý luận tổng quát về các chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại. Chương 2: Thực trạng pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại Chương 3: Kiến nghị định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại.
  • 9. 9 CHƢƠNG 1 LÝ LUẬN TỔNG QUÁT VỀ CÁC THỂ LOẠI CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VI PHẠM HỢP ĐỒNG THƢƠNG MẠI 1.1. Khái niệm, bản chất, ý nghĩa và các đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại 1.1.1. Khái niệm hợp đồng thƣơng mại và các đặc điểm liên quan của hợp đồng thƣơng mại với các loại chế tài Hợp đồng luôn luôn được hiểu trong tất cả các nền tài phán là sự thỏa thuận hay thống nhất ý chí nhằm xác lập nên một hậu quả pháp lý, hay nói cách khác làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật. Hợp đồng được phân loại theo nhiều căn cứ phân loại khác nhau. Có một căn cứ phân loại liên quan tới đề tài Luận văn này là căn cứ vào pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Với căn cứ này, hợp đồng được chia thành hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại và hợp đồng hành chính. Hợp đồng là một loại hành vi pháp lý, có nghĩa là hành vi pháp lý được chia thành hợp đồng (sự thống nhất ý chí) và hành vi pháp lý đơn phương (sự thể hiện ý chí đơn phương). Do đó khi phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại, người ta thường dựa vào lý thuyết phân biệt giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại. PGS. TS. Ngô Huy Cương cho rằng có ba cách để phân biệt giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại như sau: Cách thứ nhất, lấy công thức T - H - T’ của kinh tế chính trị để phân biệt. Theo công thức này hành vi thương mại khác với hành vi dân sự ở chỗ nó nhằm tới ∆T = T’ – T.
  • 10. 10 Cách thứ hai, phân loại hành vi thương mại để phân biệt với hành vi dân sự. Hành vi thương mại có thể được chia thành hành vi thương mại do bản chất, hành vi thương mại do hình thức, và hành vi thuơng mại do phụ thuộc. Hành vi thương mại do bản chất là loại hành vi có bản chất nhằm tới ∆T. Còn hành vi thương mại do hình thức là loại hành vi mà có hình thức khiến người ta cho rằng nó nhằm tới ∆T. Cách thứ ba, lấy các thành tố mua vào, bán ra của tư bản thương mại để xác định. Mua vào là một yếu tố khởi đầu để tạo nên hành vi thương mại. Người ta có thể mua vào hàng hóa rồi bán ra chính hàng hóa đó hoặc có thể gia công thêm như bao gói, chia nhỏ, chế biến, sửa chữa, bồi đắp, hoặc gia cố lại … rồi bán. Người ta cũng có thể mua vào vật liệu, sức lao động, công cụ để làm ra dịch vụ để bán ra. Nếu một người mua hàng hoá về để tiêu dùng thì hành vi này không có tính cách thương mại mà là hành vi dân sự. Thuật ngữ bán ra ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả việc cho thuê các đồ vật mà người cho thuê đã mua vào hay đã thuê về nhằm mục đích kiếm lời. Đôi khi người ta bắt gặp cả đối tượng của sự thuê mướn là các tài sản vô hình là các quyền. Vậy hành vi thuê lại (sub- lease) thường là hành vi thương mại [3, tr. 109 – 110]. Qua các phân tích trên, có thể hiểu: hợp đồng thương mại là loại hành vi thương mại chủ yếu được giao kết giữa thương nhân với thương nhân, hoặc giữa thương nhân với người không phải là thương nhân, hoặc giữa những người không phải là thương nhân với nhau đều nhằm mục tiêu lợi nhuận. Lưu ý rằng trong các hợp đồng giao kết giữa thương nhân và người không phải là thương nhân phần nhiều là hợp đồng hỗn hợp, có nghĩa là hành vi thương mại và dân sự hỗn hợp. Liên quan tới loại hành vi hỗn hợp này, Điều 1, khoản 3 của Luật Thương mại 2005
  • 11. 11 cho phép bên không phải là thương nhân có quyền lựa chọn áp dụng luật thương mại hoặc luật dân sự. Sự phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có ý nghĩa trong những nền tài phán có sự pháp điển hóa riêng biệt giữa luật dân sự và luật thương mại bởi sự phân biệt này có thể dẫn đến sự tách bạch các chế tài đối với các vi phạm hợp đồng dân sự và các chế tài đối với các vi phạm hợp đồng thương mại. Hợp đồng thương mại có các đặc điểm khác biệt so với hợp đồng dân sự. Tất cả các hợp đồng thương mại đều là hợp đồng song vụ có đền bù bởi mục tiêu lợi nhuận của hành vi thương mại. Còn đối với hợp đồng dân sự thì không phải tất cả các hợp đồng dân sự đều là hợp đồng song vụ có đền bù. Chẳng hạn hợp đồng tặng cho, hợp đồng gửi giữ không có đối khoản không phải là hợp đồng có đền bù vì người tặng cho, người nhận gửi giữ không nhận lại một lợi ích nào từ người được tặng cho hay người gửi giữ. Từ đặc điểm khác biệt này của hợp đồng thương mại làm phát sinh ra một hệ quả là, ngoài các chế tài chung đối với các vi phạm các loại hợp đồng nói chung, có các thể loại chế tài áp dụng riêng cho hợp đồng thương mại, chẳng hạn như chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng. Các loại chế tài này không áp dụng cho các loại hợp đồng đơn vụ, không có đền bù. 1.1.2. Khái niệm và bản chất của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Hợp đồng là một chế định trung tâm của luật dân sự, cũng như luật thương mại. Hoạt động chủ yếu của thương nhân là việc giao kết và thực hiện hợp đồng như: hợp đồng thuê trụ sở; hợp đồng thuê lao động;
  • 12. 12 hợp đồng mua sắm trang thiết bị; hợp đồng mua dịch vụ điện, nước, viễn thông; hợp đồng mua nguyên, nhiên, vật liệu; hợp đồng bán hàng hóa, dịch vụ… Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng khiến các bên đạt được những lợi ích mà mình nhằm tới. Tuy nhiên do những nguyên nhân hoặc khách quan hoặc chủ quan hợp đồng có thể bị vi phạm, có nghĩa là không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Sự vi phạm có thể gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Ngoài ra sự vi phạm đó còn có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định của các quan hệ xã hội, trật tự của các giao dịch thương mại, sự phát triển bình thường nền kinh tế. Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 1134 tuyên bố một nguyên tắc quan trọng cho việc thi hành các hợp đồng là: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có giá trị như luật đối với các bên giao kết”. Do đó hợp đồng một khi đã được giao kết hợp pháp có hiệu lực ràng buộc như pháp luật đối với các bên gioa kết, có nghĩa là các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ những nghĩa vụ được thoả thuận trong hợp đồng [13, tr48]. Vì thế bên vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng đối với bên bị vi phạm. Để bảo vệ bên bị vi phạm, cũng như để làm bình ổn các quan hệ thương mại, pháp luật đặt ra các chế tài đối với bên vi phạm, có nghĩa là bắt bên vi phạm phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bất lợi do sự kiện vi phạm hợp đồng. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại theo tinh thần của Luật Thương mại 2005 (Điều 292) là biện pháp pháp lý mà bên bị vi phạm, toà án, hay trọng tài áp dụng đối với bên vi phạm do việc không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật liên quan. PGS. TS. Ngô Huy Cương cho rằng: “Trong nghĩa vụ hợp đồng, nếu một bên
  • 13. 13 không tự nguyện thực hiện, thì tố quyền đối với vi phạm nghĩa vụ là cần thiết; và pháp luật cần dự liệu các loại chế tài khác nhau để trái chủ tìm kiếm sự cưỡng bức thi hành nghĩa vụ” [2, tr. 389 – 390]. Như vậy chế tài trước hết gắn với quyền khởi kiện, và bảo đảm thi hành nghĩa vụ hợp đồng. Có quan điểm cho rằng: trách nhiệm dân sự nói chung là một chế tài của ngành luật dân sự và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là một chế tài trong nghĩa vụ [12, tr 46]. Như vậy theo quan điểm này, chế tài và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là đồng nhất. Trong khi đó quan điểm khác lại cho rằng không có sự đồng nhất như vậy, và cho rằng xem xét bản chất trách nhiệm dân sự, cần tính đến một thực tế là những xử sự trái với yêu cầu của pháp luật dân sự và/hoặc cam kết đã thoả thuận sẽ dẫn một loạt các chế tài cho bên vi phạm, nhưng trong đó không phải chế tài nào cũng là biện pháp của trách nhiệm dân sự [7, tr. 344]. Một số quan điểm thuộc pháp luật của nước Nga cho rằng: Trách nhiệm dân sự không phải chỉ là chế tài dân sự thuần tuý đối với hành vi vi phạm mà phải là loại chế tài dẫn tới sự tước đoạt mang tính chất tài sản hoặc nhân thân đối với bản thân người vi phạm [6, tr 95]. Như vậy theo quan điểm này thì có sự khác biệt, không phải chế tài nào cũng là biện pháp của trách nhiệm dân sự mà trách nhiệm dân sự- là những chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ mà việc áp dụng những chế tài đó sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho bên vi phạm dưói hình thức tước quyền dân sự và/ hoặc đặt ra những nghĩa vụ mới hoặc nghĩa vụ bổ xung như bồi thường thiệt hại, nộp phạt vi phạm hoặc trả tiền lãi đối với khoản tiền trả chậm [6, tr. 95]. Trách nhiệm dân sự là nguồn gốc của nghĩa vụ dân sự không căn cứ vào ý chí của các đương sự muốn tạo lập ra nghĩa vụ, nguồn gốc này căn cứ vào hành vi mà
