SlideShare uma empresa Scribd logo
1 de 83
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ QUANG NINH
ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
TỪ THỰC TIỄN TỈNH BÌNH PHƯỚC
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Hà Nội - 2019
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ QUANG NINH
ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
TỪ THỰC TIỄN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Ngành: Luật hình sự và Tố tụng hình sự
Mã số: 8.38.01.04
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS TRẦN VĂN ĐỘ
Hà Nội - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các
số liệu, kết quả đề cập trong Luận văn là trung thực, có nguồn gốc trích dẫn
rõ ràng và chính xác.
Tác giả luận văn
Lê Quang Ninh
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO
CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM 8
1.1. Khái niệm, ý nghĩa của định tội danh 8
1.2. Lý luận về định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 10
1.3. Cơ sở pháp lý của định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 20
Chương 2: THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI
SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ NHỮNG
HẠN CHẾ 32
2.1. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn
tỉnh Bình Phước 32
2.2. Những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước 40
Chương 3: YÊU CẦU VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM
ĐOẠT TÀI SẢN 53
3.1. Yêu cầu nâng cao chất lượng định tội danh tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản 53
3.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng định tội danh Tội Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản 56
KẾT LUẬN 68
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLHS: Bộ luật hình sự
BLTTHS: Bộ luật tố tụng hình sự
CQĐT: Cơ quan điều tra
ĐTD: Định tội danh
LĐCĐTS: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
PLHS: Pháp luật hình sự
TAND: Tòa án nhân dân
TTHS: Tố tụng hình sự
VAHS: Vụ án hình sự
VKS: Viện kiểm sát
VKSND: Viện kiểm sát nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 2.1 Cơ cấu của tình hình Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản so với tình
hình các loại tội phạm chung trên địa bàn khu vực miền Đông
Nam Bộ
Bảng 2.2 Cơ cấu của tình hình Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được tính
toán trên cơ sở diện tích của các tỉnh, thành khu vực miền Đông
Nam Bộ
Bảng 2.3 Thống kê số vụ án và số bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử
về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước
giai đoạn 2014 – 2018
Bảng 2.4 Tình hình Tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh
Bình Phước giai đoạn 2014 – 2018
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về ĐTD luôn là một những nhiệm vụ
quan trọng của khoa học luật hình sự Việt Nam vì: Quá trình giải quyết vụ án
một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật vấn đề trách nhiệm hình sự
của người phạm tội phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ quan tư pháp hình sự có
thẩm quyền xác định tội danh đã được thực hiện trong thực tế khách quan có
chính xác hay không? Thực tiễn áp dụng PLHS cho thấy rằng nếu như trong
tất cả các VAHS khi tội phạm được xác định chính xác không những sẽ góp
phần làm cho hình phạt được quyết định đối với người phạm tội phù hợp với
tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà người đó đã
thực hiện và đảm bảo sức được thuyết phục mà còn làm cho hiệu quả của
pháp luật và pháp chế XHCN cũng như uy tín của Tòa án và các cơ quan bảo
vệ pháp luật được nâng rõ rệt lên trước nhân dân và dư luận xã hội. Ngoài ra,
quá trình điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, trong một số trường hợp các cơ
quan tư pháp hình sự cũng có thể ĐTD không được chính xác vì các quy
phạm PLHS được ghi nhận trong luật thực định thường là các quy phạm dưới
dạng trừu tượng nhưng các tình huống diễn ra trong thực tế khách quan của
đời sống xã hội thì lại rất phong phú và đa dạng nên không phải lúc nào các
nhà làm luật cũng có thể lường trước được tất cả mọi tình huống có thể xảy
ra. Chính vì vậy, những vấn đề lý luận về ĐTD và thực tiễn áp dụng các quy
phạm PLHS có liên quan đến việc ĐTD luôn được các nhà khoa học, các cán
bộ nghiên cứu và cán bộ thực tiễn của các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và
Tòa án… coi là những vấn đề đa dạng và phức tạp, đang được tranh luận với
nhiều quan điểm, ý kiến rất khác nhau.
2
Theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ
Chính trị: Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì việc ĐTD đúng là
yêu cầu cần thiết phục vụ hiệu quả cho tiến trình cải cách tư pháp và đảm bảo
quyền con người trong TTHS. Thực tiễn giải quyết VAHS những năm qua cho
thấy, các vụ việc oan, sai chủ yếu bắt nguồn từ việc ĐTD sai, đánh giá chứng
cứ phiến diện, chủ quan. Do vậy, ĐTD vẫn được xem là một trong những
khâu khó trong chuỗi các hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là với những tội
phạm mà dấu hiệu cấu thành tội phạm còn dễ gây nhầm lẫn với các tội phạm
khác hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc xác định có hay không hành vi
phạm tội xảy ra hay chỉ đơn thuần là vi phạm dân sự, kinh tế như Tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015. Để ĐTD đối với
tội phạm này chính xác là vấn đề không đơn giản bởi dễ nhầm lẫn với các tội
phạm khác nhất là ở những địa phương đang trên đà phát triển về kinh tế như
Bình Phước.
Trong thời gian từ 2014 đến 2018, tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu
nói chung và tình hình tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình
Phước nói riêng có những diễn biến vô cùng phức tạp về tính chất nghiêm trọng
của hành vi phạm tội với 193 vụ/238 bị cáo trên tổng số 5315 vụ/10593 bị cáo
chiếm 3,6% số vụ và 2,2 % số bị cáo nhưng mức độ hậu quả của hành vi thì
không hề nhỏ, gây ra sự phẫn nộ và bất bình trong quần chúng nhân dân. Thực
tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên
địa bàn tỉnh Bình Phước những năm vừa qua cho thấy về cơ bản việc ĐTD
được thực hiện tương đối đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường
hợp giữa CQĐT, VKSND, TAND trong quá trình giải quyết vụ án có nhiều
quan điểm khác nhau về vấn đề ĐTD dẫn đến có nhiều vụ án phải trả hồ sơ
nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác
nhau. Có trường hợp Tòa án quyết định tội danh đối với bị cáo khác với tội
3
danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, cá biệt còn có trường hợp Tòa án tuyên bị
cáo không phạm tội. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác
nhau nhưng trước hết và quan trọng nhất là một số trường hợp áp dụng không
đúng, chưa xác định đầy đủ, khách quan hành vi phạm tội, nhận thức quy định
của BLHS chưa đầy đủ nên dẫn đến việc ĐTD còn chưa chính xác, việc hủy
án, sửa án vẫn còn tồn tại ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc còn có sự
nhầm lẫn giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói
chung, uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Chính vì vậy, tác
giả chọn đề tài “Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định
của pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Tỉnh Bình Phước” làm đề tài
nghiên cứu của mình góp phần làm rõ những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn
cho quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng định tội danh đối với tội phạm này
trong thời gian tới.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Một số công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo liên quan
đến đề tài nghiên cứu của tác giả đã được đề cập và công bố như:
Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm - quyển 1 của
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, Nxb Hồng Đức,
Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo trình luật hình sự Việt Nam - Tập 2 của Trường Đại học Luật Hà
Nội năm 2007, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự - Tập 2 của tác giả Đinh Văn Quế
năm 2003, Nxb Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bình luận khoa học BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) -
Phần các tội phạm của tác giả Nguyễn Đức Mai năm 2013, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
4
Lí luận chung về định tội danh của tác giả Võ Khánh Vinh năm 2013,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Định tội danh và quyết định hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam của
tác giả Lê Văn Đệ năm 2004, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Định tội danh (Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập) của tác giả Lê
Cảm – Trịnh Quốc Toản năm 2015, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Phương pháp định tội danh với 538 tội danh trong Bộ luật hình sự sửa
đổi năm 2017 của tác giả Đoàn Tấn Minh – Nguyễn Ngọc Điệp năm 2018,
Nxb Lao động, Hà Nội.
Định tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật
Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Hoàng Thị Kim Chi
năm 2017, Luận văn thạc sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
Định tội danh tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở
thực tế số liệu từ địa bàn thành phố Đà Nẵng của tác giả Ngô Văn Định năm
2015, Luận văn thạc sỹ luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt
Nam (trên cơ sở thực tế số liệu từ địa bàn tỉnh Đăk Lăk) của tác giả Trương Thị
Đông năm 2015, Luận văn thạc sỹ luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các công trình nghiên cứu khoa học nêu trên đều là những công trình có
giá trị về mặt lý luận khoa học và thực tiễn nhất định. Tuy nhiên, nội dung các
công trình trên mới chỉ hướng đến việc phân tích, nghiên cứu những vấn đề lý
luận chung về tội phạm nói chung, về vấn đề định tội danh nói riêng. Vấn đề
ĐTD tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa được nghiên cứu chuyên sâu và riêng
lẻ, đặc biệt là nghiên cứu về vấn đề ĐTD tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với
thực tiễn một địa bàn nhất định. Vì vậy, theo đánh giá của tác giả, mặc dù có rất
nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài khác nhau đề cập đến vấn đề về xác
định tội phạm nói chung, việc ĐTD nói riêng. Mặt khác, chưa có công trình, đề
5
tài nghiên cứu nào xem xét vấn đề định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
ở góc độ hoàn chỉnh, toàn diện gắn với địa bàn cụ thể như tỉnh Bình Phước. Mặc
dù vậy, kết quả của những công trình nghiên cứu nêu trên là một trong những
nguồn tài liệu cơ sở lý luận quan trọng mà tác giả có thể vận dụng, kế thừa và bổ
sung để hoàn thiện cho đề tài nghiên cứu của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Dựa trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về tội Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản cũng như nghiên cứu vấn đề lý luận về định tội danh cũng
như phân tích thực tiễn định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông
qua các số liệu thống kê cụ thể, thông qua các vụ án thực tiễn xảy ra trên địa
bàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2014 - 2018 để đưa ra một số kiến nghị
nhất định nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về
xử lý tội phạm này trong thời gian tới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với mục đích nghiên cứu đã được xác định như trên, để thực hiện đề tài
cần thiết phải thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:
- Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về định tội danh nói chung
và định tội danh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Phân tích cơ sở pháp lý (quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ
sung năm 2017) về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để làm rõ các dấu hiệu
pháp lý đặc trưng của tội phạm này và so sánh với một số tội phạm khác có
tính chất tương đồng được quy định trong Bộ luật hình sự.
- Khảo sát thực tiễn, đánh giá những ưu điểm, hạn chế và phân tích
nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động định tội danh Tội Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 - 2018.
6
- Đưa ra yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định tội
danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận về định tội danh, quy
định của pháp luật hình sự Việt Nam về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và
thực tiễn định tội danh trong các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên
địa bàn tỉnh Bình Phước.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở tổng hợp số liệu tình hình giải quyết
các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước
trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018. Đây là nguồn tư liệu quan
trọng giúp cho việc phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động định tội danh Tội
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận đó là phép
biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà
nước và pháp luật; quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng
chống các loại tội phạm, về chính sách hình sự đối với tội phạm nói chung và
đối với Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đồng thời, trong suốt quá
trình nghiên cứu và hoàn thiện đề tài, tác giả sử dụng kết hợp nhiều phương
pháp khác nhau như phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê nhằm làm rõ nội
dung vấn đề cần trình bày cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng
hoạt động ĐTD đối với tội phạm này.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1 Ý nghĩa lý luận
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp tiếng nói khoa học vào hệ thống
lý luận về ĐTD Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài.
7
6.2 Ý nghĩa thực tiễn
Bên cạnh những giá trị về mặt lý luận, trên thực tiễn kết quả nghiên cứu
của đề tài còn có thể được vận dụng như một tài liệu tham khảo trong quá
trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Thêm vào đó, đối với các cán bộ công tác thực tiễn, đặc biệt là cán bộ công
tác trong lĩnh vực hình sự, luận văn sẽ giúp ích một phần để cho việc vận
dụng trong quá trình giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới việc ĐTD
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thực tế.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
được kết cấu như sau:
Chương 1. Lý luận về định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo
quy định của pháp luật hình sự Việt Nam
Chương 2. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên
địa bàn tỉnh Bình Phước
Chương 3. Yêu cầu và các giải pháp nâng cao chất lượng định tội danh
tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
8
Chương 1
LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1. Khái niệm, ý nghĩa của định tội danh
1.1.1. Khái niệm định tội danh
Định tội danh là một vấn đề không phải là mới nhưng đối với những
người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự thì
đây lại là vấn đề thời sự, có ý nghĩa vô cùng quan trọng được quan tâm hàng
đầu. Bởi vì có xác định tội danh đúng mới áp dụng pháp luật hình sự đúng, ra
bản án mới đúng pháp luật, người phạm tội mới cúi đầu nhận tội và mới đạt
được yêu cầu của việc xét xử là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Quá trình áp dụng các quy phạm PLHS trên thực tế diễn ra phức tạp và
đa dạng, được thể hiện ở 3 giai đoạn như sau: Định tội danh, định khung hình
phạt, và quyết định hình phạt. Trong đó, định tội danh là một giai đoạn quan
trọng nhất trong ba giai đoạn trên bởi vì định tội danh được tiến hành và thực
hiện ở tất cả các giai đoạn của cả quá trình TTHS từ giai đoạn khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử đến giai đoạn thi hành án.
ĐTD là một trong những biện pháp đưa nội dung của Bộ luật hình sự
vào đời sống xã hội, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng
ngừa và chống tội phạm, qua đó góp phần thực hiện đường lối chính sách
hình sự của Đảng và Nhà nước ta. ĐTD là sự xác nhận về mặt pháp lý sự phù
hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế khách quan
với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong Bộ
luật hình sự. Hay nói cách khác, ĐTD là việc xác định một hành vi cụ thể đã
9
thực hiện thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của tội nào
trong số các tội phạm đã được quy định trong BLHS.
Do đó có thể đưa ra khái niệm ĐTD như sau: Định tội danh là việc xác
định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của
hành vi phạm tội cụ thể đã thực hiện với dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã
được quy định trong BLHShttps://hocluat.vn/wiki/bo-luat-hinh-su/.
1.1.2. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh
a. Đối với hoạt động định tội danh đúng
ĐTD đúng là tiền đề cho việc phân hoá TNHS và cá thể hoá hình phạt
một cách công minh, có căn cứ pháp luật.
ĐTD đúng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện các nguyên tắc tiến bộ được
thừa nhận trong hệ thống pháp luật nói chung của Nhà nước pháp quyền như:
nguyên tắc pháp chế, trách nhiệm do lỗi cá nhân, bình đẳng trước pháp luật
hình sự, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc nhân đạo.
ĐTD đúng thể hiện hoạt động có hiệu quả ý thức tuân thủ pháp luật
triệt để cũng như ý thức trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan có thẩm
quyền, từ đó góp phần hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội
phạm từ đó nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp
chế XHCN [9, tr 21].
ĐTD đúng là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy
phạm pháp luật TTHS Việt Nam về tạm giam, về thẩm quyền điều tra, xét
xử cũng như một số hoạt động tố tụng khác qua đó góp phần hữu hiệu cho
việc đảm bảo, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân trong lĩnh vực tư
pháp hình sự.
ĐTD đúng sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt đúng, là tiền đề cho
việc ban hành một bản án đúng, chính xác, phù hợp với mức độ nguy hiểm
10
cho xã hội của hành vi phạm tội, khiến bị cáo cũng như những người tham dự
phiên tòa nói riêng, xã hội và công luận nói chung nhận thức đầy đủ về tính
nghiêm minh, công bằng, khách quan của pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả
tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên
truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân.
ĐTD đúng sẽ đảm bảo hiệu quả hoạt động trấn áp tội phạm trên thực tế.
b. Đối với hoạt động ĐTD sai
ĐTD sai sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả tiêu cực như: không đảm bảo
được tính công minh có căn cứ của pháp luật, truy cứu TNHS người vô tội, bỏ
lọt người phạm tội, xâm phạm thô bạo danh dự nhân phẩm cũng như
các quyền tự do dân chủ của công dân - là giá trị xã hội cao quý nhất được
thừa nhận trong Nhà nước.
ĐTD sai làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp, vi phạm pháp chế
XHCN, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,
với pháp luật XHCN từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công cuộc đấu tranh
phòng chống tội phạm.
Những vụ án oan sai xảy ra trên thực tế phần lớn là do ĐTD chưa chính
xác mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc đánh giá chứng cứ phiến diện,
thiếu thận trọng, nôn nóng khởi tố, bắt tạm giam hoặc do suy diễn chủ quan
của những người tiến hành tố tụng [8, tr 11 – 12].
1.2. Lý luận về định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1.2.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc định tội danh Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản
1.2.1.1. Khái niệm định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
ĐTD là một quá trình tư duy logic, là việc các chủ thể có thẩm quyền
xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế với
các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS nhằm quyết định
11
hình phạt tương xứng với mức độ của hành vi phạm tội. Do đó, ĐTD Tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản là quá trình các chủ thể có thẩm quyền xem xét, đánh
giá và sử dụng các quy định của PLHS và PLTTHS xác định hành vi của
người phạm tội có thỏa mãn các yếu tố cấu thành của Tội LĐCĐTS được quy
định tại Điều 174 BLHS hay không, từ đó quyết định mức hình phạt tương
ứng phù hợp với mức độ, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi
phạm tội.
Như vậy, dựa trên cơ sở quy định tại Điều 8 BLHS, Điều 174 BLHS và
các quy định của BLTTHS có thể hiểu định tội danh Tội LĐCĐTS như sau:
Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoạt động thực
tiễn áp dụng pháp luật hình sự theo trình tự, thủ tục pháp luật tố tụng hình sự
quy định của các chủ thể có thẩm quyền được tiến hành trên cơ sở thu thập
các tài liệu, chứng cứ để xác định hành vi chiếm đoạt tài sản, có hay không
có sự phù hợp giữa hành vi đã xảy ra với các dấu hiệu cấu thành tội phạm
của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự để
phán quyết làm tiền đề cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hình phạt
và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác.
1.2.1.2. Đặc điểm của định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Từ định nghĩa trên có thể rút ra các đặc điểm của định tội danh Tội
LĐCĐTS như sau:
Thứ nhất, ĐTD tội LĐCĐTS là hoạt động có tính logic nhằm xác định
có hay không sự tương đồng giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực
hiện và các dấu hiệu của Tội LĐCĐTS được quy định tại Điều 174 BLHS.
Tính logic của quá trình định tội danh Tội LĐCĐTS được thể hiện ở quá trình
các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết trước khi đưa ra
kết luận về tội danh của người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản,
đó là quá trình so sánh, đối chiếu sự phù hợp giữa hành vi với các yếu tố cấu
12
thành tội phạm của Điều 174 BLHS để tìm ra điểm tương đồng. Từ đó kết
luận hành vi đó có phải tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
Thứ hai, quá trình hoạt động định tội danh Tội LĐCĐTS phải tuân thủ
nghiêm chỉnh các quy phạm pháp luật của BLHS cũng như các quy phạm
pháp luật của BLTTHS mà cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng cụ thể hoá
các QPPLHS vào đời sống thực tế. Trên cơ sở xác định đúng đắn, đầy đủ các
chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết của hành vi phạm tội đã
thực hiện để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm
cho xã hội đã thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng
quy định tại Điều 174 BLHS. Có thể nói đây là quá trình rất phức tạp và dễ
nhầm lẫn. Chính vì vậy, để thực hiện được quá trình này có hiệu quả các cơ
quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ những quy định của BLHS và BLTTHS,
bên cạnh đó các cơ quan này cũng có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mà
pháp luật cho phép để xác định chính xác hành vi phạm tội LĐCĐTS. Đó là
cơ sở để đưa ra mức hình phạt hợp lý nhất đối với người phạm tội.
Thứ ba, với tư cách là một dạng của hoạt động áp dụng pháp luật hình
sự định tội danh Tội LĐCĐTS phải đảm bảo tính chính xác, khách quan tuyệt
đối. Mọi hành vi ĐTD sai sót dù là nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới hậu quả lớn
cho cá nhân, gia đình và xã hội, do đó hoạt động này cần được tiến hành tuần
tự qua các bước là: Xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực
tế. Tiếp theo là lựa chọn đúng điều khoản tương ứng trong Phần các tội phạm
của BLHS quy định trách nhiệm đối với tội phạm LĐCĐTS để so sánh, đối
chiếu và kiểm tra các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này với các tình tiết cụ
thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện. Cuối cùng là ra văn
bản áp dụng pháp luật, trong đó đưa ra kết luận có căn cứ và đảm bảo sức
thuyết phục về sự phù hợp của hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt đã
13
được thực hiện trong thực tế khách quan với cấu thành tội phạm cụ thể tại
Điều 174 BLHS.
Thứ tư, ĐTD đối với Tội LĐCĐTS là hoạt động của các cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền mang tính áp đặt một chiều đối với đối tượng bị áp dụng. Hoạt
động định tội danh chỉ có thể được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng là
cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà không thể được tiến hành bởi bất kỳ
chủ thể nào khác. Đối tượng bị áp dụng cũng không thể lựa chọn tội danh cho
mình mà chỉ có thể chấp nhận tội danh mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp đặt
trên cơ sở và theo quy định của pháp luật [8, tr 14 – 15].
1.2.1.3. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản
Hoạt động ĐTD Tội LĐCĐTS được thực hiện trên thực tế một cách chính
xác sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau, cụ thể:
- Ý nghĩa về phương diện chính trị - xã hội: Định tội danh đối với tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một hoạt động mang tính chính trị - xã hội sâu
sắc, thể hiện như sau:
Một là, việc quy định Tội LĐCĐTS trong BLHS có mục đích bảo vệ
quyền lợi về mặt kinh tế mà cụ thể là quyền sở hữu tài sản của công dân – đây
là quyền con người được pháp luật quốc gia và quốc tế ghi nhận. Định tội
danh đúng đối với tội LĐCĐTS góp phần vào việc cụ thể hóa các cam kết
quốc tế của nhà nước Việt Nam là thành viên, nhất là các cam kết liên quan
đến quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hai là, định tội danh đối với Tội LĐCĐTS góp phần thể chế hóa đường
lối lãnh đạo của Đảng, các quy định của Hiến pháp, các quy định của pháp
luật, nhất là quy định của BLHS, BLTTHS góp phần củng cố lòng tin của
người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào công lý, sự chí công, vô
tư của các cơ quan bảo vệ pháp luật; củng cố lòng tin của các nước trên thế
14
giới, của các nhà đầu tư nước ngoài về tính minh bạch và đúng đắn của hệ
thống pháp luật Việt Nam góp phần nâng cao vị trí vai trò của Việt Nam trên
trường quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
- Ý nghĩa về phương diện pháp lý: Bên cạnh ý nghĩa chính trị - xã hội
thì hoạt động định tội danh Tội LĐCĐTS còn có ý nghĩa pháp lý to lớn, thể
hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, việc xác định đúng hành vi của một người có phải là hành vi
lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không? Có thỏa mãn các dấu
hiệu quy định tại Điều 174 BLHS hay không? Chính là cơ sở và là tiền đề để
áp dụng một loạt các quy định của PLHS và PLTTHS vào thực tiễn cuộc
sống, thể hiện sự đánh giá khách quan, công bằng của pháp luật đối với hành
vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trong thực tế.
Thứ hai, định tội danh nói chung là định tội danh đối với tội LĐCĐTS
nói riêng một cách chính xác là cơ sở để áp dụng đúng các thủ tục tố tụng như
thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử; áp dụng biện pháp tạm giam; thực hiện
đúng các loại thời hạn tố tụng; ra các quyết định tố tụng đúng, không bắt oan,
bắt sai người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh tình trạng
tội phạm bỏ trốn hay tẩu tán tang vật… Định tội danh sai làm giảm hiệu quả
của công tác đấu tranh với loại tội phạm này, làm nảy sinh những quan
niệm không đúng về thực trạng và các biện pháp đấu tranh với tội phạm,
làm giảm uy tín của các cơ quan tư pháp.
Thứ ba, định tội danh đúng với Tội LĐCĐTS là tiền đề cho việc quyết
định hình phạt đúng, là tiền đề cho việc ban hành một bản án đúng, chính xác,
phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khiến bị cáo
cũng như những người tham dự phiên tòa và dư luận xã hội nhận thức đầy đủ
tính nghiêm minh, công bằng, khách quan của pháp luật. Từ đó nâng cao hiệu
quả tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền
15
giáo dục về Tội LĐCĐTS cho nhân dân. Trong chương các tội xâm phạm sở
hữu thì Tội LĐCĐTS rất dễ bị nhầm lẫn, tức là dễ bị định tội danh sai so với
các loại tội phạm khác. Do đó, định tội danh đúng với tội phạm này là cơ sở
để Tòa án căn cứ vào các yếu tố khác nhau để quyết định hình phạt một cách
nghiêm minh và phù hợp [12, tr. 11- 12].
1.2.2. Nội dung của định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội LĐCĐTS trên thực tế xảy ra ở tất cả các lĩnh vực với thủ đoạn vô
cùng đa dạng và tinh vi xảo quyệt. Do đó các cơ quan tiến hành tố tụng chứng
minh có hay không Tội LĐCĐTS xảy ra là không hề đơn giản. Hoạt động
định tội danh đối với Tội LĐCĐTS phải được tiến hành chính xác từng bước,
thận trọng, khách quan, khoa học với những nội dung cụ thể sau:
Bước thứ nhất là: Thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện chứng cứ
chứng minh sự thật của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng quy định của
pháp luật tố tụng hình sự. Trong thực tế, nhiệm vụ này chỉ đặt ra đối với hoạt
động định tội danh của các chủ thể có thẩm quyền như Điều tra viên trực tiếp
thụ lý điều tra vụ án, Kiểm sát viên được phân công giám sát vụ án và Thẩm
phán xét xử vụ án. Tiếp theo là trên cơ sở các tình tiết vụ án đã được làm rõ,
các chủ thể có thẩm quyền phải phân tích một cách khách quan, toàn diện,
đầy đủ các tình tiết đó để xác định những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải
quyết vụ án cũng như đối với định tội danh Tội LĐCĐTS.
Bước thứ hai là: Nghiên cứu, nhận thức đúng đắn các quy định của
pháp luật hình sự nói chung như hiệu lực áp dụng, cơ sở trách nhiệm hình sự,
các khái niệm về lỗi, các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; quy định về
tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS nói riêng; phân
biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh
tế với các tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác gần giống với
tội LĐCĐTS…
16
Bước thứ ba là: So sánh, đối chiếu các tình tiết của vụ án đã được làm
rõ với quy định của Điều 174 BLHS để xác định sự tương đồng. Các cơ quan
tiến hành tố tụng phải đối chiếu từng tình tiết của vụ án đã xảy ra với các dấu
hiệu cấu thành tội phạm tương ứng của Tội LĐCĐTS được quy định tại Điều
174 BLHS. Sau đó, phải so sánh, đối chiếu tổng thể tất cả các tình tiết của vụ
án với tổng thể các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội phạm LĐCĐTS. Tiếp
theo phải phát hiện, tìm ra sự đồng nhất giữa các tình tiết điển hình của vụ án
với các dấu hiệu pháp lý được mô tả trong Điều 174 BLHS. Trường hợp có
căn cứ khẳng định hành vi khách quan của vụ án xảy ra phù hợp với những
quy định tại Điều 174 BLHS là người phạm tội có hành vi lừa dối nhằm mục
đích chiếm đoạt tài sản của người khác… thì kết luận hành vi đó phạm tội