  • 14. 14 dân luật coi như trái luật. Vì vậy dân luật bắt người làm ra hành vi ấy phải bồi thường cho người chịu những hậu quả thua thiệt của hành vi ấy [8, tr. 431]. Vũ Văn Mẫu đã phân biệt hai nguồn gốc của nghĩa vụ khác nhau đó là khế ước và trách nhiệm khế ước. Khế ước ấn định rõ phạm vi nội dung nghĩa vụ của các người kết ước. Nếu họ tự ngưyện thi hành tất cả các nghĩa vụ ấy thì sẽ không có vấn đề gì đặt ra. Nếu trái lại các nghĩa vụ ấy không đựơc thi hành, sẽ đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho bên nào bị tổn thiệt. Đây là nguồn gốc thứ hai của nghĩa vụ trách nhiệm khế ước [8, tr. 433 - 434]. Giới luật học vẫn chưa thống nhất với nhau về khái niệm trách nhiệm dân sự. Vì vậy cần làm rõ mối quan hệ giữa chế tài do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm hợp đồng. Cụ thể bên vi phạm hợp đồng bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế theo pháp luật hoặc theo sự thoả thuận của các bên mà những biện pháp này có thể do tòa án, có thể do trọng tài áp dụng hoặc có thể do các bên tự áp dụng. Vậy có thể coi chế tài là hình thức của trách nhiệm dân sự áp dụng đối với người có hành vi vi phạm hợp đồng. Vì là chế tài của luật tư nên chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại rất linh động và có thể do các bên tự thoả thuận áp dụng. PGS. TS. Ngô Huy Cương viết: “Chế tài là một đặc trưng cơ bản của pháp luật. Nó là một phương tiện để thi hành quyền hoặc ngăn cản việc vi phạm quyền hay khắc phục các hậu quả của sự vi phạm quyền. Trong quan hệ hợp đồng, chế tài được hiểu là các quyền trao cho một bên bởi pháp luật hoặc bởi hợp đồng mà bên được trao quyền có thể thi hành đối với sự vi phạm bởi bên đối ước kia” [2, tr. 391]. Có thể hiểu một cách đơn giản: chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại là một loại hậu quả pháp lý bất lợi do pháp luật hoặc do
  • 15. 15 chính hợp đồng đó qui định mà bên vi phạm hợp đồng thương mại phải gánh chịu vì lợi ích của bên bị vi phạm. 1.1.3. Ý nghĩa của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại có những ý nghĩa cơ bản đối với các bên và đối với xã hội như sau: Ý nghĩa thứ nhất: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm, đồng thời bảo vệ bên vi phạm. Qua hợp đồng thương mại các bên giao kết đều nhắm tới một lợi ích nhất định từ việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng được giao kết hợp pháp là luật ràng buộc các bên giao kết. Khi hợp đồng bị một bên vi phạm thì có nghĩa là bên vi phạm đã bội ước và được xem là vi phạm pháp luật. Do đó chế tài đặt ra đối với bên vi phạm hợp đồng để buộc bên vi phạm chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm. Quyền và lợi ích chính đáng của bên bị vi phạm được bảo vệ bằng việc tự mình áp dụng những chế tài đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc yêu cầu các toà án, trọng tài áp dụng những chế tài đã được pháp luật dự liệu. Những thiệt hại do vi phạm hợp đồng phải được bên vi phạm bù đắp. Khi hợp đồng không được thực hiện đúng và đầy đủ, lợi ích đáng được hưởng (nếu hợp đồng được thực hiện đúng) bị mất. Do đó chế tài bồi thường thiệt hại đặt ra để trả lại cho ngưòi bị vi phạm vị thế mà anh ta được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng và đầy đủ. Chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng là hậu quả pháp lý bất lợi mà bên này phải gánh chịu do sự không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ mà mình đã cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên ngoài mục đích cưỡng chế đối với bên vi phạm, pháp
  • 16. 16 luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại cũng bảo vệ bên vi phạm bằng cách quy định một cách rõ ràng điều kiện áp dụng, trình tự áp dụng, cũng như những mức độ, phạm vi hợp lý của những gì mà bên vi phạm phải bù đắp cho bên bị vi phạm. Đối với việc áp dụng chế tài pháp luật còn quy định một cách rõ ràng về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng, quy định về việc lạm dụng quyền của bên bị vi phạm, cũng như qui định về nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm, qui định về nguyên tắc thiện chí, công bằng trong việc áp dụng chế tài. Ý nghĩa thứ hai: Ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng, đồng thời nâng cao ý thức đối với vấn đề thi hành hợp đồng. Luật Thương mại 2005 tại Điều 292 qui định về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại. Đây là một thể loại chế tài mang tính trừng phạt đối với bên vi pham hợp đồng dù chưa có thiệt hại vật chất nào xảy ra đối với bên bị vi phạm. Chế tài này có ý nghĩa răn đe đối với bên vi phạm hợp đồng, đồng thời răn đe chung đối với bất kỳ ai đã giao kết hợp đồng hoặc sẽ giao kết hợp đồng trong tương lai. Việc quy định các chế tài nói chung đối với vi phạm hợp đồng thương mại tác động tới ý thức của mọi người trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Qua các thể loại chế tài đối vi phạm hợp đồng thương mại, ý thức, trách nhiệm đối với việc thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng được nâng cao, cóa tác dụng ngăn ngừa các vi phạm xảy ra hoặc hạn chế tổn thất có thể xảy ra do hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng bị vi phạm.
  • 17. 17 Ý nghĩa thứ ba: Bảo vệ sự trật tự và ổn định của giao lưu dân sự và thúc đẩy sự phát triển của thương mại. Việc quy định rõ ràng, cụ thể về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, cũng như các điều kiện, trình tự thủ tục áp dụng từng loại chế tài khiến cho người giao kết hợp đồng nói chung và các thương nhân nói riêng an tâm để tiến hành các dự định giao lưu hay công cuộc làm ăn của mình bởi quyền lợi chính đáng của mình được bảo vệ bởi pháp luật. Việc áp dụng đúng đắn các chế tài đối với các vi phạm hợp đồng góp phần làm cho các tranh chấp được xử lý nhanh chóng, công bằng, và qua đó làm ổn định các giao dịch; đồng thời người giao kết hợp đồng không mất nhiều thời gian cho việc giải quyết hợp đồng bị vi phạm, và các bên có thể nhanh chóng đi tìm những quan hệ hợp tác mới hoặc tạo những cơ hội mới cho sự hợp tác. Việc áp dụng đúng đắn các chế tài như vậy mặt khác cũng khuyến khích mọi người mạnh dạn giao kết hợp đồng không chỉ với các đối tác trong nước, mà còn với các đối tác nước ngoài, đồng thời khuyến khích người dân tham gia kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. 1.1.4. Đặc điểm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại ngoài việc mang các đặc điểm của chế tài nói chung, còn mang những đặc điểm riêng biệt của chế tài thương mại. Các đặc điểm chung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại bao gồm: Thứ nhất, chế tài chỉ áp dụng khi có vi phạm hợp đồng .Khi một bên vi phạm hợp đồng là vi phạm các thoả thuận mà mình đã cam kết
  • 18. 18 trong hợp đồng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác được pháp luật bảo vệ. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại chỉ được đặt ra khi mà có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên – đó là những xử sự trái với những gì mà mình đã cam kết trong hợp đồng dẫn tới việc gây nên hoặc đe dọa gây nên một tổn thất cho người khác, và đó chính là xâm phạm tới những quan hệ được pháp luật thương mại bảo vệ. Do đó bên vi phạm phải gánh chịu một chế tài tương thích vì sự vi phạm hợp đồng như vậy. Thứ hai, chế tài là hình thức cưỡng chế của nhà nước đối với bên vi phạm. Việc không thực hiện, thực hiện không đúng hay thực hiện không đầy đủ hợp đồng gây nên hoặc đe dọa gây nên sự thiệt hại của bên bị vi phạm. Vì vậy bên bị vi phạm có quyền tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc yêu cầu nhà nước can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình trước sự vi phạm pháp luật đó. Đối với luật tư, nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu của đương sự. Khi được yêu cầu, nhà nước sự dụng biện pháp cưỡng chế cưỡng chế đối với bên vi phạm hợp đồng bằng cách áp dụng chế tài do pháp luật qui định hay do các bên tự thỏa thuận. Cưỡng chế bằng sức mạnh nhà nước buộc các chủ thể vi phạm hợp đồng phải chịu những hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm của mình hoặc thi hành một mệnh lệnh của toà án. Tính cưỡng chế trong các biện pháp chế tài do nhà áp dụng để vệ quyền lợi chính đáng cho bên bị vi phạm một cách hiệu quả nhất và cũng làm ổn định các quan hệ hợp đồng thương mại, bảo đảm công lý. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại là chế tài của luật tư nên các chủ thể trong quan hệ hợp đồng được tự do thoả thuận các hình thức trách nhiệm cho việc vi phạm hợp đồng. Bởi vậy, toà án hay trọng tài phải tôn trọng những biện pháp chế tài mà các bên đã dự liệu trong hợp đồng để áp dụng cho vi