LĐCĐTS. Trường hợp không có sự đồng nhất thì phải kiểm tra, đối chiếu lại.
Sau khi xác định chắc chắn không có sự đồng nhất với cấu thành tội phạm Tội
LĐCĐTS thì có thể chuyển sang kiểm tra các quy phạm PLHS khác để kết
luận có hay không có tội phạm xảy ra, nếu có tội phạm xảy ra không thuộc
trường hợp Tội LĐCĐTS thì cấuthành tội phạm nào khác.
Bước thứ tư là: Đưa ra kết luận về tội danh và ra quyết định áp dụng
pháp luật đối với người đã thực hiện hành vi quy định tại Điều 174 Bộ luật
hình sự. Lúc này việc so sánh hành vi phạm tội với quy định tại Điều 174 tiếp
tục được thực hiện để xác định cấu thành tội phạm là cơ bản hay cấu thành tội
phạm tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, có thể nói rằng, việc phân chia các giai đoạn định tội danh nêu
trên chỉ mang tính chất tương đối. Các bước của quá trình định tội danh nhiều
khi cũng không rõ ràng mà có tính chất đan xen. Trong nhiều trường hợp các
chủ thể định tội danh có sự lồng ghép giai đoạn này vào giai đoạn khác. Cũng
có những trường hợp cá biệt như việc ĐTD đã được thực hiện xong nhưng lại
phải quay lại quy trình bắt đầu từ đầu để kiểm tra lại tính đúng đắn của kết
quả ĐTD hoặc để ĐTD được đúng đắn, phù hợp với sự thật khách quan và
17
quy định của pháp luật nếu như chủ thể định tội danh có những sai lầm nào đó
trong quá trình ĐTD.
1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội
danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để hoạt động định tội danh đối với các loại tội phạm nói chung và định
tội danh đối với Tội LĐCĐTS nói riêng đảm bảo được tính chính xác, có căn
cứ, hợp pháp đòi hỏi quy trình tiến hành tố tụng phải được các chủ thể tiến
hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, chính xác việc đánh giá phải khách quan,
toàn diện với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan,
cụ thể:
1.2.3.1. Các yếu tố khách quan
Yếu tố khách quan là những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến chất
lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự hoàn
thiện của PLHS và pháp luật TTHS là cơ sở, là nền tảng pháp lý quan trọng
để chủ thể có thẩm quyền quyết định việc định tội danh đối với Tội LĐCĐTS
được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh trường hợp oan sai, sót lọt
do việc áp dụng pháp luật không chính xác.
Trước hết hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS phải căn cứ
vào những quy định của PLHS bởi vì tội phạm chỉ được quy định trong
BLHS mà định tội danh đối với Tội LĐCĐTS là quá trình xác định hành vi
phạm tội của một người có thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 174
BLHS hay không? Thuộc khoản nào? Điểm nào của điều luật. Ngoài ra, khi
tiến hành định tội danh đối với Tội LĐCĐTS cũng phải căn cứ vào những quy
định trong phần chung của BLHS như: những quy định về năng lực trách
nhiệm hình sự, các quy định về lỗi, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay
các giai đoạn thực hiện tội phạm… Đây là những quy định chung do đó các
chủ thể tiến hành hoạt động định tội danh phải tuân thủ và áp dụng để đảm
18
bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa với hoạt động này và cũng là cơ sở
để quyết định hình phạt một cách chính xác.
Thực tiễn đấu tranh phòng chống Tội LĐCĐTS cho thấy có trường hợp
hành vi lừa đảo kết thúc ở giai đoạn tội phạm chưa đạt, không phải tội phạm
hoàn thành. Do đó, khi tiến hành định tội danh đối với Tội LĐCĐTS ở giai
đoạn tội phạm chưa đạt cần nắm chắc chắn kiến thức lý luận về trường hợp
phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 BLHS để áp dụng PLHS một cách
chính xác. Hay trường hợp vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra có nhiều
đối tượng tham gia tức là vụ án lừa đảo có đồng phạm thì các chủ thể có thẩm
quyền phải xem xét vai trò của từng đối tượng khác nhau trên cơ sở quy định
tại Điều 16 BLHS để xác định trách nhiệm của mỗi người từ đó đưa ra mức
hình phạt tương ứng với mức độ thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh các quy định của PLHS thì các quy định của pháp luật TTHS
cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, đánh giá, bảo quản chứng cứ
trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng
trong các giai đoạn của quá trình tố tụng cũng ảnh hưởng đến chất lượng của
hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mà cụ thể là
những nội dung liên quan đến việc áp dụng PLHS đối với Tội LĐCĐTS cũng
ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản.
1.2.3.2. Các yếu tố chủ quan
Yếu tố chủ quan là những nhân tố bên trong nhưng lại là nhân tố vô cùng
quan trọng quyết định việc định tội danh đúng hay sai. Yếu tố chủ quan quan
trọng nhất đó chính là năng lực của chủ thể có thẩm quyền trong việc định tội
danh. Hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS chỉ có thể được tiến hành
bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Mà những người tiến hành tố
19
tụng bao gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và hội thẩm đó là
những người có trình độ, có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ phát hiện và xử lý tội
phạm nên năng lực của bản thân họ là vấn đề quan trọng nhất quyết định tính
chính xác của hoạt động định tội danh. Định tội danh Tội LĐCĐTS là hoạt
động tố tụng hình sự được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền khác nhau
nên mỗi chủ thể phải có nền tảng kiến thức pháp luật hình sự, tố tụng hình sự
cũng như các quy định khác của pháp luật nhất định, có đạo đức, có tinh thần
trách nhiệm, am hiểu và vận dụng tốt các quy định đó vào trong các vụ án thực
tế cụ thể mới đảm bảo cho việc định tội danh Tội LĐCĐTS được chính xác.
Ngoài ra, Tội LĐCĐTS là loại tội phạm có nhiều điểm tương đồng với pháp
luật dân sự và bản thân tội phạm này cũng bắt nguồn từ các giao dịch dân sự
nên để tránh việc hình sự hóa các quan hệ dân sự hay dân sự hóa các quan hệ
hình sự thì các chủ thể có thẩm quyền cần phải có vốn kiến thức hiểu biết nhất
định về pháp luật dân sự, về các giao dịch dân sự. Từ đó mới có thể kết luận đó
là Tội LĐCĐTS hay là vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính để có thể
đưa ra kết luận chính xác về tội danh của người phạm tội.
Bên cạnh đó hoạt động áp dụng pháp luật của các chủ thể tiến hành tố
tụng trong việc định tội danh đối với Tội LĐCĐTS cũng có thể bị tác động, bị
ảnh hưởng bởi các lợi ích khác nhau. Mỗi chủ thể có thẩm quyền cần có sự
kiên định, bản lĩnh vững vàng để vượt qua những cám dỗ về lợi ích vật chất,
lợi ích tinh thần cũng như những ảnh hưởng từ các chủ thể khác từ đó có sự
chắc chắn trong việc nhận định hành vi của người phạm Tội LĐCĐTS mới có
thể đưa ra quyết định đúng đắn. Chính vì vậy, chủ thể tiến hành tố tụng khi
ĐTD ngoài việc cần mạnh dạn đưa ra những quan điểm mang chính kiến cá
nhân và tìm cách để bảo vệ quan điểm đó thì còn cần có bản lĩnh chính trị
vững vàng, hiểu biết về các quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của
Đảng, của Nhà nước, chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của
20
pháp luật trong thực tiễn đối với việc giải quyết từng vụ án, tuân thủ sự chỉ
đạo của cấp trên đối với cấp dưới.
Để làm được điều này thì sự thay đổi trong cách thức tổ chức, quản lý
là điều rất cần thiết nhằm tạo ra sự độc lập giữa các cơ quan tiến hành tố tụng
trong quá trình giải quyết VAHS trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ;
sự kết hợp và trao đổi ý kiến, quan điểm để đưa ra kết luận chính xác và thống
nhất về hành vi của người phạm tội, đồng thời cần có chính sách hậu cần,
lương, thưởng hợp lý để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của các chủ thể
tiến hành tố tụng để họ an tâm công tác, làm việc và cống hiến, từ đó mới có
cơ sở để nâng cao chất lượng của hoạt động ĐTD.
1.3. Cơ sở pháp lý của định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1.3.1. Khái niệm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tổng kết từ thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm của các cơ
quan chức năng cho thấy, tội LĐCĐTS là loại tội xảy ra khá phổ biến trong
cơ cấu tội phạm nói chung. Tội phạm LĐCĐTS đang có những diễn biến hết
sức phức tạp, không chỉ gây thiệt hại nặng nề tới tài sản của nhà nước, của
công dân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội,
đe dọa đến sự ổn định chính trị và công cuộc xây dựng đất nước. Nhằm nâng
cao hiệu quả công tác đấu tranh chống loại tội phạm này nhất thiết các cơ
quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu và hiểu rõ khái niệm tội LĐCĐTS và
các vấn đề có liên quan.
Tội phạm LĐCĐTS được quy định trong BLHS năm 2015 (Điều 174)
không định nghĩa rõ thế nào là tội phạm LĐCĐTS, do đó để hiểu rõ khái niệm
về tội phạm LĐCĐTS thì trước hết tác giả đề cập đến khái niệm tội phạm
được quy định trong BLHS.
Khoản 1, điều 8 BLHS năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy
hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực TNHS hoặc
pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập,
21
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị,
chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi
ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp
luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” [25, tr.4].
Về khái niệm tội phạm LĐCĐTS cũng đã được đề cập rất nhiều trong
các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả với nhiều khái niệm khác nhau.
Căn cứ vào những quy định của BLHS có thể đưa ra khái niệm về tội
LĐCĐTS như sau:
“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm xâm phạm sở hữu có
tính chất chiếm đoạt, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý
bằng các thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin
nhầm nên trao tài sản để người phạm tội chiếm đoạt”.
1.3.2. Dấu hiệu pháp lý của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015
như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối CĐTS của người khác trị giá từ
2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi CĐTS mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các
điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của BLHS 2015, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình
họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần
đối với người bị hại.
22
2. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02
năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000
đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d
khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07
năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000
đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d
khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12
năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các
điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
23
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Căn cứ vào quy định tại Điều 174 BLHS, có thể nhận thức các dấu hiệu
của cấu thành tội phạm này như sau:
- Khách thể của tội LĐCĐTS: Cũng tương tự như các tội xâm phạm sở
hữu có tính chất chiếm đoạt khác được quy định trong BLHS nhưng tội
LĐCĐTS không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến
quan hệ sở hữu cụ thể là quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ.
- Mặt khách quan của tội LĐCĐTS: Mặt khách quan của tội LĐCĐTS
là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác và tạo cho mình khả
năng định đoạt tài sản của người đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ
đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài
sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng
của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.
Hành vi phạm tội của tội LĐCĐTS gồm hai hành vi khác nhau là hành
vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt có liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối
là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là
mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Tội phạm dùng những hành vi cụ
thể đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản làm cho họ tin và tự
nguyện giao tài sản cho người phạm tội, tin rằng việc giao tài sản hoàn toàn
hợp pháp. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải luôn luôn có trước khi
có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.
Thông thường hành vi chiếm đoạt xảy ra kế tiếp ngay sau hành vi gian
dối. Nhưng cũng có trường hợp giữa hai hành vi này có khoảng cách nhất
24
định về mặt thời gian. Trong trường hợp này tội phạm hoàn thành khi hành vi
chiếm đoạt đã xảy ra.
Gian dối là thủ đoạn đặc trưng cơ bản của tội LĐCĐTS nhưng không
phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người
phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành
tội LĐCĐTS.
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị tài sản bị
chiếm đoạt. Đối với trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản
có giá trị lớn hoặc rất lớn thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản
vẫn bị coi là phạm tội LĐCĐTS nhưng những trường hợp ấy là trường hợp
phạm tội chưa đạt. Trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt giá trị tài
sản dưới hai triệu đồng, tuy chưa chiếm đoạt được nhưng lại thuộc trường hợp
gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm
đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xoá án tích thì cũng
đã cấu thành tội LĐCĐTS, nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, nếu mới
chuẩn bị phạm tội thì chưa cấu thành tội LĐCĐTS.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội LĐCĐTS bao gồm
các yếu tố: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết
mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có
thể chiếm đoạt được tài sản. Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ
cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo,
đây là điểm phân biệt với cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vì trong một số trường hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông
qua một hình thức giao dịch nhất định.
- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội LĐCĐTS là người có đủ năng
lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định.
25
1.3.3. Phân biệt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm khác
Quá trình nghiên cứu thực tiễn cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng
gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh nói chung và định
tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt nói riêng, đặc
biệt là đối với các trường hợp mà hành vi của người phạm tội không thể hiện
hết các yếu tố cấu thành tội phạm một cách đặc trưng. Đối với những trường
hợp này, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải có trình độ lý luận, có kinh
nghiệm thực tiễn vững chắc trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng hợp các yếu
tố của vụ án, áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự một cách linh hoạt
để định tội danh chính xác.
1.3.3.1. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín
nhiệm chiếm đoạt tài sản
Tội LĐCĐTS và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều được
quy định trong Chương XVI về các tội xâm phạm sở hữu. Hai tội này có các