  • 19. 19 phạm là căn cứ để áp dụng chế tài đó và chỉ xem xét áp dụng các chế tài do các bên yêu cầu mà không thể tự ý áp dụng các biện pháp chế tài mà các bên không yêu cầu. Toà án hay trọng tài là người đứng giữa phân xử cho các bên tranh chấp và áp dụng các biện pháp chế tài bằng sức mạnh của nhà nước để bảo vệ bên bị vi phạm và công lý. Thứ ba, chế tài mang lại hậu quả bất lợi cho bên vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng phải thi hành những phán quyết của toà án hay trọng tài về việc áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng nói chung và hợp đồng thuơng mại nói riêng. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại thường liên quan tới tài sản dù chỉ buộc bên vi phạm hợp đồng phải tuân thủ những gì mình đã cam kết trong hợp đồng (ví dụ: buộc thực hiện đúng hợp đồng như sửa chữa hàng hoá bị khuyết tật, giao nốt hàng hoá còn thiếu, làm một công việc chưa làm…) cho tới buộc bồi thường thiệt hại. Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại còn có những đặc điểm riêng biệt liên quan tới đặc thù luật tư của luật thương mại, bao gồm: (1) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại mang tính tự do thoả thuận, tự định đoạt của đương sự. Bộ luật Dân sự 2005 qui định: “Quyền tự do cam kêt, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kêt, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội. Cam kêt, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.” (Điều 4). Như vậy khi có yêu cầu của đương sự thì tòa án hay trọng tài mới xem xét áp dụng chế tài mà chế tài đó trước hết do các bên đương sự tự thỏa thuận. Sau đó nếu không có sự thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận
  • 20. 20 không rõ ràng hoặc sự thỏa thuận đó trái pháp luật và theo yêu cầu của đương sự, tòa án hay trọng tài căn cứ vào pháp luật để áp dụng chế tài. Toà án không thể buộc bên vi phạm phải bồi thường khi mà bên bị vi phạm không có yêu cầu về bồi thường thiệt hại. Điều đó khác biệt với chế tài hình sự hay chế tài hành chính, các cơ quan nhà nước được tự mình lựa chọn áp dụng chế tài cho những hành vi vi phạm pháp luật bởi hành vi vi phạm đó xâm phạm tới lợi ích của xã hội chứ không phải là những lợi ích tư trong quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại.Trong quan hệ luật tư, toà án hay trọng tài chỉ xem xét những biện pháp chế tài được yêu cầu áp dụng có đủ căn cứ áp dụng hay không, có hợp pháp hay không, quyết định mức độ áp dụng trên những nguyên tắc cơ bản của luật tư. (2) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại áp dụng cho thương nhân. Như trên đã phân tích hợp đồng thương mại được tiến hành bởi các thương nhân. Do đó chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại là hình thức chế tài áp dụng cho đối tượng thương nhân. Thương nhân là người chuyên tiến hành các hành vi thương mại và lấy lấy việc tiến hành các hành vi thương mại làm nghề nghiệp của mình. Thương nhân được chia thành thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân [3, tr. 66]. Khi tiến hành các hành vi thương mại (trong đó chủ yếu là hợp đồng thương mại), thương nhân nếu vi phạm hợp đồng thương mại thì bị áp dụng chế tài đối với những vi phạm đó. Tuy nhiên trong thực tế có những người tiến hành những hành vi thương mại nhưng không có đăng ký kinh doanh, do đó không được coi là thương nhân chính thức nhưng pháp luật vẫn áp dụng chế tài thương mại đối với họ bởi coi họ là thương nhân thực tế.
  • 21. 21 (3) Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại được áp dụng rất linh hoạt và mềm dẻo. Tính linh hoạt và mềm dẻo của việc áp dụng chế tài thương mại trước tiên được thể hiện thông qua việc các bên được tự do thoả thuận chế tài áp dụng trong trường hợp có vi phạm trong hợp đồng. Luật thương mại nói chung không quy định một cách cứng nhắc chỉ một loại chế tài được áp dụng cho bên vi phạm hợp đồng. Ngoài ra các bên có sự lựa chọn các chế tài khác nhau cho cùng một vi phạm (chẳng hạn như chế tài hủy bỏ hợp đồng, chế tài đình chỉ hợp đồng và chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng có chung một điều kiện áp dụng, nhưng các bên có thể lựa chọn áp dụng một trong các chế tài đó phù hợp với hoàn cảnh riêng của họ). Có thể áp dụng nhiều chế tài đồng thời đối với một vi phạm hợp đồng thương mại cụ thể mà không có sự phân biệt giữa chế tài chính và chế tài phụ như trong luật hình sự hay luật hành chính. Ví dụ khi một bên giao thiếu hàng hóa và hàng hoá có khuyết tật thì các chế tài có thể được áp dụng đồng thời bao gồm: buộc thực hiện đúng hợp đồng (giao hàng còn thiếu), khắc phục khuyết tật của hàng hoá, bồi thường thiệt hại, và phạt vi phạm hợp đồng (nếu các bên có thỏa thuận chế tài phạt vi phạm hợp đồng). Chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại do các bên trong quan hệ hợp đồng áp dụng hoặc yêu cầu toà án hay trọng tài áp dụng. Chẳng hạn: bên bị vi phạm hợp đồng có thể tự mình áp dụng các chế tài như buộc thực hiện đúng hợp đồng, khắc phục khuyết tật hàng hoá, hay tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng… Bên bị vi phạm có cũng có quyền yêu cầu toà án hay trọng tài buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại, chi trả tiền phạt, hoặc tuyên bố hủy bỏ hợp đồng…
  • 22. 22 Như vậy vi phạm hợp đồng thương mại cũng là một hình thức vi phạm pháp luật. Tuy nhiên chế tài và việc áp dụng chế tài đối với các vi phạm đó linh động hơn và mềm dẻo hơn bởi tính chất luật tư của luật thương mại quyết định. 1.2. Phân loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Luật Thương mại 2005 liệt kê sáu chế tài cụ thể có thể được áp dụng đối với các vi phạm hợp đồng thương mại tại Điều 292. Ngoài các chế tài đó, đạo luật này còn cho phép các bên có thể sáng tạo ra các thể loại chế tài khác. Người áp dụng pháp luật không thể từ chối yêu cầu áp dụng các chế tài do các bên sáng tạo bởi sự thỏa thuận. Đây là điểm tiến bộ của Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997. Luật Thương mại 1997 chỉ ghi nhận bốn thể loại chế tài cụ thể là buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, và hủy bỏ hợp đồng. Căn cứ vào chế tài có được qui định bởi luật hay không, có thể phân loại chế tài thành chế tài do luật định và chế tài do thỏa thuận. Việc phân loại này có ý nghĩa trong việc áp dụng chế tài. Các điều kiện áp dụng từng loại chế tài do luật định phải căn cứ vào luật. Còn đối với các chế tài do các bên tự thỏa thuận: nếu trong thỏa thuận đó có cả các điều kiện áp dụng thì phải căn cứ vào các điều kiện đó; nếu không có các điều kiện áp dụng trong thỏa thuận đó thì có thể áp dụng các điều kiện tương tự hoặc áp dụng theo lẽ công bằng. Chế tài do luật định thông thường rõ ràng và dễ áp dụng hơn so với chế tài có được do sự thỏa thuận. Chế tài do luật định thường có các điều kiện áp dụng đi kèm và bản thân nó đã được dùng quen dùng bởi các cơ quan tài phán. Còn chế tài do thỏa thuận ít khi có bộ các điều kiện áp dụng đi kèm và các
  • 23. 23 cơ quan tài phán ít khi sử dụng. Do đó trong chừng mực nào đó, chế tài loại này gây ra những khó khăn nhất định cho người áp dụng. Điều 292 của Luật Thương mại 2005 có qui định sáu thể loại chế tài cụ thể, bao gồm: (1) buộc thực hiện đúng hợp đồng; (2) phạt vi phạm; (3) buộc bồi thường thiệt hại; (4) tạm ngừng thực hiện hợp đồng; (5) đình chỉ thực hiện hợp đồng; và (6) hủy bỏ hợp đồng. Có thể nhận xét: ba thể loại chế tài được liệt kê đầu tiên tại điều luật này là các chế tài chung đối với bất kể vi phạm hợp đồng nào; còn ba thể loại chê tài liệt kê tiếp theo là các chế tài chỉ áp dụng đối với các vi phạm hợp đồng thương mại (loại hợp đồng song vụ có đền bù). Vì vậy căn cứ vào đó, có thể chia các thể loại chế tài thành chế tài áp dụng chung đối với vi phạm bất kể loại hợp đồng nào và chế tài chỉ áp dụng đối với các vi phạm hợp đồng song vụ có đền bù. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định chế tài phạt vi phạm khác với các nước theo truyền thống Common Law. Các nước theo truyền thống Common Law không chấp nhận chế tài phạt vi phạm hợp đồng vì cho đó là một sự trừng phạt. Họ cho rằng các chế tài chỉ mang tính chất đền bù, do đó mọi thoả thuận về một khoản phạt vi phạm hợp đồng bị bác bỏ [7, tr. 481]. Đây là một điểm tranh luận khá nhiều về mặt học thuật, nhất là về chức năng của chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Cần lưu ý rằng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại không trùng khít với chế tài thương mại, có nghĩa là nội hàm của chế tài thương mại rộng hơn nội hàm của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại. Chế tài thương mại còn bao hàm cả các chế tài liên quan tới vô hiệu hóa hợp đồng thương mại, vô hiệu hóa công ty thương mại, liên quan tới tài sản kinh doanh… [4].