yếu tố cấu thành về khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm giống
nhau, cụ thể: Tội LĐCĐTS và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm
hại khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác được thực hiện bởi hành
vi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản; chủ thể của cả hai tội này có thể là
bất kỳ cá nhân nào trong xã hội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ điều
kiện về độ tuổi theo quy định của BLHS.
Bên cạnh những điểm tương đồng ấy thì hai tội này có những biểu hiện
khác nhau về dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm, như sau:
Một là: Sự khác nhau về dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối” để chiếm
đoạt tài sản. Hành vi gian dối ở tội LĐCĐTS là hành vi đưa ra những thông
tin sai sự thật bằng những thủ đoạn rất đa dạng như qua lời nói, sử dụng giấy
tờ giả, giả danh người khác để người có tài sản tin đó là thật và tự nguyện
giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Hành vi gian dối này luôn có trước
26
hành vi nhận được tài sản từ người khác, có trước hành vi chiếm đoạt tài sản
hay nói cách khác là hành vi gian dối chính là điều kiện để thực hiện hành vi
chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích của hành vi gian dối.
Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội
cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi gian
dối trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ xuất hiện sau khi
người có hành vi gian dối đã nhận được tài sản do người có tài sản tín nhiệm
giao cho. Việc nhận được tài sản của người khác là hoàn toàn ngay thẳng,
hợp pháp thông qua những hợp đồng có thể bằng miệng, bằng văn bản mà
người có tài sản giao cho để sử dụng, sửa chữa, vận chuyển, bảo quản…
Hành vi gian dối trong Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất hiện
sau khi người có hành vi gian dối đã nhận được tài sản từ người khác, còn
đối với tội LĐCĐTS thì hành vi gian dối xuất hiện trước khi người có hành
vi gian dối nhận tài sản.
Hai là, sự khác biệt về thời điểm hoàn thành tội phạm. Đối với Tội
LĐCĐTS, người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu và để đạt
được mục đích ấy họ chủ động thực hiện hành vi gian dối để nhận được và
sau đó chiếm đoạt tài sản. Tội LĐCĐTS hoàn thành tại thời điểm người phạm
tội nhận được tài sản từ người có tài sản.
Đối với lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hành vi chiếm đoạt tài
sản thể hiện bằng việc người phạm tội không trả lại tài sản cho người có tài
sản như cam kết trong hợp đồng, đến hẹn phải trả tài sản nhưng người phạm
tội không trả lại tài sản mà chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Do đó, tội lạm
dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội cố ý không
thực hiện nghĩa vụ phải trả lại tài sản (theo hợp đồng) cho người giao tài sản
mà mình đã chiếm đoạt tài sản đó.
27
Ba là, việc giao nhận tài sản giữa người có tài sản với người phạm tội.
Trong Tội LĐCĐTS thì người có tài sản tự giác giao cho người phạm tội đã
có hành vi gian dối, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng lên
những điều giả tạo, không đúng sự thật nhưng người có tài sản lại tin những
điều đó là sự thật mà tự giác giao tài sản cho người phạm tội hay nói cách
khác là do người có tài sản đã bị người phạm tội lừa dối mà tự nguyện, tự giác
giao tài sản.
Đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì khi giao tài sản
người có tài sản hoàn toàn biết rõ và tin tưởng vào khả năng thực tế của người
phạm tội có đủ mọi điều kiện thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng đã cam kết nên
đã tín nhiệm giao tài sản [37, tr. 34-36].
1.3.3.2. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội cướp giật tài sản
Tội LĐCĐTS và Tội cướp giật tài sản có hành vi khách quan khác nhau
hoàn toàn nhưng trên thực tế đối với tội cướp giật tài sản vẫn có những trường
hợp người phạm tội đã có hành vi gian dối trước khi chiếm đoạt tài sản. Do
đó để tránh nhầm lẫn khi định tội danh đối với hai tội này cần phân biệt hai
tội như sau:
Thứ nhất: Về mục đích của thủ đoạn gian dối: Tội LĐCĐTS người
phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ có
dùng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản. Còn đối với tội cướp
giật tài sản: Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản gần
chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi nhanh chóng giật lấy tài sản.
Thứ hai: Về ý thức của nạn nhân khi hành vi chiếm đoạt xảy ra: Tội
LĐCĐTS sau khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản được một khoảng thời
gian nhất định nạn nhân mới phát hiện được là mình bị lừa đảo. Đối với Tội
cướp giật tài sản thì ngay tại thời điểm người phạm tội thực hiện việc chiếm
đoạt tài sản một cách nhanh chóng thì chủ quản lý tài sản đã nhận biết được
28
việc chiếm đoạt còn người phạm tội thì công khai chiếm đoạt và nhanh chóng
tẩu thoát.
Thứ ba: Việc chuyển giao tài sản giữa nạn nhân và người phạm tội:
Người bị hại tự nguyện chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc quyền sở hữu
về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực
hiện hành vi gian dối. Đối với tội cướp giật tài sản: Người có tài sản không có
hành vi chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản
cho người phạm tội ngoài phạm vi kiểm soát của họ mà người có tài sản chỉ
chuyển giao sự quản lý tài sản tạm thời cho người phạm tội và họ vẫn kiểm
soát được việc người phạm tội đang nắm, giữ tài sản đó. Còn người phạm tội
sau khi nắm, giữ được tài sản thì thực hiện hành vi chiếm đoạt đối với tài sản
đó [37, tr 39].
1.3.3.3. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội cướp tài sản
Sự khác nhau của hai tội phạm này thể hiện ở tội cướp tài sản là hành
vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm
cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục
đích chiếm đoạt tài sản. Còn Tội LĐCĐTS là hành vi dùng thủ đoạn gian dối
làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản mình
đang sở hữu hoặc quản lý cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.
Dấu hiệu nhận biết hai tội này có sự khác nhau cơ bản như sau:
Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức chỉ cần sử dụng các hành vi nói
trên nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, không kể người
phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như mong muốn hay không.
Còn Tội LĐCĐTS có đặc điểm nổi bật là người bị chiếm đoạt tài sản tự
nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cho rằng việc giao tài sản cho
họ là hoàn toàn hợp pháp. Hành vi phạm tội của tội phạm này bao gồm hai
hành vi kế tiếp nhau, là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Lừa dối là
29
hành vi đưa thông tin không phù hợp với thực tế khách quan nhằm làm người
tiếp nhận thông tin cho nó là thật. Hành vi lừa dối có thể thực hiện qua lời nói,
qua xuất trình giấy tờ giả mạo. Chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành
vi lừa dối.
1.3.3.4. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản
Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS có những điểm
khác biệt cơ bản với tội LĐCĐTS như sau:
Thứ nhất: Ý nghĩa của thủ đoạn gian dối đối với việc chiếm đoạt tài
sản: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối có ý nghĩa
quyết định đối với việc chiếm đoạt tài sản, người phạm tội chỉ chiếm đoạt
được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ bằng thủ đoạn gian dối mới
chiếm đoạt được tài sản.
Đối với tội trộm cắp tài sản: Thủ đoạn gian dối không có ý nghĩa quyết
định đối với việc chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội chỉ dùng thủ đoạn gian
dối để tiếp cận tài sản gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi lén lút
lấy tài sản của nạn nhân. Chính hành vi “lén lút lấy tài sản” của người phạm
tội mới là hành vi quyết định đối với việc chiếm đoạt tài sản
Thứ hai: Việc chuyển giao tài sản giữa người quản lý tài sản và người
phạm tội: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người quản lý tài sản tự
nguyện chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về
tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi người phạm tội thực hiện
hành vi gian dối. Sự tự nguyện này xuất phát từ niềm tin giả tạo được xây
dựng bằng thủ đoạn gian dối của người phạm tội.
Đối với tội trộm cắp tài sản: Người quản lý tài sản không có hành vi tự
nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội. Nếu có xảy ra việc chuyển giao
tài sản một cách tự nguyện cho người phạm tội thì việc chuyển giao này là hoạt
động thực hiện một nghĩa vụ nhất định của người quản lý tài sản một cách chính
30
đáng, đúng đắn, ngay thẳng, không phải là kết quả của thủ đoạn gian dối của
người phạm tội.
1.3.3.5. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lừa dối khách hàng
Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 BLHS 2015 xâm phạm
Trật tự quản lý kinh tế, kinh doanh thương mại và lợi ích của người tiêu dùng.
Trong khi đó tội LĐCĐTS xâm phạm quyền sở hữu của con người. Đây là hai
tội phạm mà khách thể của tội phạm là hoàn toàn khác nhau nhưng trên thực
tế cũng dễ nhầm lẫn trong việc định tội danh của tội phạm vì hai tội này có
những điểm tương đồng đó là đều thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn
gian dối để chiếm đoạt tài sản.Tuy nhiên hai tội này có những điểm khác biệt
cơ bản như:
Về hành vi: Tội LĐCĐTS người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối làm cho
người có tài sản tin tưởng vào sự gian dối mà tự nguyện trao tài sản cho người
phạm tội. Đối với tội lừa dối khách hàng người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối
trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm,
tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để lấy tiền của
khách hàng.
Về chủ thể: Chủ thể của Tội LĐCĐTS có thể là bất kỳ chủ thể nào thỏa
mãn: có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Còn chủ thể
của Tội lừa dối khách hàng chủ thể phạm tội chỉ có thể là những người làm
nghề mua, bán hàng hóa.
31
Chương 2
THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ NHỮNG HẠN CHẾ
2.1. Thực tiễn định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa
bàn tỉnh Bình Phước
2.1.1. Khái quát tình hình điều tra, truy tố, xét xử tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Theo số liệu thống kê hàng năm của TAND tỉnh Bình Phước từ năm
2014 đến 2018 cho thấy tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh diễn ra
khá phức tạp và có xu hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội
với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, giá trị tài sản bị chiếm
đoạt ngày càng lớn, cụ thể như sau:
Năm 2014, CQĐT khởi tố 49 vụ với 58 bị can, Viện kiểm sát truy tố 47
vụ với 56 bị can và Tòa án xét xử 47 vụ với 55 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can,
tạm đình chỉ 1 vụ 2 bị can.
Năm 2015, CQĐT khởi tố 31 vụ với 39 bị can, Viện kiểm sát truy tố 31
vụ với 39 bị can và Tòa án xét xử 29 vụ với 37 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can,
tạm đình chỉ 1 vụ 1 bị can.
Năm 2016, CQĐT khởi tố 37 vụ với 55 bị can, Viện kiểm sát truy tố 35
vụ với 53 bị can và Tòa án xét xử 35 vụ với 53 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can,
tạm đình chỉ 1 vụ 1 bị can.
Năm 2017, CQĐT khởi tố 44 vụ với 49 bị can, Viện kiểm sát truy tố 43
vụ với 48 bị can và Tòa án xét xử 43 vụ với 48 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can.
32
Năm 2018, CQĐT khởi tố 49 vụ với 59 bị can, Viện kiểm sát truy tố
48 vụ với 54 bị can và Tòa án xét xử 48 vụ với 54 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ
4 bị can.
Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong khoảng thời gian 5 năm từ
năm 2014 đến năm 2018 CQĐT đã tiến hành khởi tố 210 vụ với 260 bị can;
Viện kiểm sát truy tố 203 vụ với 250 bị can; Tòa án tỉnh đã xét xử 200 vụ với
247 bị cáo phạm tội LĐCĐTS [Xem Bảng 2.3 - Phần phụ lục].
Tóm lại: Tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước
thời gian qua có xu hướng tăng dần cả về số vụ và số bị cáo cho thấy tình
hình tội phạm đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp. So sánh tình hình
tội phạm này với tình hình tội phạm chung trên địa bàn tỉnh và khu vực miền
Đông Nam Bộ thì tỷ lệ tội phạm không cao nhưng hàng năm có xu hướng
tăng dần cả về tính chất và mức độ của tội phạm [Xem Bảng 2.1, 2.2 - Phần
phụ lục]. Qua số liệu thống kê cụ thể trên đã phần nào cho thấy thực trạng phổ
biến của tình hình tội phạm LĐCĐTS xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước
thời gian qua, tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là loại tội phạm
này đang có xu hướng diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã
hội, chủ thể của nó có thể là bất kỳ ai, bất kỳ chủ thể nào và phần lớn đối
tượng phạm tội thường là những người có học vấn, có trình độ và thường
ngoan cố cũng như luôn tìm mọi cách để che dấu hành vi phạm tội nhằm
chiếm đoạt cho được tài sản, trong đó tài sản trong những vụ án LĐCĐTS giá
trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn. Chính những thiệt hại về mặt vật chất thường
rất lớn dẫn tới những hệ lụy không nhỏ của tội phạm này, tuy nhiên, thời gian
qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước hoạt động định tội danh đối với tội phạm
này còn nhiều vấn đề hạn chế, thể hiện qua số vụ án bị đình chỉ và tạm đình
chỉ hàng năm với tội phạm này vẫn còn xảy ra.
33
2.1.2. Kết quả định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cấu
thành cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Định tội danh theo cấu thành cơ bản hay nói cách khác là định tội danh
đối với tội phạm hoàn thành là việc so sánh, đối chiếu hành vi nguy hiểm cho xã
hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần
các tội phạm của BLHS quy định, từ đó xác định và tìm ra sự tương đồng.
Do đó, định tội danh đối với Tội LĐCĐTS theo cấu thành cơ bản là sự
đánh giá về mặt pháp lý hình sự hành vi chiếm đoạt tài sản đã xảy ra trên cơ
sở so sánh, đối chiếu và kiểm tra để xác định sự giống nhau giữa các dấu hiệu
của hành vi ấy với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của Tội LĐCĐTS quy
định tại Điều 174 BLHS.
Đánh giá về mặt pháp lý các dấu hiệu thuộc yếu tố khách thể của tội
LĐCĐTS bao gồm:
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự xác
lập và bảo vệ và bị tội phạm xâm hại đến. Khách thể của tội phạm là một
trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm mà hoạt động ĐTD bắt buộc phải tiến
hành kiểm tra, so sánh, đối chiếu trước khi đánh giá về mặt pháp lý các yếu tố
khác như mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể
của tội phạm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
nhiệm kỳ 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua cho thấy
những mặt tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm tuy
nhiên vẫn còn những hạn chế như: tình hình tội phạm tuy được kiềm chế
nhưng còn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự vẫn có xu hướng gia tăng
và tính chất ngày càng tinh vi. Tuy số lượng ĐTV, KSV, Thẩm phán TAND
hai cấp còn thiếu nhiều so với biên chế được phân bổ, số Thẩm phán hết nhiệm