  • 24. 24 1.3. Nội dung của các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Các chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại không thể nghiên cứu đầy đủ trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ luật học bởi ngoài các chế tài do luật định còn rất nhiều thể loại chế tài do các bên tự thỏa thuận. Do đó mục này chỉ đề cập tới nội dung của từng chế tài được qui định tại Luật Thương mại 2005, nhưng tập trung vào phần lý luận. 1.3.1. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng Trong quan hệ hợp đồng, bên có nghĩa vụ có thể không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Vì vậy quyền yêu cầu của bên kia có thể không được làm thỏa mãn. Để bảo đảm những lợi ích kinh tế của bên có quyền yêu cầu thì bên này có thể yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện những nghĩa vụ đã được thoả thuận trong hợp đồng mà họ vi phạm. Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng là việc buộc thi hành nghiêm chỉnh và đúng đắn nghĩa vụ hợp đồng. Biện pháp này nhằm thiết lập lại vị trí ban đầu vốn có trước khi có sự vi phạm, đưa các bên trở lại với quan hệ hợp đồng như đã thoả thuận. Buộc thực hiện hợp đồng là một thể loại chế tài do luật định nhằm áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng khi bên bị vi phạm yêu cầu. Đây là sự cưỡng chế của nhà nước bắt buộc bên vi phạm thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ đặt ra khi hợp đồng không được thực hiện, thực hiện không đúng. Cần có sự phân biệt giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng với trách nhiệm dân sự. Buộc thực hiện đúng hợp đồng không phải là
  • 25. 25 trách nhiệm dân sự mà đó chỉ nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế những gì mà bên vi phạm đã cam kết thực hiện trong hợp đồng. Nhờ vào sự cưỡng chế này các bên trong hợp đồng trở lại vị trí vốn có của mình trong hợp đồng [7, tr. 345 - 346]. Tuy nhiên việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng không làm mất đi quyền yêu cầu đòi bồi thường những thiệt hại phát sinh do việc nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện, cũng như phạt vi phạm mà các bên đã thoả thuận áp dụng trong trường hợp có vi phạm xảy ra. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa qui định khi nào chế tài phạt vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại loại trừ việc yêu cầu áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Ví dụ: Thương nhân A ký hợp đồng mua 1000 tấn cà phê từ thương nhân B với điều kiện giao hàng vào ngày 02/09/2014. Hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm như sau: “Trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện do cà phê không được giao thì bên B phải chịu một khoản phạt là 20.000.000,00 VNĐ”. Đến ngày 02/09/2014, B không giao cà phê cho A. Tiếp đó A đã gia hạn cho B thêm một tháng để thực hiện việc giao hàng nhưng B vẫn không thực hiện. A khởi kiện ra toà yêu cầu B tiếp tục thực hiện hợp đồng và đòi khoản tiền phạt vi phạm như đã thoả thuận trong hợp đồng”. Với trường hợp như vậy, có một câu hỏi đặt ra là: liệu tòa án có chấp nhận yêu cầu vừa đòi phạt vi phạm hợp đồng, vừa buộc thực hiện đúng hợp đồng hay không? Luật Thương mại 2005 có qui định về mối quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các thể loại chế tài khác như sau: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác”. Vi phạm hợp đồng có hai hình thức: (1) không
  • 26. 26 thực hiện hợp đồng; và (2) thực hiện không đúng hợp đồng. Vì vậy dù là không thực hiện hợp đồng hay thực hiện không đúng hợp đồng thì bên vi phạm đều phải trả tiền phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại và thực hiện đúng hợp đồng. Như vậy, theo quy định của Luật Thương mại 2005, toà án phải chấp nhận yêu cầu của thương nhân A. Vậy có thể thấy: ở đây có sự bất hợp lý là nếu toà chấp nhận yêu cầu của A thì vì khoản tiền phạt vi phạm đối với việc không thực hiện hợp đồng trong trường hợp này được áp dụng sẽ giải phóng bên vi phạm khỏi hợp đồng, nên không thể áp dụng biện pháp buộc thực hiện hợp đồng. Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 1229 có quy định: “Điều khoản phạt vi phạm là sự đền bù cho các thiệt hại do việc không thực hiện các nghĩa vụ chính gây ra cho người có quyền. Người có quyền không thể vừa yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chính vừa đòi phạt vi phạm, trừ trường hợp điều khoản phạt vi phạm được quy định riêng cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ”. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan tại Điều 380 cũng có qui định tương tự như sau: “Nếu người mắc nợ đã hứa trả tiền phạt khi người đó không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người chủ nợ có thể đòi khoản tiền phạt phải trả thay cho việc thi hành hợp đồng. Nếu người chủ nợ tuyên bố với người mắc nợ là người đó yêu cầu trả tiền phạt thì khiếu nại đòi thi hành bị ngăn chặn”. Pháp luật nhiều nước khác cũng quy định tương tự trong trường hợp như vậy, chẳng hạn: Điều 396, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga 1994. Hợp đồng được lập ra để nhằm tới một lợi ích về mặt kinh tế cho cả hai bên thương nhân. Do đó việc yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng sẽ tránh được những sự lãng phí về mặt kinh tế cho các bên cũng như cho xã hội. Hơn nữa, biện pháp buộc thực hiện hợp đồng tỏ ra rất thiện chí đối với bên vi phạm vì anh ta có một cơ hội sửa chữa
  • 27. 27 khuyết tật của hàng hoá, bổ sung hàng hoá thiếu, và có ý nghĩa gần như gia hạn thực hiện hợp đòng cho anh ta. Khuyến khích việc các bên duy trì hợp đồng sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn khi áp dụng các thể loại chế tài khác. Các trường hợp mà bên bị vi phạm yêu cầu buộc bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng. + Bên vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng như giao thiếu hàng, cung ứng dịch vụ không đúng với thoả thuận trong hợp đồng, thì bên bị vi phạm yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng như: giao hàng hoá còn thiếu so với thoả thuận, cung ứng đúng dịch vụ trong hợp đồng. Bên vi phạm không thể dùng các hàng hoá khác không cùng chủng loại, cung ứng dịch vụ khác so với hợp đồng để thay thế, và phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc thực hiện đó. + Trường hợp hàng hoá giao không đúng phẩm chất, kỹ thuật, chất lượng, hàng hoá có khuyết tật thì bên vi phạm phải thay thế, bổ sung thiếu sót, sửa chữa khuyết tật hoặc thay thế hàng hoá theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với các nghĩa vụ về tiền tệ hay phi tiền tệ nguyên tắc là khi có sự vi phạm hợp đồng bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Nhưng vẫn có những ngoại lệ không cho phép áp dụng biện pháp này vì tính chất của hợp đồng, hay nghĩa vụ không thể thực hiện đựoc do hoàn cảnh hoặc theo quy định của pháp luật, sự bất hợp lí về chi phí đối với việc sửa chữa hàng hoá dịch vụ, hay việc thực hiện hợp đồng mang tính tuyệt đối cá nhân…Ví dụ: một kiến trúc sư danh tiếng chuyên thiết kế những công trình xây dựng nổi tiếng cam kết thiết kế một công trình cho Chính phủ Việt Nam để chào mừng kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Đến thời
  • 28. 28 hạn phải giao bản thiết kế công trình, kiến trúc sư đó không giao được bản thiết kế để bắt đầu xây dựng. Chính phủ Việt Nam kiện ra trọng tài bắt kiến trúc sư phải thực hiện đúng hợp đồng. Sẽ là bất hợp lí và không mang lại hiệu quả khi cưỡng ép một công việc mang tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân, vì thế không thể bắt kiến trúc sư phải đưa ra bằng được một bản thiết kế công trình kỉ niệm cho Chính phủ Việt Nam. Nếu bắt buộc kiến trúc sư phải thi hành đúng hợp đồng thì kết quả khó có thể như mong đợi và việc làm này không có lợi cho các bên, gây lãng chí không cần thiết. Hơn nữa nhiều khi việc bắt buộc thực hiện hợp đồng dẫn đến những chi phí bất hợp lí phát sinh. Trong trường hợp chi phí phát sinh do việc buộc thực hiện đúng nghĩa vụ cao hơn nhiều lần giá trị phần nghĩa vụ phải thực hiện, thì thay vi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, người ta có thể áp dụng những chế tài khác hợp lí hơn, công bằng hơn cho bên vi phạm hợp đồng, tránh những sự lãng phí vô ích. Những trường hợp về việc không thể áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng được qui định khá chi tiết trong Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế như sau: “Khi bên có nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ thanh toán, bên có quyền có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, trừ khi: a) Không thể thực hiện nghĩa vụ trên thực tế hoặc theo quy định của pháp luật; b) Việc thực hiện nghĩa vụ hoặc nếu có thể, các phương thức thực hiện nghĩa vụ đòi hỏi những cố gắng hoặc những chi phí bất hợp lý; c) Bên có quyền có thể nhận một cách hợp lý được việc thực hiện nghĩa vụ thông qua các phương pháp khác; d) Việc thực hiện mang tính tuyệt đối cá nhân;