kỳ chờ tái bổ nhiệm lâu... nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm trong công tác,
34
trên cơ sở bám sát các yêu cầu, chỉ tiêu theo các Chỉ thị của TAND, VKSND
tối cao và công tác cải cách tư pháp; các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động
đề ra các chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và
tổ chức thực hiện; kết quả đạt được góp phần làm giảm tình hình tội phạm trên
địa bàn tỉnh thời gian qua. Nhìn chung, trong thời gian qua được sự quan tâm
của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Tòa án nhân dân
tối cao và tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức hai cấp trong
hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã cơ bản thực hiện tốt các nội
dung mà Tòa án nhân dân tối cao đề ra, việc giải quyết các loại án đúng pháp
luật, đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tỷ
lệ giải quyết án luôn đạt trên 93%. Việc phát động và triển khai các phong
trào thi đua đạt hiệu quả và nhận thức về công tác thi đua của cán bộ công
chức đã được nâng cao, góp phần tích cực trong việc xét xử các loại án. Trong
thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, tình hình tội phạm
nói chung và Tội LĐCĐTS nói riêng có chiều hướng gia tăng cả về tính chất
và mức độ của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của
tỉnh luôn có kế hoạch hành động và không ngừng nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt
trong công tác đấu tranh phòng chống, xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn và
tiến tới từng bước đẩy lùi loại tội phạm này. Chính vì vậy, CQĐT, VKS và
Tòa án đã không ngừng đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực nhất
định. Trong 5 năm qua, tổng số lượng các vụ án về Tội LĐCĐTS được phát
hiện, điều tra và xử lý chiếm tỉ lệ rất cao, quá trình tiến hành điều tra, truy tố,
xét xử đối với tội phạm LĐCĐTS được bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng
pháp luật.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, các cơ quan tiến
hành tố tụng hai cấp của Bình Phước đã kết thúc điều tra 210 vụ với 260 bị can;
Viện kiểm sát truy tố 203 vụ với 250 bị can; Tòa án tỉnh đã xét xử 200 vụ với
35
247 bị cáo phạm tội LĐCĐTS. Trong số các vụ án mà TAND 2 cấp của tỉnh
Bình Phước đã xét xử xét xử trong 5 năm qua cho thấy quá trình điều tra, truy tố
và xét xử đối với các loại tội phạm nói chung và Tội LĐCĐTS nói riêng phần
lớn đều đã được cơ quan tiến hành tố tụng của Tỉnh định tội danh đúng.
2.1.3. Thực tiễn định tội danh đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
theo cấu thành tăng nặng
Các tình tiết tăng nặng TNHS là các tình tiết làm tăng mức độ nguy
hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là căn cứ để tăng nặng TNHS của
người phạm tội (trong phạm vi một khung hình phạt) so với các trường hợp
phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó. Trong Luật
hình sự Việt Nam, các tình tiết tăng nặng đã được quy định cụ thể tại Điều 52
BLHS năm 2015. Vấn đề đặt ra là nhận thức và áp dụng các tình tiết tăng
nặng trách nhiệm hình sự trên như thế nào, nhất là trong những trường hợp
phạm tội có sự đan xen giữa các tình tiết tăng nặng với nhau; giữa các tình tiết
định tội, định khung hình phạt với các tình tiết tăng nặng TNHS; giữa các tình
tiết tăng nặng TNHS với các tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội;
giữa các tình tiết tăng nặng TNHS với các tình tiết giảm nhẹ TNHS trong việc
định tội danh nói chung và định tội danh Tội LĐCĐTS nói riêng là vấn đề cần
được quan tâm.
ĐTD Tội LĐCĐTS theo cấu thành tăng nặng bao gồm:
Một là, định tội danh trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 BLHS thì: “Phạm tội có tổ chức là
hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện
tội phạm”. Tội LĐCĐTS có tổ chức cũng tương tự như các trường hợp phạm
tội có tổ chức khác là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người
cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người
xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản
36
có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ từng vai trò như trên mà tùy từng
trường hợp cụ thể có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không
có người xúi giục hoặc người giúp sức nhưng nhất định phải có người tổ chức
và người thực hành thì mới là người phạm tội có tổ chức. Các yếu tố có thể
xác định tội LĐCĐTS có tổ chức hay không được quy định tại Điều 17 Bộ
luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội LĐCĐTS có tổ chức cũng có những đặc
điểm riêng biệt như người thực hành trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là
người trực tiếp thực hiện thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản từ chủ sở hữu
hoặc từ người quản lý tài sản.
Hai là, định tội danh trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính
chất chuyên nghiệp
Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm
phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về tình tiết tăng nặng “Phạm tội
có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52
BLHS. Theo đó, chỉ được phép áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất
chuyên nghiệp” khi đã xác định được trường hợp phạm tội cụ thể có đủ hai
điều kiện: Một là, người phạm tội cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng
một tội phạm, không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu
TNHS nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xoá án tích. Hai
là, người phạm tội lấy lừa đảo làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc
phạm tội làm nguồn sống chính. Như vậy, phạm tội LĐCĐTS chuyên nghiệp
được hiểu là người phạm tội đã năm lần trở lên thực hiện tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu
TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xoá án tích và
người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả
của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Do đó, quá trình định tội danh đối
với tội này có tình tiết tăng nặng có tính chất chuyên nghiệp phải đảm bảo cả
37
2 yếu tố: phạm tội từ năm lần trở lên và kết quả của việc phạm tội làm nguồn
thu nhập chính.
Như vụ án Võ Thị Bích Phượng và Thạch Thị Lợi lừa mua 35 xe máy
trả góp của 35 doanh nghiệp khác nhau và chiếm đoạt luôn. Tức là cả hai đối
tượng có 35 lần phạm tội khác nhau nhưng việc chiếm đoạt tài sản của trong
những lần trên Phượng và Lợi không phải là nguồn sống chính mà Phượng và
Lợi còn có nguồn thu nhập từ hoa màu trên rẫy của gia đình, do đó đây chỉ là
phạm tội đồng phạm giản đơn và phạm tội nhiều lần (Bản án số:
35/2018/HSST ngày 28/ 8/2018 của TAND tỉnh Bình Phước).
Ba là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người phạm tội thuộc trường
hợp tái phạm nguy hiểm
Khoản 2 Điều 53 BLHS quy định những trường hợp sau đây được coi
là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm
trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội
phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm
tội do cố ý”.
Đây là yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội, không liên quan đến
hành vi của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bốn là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người lợi dụng chức vụ,
quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt
tài sản
Việc xác định người có chức vụ và việc lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức để LĐCĐTS của người phạm tội là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa
trong việc xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan
tiến hành tố tụng. Có thể nói, việc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản là
38
một tình tiết định khung tăng nặng đồng thời còn được xác định là tình tiết
tăng nặng trách nhiệm hình sự vì nó đã làm tăng tính chất mức độ nguy hiểm
cho xã hội do hành vi phạm tội. Đây là loại tội phạm dễ dàng gây ra hậu quả
thiệt hại cả về vật chất và thiệt hại về tinh thần lớn cho xã hội do những người
có chức vụ thực hiện nên có điều kiện để thực hiện tội phạm mà những người
khác không thể thực hiện được. Mặt khác, việc thực hiện tội phạm của những
người có chức vụ có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm uy
tín của nhà nước, của tổ chức… đối với các tầng lớp nhân dân.
Người có chức vụ quyền hạn là những người được bổ nhiệm, được bầu
cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không
hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có những quyền
hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng
việc mình có chức vụ để LĐCĐTS thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ
quyền hạn để phạm tội. Ví dụ như trường hợp Trần Văn Hiếu sinh năm 1982
ở Ninh Bình lợi dụng việc là nhân viên khoán việc của Tạp chí Thanh Tra
thuộc Thanh tra Chính phủ đã lừa dối công ty TNHH Mỹ Ngọc ở Lộc Ninh –
Bình Phước số tiền 100.000.000 đồng, khi Hiếu đang nhận tiền thì bị bắt quả
tang. (Bản án số:134/2014/HSPT ngày: 07/10/2014 của TAND tỉnh Bình
Phước).
Người có chức vụ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm LĐCĐTS khi họ
đã lợi dụng chức vụ được giao để phạm tội LĐCĐTS. Chức vụ luôn gắn liền
với những quyền hạn nhất định, người có chức vụ thường là những người có
quyền được quyết định những công việc có liên quan đến lợi ích chung của xã
hội. Chính vì vậy, chỉ có thể coi một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
phạm tội LĐCĐTS khi họ cố ý đưa ra những thông tin sai sự thật về quyền
năng của họ từ đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
39
Người có hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm
tội thông qua vai trò của các cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để lừa
đảo chiếm đoạt tài sản. Thông thường, người phạm tội trong những trường
hợp này thường là phạm tội thông qua các giao dịch dân sự, các hợp đồng
kinh tế để lừa đảo cơ quan, tổ chức hoặc các cá nhân khác; bị hại trong những
trường hợp này tưởng nhầm rằng giao dịch với các cơ quan, tổ chức thì không
sợ bị lừa, bị mất tài sản.
Năm là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người dùng thủ đoạn xảo
quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm
đoạt tài sản là người phạm tội có những thủ thuật, mánh khoé, cách thức thâm
hiểm khác nhau làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước
và không thể lường trước được để đề phòng. Đây cũng được coi là một cấu
thành tăng nặng khi ĐTD đối với tội LĐCĐTS.
2.2. Những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước
2.2.1. Những hạn chế, vướng mắc
Qua thực tiễn quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến
hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy hoạt động định tội danh
đối với Tội LĐCĐTS trong những năm qua về cơ bản là chính xác và khách
quan thì bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít những hạn chế, vướng mắc. Cụ thể
như sau:
Thứ nhất: Khó khăn trong việc xác định thời điểm xuất hiện ý định
chiếm đoạt tài sản
Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận cho thấy, Tội LĐCĐTS thì ý
định chiếm đoạt tài sản xuất hiện trước khi người phạm tội thực hiện các hành
vi trong thủ đoạn gian dối và trước khi người chủ sở hữu tài sản chuyển giao
40
tài sản cho người phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng để phân biệt tội phạm
LĐCĐTS với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và với các tội xâm
phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác. Sau khi có ý định chiếm đoạt tài
sản, người phạm tội mới tìm cách để thực hiện hành vi trên thực tế là hành vi
gian dối. Nếu ý định chiếm đoạt tài sản chỉ xuất hiện sau khi chủ sở hữu bàn
giao tài sản cho người phạm tội thì trường hợp này không cấu thành Tội
LĐCĐTS bởi vì hành vi chiếm đoạt tài sản không phải kết quả của việc thực
hiện thủ đoạn gian dối, tức là hành vi ấy không thỏa mãn phương thức chiếm
đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối theo luật định. Đối với trường hợp này sẽ
cấu thành tội phạm khác đó là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điển hình như vụ án sau: Ngày 06/7/2016, Minh rủ Hải và Trương
Quang Nam đến nhà Huỳnh Văn Quyền ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện
Bù Gia Mập uống rượu. Trong lúc Minh, Hải, Nam uống rượu thì hết thức ăn
nên Hải nói đi mua thêm thức ăn về để tiếp tục uống rượu, Hải đồng ý. Sau
khi nhận được xe Hải tắt điện thoại để Minh không liên lạc được rồi điểu
khiển xe đi bán với số tiền 5.000.000 đồng. Đến ngày 06/9/2016, Hải về xã
Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì bị ông Minh phát hiện trình
báo Công an xã Lộc Tấn bắt giữ.
Thực tiễn xét xử tại TAND huyện Bù Gia Mập cho thấy: các cơ quan
tiến hành tố tụng trong trường hợp này xác định Hải phạm tội Lạm dụng tín
nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS vì cho rằng:“Hành vi
của bị cáo Hải lợi dụng vào lòng tin của chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt tài
sản của người bị hại, là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở
hữu về tài sản của ngươi bị hại là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ,
gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang lo sợ
trong quần chúng nhân dân. Bị cáo nhận thức được việc thực hiện hành vi
chiếm đoạt tài sản của người bị hại là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích
41
vụ lợi bị cáo vẫn cố tình thực hiện việc phạm tội chứng tỏ bị cáo thiếu ý thức
chấp hành pháp luật. Vì vậy cần xử phạt bị cáo mức án tương xứng với hành
vi mà bị cáo đã thực hiện mới có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa
chung”. (Bản án số: 09/2017/HSST ngày 07/3/2017 của TAND huyện Bù Gia
Mập tỉnh Bình Phước)
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả: Trong trường hợp trên, việc xác
định thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt có ý nghĩa quyết định trong vấn
đề định tội danh. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, lời khai ban đầu Hải thừa
nhận vì muốn chiếm đoạt chiếc xe lấy tiền tiêu xài nên trong quá trình nhậu
Hải cố tình chuốc rượu mọi người nhiều, sau đó khi hết rượu Hải xung phong
đi mua nhằm mục đích mượn xe của Minh đi để chiếm đoạt. Như vậy, trường
hợp này ý định chiếm đoạt xuất hiện trước hành vi gian dối. Do đó, hành vi
của Hải thỏa mãn dấu hiệu của Tội LĐCĐTS chứ không phải tội lạm dụng tín
nhiệm chiếm đoạt tài sản như bản án trên.
Thứ hai: Khó khăn trong việc xác định thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt
tài sản
Thủ đoạn gian dối của người phạm tội trong tội LĐCĐTS bao giờ cũng
phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì
mới cấu thành tội phạm LĐCĐTD, nếu thủ đoạn gian dối của người phạm tội lại
có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là LĐCĐTS mà tùy
từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội
phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài
sản. Về phía người bị hại thường là những người mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin và
không ít người do hám lợi, tham lam nên mới tạo điều kiện để cho người phạm
tội lừa được.
Ví dụ như vụ án sau: Vào năm 2011, ông Đoàn Công Khả có nhận
chuyển nhượng khoảng 2 ha đất tại ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chưa
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY

Mais conteúdo relacionado

Mais procurados

Mais procurados (20)

Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại Tp Hà Nội, 9đ
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại Tp Hà Nội, 9đLuận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại Tp Hà Nội, 9đ
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại Tp Hà Nội, 9đ
 
Luận văn: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật
Luận văn: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luậtLuận văn: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật
Luận văn: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật
 
Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAYLuận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
 
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại Quảng Ninh
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại Quảng NinhLuận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại Quảng Ninh
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại Quảng Ninh
 
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAYLuận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
 
Luận văn: Nguyên nhân điều kiện tội trộm cắp tài sản tại TPHCM
Luận văn: Nguyên nhân điều kiện tội trộm cắp tài sản tại TPHCMLuận văn: Nguyên nhân điều kiện tội trộm cắp tài sản tại TPHCM
Luận văn: Nguyên nhân điều kiện tội trộm cắp tài sản tại TPHCM
 
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Luật hình sự, HOT
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Luật hình sự, HOTTội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Luật hình sự, HOT
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Luật hình sự, HOT
 
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí MinhLuận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
 
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAYLuận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOTLuận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
 
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAYĐề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
 
Luận văn: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy
Luận văn: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túyLuận văn: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy
Luận văn: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy
 
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong luật hình sự, HOT
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong luật hình sự, HOTLuận văn: Các tội phạm về ma túy trong luật hình sự, HOT
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong luật hình sự, HOT
 
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam ĐịnhLuận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
 
Luận văn: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt
Luận văn: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạtLuận văn: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt
Luận văn: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt
 
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 9đ
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 9đĐề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 9đ
Đề tài: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 9đ
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi, 9đLuận văn: Quản lý nhà nước về công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi, 9đ
 
Luận văn: Tội mua bán người theo quy định của pháp luật hình sự
Luận văn: Tội mua bán người theo quy định của pháp luật hình sựLuận văn: Tội mua bán người theo quy định của pháp luật hình sự
Luận văn: Tội mua bán người theo quy định của pháp luật hình sự
 

Semelhante a Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY

Semelhante a Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY (20)

Định tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo luật
Định tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo luậtĐịnh tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo luật
Định tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo luật
 
Luận văn: Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Luận văn: Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sảnLuận văn: Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Luận văn: Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
 
ĐỊNH TỘI DANH TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH S...
ĐỊNH TỘI DANH TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH S...ĐỊNH TỘI DANH TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH S...
ĐỊNH TỘI DANH TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH S...
 
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt NamLuận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Định tội danh đối với tội đánh bạc theo Luật, HAY, 9đ
Luận văn: Định tội danh đối với tội đánh bạc theo Luật, HAY, 9đLuận văn: Định tội danh đối với tội đánh bạc theo Luật, HAY, 9đ
Luận văn: Định tội danh đối với tội đánh bạc theo Luật, HAY, 9đ
 
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ ...
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ ...Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ ...
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ ...
 
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự huyện Đông Anh
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự huyện Đông AnhLuận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự huyện Đông Anh
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự huyện Đông Anh
 
Chứng minh trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Chứng minh trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAYChứng minh trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
Chứng minh trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY
 
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự tại TPHCM, 9đ
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự tại TPHCM, 9đLuận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự tại TPHCM, 9đ
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự tại TPHCM, 9đ
 
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ...
 Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ... Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ...
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ...
 
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt NamLuận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra theo luật
Luận văn: Thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra theo luậtLuận văn: Thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra theo luật
Luận văn: Thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra theo luật
 
Quyết định hình phạt đối với tội xâm phạm sở hữu tại TPHCM, HAY - Gửi miễn ph...
Quyết định hình phạt đối với tội xâm phạm sở hữu tại TPHCM, HAY - Gửi miễn ph...Quyết định hình phạt đối với tội xâm phạm sở hữu tại TPHCM, HAY - Gửi miễn ph...
Quyết định hình phạt đối với tội xâm phạm sở hữu tại TPHCM, HAY - Gửi miễn ph...
 
Luận văn: Nhân thân người phạm tội tại huyện Củ Chi, HAY
Luận văn: Nhân thân người phạm tội tại huyện Củ Chi, HAYLuận văn: Nhân thân người phạm tội tại huyện Củ Chi, HAY
Luận văn: Nhân thân người phạm tội tại huyện Củ Chi, HAY
 
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong trường hợp đồng phạm
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong trường hợp đồng phạmLuận văn: Các tội phạm về ma túy trong trường hợp đồng phạm
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trong trường hợp đồng phạm
 
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật tại quận 1, TPHCM
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật tại quận 1, TPHCMLuận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật tại quận 1, TPHCM
Luận văn: Tội cướp giật tài sản theo pháp luật tại quận 1, TPHCM
 
Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của phá...
Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của phá...Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của phá...
Định tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của phá...
 
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAYLuận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
 
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật tại huyện Sóc Sơn
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật tại huyện Sóc SơnLuận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật tại huyện Sóc Sơn
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo pháp luật tại huyện Sóc Sơn
 

Mais de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Mais de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Último

SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
ChuThNgnFEFPLHN
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Kabala
 

Último (20)

TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
 
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
 
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 

Luận văn: Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ QUANG NINH ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH BÌNH PHƯỚC LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ Hà Nội - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ QUANG NINH ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH BÌNH PHƯỚC Ngành: Luật hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 8.38.01.04 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS TRẦN VĂN ĐỘ Hà Nội - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả đề cập trong Luận văn là trung thực, có nguồn gốc trích dẫn rõ ràng và chính xác. Tác giả luận văn Lê Quang Ninh
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM 8 1.1. Khái niệm, ý nghĩa của định tội danh 8 1.2. Lý luận về định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 10 1.3. Cơ sở pháp lý của định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 20 Chương 2: THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ NHỮNG HẠN CHẾ 32 2.1. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước 32 2.2. Những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước 40 Chương 3: YÊU CẦU VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 53 3.1. Yêu cầu nâng cao chất lượng định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 53 3.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 56 KẾT LUẬN 68 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • 5. DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT BLHS: Bộ luật hình sự BLTTHS: Bộ luật tố tụng hình sự CQĐT: Cơ quan điều tra ĐTD: Định tội danh LĐCĐTS: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản PLHS: Pháp luật hình sự TAND: Tòa án nhân dân TTHS: Tố tụng hình sự VAHS: Vụ án hình sự VKS: Viện kiểm sát VKSND: Viện kiểm sát nhân dân
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU Bảng 2.1 Cơ cấu của tình hình Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản so với tình hình các loại tội phạm chung trên địa bàn khu vực miền Đông Nam Bộ Bảng 2.2 Cơ cấu của tình hình Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được tính toán trên cơ sở diện tích của các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ Bảng 2.3 Thống kê số vụ án và số bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 – 2018 Bảng 2.4 Tình hình Tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 – 2018
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Những vấn đề lý luận và thực tiễn về ĐTD luôn là một những nhiệm vụ quan trọng của khoa học luật hình sự Việt Nam vì: Quá trình giải quyết vụ án một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền xác định tội danh đã được thực hiện trong thực tế khách quan có chính xác hay không? Thực tiễn áp dụng PLHS cho thấy rằng nếu như trong tất cả các VAHS khi tội phạm được xác định chính xác không những sẽ góp phần làm cho hình phạt được quyết định đối với người phạm tội phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà người đó đã thực hiện và đảm bảo sức được thuyết phục mà còn làm cho hiệu quả của pháp luật và pháp chế XHCN cũng như uy tín của Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật được nâng rõ rệt lên trước nhân dân và dư luận xã hội. Ngoài ra, quá trình điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, trong một số trường hợp các cơ quan tư pháp hình sự cũng có thể ĐTD không được chính xác vì các quy phạm PLHS được ghi nhận trong luật thực định thường là các quy phạm dưới dạng trừu tượng nhưng các tình huống diễn ra trong thực tế khách quan của đời sống xã hội thì lại rất phong phú và đa dạng nên không phải lúc nào các nhà làm luật cũng có thể lường trước được tất cả mọi tình huống có thể xảy ra. Chính vì vậy, những vấn đề lý luận về ĐTD và thực tiễn áp dụng các quy phạm PLHS có liên quan đến việc ĐTD luôn được các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu và cán bộ thực tiễn của các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án… coi là những vấn đề đa dạng và phức tạp, đang được tranh luận với nhiều quan điểm, ý kiến rất khác nhau.
  • 8. 2 Theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị: Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì việc ĐTD đúng là yêu cầu cần thiết phục vụ hiệu quả cho tiến trình cải cách tư pháp và đảm bảo quyền con người trong TTHS. Thực tiễn giải quyết VAHS những năm qua cho thấy, các vụ việc oan, sai chủ yếu bắt nguồn từ việc ĐTD sai, đánh giá chứng cứ phiến diện, chủ quan. Do vậy, ĐTD vẫn được xem là một trong những khâu khó trong chuỗi các hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là với những tội phạm mà dấu hiệu cấu thành tội phạm còn dễ gây nhầm lẫn với các tội phạm khác hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc xác định có hay không hành vi phạm tội xảy ra hay chỉ đơn thuần là vi phạm dân sự, kinh tế như Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015. Để ĐTD đối với tội phạm này chính xác là vấn đề không đơn giản bởi dễ nhầm lẫn với các tội phạm khác nhất là ở những địa phương đang trên đà phát triển về kinh tế như Bình Phước. Trong thời gian từ 2014 đến 2018, tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung và tình hình tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng có những diễn biến vô cùng phức tạp về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội với 193 vụ/238 bị cáo trên tổng số 5315 vụ/10593 bị cáo chiếm 3,6% số vụ và 2,2 % số bị cáo nhưng mức độ hậu quả của hành vi thì không hề nhỏ, gây ra sự phẫn nộ và bất bình trong quần chúng nhân dân. Thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước những năm vừa qua cho thấy về cơ bản việc ĐTD được thực hiện tương đối đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp giữa CQĐT, VKSND, TAND trong quá trình giải quyết vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề ĐTD dẫn đến có nhiều vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau. Có trường hợp Tòa án quyết định tội danh đối với bị cáo khác với tội
  • 9. 3 danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, cá biệt còn có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trước hết và quan trọng nhất là một số trường hợp áp dụng không đúng, chưa xác định đầy đủ, khách quan hành vi phạm tội, nhận thức quy định của BLHS chưa đầy đủ nên dẫn đến việc ĐTD còn chưa chính xác, việc hủy án, sửa án vẫn còn tồn tại ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc còn có sự nhầm lẫn giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Chính vì vậy, tác giả chọn đề tài “Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Tỉnh Bình Phước” làm đề tài nghiên cứu của mình góp phần làm rõ những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng định tội danh đối với tội phạm này trong thời gian tới. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Một số công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo liên quan đến đề tài nghiên cứu của tác giả đã được đề cập và công bố như: Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm - quyển 1 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, Nxb Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo trình luật hình sự Việt Nam - Tập 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2007, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự - Tập 2 của tác giả Đinh Văn Quế năm 2003, Nxb Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Bình luận khoa học BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) - Phần các tội phạm của tác giả Nguyễn Đức Mai năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  • 10. 4 Lí luận chung về định tội danh của tác giả Võ Khánh Vinh năm 2013, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Định tội danh và quyết định hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam của tác giả Lê Văn Đệ năm 2004, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Định tội danh (Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập) của tác giả Lê Cảm – Trịnh Quốc Toản năm 2015, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. Phương pháp định tội danh với 538 tội danh trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 của tác giả Đoàn Tấn Minh – Nguyễn Ngọc Điệp năm 2018, Nxb Lao động, Hà Nội. Định tội danh Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Hoàng Thị Kim Chi năm 2017, Luận văn thạc sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội. Định tội danh tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở thực tế số liệu từ địa bàn thành phố Đà Nẵng của tác giả Ngô Văn Định năm 2015, Luận văn thạc sỹ luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở thực tế số liệu từ địa bàn tỉnh Đăk Lăk) của tác giả Trương Thị Đông năm 2015, Luận văn thạc sỹ luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các công trình nghiên cứu khoa học nêu trên đều là những công trình có giá trị về mặt lý luận khoa học và thực tiễn nhất định. Tuy nhiên, nội dung các công trình trên mới chỉ hướng đến việc phân tích, nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về tội phạm nói chung, về vấn đề định tội danh nói riêng. Vấn đề ĐTD tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa được nghiên cứu chuyên sâu và riêng lẻ, đặc biệt là nghiên cứu về vấn đề ĐTD tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với thực tiễn một địa bàn nhất định. Vì vậy, theo đánh giá của tác giả, mặc dù có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài khác nhau đề cập đến vấn đề về xác định tội phạm nói chung, việc ĐTD nói riêng. Mặt khác, chưa có công trình, đề
  • 11. 5 tài nghiên cứu nào xem xét vấn đề định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở góc độ hoàn chỉnh, toàn diện gắn với địa bàn cụ thể như tỉnh Bình Phước. Mặc dù vậy, kết quả của những công trình nghiên cứu nêu trên là một trong những nguồn tài liệu cơ sở lý luận quan trọng mà tác giả có thể vận dụng, kế thừa và bổ sung để hoàn thiện cho đề tài nghiên cứu của mình. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Dựa trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như nghiên cứu vấn đề lý luận về định tội danh cũng như phân tích thực tiễn định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các số liệu thống kê cụ thể, thông qua các vụ án thực tiễn xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2014 - 2018 để đưa ra một số kiến nghị nhất định nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về xử lý tội phạm này trong thời gian tới. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Với mục đích nghiên cứu đã được xác định như trên, để thực hiện đề tài cần thiết phải thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau: - Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về định tội danh nói chung và định tội danh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. - Phân tích cơ sở pháp lý (quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để làm rõ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm này và so sánh với một số tội phạm khác có tính chất tương đồng được quy định trong Bộ luật hình sự. - Khảo sát thực tiễn, đánh giá những ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 - 2018.
  • 12. 6 - Đưa ra yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận về định tội danh, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực tiễn định tội danh trong các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 4.2 Phạm vi nghiên cứu Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở tổng hợp số liệu tình hình giải quyết các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018. Đây là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động định tội danh Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận đó là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, về chính sách hình sự đối với tội phạm nói chung và đối với Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đồng thời, trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện đề tài, tác giả sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê nhằm làm rõ nội dung vấn đề cần trình bày cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ĐTD đối với tội phạm này. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn 6.1 Ý nghĩa lý luận Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp tiếng nói khoa học vào hệ thống lý luận về ĐTD Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài.
  • 13. 7 6.2 Ý nghĩa thực tiễn Bên cạnh những giá trị về mặt lý luận, trên thực tiễn kết quả nghiên cứu của đề tài còn có thể được vận dụng như một tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Thêm vào đó, đối với các cán bộ công tác thực tiễn, đặc biệt là cán bộ công tác trong lĩnh vực hình sự, luận văn sẽ giúp ích một phần để cho việc vận dụng trong quá trình giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới việc ĐTD Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thực tế. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu như sau: Chương 1. Lý luận về định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam Chương 2. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước Chương 3. Yêu cầu và các giải pháp nâng cao chất lượng định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  • 14. 8 Chương 1 LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM 1.1. Khái niệm, ý nghĩa của định tội danh 1.1.1. Khái niệm định tội danh Định tội danh là một vấn đề không phải là mới nhưng đối với những người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự thì đây lại là vấn đề thời sự, có ý nghĩa vô cùng quan trọng được quan tâm hàng đầu. Bởi vì có xác định tội danh đúng mới áp dụng pháp luật hình sự đúng, ra bản án mới đúng pháp luật, người phạm tội mới cúi đầu nhận tội và mới đạt được yêu cầu của việc xét xử là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Quá trình áp dụng các quy phạm PLHS trên thực tế diễn ra phức tạp và đa dạng, được thể hiện ở 3 giai đoạn như sau: Định tội danh, định khung hình phạt, và quyết định hình phạt. Trong đó, định tội danh là một giai đoạn quan trọng nhất trong ba giai đoạn trên bởi vì định tội danh được tiến hành và thực hiện ở tất cả các giai đoạn của cả quá trình TTHS từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đến giai đoạn thi hành án. ĐTD là một trong những biện pháp đưa nội dung của Bộ luật hình sự vào đời sống xã hội, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, qua đó góp phần thực hiện đường lối chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. ĐTD là sự xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế khách quan với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Hay nói cách khác, ĐTD là việc xác định một hành vi cụ thể đã
  • 15. 9 thực hiện thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của tội nào trong số các tội phạm đã được quy định trong BLHS. Do đó có thể đưa ra khái niệm ĐTD như sau: Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã thực hiện với dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã được quy định trong BLHShttps://hocluat.vn/wiki/bo-luat-hinh-su/. 1.1.2. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh a. Đối với hoạt động định tội danh đúng ĐTD đúng là tiền đề cho việc phân hoá TNHS và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, có căn cứ pháp luật. ĐTD đúng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện các nguyên tắc tiến bộ được thừa nhận trong hệ thống pháp luật nói chung của Nhà nước pháp quyền như: nguyên tắc pháp chế, trách nhiệm do lỗi cá nhân, bình đẳng trước pháp luật hình sự, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc nhân đạo. ĐTD đúng thể hiện hoạt động có hiệu quả ý thức tuân thủ pháp luật triệt để cũng như ý thức trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền, từ đó góp phần hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm từ đó nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp chế XHCN [9, tr 21]. ĐTD đúng là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật TTHS Việt Nam về tạm giam, về thẩm quyền điều tra, xét xử cũng như một số hoạt động tố tụng khác qua đó góp phần hữu hiệu cho việc đảm bảo, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. ĐTD đúng sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt đúng, là tiền đề cho việc ban hành một bản án đúng, chính xác, phù hợp với mức độ nguy hiểm
  • 16. 10 cho xã hội của hành vi phạm tội, khiến bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa nói riêng, xã hội và công luận nói chung nhận thức đầy đủ về tính nghiêm minh, công bằng, khách quan của pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân. ĐTD đúng sẽ đảm bảo hiệu quả hoạt động trấn áp tội phạm trên thực tế. b. Đối với hoạt động ĐTD sai ĐTD sai sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả tiêu cực như: không đảm bảo được tính công minh có căn cứ của pháp luật, truy cứu TNHS người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, xâm phạm thô bạo danh dự nhân phẩm cũng như các quyền tự do dân chủ của công dân - là giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận trong Nhà nước. ĐTD sai làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp, vi phạm pháp chế XHCN, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với pháp luật XHCN từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Những vụ án oan sai xảy ra trên thực tế phần lớn là do ĐTD chưa chính xác mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc đánh giá chứng cứ phiến diện, thiếu thận trọng, nôn nóng khởi tố, bắt tạm giam hoặc do suy diễn chủ quan của những người tiến hành tố tụng [8, tr 11 – 12]. 1.2. Lý luận về định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.2.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc định tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.2.1.1. Khái niệm định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ĐTD là một quá trình tư duy logic, là việc các chủ thể có thẩm quyền xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế với các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS nhằm quyết định
  • 17. 11 hình phạt tương xứng với mức độ của hành vi phạm tội. Do đó, ĐTD Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quá trình các chủ thể có thẩm quyền xem xét, đánh giá và sử dụng các quy định của PLHS và PLTTHS xác định hành vi của người phạm tội có thỏa mãn các yếu tố cấu thành của Tội LĐCĐTS được quy định tại Điều 174 BLHS hay không, từ đó quyết định mức hình phạt tương ứng phù hợp với mức độ, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Như vậy, dựa trên cơ sở quy định tại Điều 8 BLHS, Điều 174 BLHS và các quy định của BLTTHS có thể hiểu định tội danh Tội LĐCĐTS như sau: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự theo trình tự, thủ tục pháp luật tố tụng hình sự quy định của các chủ thể có thẩm quyền được tiến hành trên cơ sở thu thập các tài liệu, chứng cứ để xác định hành vi chiếm đoạt tài sản, có hay không có sự phù hợp giữa hành vi đã xảy ra với các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự để phán quyết làm tiền đề cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác. 1.2.1.2. Đặc điểm của định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Từ định nghĩa trên có thể rút ra các đặc điểm của định tội danh Tội LĐCĐTS như sau: Thứ nhất, ĐTD tội LĐCĐTS là hoạt động có tính logic nhằm xác định có hay không sự tương đồng giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện và các dấu hiệu của Tội LĐCĐTS được quy định tại Điều 174 BLHS. Tính logic của quá trình định tội danh Tội LĐCĐTS được thể hiện ở quá trình các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết trước khi đưa ra kết luận về tội danh của người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là quá trình so sánh, đối chiếu sự phù hợp giữa hành vi với các yếu tố cấu
  • 18. 12 thành tội phạm của Điều 174 BLHS để tìm ra điểm tương đồng. Từ đó kết luận hành vi đó có phải tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Thứ hai, quá trình hoạt động định tội danh Tội LĐCĐTS phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy phạm pháp luật của BLHS cũng như các quy phạm pháp luật của BLTTHS mà cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng cụ thể hoá các QPPLHS vào đời sống thực tế. Trên cơ sở xác định đúng đắn, đầy đủ các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết của hành vi phạm tội đã thực hiện để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng quy định tại Điều 174 BLHS. Có thể nói đây là quá trình rất phức tạp và dễ nhầm lẫn. Chính vì vậy, để thực hiện được quá trình này có hiệu quả các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ những quy định của BLHS và BLTTHS, bên cạnh đó các cơ quan này cũng có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật cho phép để xác định chính xác hành vi phạm tội LĐCĐTS. Đó là cơ sở để đưa ra mức hình phạt hợp lý nhất đối với người phạm tội. Thứ ba, với tư cách là một dạng của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự định tội danh Tội LĐCĐTS phải đảm bảo tính chính xác, khách quan tuyệt đối. Mọi hành vi ĐTD sai sót dù là nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới hậu quả lớn cho cá nhân, gia đình và xã hội, do đó hoạt động này cần được tiến hành tuần tự qua các bước là: Xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực tế. Tiếp theo là lựa chọn đúng điều khoản tương ứng trong Phần các tội phạm của BLHS quy định trách nhiệm đối với tội phạm LĐCĐTS để so sánh, đối chiếu và kiểm tra các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này với các tình tiết cụ thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện. Cuối cùng là ra văn bản áp dụng pháp luật, trong đó đưa ra kết luận có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục về sự phù hợp của hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt đã