  • 29. 29 e) Bên có quyền không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian hợp lý kể từ thời điểm bên này biết hoặc đáng ra phải biết về không thực hiện nghĩa vụ” (Điều 7.2.2). Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế cũng quy định tương tự tại Điều 46 như sau: “Trong trường hợp hàng hoá được giao không phù hợp với hợp đồng, bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá, trừ khi trong hoàn cảnh lúc đó yêu cầu này là bất hợp lý”. Luật Thương mại Việt Nam 2005 tại Điều 297 về buộc thực hiện đúng hợp đồng không có quy định về những trường hợp loại trừ việc áp dụng biện pháp này. Thiếu sót như vậy có thể gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào giải quyết tranh chấp, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, ảnh hưởng tới tính kinh tế của việc thực hiện hợp đồng, sự công bằng, hợp lý đối với các bên. 1.3.2. Chế tài phạt vi phạm Chế tài này là một dạng của trách nhiệm vật chất được áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng khi các bên thoả thuận một cách rõ ràng về một khoản phạt mà bên vi phạm sẽ phải gánh chịu khi vi phạm hợp đồng. Luật Thương mại 2005 qui định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận.” (Điều 300). Bộ luật Dân sự 2005 đưa ra định nghĩa: “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm” (Điều 442). Phạt vi phạm là một chế tài truyền thống ở
  • 30. 30 Việt Nam. Trước khi kia phạt vi phạm đã được qui định bởi Bộ luật Dân sự 1995, Luật Thương mại 1997, và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989. Theo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng. Trước đó Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 qui định phạt vi phạm là một chế tài luật định áp dụng đối với bên bị vi phạm hợp đồng dù có hay không sự thỏa thuận về chế tài đó. Hiện nay phạt vi phạm được xem là một dạng trách nhiệm vật chất chỉ được áp dụng khi các bên thoả thuận trong hợp đồng. Trước kia pháp luật xem phát vi phạm như là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật nhiều nước coi phạt vi phạm vừa là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, vừa là một dạng trách nhiệm vật chất, ví dụ như Điều 1226 và Điều 1229 của Bộ luật Dân sự Pháp. Các nước theo truyền thống Common Law cho rằng, các biện pháp bảo vệ pháp lý trong dân sự chỉ có thể mang tính chất đền bù mà không có tính chất dự phạt hoặc trừng phạt bên vi phạm hợp đồng vì vậy những thoả thuận mang tính chất dự phạt sẽ không được công nhận hoặc bị bác bỏ [7, tr. 481]. Luật hợp đồng không phải là để trừng phạt các bên không thực thi vì đã không giữ đúng cam kết hợp đồng, mà chỉ để bù đắp những thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng gây ra [9, tr. 348]. Như vậy trong những hệ thống pháp luật khác nhau thì quan niệm về biện pháp phạt vi phạm khác nhau. Phạt vi phạm được coi là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bởi vì bản chất của việc trả tiền phạt vi phạm là sự đền bù vật chất cho bên bị vi phạm [11, tr. 9]. Khoản tiền phạt mà các bên thoả thuận nhằm mục đích bù đắp một phần thiệt hại về tài sản cho bên bị vi phạm.
  • 31. 31 Khoản phạt này tác động trực tiếp nên tình trạng tài sản của người vi phạm. Qua đó họ bị tước đoạt một phần tài sản khi vi phạm hợp đồng. Phạt vi phạm cũng được xem là một biện pháp răn đe, trừng phạt đối với một bên vì đã không giữ đúng những cam kết của mình. Do tính chất là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nên khoản tiền phạt luôn được xem là một bản án treo trên đầu của người vi phạm, và đặt xuống khi có bất cứ yếu tố nào đã được dự tính trong thoả thuận là điều kiện cho việc phát sinh như không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng. Phạt vi phạm có tính trừng phạt bởi khi áp dụng biện pháp này, bên bị vi phạm không cần chứng minh thiệt hại xảy ra, có nghĩa là dù không có thiệt hại xảy ra liên quan tới việc vi phạm thì chế tài phạt vi phạm vẫn được áp dụng. Phạt vi phạm còn được xem như sự bảo đảm cho các quan hệ hợp đồng được ổn định, và giao lưu dân sự phát triển, ngoài ra còn là biện pháp nâng cao đạo đức kinh doanh của các thương nhân. Chế tài phạt vi phạm có một số đặc điểm sau đây: Thứ nhất, phạt vi phạm là một chế tài chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận phạt. Do phạt vi phạm không còn là một hình thức trách nhiệm như các qui định trước kia, nên các cơ quan tài phán phải tôn trọng ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng, không tự ý áp dụng khi không có thoả thuận. Thứ hai, điều khoản về phạt vi phạm không phải là điều khoản bắt buộc trong hợp đồng mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Đặc điểm này xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự. Thứ ba, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi có sự vi phạm hợp đồng của một bên mà không cần tính tới có thiệt hại hay không. Nói cách khác, chỉ cần một bên vi phạm hợp đồng là chế tài phạt vi phạm
  • 32. 32 có thể được áp dụng. Hợp đồng không được thực hiện, hoặc thực hiện không đúng bởi một bên, và không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm thì bên vi phạm phải chi trả khoản tiền phạt đã thoả thuận ngay cả trường hợp bên bị vi phạm không có thiệt hại xảy ra. Đặc điểm này có được bởi chế tài phạt vi phạm là một biện pháp pháp lý mang tính răn đe, trừng phạt đối với bên không giữ đúng cam kết của mình. Thứ tư, mức phạt vi phạm theo Luật Thương mại 2005 có giới hạn là 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trong khi đó Bộ luật Dân sự 2005 tại Điều 422 không quy định giới hạn tối đa mức phạt đối với vi phạm hợp đồng. Có thể sự khác biệt trên là do cách tiếp cận khác nhau giữa hai đạo luật này về bản chất và chức năng của phạt vi phạm hợp đồng. Có thể Bộ luật Dân sự 2005 coi phạt vi phạm vừa mang chức năng đền bù, vừa mang chức năng dự phạt. Dường như nhà làm luật không cho phép toà án can thiệp vào việc xác định mức phạt vi phạm. Do vậy có thể dẫn đến sự bất công bằng đối với bên vi phạm khi mà thoả thuận về mức phạt vi phạm vượt quá rất nhiều so với thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu và phạt vi phạm mang nặng tính trừng phạt. Trong khi pháp luật của hầu hết các nước cho phép toà án can thiệp vào việc xác định lại mức phạt đã thoả thuận trong hợp đồng nhằm mục đích bảo vệ bên yếu thế bị chèn ép, bảo vệ sự công bằng và bảo vệ nguyên tắc thiện chí trung thực. Mức phạt tối đa là 8% phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm theo Luật Thương mại 2005 có lẽ do nhà làm luật coi trọng chức năng trừng phạt đối với việc vi phạm hợp đồng hơn là tính đền bù thiệt hại. Thứ năm, chế tài phạt vi phạm là một dạng trách nhiệm vật chất đối với bên vi phạm nghĩa vụ. Vì thế so với chế tài bồi thường thiệt hại thì phạt vi phạm thuận tiện và dễ dàng cho tất cả các bên và cả cơ quan
  • 33. 33 giải quyết tranh chấp, trong một số trường hợp, khó khăn trong việc xác định thiệt hại, hay mức độ thiệt hại. Phạt vi phạm là một chế tài phổ biến theo pháp luật các nước Civil Law. Nhưng nó không được các nước Common Law chấp nhận, tuy nhiên trong một số trường hợp toà án vẫn có thể quyết định biện pháp phạt vi phạm hợp đồng [9, tr. 349]. 1.3.3. Chế tài bồi thƣờng thiệt hại Các thương nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại. Nếu hợp đồng không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ có thể dẫn đến một bên bị thiệt hại bởi sự vi phạm đó. Thiệt hại về vật chất, cơ hội làm ăn bị bỏ lỡ, khoản lợi nhận không thu được, chi phí phát sinh… là những vấn đề mà pháp luật về hợp đồng quan tâm nhằm mang lại sự công bằng cho bên bị thiệt hại, làm ổn định các giao lưu dân sự. Chế tài bồi thường thiệt hại được đặt ra để bù đắp các thiệt hại về vật chất cho bên bị vi phạm. Bồi thường thiệt hại thiệt hại là một chế định quan trọng trong các biện pháp chế tài đối với việc vi phạm hợp đồng. Trong pháp luật Việt Nam bồi thường thiệt hại được quy định cơ bản trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 và một số đạo luật chuyên ngành khác. Chế tài này được áp dụng rất phổ biến cho mọi trường hợp vi phạm hợp đồng mà có thiệt hại phát sinh. Bồi thường thiệt hại chủ yếu mang tính chất đền bù những thiệt hại mà người có quyền yêu cầu phải gánh chịu do việc hợp đồng bị vi phạm, hoặc những lợi nhuận mà đáng ra được hưởng nếu như việc vi
  • 34. 34 phạm hợp đồng không xảy ra. Bồi thường thiệt hại mang tính tài sản. Đền bù thiệt hại để nhằm mục đích cao nhất không phải là khôi phục lại tình trạng ban đầu mà là trả người có quyền yêu cầu vào vị trí mà anh ta được hưởng nếu như hợp đồng được thực hiện đúng và đầy đủ. Thiệt hại được bồi thường bao gồm: tổn thất về tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, và khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút. Luật Thương mại 2005 quy định những thiệt hại được bồi thường bao gồm cả những khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 302, khoản 2). Như vậy Luật Thương mại 2005 khá tương thích với pháp luật quốc tế, chẳng hạn như: Công ước Viên 1980 (Điều74); Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Điều 7.4.2). Đối với các nước Common Law, bồi thường thiệt hại nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp cao nhất cho người bị vi phạm và chia lợi ích được bảo vệ gồm ba loại: sự kỳ vọng, sự tin tưởng và sự đền bù. Lợi ích kỳ vọng là những gì theo kỳ vọng của nguyên đơn về lợi ích thu được từ việc hợp đồng được hiện thực như đã hứa. Sự bảo vệ lợi ích này liên quan đến việc đặt nguyên đơn vào vị trí mà họ được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đầy đủ bằng cách mang lại cho nguyên đơn những lợi ích tương đương mà họ có thể nhận được. Lợi ích tin tưởng là lợi ích của nguyên đơn khi được đặt vào vị trí mà lẽ ra đã có nếu như hợp đồng không được thiết lập (liên quan đến vị trí được thiết lập từ những hợp đồng được thiết lập trên sự tin tưởng). Lợi ích đền bù là lợi ích của nguyên đơn khi được bồi thường những thiệt hại phát sinh từ sự hưởng lợi không công bằng của bị đơn [9, tr. 350]. Trong đó những khoản lợi kỳ vọng là lợi ích cao nhất mà bị đơn có thể được bù đắp.
  • 35. 35 Như vậy có thể thấy có những sự tương đồng nhất định giữa các hệ thống pháp luật khác nhau. Mục đích của chế tài bồi thường thiệt hại trong truyền thống Civil Law và truyền thống Common Law đều nhằm tới việc đưa người bị thiệt hại trở về với đúng vị trí mà đáng ra anh ta được hưởng nếu như hợp đồng được thực hiện một cách đầy đủ (khoản lợi bị mất đi khi mà hợp đồng không được thực hiện đúng của Civil Law và lợi ích kỳ vọng trong Common Law ). Chế tài bồi thường thiệt hại có các đặc điểm sau đây: + Chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế; + Bồi thường thiệt hại không được đem lại cho người bị thiệt hại sự hưởng lợi bất chính đáng; + Bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào việc các bên có thoả thuận về nó trong hợp đồng hay không; + Chế tài bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng với tất cả các loại chế tài khác miễn là có thiệt hại phát sinh từ việc hợp đồng bị vi phạm; + Thiệt hại được bồi thường phải xác thực, hợp lý và có thể dự đoán được bởi người bình thưòng trong những hoàn cảnh, diễn biến bất thường của hợp đồng dự đoán được những thiệt hại có thể xảy ra. Chế tài bồi thường thiệt hại chỉ có thể được áp dụng theo các căn cứ sau đây: - Có hành vi vi phạm hợp đồng; - Có thiệt hại thực tế xảy ra; - Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra; - Có lỗi của bên vi phạm.
  • 36. 36 Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng, nhằm bù đắp những tổn thất cho bên bị vi phạm, bảo đảm sự công bằng đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Ngoài ra người bị vi phạm hợp đồng, trên nguyên tắc cơ bản là thiện chí, trung thực có nghĩa vụ thực hiện những biện pháp nhất định để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. 1.3.4. Chế tài hủy bỏ hợp đồng Hợp đồng là công cụ hữu hiệu nhất của các thương nhân muốn hợp tác làm ăn với nhau, là công cụ kết nối các nhu cầu, nguồn lực để tạo ra các giá trị mới, lợi nhuận cho các bên. Các bên đều mong muốn những lợi ích kinh tế dù ít, dù nhiều từ các hợp đồng. Mỗi bên giao kết hợp đồng thương mại đều có những mục đích riêng của mình. Nhưng mong muốn về lợi ích đó được bên kia mang lại. Khi hợp đồng bị vi phạm, mục đích của việc tiếp tục thiết lập và duy trì hợp đồng nếu không đạt được, thì các bên có quyền giải thoát khỏi hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại. Hủy hợp đồng là phản ứng gay gắt nhất của người bị vi phạm trước bên vi phạm. Khi mục đích của hợp đồng không đạt được bởi những vi phạm quan trọng, hoặc việc thực thi đúng nghĩa vụ của hợp đồng có thể làm cho một bên phải gánh chịu những tổn thất rất lớn mà việc thực hiện hợp đồng đúng không thể bù đắp được những tổn thất đó, hoặc hợp đồng không có hy vọng để thực hiện trong tương lai. Nói một cách đúng đắn, hợp đồng không phải được lập ra để huỷ bỏ mà nhằm mang đến những lợi ích mong muốn cho các bên. Như vậy chế tài hủy bỏ hợp đồng là giải pháp hữu hiệu cho các bên khi quan hệ hợp đồng
  • 37. 37 không thể tiếp tục duy trì. Mục đích của hợp đồng không đạt được các bên có thể giải thoát khỏi nó để đi tìm cơ hội hợp tác mới. Chế tài hủy bỏ hợp đồng có các đặc điểm sau đây: - Hủy bỏ hợp đồng chỉ áp dụng khi hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng làm cho mục đích của hợp đồng không đạt được hoặc khi xảy ra những hành vi vi phạm là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận. Vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hay vi phạm cơ bản hay những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, để xác định một vi phạm là chủ yếu hay cơ bản, nghiêm trọng phải xem xét một cách cẩn thận từng loại hợp đồng, mục đích hình thành hợp đồng, mong muốn của các bên trong đó, hoàn cảnh diễn biến của việc thực hiện hợp đồng. Ví dụ trong hợp đồng mua bán hàng hoá thì mục đích của bên bán là thu số tiền mà bên mua phải trả và mục đích của bên mua là quyền sở hữu hàng hoá của bên bán hay bên bán chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua. Khi bên bán không giao hàng thì đây được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng dẫn đến quyền xin hủy bỏ hợp đồng. - Huỷ hợp đồng giải phóng các bên khỏi nghĩa vụ, sự ràng buộc của hợp đồng, xác lập lại tình trạng ban đầu trước khi có quan hệ hợp đồng. Đó khi giải quyết hậu quả của việc huy hợp đồng hầu hết pháp luật các nước đều quy định nguyên tắc các bên phải hoàn lại cho nhau những gì đã nhận, tuy nhiên khi xử lý hậu quả của việc hợp đồng bị huỷ bỏ không phải tất cả đều áp dụng đúng nguyên tắc trên mà trọng tài hoặc toà án công nhận hủy hợp đồng không có hiệu lực hồi tố, những gì mà các bên đã nhận không phải trả lại, hợp đồng có hiệu lực trong quá khứ [5, tr. 525]. - Do không logic và trái ngược hẳn nhau nên hủy bỏ hợp đồng không thể áp dụng đồng thời với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp
  • 38. 38 đồng, tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng mà chỉ có thể áp dụng cùng với biện pháp xin đòi bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm. - Khi muốn hủy bỏ hợp đồng thì pháp luật quy định bên hủy bỏ hợp đồng phải có nghĩa vụ thông báo về việc huỷ hợp đồng. Các cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ có quyền xem xét việc huỷ hợp đồng là hợp pháp hay không hợp pháp mà không có quyền tự huỷ hợp đồng giữa các bên khi không có yêu cầu. Bởi bản chất hợp đồng là do ý chí của các bên tạo lập, trong đó quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được tạo lập. Bất kỳ chủ thể nào cũng không có quyền can thiệp khi những thoả thuận đó là hợp pháp. Việc chấm dứt một quan hệ pháp luật hợp đồng do ý chí của các bên quyết định hoặc toà án can thiệp theo yêu cầu mà không được tự mình xem xét khi chúng hợp pháp. 1.3.5. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi mà xảy ra trường hợp mà các bên thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (trừ trường hợp miễn trách nhiệm do thoả thuận hoặc pháp luật quy định). Bản chất của đình chỉ hợp đồng là việc chấm dứt quan hệ hợp đồng tại thời điểm một bên đưa ra quyết định đình chỉ hợp đồng. Nó là một hành vi làm chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên. Các bên ngừng hẳn không bên nào còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình nữa và hợp đồng giữa các bên được kết thúc. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng có các đặc điểm sau đây:
  • 39. 39 - Hợp đồng bị đình chỉ thì hiệu lực của nó chấm dứt từ khi một bên quyết định đình chỉ hợp đồng và thông báo cho bên kia về việc đình chỉ hợp đồng. - Chấm đứt hợp đồng bằng việc đình chỉ hợp đồng không đưa các bên quay trở lại tình trạng ban đầu khi thiết lập hợp đồng, phần hợp đồng đã thực hiện trước đó vẫn có hiệu lực pháp luật. - Khi quyết đinh chấm dứt hợp đồng thì bên đình chỉ phải thông báo cho bên kia biết về việc hợp đồng bị đình chỉ, nếu không thông báo mà tự động chấm dứt sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Ba thể loại chế tài như hủy bỏ hợp đồng, tạm ngừng thực hiện và đình chỉ hợp đồng có nhiều điểm chung dễ nhầm lẫn, nhưng hậu quả pháp lý của từng chế tài là hoàn toàn khác nhau. Hủy bỏ hợp đồng làm cho toàn bộ hợp đồng coi như không hề tồn tại giữa các bên. Sau khi hủy bỏ hợp đồng quan hệ hợp đồng kết thúc và các bên quay trở về vị trí ban đầu như khi chưa có quan hệ hợp đồng. Các bên phải hoàn lại cho nhau những gì đã nhận. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vẫn tồn tại ràng buộc các bên, nghĩa vụ hợp đồng chỉ tạm hoãn thực hiện trong một thời gian. Đình chỉ hợp đồng làm cho hợp đồng chấm dứt như huỷ hợp đồng nhưng hợp đồng chỉ chấm hết hiệu lực tại thời điểm đình chỉ, còn phần đã thực hiện về trước vẫn tồn tại hợp đồng, nó không đưa các bên trở lại với tình trạng như khi chưa có quan hệ hợp đồng mà tình trạng những gì đã thực hiện của hợp đồng được giữ nguyên hiệu lực, các bên không phải hoàn trả cho nhau những gi đã nhận vì hợp đồng là có hiệu lực trước khi huỷ.
  • 40. 40 1.3.6. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi mà xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm nghĩa vụ cơ bản hợp đồng trừ trường hợp miễn trách nhiệm. Các bên không thực hiện hợp đồng trong một thời hạn xác định do thoả thuận hoặc đến khi nào mà điều kiện tạm ngừng không còn, bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình. Mặc dù mới được Luật Thương mại 2005 qui định thành một loại chế tài nhưng quy định như vậy dường như không hợp lý vì bản thân qui định tạm ngừng thực hiện hợp đồng là một trong những quy định của phần thực hiện hợp đồng trong hầu hết pháp luật của các nước, của Công ước Viên 1980 về hợp đông mua bán hàng hoá quốc tế, của Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng có các đặc điểm sau đây: - Hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện nhưng hiệu lực của nó không mất đi, các bên vẫn bị ràng buộc bởi hợp đồng. Các nghĩa vụ chỉ tạm thời không được thực hiện trong một khoảng thời hạn xác định được đưa ra bởi bên tạm ngừng, hoặc cho tới khi bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình. - Bên bị vi phạm có thể áp dụng tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đồng thời đòi bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
  • 41. 41 1.4. Mối quan hệ giữachế tài và áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại 1.4.1. Mối quan hệ giữa các chế tài Mối quan hệ giữa các chế tài đó là việc có thể áp dụng hay không áp dụng các chế tài khác nhau cho một vi phạm. Về nguyên tắc những loại chế tài không logic, trái ngược nhau về hậu quả thì không thể cùng áp dụng được. Như chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì không thể áp dụng đồng thời với nó là huỷ hợp đồng, tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng vì làm như vậy không hề logic do mục đích và hậu quả của mỗi loại chế tài đưa đến là khác nhau. Một số loại chế tài có thể tuỳ nghi lựa chọn vì chúng có cùng điều kiện áp dụng như huỷ hợp đồng, đình chỉ hay tạm ngưng đều có cùng điều kiện áp dụng là khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Quy định của pháp luật như vậy không rõ ràng, thiếu chuẩn mực đối với mỗi loại chế tài vì mức độ khắc nghiệt và hậu quả của nó khác biệt nhau rất lớn. Những chế tài mang tính trách nhiệm vật chất lại có thể áp dụng với tất cả các chế tài khác. Điều 299, Luật Thương mại 2005 qui định: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian thực hiện buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.”. Quan hệ giữa các biện pháp trách nhiệm vật chất cũng cần phải được làm rõ. Điều 307, Luật Thương mại 2005 qui định về quan hệ giữa chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm như sau:
  • 42. 42 “1) Trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi pham thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2) Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. 1.4.2. Áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại 1.4.2.1. Cơ sở áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Các chế tài áp dụng cho việc vi phạm hợp đồng thương mại là những hình thức của trách nhiệm hợp đồng bởi vậy khi muốn áp dụng chúng ta cần phải có đủ các điều kiện là căn cứ, cơ sở cho việc áp dụng. Đối với trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì cơ sở của nó chính là có hành vi vi phạm hợp đồng, hành xử có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và hậu quả xảy ra. (1) Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng Trách nhiệm hợp đồng chỉ có thể đặt ra khi có hành vi vi phạm hợp đồng, như không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, thực hiện không đúng, chậm trễ trong việc thực hiên nghĩa vụ…Tuy nhiên không phải người vi phạm nghĩa vụ luôn phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mà hành vi đó phải trái pháp luật hay thoả thuận của các bên và không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm do bất khả kháng, do lỗi hoàn toàn của người có quyền…Hợp đồng trên nguyên tắc cơ bản khi mà được tạo ra một cách hợp pháp thì nó được coi là có hiệu lực như luật đối với các bên giao kết. Những ràng buộc của nghĩa vụ trong hợp đồng được pháp luật bảo vệ, người có nghĩa vụ phải thi hành
  • 43. 43 nghiêm chỉnh nghĩa vụ đã cam kết. Những sử sự không phù hợp với thoả thuận của các bên, trái với pháp luật, tập quán sẽ là bất hợp pháp và là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 đều quy định vi phạm hợp đồng là không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng. Điều 302, Bộ luật Dân sự 2005 và khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 qui định: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Như vậy theo pháp luật Việt Nam, khi một bên không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ bị coi là vi phạm và là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng. Hành vi vi phạm có thể là tác vi hoặc bất tác vi. Do cách tiếp cận khác nhau nên pháp luật các nước có nhiều cách phân loại khác nhau về hành vi vi phạm hợp đồng. Bộ luật Dân sự Đức qui định hai loại là vi phạm dưới hình thức chậm thực hiện nghĩa vụ và không thể thực hiện nghĩa vụ hay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra thực tiễn xét xử còn ghi nhận một hình thức khác là chủ động vi phạm hợp đồng [7, tr. 359 – 360]. Pháp luật Anh-Mỹ phân chia hành vi vi phạm thành: vi phạm thực tế (real breach of contract ) là việc không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng khi đến hạn. Vi phạm thấy trước hay vi phạm tiên liệu trước (anticipatory breach of contract) là dạng vi phạm theo đó nếu trước khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mà bên có nghĩa vụ bằng hành vi của mình tuyên bố rằng sẽ không thực hiện nghĩa vụ trước khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ [7, tr. 374]. Đây là những cách phân loại mà pháp luật Việt Nam còn thiếu.
  • 44. 44 (2) Có thiệt hại Có thiệt hại vật chất đối với bên bị vi phạm mà thiệt hại có thể là những tổn thất về tài sản, giảm sút uy tín, những chi phí hợp lý mà bên bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn thiệt hại, khoản lợi nhuận bị mất…Đối với biện pháp bồi thường thiệt hại thì mục đích là nhằm đặt nguyên đơn vào vị trí mà họ có thể được hưởng nếu khi không có sự vi phạm hợp đồng hoặc ít ra cũng là khôi phục lại tình trang ban đầu nếu mà nguyên đơn không giao kết hợp đồng do tin vào lời hứa của bị đơn. Luật Thương mại 2005 không nhắc tới những thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng gây ra có được bồi thường. Trong một vụ việc thực tế mà trọng tài đã giải quyết, tổn thất về uy tín cũng được bồi thường. Trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán giầy nữ, trọng tài cho rằng: “Uy tín thương mại của một thương nhân sẽ bị ảnh hưởng khi họ không thể thoả mãn được phần lớn các đơn hàng đã ký với khách hàng và xem xét những suy giảm về lợi nhuận và những số liệu kinh doanh với các khách hàng đã từng có đơn đặt hàng với nguyên đơn trong thời gian bị vi phạm so với trước đó” [14, tr. 40]. (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại Không phải tất sự vi phạm nghĩa vụ nào cũng đều là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng và không phải bất kỳ thiệt hại nào xảy ra trong quan hệ nghĩa vụ cũng đều do bên vi phạm gánh chịu. Quan hệ nhân quả là một phạm trù chung cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên, xã hội mà không phải riêng có ở luật học. Quan hệ nhân quả là mối quan hệ tất yếu tự nhiên của một số sự vật hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, trong đó có những sự vật hiện tượng này là nguyên nhân và những sự vật hiện tượng kia là kết quả. Trong khoa học luật, quan hệ nhân quả là quan hệ giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và hậu
  • 45. 45 quả xảy ra, trong đó hành vi vi phạm nghĩa vụ là nguyên nhân còn thịêt hại xảy ra là kết quả tất yếu. Hành vi phải xuất hiện trước khi thiệt hại thiệt hại xảy ra, quan hệ giữa hành vi và hậu quả xảy ra đặt trong mối quan hệ nội tại tất yếu của sự vật hiện tượng. Bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ chỉ phải bồi thường những thiệt hại có nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm. Tuy nhiên một mối quan hệ nhân quả không thể đi quá xa vời một cách không hợp lý để bắt người vi phạm phải bồi thường hay nói cách khác những hành vi vi phạm nghĩa vụ và hậu quả (thiệt hại) chỉ có thể dự đoán được trước một bởi một người bình thường, minh mẫn, cẩn trọng thì người bị vi phạm mới phải bồi thường. Trong nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra bắt nguồn từ nhiều hành vi khác nhau bởi vậy để có thể xác định chính xác trách nhiệm của bên có nghĩa vụ thì nhất thiết phải xem xét một cách thận trọng những gì là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại xảy ra. (4) Có lỗi Lỗi là một vấn đề pháp lý được đánh giá là tiến bộ, là cơ sở quan trọng để một người phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của mình. Trong trách nhiệm hợp đồng, khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thì đương nhiên bị coi là có lỗi. Bởi vậy người bị vi phạm chỉ cần quan tâm tới việc nghĩa vụ của bên kia có được thực hiện, đầy đủ hay không để yêu cầu các biện pháp chế tài để bảo vệ quyền lợi của mình. Người vi phạm muốn không phải chịu trách nhiệm thì buộc phải chứng minh là do hoàn cảnh bất khả kháng làm cho mình không thể thực hiện đúng nghĩa vụ, hoặc đã lỗ lực hết sức trong phạm vi năng lực của mình nhưng cũng không thể ngăn chặn được việc nghĩa vụ không được thực hiện đúng, việc không thực hiện được hoàn
  • 46. 46 toàn do lỗi của bên có quyền. Bộ luật Dân sự 2005, cũng như nhiều luật gia Việt Nam đã định nghĩa lỗi trong luật dân sự lấy từ quy định về ý tưởng lỗi quy định trong Bộ luật Hình sự 1999. Lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ đã thực hiện [12, tr. 51]. Theo các luật gia La Mã, lỗi cũng bao gồm hai loại là cố ý và vô ý nhưng họ dùng tiêu chí một con người bình thường giả tưởng trung thực, cần mẫn, thận trọng trong những hoàn cảnh nhất định phải hành động hợp lý làm thước đo để đánh giá việc có lỗi hay không của người thực hiện hành vi đó [1, tr. 25]. Pháp luật dân sự Pháp cũng xuất phát từ cách quy định lỗi trong luật La Mã sử dụng các tiêu chí khác so với pháp luật Việt Nam: Lỗi nặng là trường hợp một người có sự hành xử đi lệch quá xa so với yêu câu, đòi hỏi của hoàn cảch cho thấy người đó hành động hoàn toàn bất cẩn, ngớ ngẩn, cẩu thả, không lo lắng gì tới hậu quả có thể xảy ra [10, tr. 107]. Trong khi đó pháp luật Anh - Mỹ không có quy định về lỗi cho việc vi phạm hợp đồng mà lỗi chỉ có tác dụng trong việc xác định trách nhiệm ngoài hợp đồng, vì nguyên tắc cơ bản của pháp luật Anh là hợp đồng phải được thực hiện trong mọi trường hợp và không phụ thuộc vào lỗi của người vi phạm. Nếu một người nào đã nhận lấy nghĩa vụ theo hợp đồng thì không thể từ chối thực hiện nó. Nguyên tắc này được gọi là trách nhiệm tuyệt đối. Trách nhiệm tuyệt đối về mặt lôgic xuất phát từ nội dung và bản chất của hợp đồng trong luật pháp Anh [1, tr. 26]. Pháp luật các nước Common Law không đưa ra khái niệm lỗi cho vị vi phạm hợp đồng. Pháp luật các nước Civil Law đưa ra khái niệm lỗi nhưng không phải dựa trên thái độ tâm lý đối với hành vi mà sử dụng một tiêu chuẩn con người bình thường được giả định.
  • 47. 47 Trong trách nhiệm hợp đồng nói chung thì yếu tố lỗi được suy đoán. Những cam kết, nghĩa vụ đặt ra trong hợp đồng là cái mà pháp luật buộc các bên phải thực hiện đúng do vậy khi không thực hiện đương nhiên bị coi là có lỗi, không cần biết đó là hình thức lỗi gì, trừ trường hợp chứng minh rằng không thể thực hiện được do bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Luật Thương mại 2005 không coi lỗi là cơ sở duy nhất phát sinh trách nhiệm hợp đồng tại Điều 294 và Điều 303. Một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình đã cam kết trong hợp đồng và không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm hợp đồng. Đây là trường hợp trách nhiệm khách quan, dựa trên lỗi mặc nhiên. 1.4.2.2. Nguyên tắc áp dụng chế tài đối với vi phạm hợp đồng thƣơng mại Chế tài do các bên lựa chọn và áp dụng Xuất phát từ nguyên tắc tự do khế ước, các bên có quyền thoả thuận về mọi thứ không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nên các bên trong quan hệ hợp đồng có quyền thoả thuận về mọi biện pháp trách nhiệm, chế tài áp dụng khi mà hợp đồng bị vi phạm. Những thoả thuận hợp pháp của các bên có hiệu lực, được pháp luật bảo vệ, và người thứ ba cũng như các cơ quan tài phán toà án, trọng tài tôn trọng. Trên nguyên tắc tự định đoạt của đương sự toà án hay trọng tài chỉ xem xét, giải quyết khi có bên yêu cầu cho nên toà án, trọng tài không thể tự mình áp dụng chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng khi mà các bên không có yêu cầu. Toà án hay trọng tài chỉ có thể xem về tính hợp pháp của biện pháp chế tài được yêu cầu áp dụng, phạm vi thiệt hại phải bồi
  • 48. 48 thường hay số tiền phạt vi phạm hợp lý…Bên bị vi phạm áp dụng biện pháp chế tài nào là do tự họ quýêt định để bảo vệ lấy quyền lợi của mình. Nhiều chế tài có thể cùng lúc áp dụng cho một vi phạm cụ thể Hợp đồng bị vi phạm, để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình người bị vi phạm có yêu cầu áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp chế tài khác nhau khi mà các biện pháp chế tài được áp dụng không mâu thuẫn với nhau về bản chất, không logic. Như biện pháp buộc thực hiện hợp đồng và huỷ hợp đồng, đình chỉ hợp đồng hoàn toàn trái ngược nhau về bản chất, hậu quả nên không thể cùng áp dụng. Khi những biện pháp đã áp dụng không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình bên bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài khác mạnh hơn. Việc áp dụng các biện pháp chế tài khác không làm mất đi quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên bị thiệt hại. Không áp dụng các biện pháp chế tài khi những vi phạm thuộc trường hợp miễn trách nhiệm Điều 294, Luật Thương mại 2005 quy định các trường hợp khi mà bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không phải chịu trách nhiệm đối với việc vi phạm nghĩa vụ. Bên vi phạm nghĩa vụ chứng minh rằng mình thuộc một trong những trường hợp miễn trách nhiệm thì không thể áp dụng chế tài. 1.4.2.3. Điều kiện áp dụng đối với các chế tài cụ thể Không phải tất cả các biện pháp chế tài khi áp dụng đều cần đầy đủ cả bốn cơ sở đó là có hành vi vi phạm, có thiệt hại xảy ra, có lỗi và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Bởi vậy đối với mỗi chế tài có những điều kiện để áp dụng riêng.