  • 19. 13 được thực hiện trong thực tế khách quan với cấu thành tội phạm cụ thể tại Điều 174 BLHS. Thứ tư, ĐTD đối với Tội LĐCĐTS là hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mang tính áp đặt một chiều đối với đối tượng bị áp dụng. Hoạt động định tội danh chỉ có thể được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà không thể được tiến hành bởi bất kỳ chủ thể nào khác. Đối tượng bị áp dụng cũng không thể lựa chọn tội danh cho mình mà chỉ có thể chấp nhận tội danh mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp đặt trên cơ sở và theo quy định của pháp luật [8, tr 14 – 15]. 1.2.1.3. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Hoạt động ĐTD Tội LĐCĐTS được thực hiện trên thực tế một cách chính xác sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau, cụ thể: - Ý nghĩa về phương diện chính trị - xã hội: Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một hoạt động mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện như sau: Một là, việc quy định Tội LĐCĐTS trong BLHS có mục đích bảo vệ quyền lợi về mặt kinh tế mà cụ thể là quyền sở hữu tài sản của công dân – đây là quyền con người được pháp luật quốc gia và quốc tế ghi nhận. Định tội danh đúng đối với tội LĐCĐTS góp phần vào việc cụ thể hóa các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam là thành viên, nhất là các cam kết liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Hai là, định tội danh đối với Tội LĐCĐTS góp phần thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng, các quy định của Hiến pháp, các quy định của pháp luật, nhất là quy định của BLHS, BLTTHS góp phần củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào công lý, sự chí công, vô tư của các cơ quan bảo vệ pháp luật; củng cố lòng tin của các nước trên thế
  • 20. 14 giới, của các nhà đầu tư nước ngoài về tính minh bạch và đúng đắn của hệ thống pháp luật Việt Nam góp phần nâng cao vị trí vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài. - Ý nghĩa về phương diện pháp lý: Bên cạnh ý nghĩa chính trị - xã hội thì hoạt động định tội danh Tội LĐCĐTS còn có ý nghĩa pháp lý to lớn, thể hiện ở các điểm sau: Thứ nhất, việc xác định đúng hành vi của một người có phải là hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không? Có thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 174 BLHS hay không? Chính là cơ sở và là tiền đề để áp dụng một loạt các quy định của PLHS và PLTTHS vào thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự đánh giá khách quan, công bằng của pháp luật đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trong thực tế. Thứ hai, định tội danh nói chung là định tội danh đối với tội LĐCĐTS nói riêng một cách chính xác là cơ sở để áp dụng đúng các thủ tục tố tụng như thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử; áp dụng biện pháp tạm giam; thực hiện đúng các loại thời hạn tố tụng; ra các quyết định tố tụng đúng, không bắt oan, bắt sai người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh tình trạng tội phạm bỏ trốn hay tẩu tán tang vật… Định tội danh sai làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh với loại tội phạm này, làm nảy sinh những quan niệm không đúng về thực trạng và các biện pháp đấu tranh với tội phạm, làm giảm uy tín của các cơ quan tư pháp. Thứ ba, định tội danh đúng với Tội LĐCĐTS là tiền đề cho việc quyết định hình phạt đúng, là tiền đề cho việc ban hành một bản án đúng, chính xác, phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khiến bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa và dư luận xã hội nhận thức đầy đủ tính nghiêm minh, công bằng, khách quan của pháp luật. Từ đó nâng cao hiệu quả tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền
  • 21. 15 giáo dục về Tội LĐCĐTS cho nhân dân. Trong chương các tội xâm phạm sở hữu thì Tội LĐCĐTS rất dễ bị nhầm lẫn, tức là dễ bị định tội danh sai so với các loại tội phạm khác. Do đó, định tội danh đúng với tội phạm này là cơ sở để Tòa án căn cứ vào các yếu tố khác nhau để quyết định hình phạt một cách nghiêm minh và phù hợp [12, tr. 11- 12]. 1.2.2. Nội dung của định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Tội LĐCĐTS trên thực tế xảy ra ở tất cả các lĩnh vực với thủ đoạn vô cùng đa dạng và tinh vi xảo quyệt. Do đó các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh có hay không Tội LĐCĐTS xảy ra là không hề đơn giản. Hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS phải được tiến hành chính xác từng bước, thận trọng, khách quan, khoa học với những nội dung cụ thể sau: Bước thứ nhất là: Thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trong thực tế, nhiệm vụ này chỉ đặt ra đối với hoạt động định tội danh của các chủ thể có thẩm quyền như Điều tra viên trực tiếp thụ lý điều tra vụ án, Kiểm sát viên được phân công giám sát vụ án và Thẩm phán xét xử vụ án. Tiếp theo là trên cơ sở các tình tiết vụ án đã được làm rõ, các chủ thể có thẩm quyền phải phân tích một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các tình tiết đó để xác định những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án cũng như đối với định tội danh Tội LĐCĐTS. Bước thứ hai là: Nghiên cứu, nhận thức đúng đắn các quy định của pháp luật hình sự nói chung như hiệu lực áp dụng, cơ sở trách nhiệm hình sự, các khái niệm về lỗi, các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS nói riêng; phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế với các tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác gần giống với tội LĐCĐTS…
  • 22. 16 Bước thứ ba là: So sánh, đối chiếu các tình tiết của vụ án đã được làm rõ với quy định của Điều 174 BLHS để xác định sự tương đồng. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải đối chiếu từng tình tiết của vụ án đã xảy ra với các dấu hiệu cấu thành tội phạm tương ứng của Tội LĐCĐTS được quy định tại Điều 174 BLHS. Sau đó, phải so sánh, đối chiếu tổng thể tất cả các tình tiết của vụ án với tổng thể các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội phạm LĐCĐTS. Tiếp theo phải phát hiện, tìm ra sự đồng nhất giữa các tình tiết điển hình của vụ án với các dấu hiệu pháp lý được mô tả trong Điều 174 BLHS. Trường hợp có căn cứ khẳng định hành vi khách quan của vụ án xảy ra phù hợp với những quy định tại Điều 174 BLHS là người phạm tội có hành vi lừa dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác… thì kết luận hành vi đó phạm tội LĐCĐTS. Trường hợp không có sự đồng nhất thì phải kiểm tra, đối chiếu lại. Sau khi xác định chắc chắn không có sự đồng nhất với cấu thành tội phạm Tội LĐCĐTS thì có thể chuyển sang kiểm tra các quy phạm PLHS khác để kết luận có hay không có tội phạm xảy ra, nếu có tội phạm xảy ra không thuộc trường hợp Tội LĐCĐTS thì cấuthành tội phạm nào khác. Bước thứ tư là: Đưa ra kết luận về tội danh và ra quyết định áp dụng pháp luật đối với người đã thực hiện hành vi quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Lúc này việc so sánh hành vi phạm tội với quy định tại Điều 174 tiếp tục được thực hiện để xác định cấu thành tội phạm là cơ bản hay cấu thành tội phạm tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tóm lại, có thể nói rằng, việc phân chia các giai đoạn định tội danh nêu trên chỉ mang tính chất tương đối. Các bước của quá trình định tội danh nhiều khi cũng không rõ ràng mà có tính chất đan xen. Trong nhiều trường hợp các chủ thể định tội danh có sự lồng ghép giai đoạn này vào giai đoạn khác. Cũng có những trường hợp cá biệt như việc ĐTD đã được thực hiện xong nhưng lại phải quay lại quy trình bắt đầu từ đầu để kiểm tra lại tính đúng đắn của kết quả ĐTD hoặc để ĐTD được đúng đắn, phù hợp với sự thật khách quan và
  • 23. 17 quy định của pháp luật nếu như chủ thể định tội danh có những sai lầm nào đó trong quá trình ĐTD. 1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Để hoạt động định tội danh đối với các loại tội phạm nói chung và định tội danh đối với Tội LĐCĐTS nói riêng đảm bảo được tính chính xác, có căn cứ, hợp pháp đòi hỏi quy trình tiến hành tố tụng phải được các chủ thể tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, chính xác việc đánh giá phải khách quan, toàn diện với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan, cụ thể: 1.2.3.1. Các yếu tố khách quan Yếu tố khách quan là những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự hoàn thiện của PLHS và pháp luật TTHS là cơ sở, là nền tảng pháp lý quan trọng để chủ thể có thẩm quyền quyết định việc định tội danh đối với Tội LĐCĐTS được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh trường hợp oan sai, sót lọt do việc áp dụng pháp luật không chính xác. Trước hết hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS phải căn cứ vào những quy định của PLHS bởi vì tội phạm chỉ được quy định trong BLHS mà định tội danh đối với Tội LĐCĐTS là quá trình xác định hành vi phạm tội của một người có thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 174 BLHS hay không? Thuộc khoản nào? Điểm nào của điều luật. Ngoài ra, khi tiến hành định tội danh đối với Tội LĐCĐTS cũng phải căn cứ vào những quy định trong phần chung của BLHS như: những quy định về năng lực trách nhiệm hình sự, các quy định về lỗi, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay các giai đoạn thực hiện tội phạm… Đây là những quy định chung do đó các chủ thể tiến hành hoạt động định tội danh phải tuân thủ và áp dụng để đảm
  • 24. 18 bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa với hoạt động này và cũng là cơ sở để quyết định hình phạt một cách chính xác. Thực tiễn đấu tranh phòng chống Tội LĐCĐTS cho thấy có trường hợp hành vi lừa đảo kết thúc ở giai đoạn tội phạm chưa đạt, không phải tội phạm hoàn thành. Do đó, khi tiến hành định tội danh đối với Tội LĐCĐTS ở giai đoạn tội phạm chưa đạt cần nắm chắc chắn kiến thức lý luận về trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 BLHS để áp dụng PLHS một cách chính xác. Hay trường hợp vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra có nhiều đối tượng tham gia tức là vụ án lừa đảo có đồng phạm thì các chủ thể có thẩm quyền phải xem xét vai trò của từng đối tượng khác nhau trên cơ sở quy định tại Điều 16 BLHS để xác định trách nhiệm của mỗi người từ đó đưa ra mức hình phạt tương ứng với mức độ thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh các quy định của PLHS thì các quy định của pháp luật TTHS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, đánh giá, bảo quản chứng cứ trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn của quá trình tố tụng cũng ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mà cụ thể là những nội dung liên quan đến việc áp dụng PLHS đối với Tội LĐCĐTS cũng ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 1.2.3.2. Các yếu tố chủ quan Yếu tố chủ quan là những nhân tố bên trong nhưng lại là nhân tố vô cùng quan trọng quyết định việc định tội danh đúng hay sai. Yếu tố chủ quan quan trọng nhất đó chính là năng lực của chủ thể có thẩm quyền trong việc định tội danh. Hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS chỉ có thể được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Mà những người tiến hành tố
  • 25. 19 tụng bao gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và hội thẩm đó là những người có trình độ, có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ phát hiện và xử lý tội phạm nên năng lực của bản thân họ là vấn đề quan trọng nhất quyết định tính chính xác của hoạt động định tội danh. Định tội danh Tội LĐCĐTS là hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền khác nhau nên mỗi chủ thể phải có nền tảng kiến thức pháp luật hình sự, tố tụng hình sự cũng như các quy định khác của pháp luật nhất định, có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, am hiểu và vận dụng tốt các quy định đó vào trong các vụ án thực tế cụ thể mới đảm bảo cho việc định tội danh Tội LĐCĐTS được chính xác. Ngoài ra, Tội LĐCĐTS là loại tội phạm có nhiều điểm tương đồng với pháp luật dân sự và bản thân tội phạm này cũng bắt nguồn từ các giao dịch dân sự nên để tránh việc hình sự hóa các quan hệ dân sự hay dân sự hóa các quan hệ hình sự thì các chủ thể có thẩm quyền cần phải có vốn kiến thức hiểu biết nhất định về pháp luật dân sự, về các giao dịch dân sự. Từ đó mới có thể kết luận đó là Tội LĐCĐTS hay là vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính để có thể đưa ra kết luận chính xác về tội danh của người phạm tội. Bên cạnh đó hoạt động áp dụng pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng trong việc định tội danh đối với Tội LĐCĐTS cũng có thể bị tác động, bị ảnh hưởng bởi các lợi ích khác nhau. Mỗi chủ thể có thẩm quyền cần có sự kiên định, bản lĩnh vững vàng để vượt qua những cám dỗ về lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần cũng như những ảnh hưởng từ các chủ thể khác từ đó có sự chắc chắn trong việc nhận định hành vi của người phạm Tội LĐCĐTS mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Chính vì vậy, chủ thể tiến hành tố tụng khi ĐTD ngoài việc cần mạnh dạn đưa ra những quan điểm mang chính kiến cá nhân và tìm cách để bảo vệ quan điểm đó thì còn cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết về các quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, của Nhà nước, chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của
  • 26. 20 pháp luật trong thực tiễn đối với việc giải quyết từng vụ án, tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới. Để làm được điều này thì sự thay đổi trong cách thức tổ chức, quản lý là điều rất cần thiết nhằm tạo ra sự độc lập giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết VAHS trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; sự kết hợp và trao đổi ý kiến, quan điểm để đưa ra kết luận chính xác và thống nhất về hành vi của người phạm tội, đồng thời cần có chính sách hậu cần, lương, thưởng hợp lý để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của các chủ thể tiến hành tố tụng để họ an tâm công tác, làm việc và cống hiến, từ đó mới có cơ sở để nâng cao chất lượng của hoạt động ĐTD. 1.3. Cơ sở pháp lý của định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.3.1. Khái niệm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Tổng kết từ thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm của các cơ quan chức năng cho thấy, tội LĐCĐTS là loại tội xảy ra khá phổ biến trong cơ cấu tội phạm nói chung. Tội phạm LĐCĐTS đang có những diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ gây thiệt hại nặng nề tới tài sản của nhà nước, của công dân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội, đe dọa đến sự ổn định chính trị và công cuộc xây dựng đất nước. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống loại tội phạm này nhất thiết các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu và hiểu rõ khái niệm tội LĐCĐTS và các vấn đề có liên quan. Tội phạm LĐCĐTS được quy định trong BLHS năm 2015 (Điều 174) không định nghĩa rõ thế nào là tội phạm LĐCĐTS, do đó để hiểu rõ khái niệm về tội phạm LĐCĐTS thì trước hết tác giả đề cập đến khái niệm tội phạm được quy định trong BLHS. Khoản 1, điều 8 BLHS năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập,
  • 27. 21 chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” [25, tr.4]. Về khái niệm tội phạm LĐCĐTS cũng đã được đề cập rất nhiều trong các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả với nhiều khái niệm khác nhau. Căn cứ vào những quy định của BLHS có thể đưa ra khái niệm về tội LĐCĐTS như sau: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý bằng các thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin nhầm nên trao tài sản để người phạm tội chiếm đoạt”. 1.3.2. Dấu hiệu pháp lý của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015 như sau: 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối CĐTS của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi CĐTS mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
  • 28. 22 2. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  • 29. 23 c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” Căn cứ vào quy định tại Điều 174 BLHS, có thể nhận thức các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này như sau: - Khách thể của tội LĐCĐTS: Cũng tương tự như các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác được quy định trong BLHS nhưng tội LĐCĐTS không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu cụ thể là quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. - Mặt khách quan của tội LĐCĐTS: Mặt khách quan của tội LĐCĐTS là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác và tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản của người đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi phạm tội của tội LĐCĐTS gồm hai hành vi khác nhau là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt có liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Tội phạm dùng những hành vi cụ thể đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản làm cho họ tin và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội, tin rằng việc giao tài sản hoàn toàn hợp pháp. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải luôn luôn có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Thông thường hành vi chiếm đoạt xảy ra kế tiếp ngay sau hành vi gian dối. Nhưng cũng có trường hợp giữa hai hành vi này có khoảng cách nhất
  • 30. 24 định về mặt thời gian. Trong trường hợp này tội phạm hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra. Gian dối là thủ đoạn đặc trưng cơ bản của tội LĐCĐTS nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội LĐCĐTS. Hậu quả của tội phạm là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Đối với trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội LĐCĐTS nhưng những trường hợp ấy là trường hợp phạm tội chưa đạt. Trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt giá trị tài sản dưới hai triệu đồng, tuy chưa chiếm đoạt được nhưng lại thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xoá án tích thì cũng đã cấu thành tội LĐCĐTS, nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, nếu mới chuẩn bị phạm tội thì chưa cấu thành tội LĐCĐTS. - Mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội LĐCĐTS bao gồm các yếu tố: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản. Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt với cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định. - Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội LĐCĐTS là người có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định.
  • 31. 25 1.3.3. Phân biệt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm khác Quá trình nghiên cứu thực tiễn cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh nói chung và định tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt nói riêng, đặc biệt là đối với các trường hợp mà hành vi của người phạm tội không thể hiện hết các yếu tố cấu thành tội phạm một cách đặc trưng. Đối với những trường hợp này, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải có trình độ lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn vững chắc trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng hợp các yếu tố của vụ án, áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự một cách linh hoạt để định tội danh chính xác. 1.3.3.1. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Tội LĐCĐTS và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều được quy định trong Chương XVI về các tội xâm phạm sở hữu. Hai tội này có các yếu tố cấu thành về khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm giống nhau, cụ thể: Tội LĐCĐTS và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm hại khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác được thực hiện bởi hành vi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản; chủ thể của cả hai tội này có thể là bất kỳ cá nhân nào trong xã hội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của BLHS. Bên cạnh những điểm tương đồng ấy thì hai tội này có những biểu hiện khác nhau về dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm, như sau: Một là: Sự khác nhau về dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối ở tội LĐCĐTS là hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật bằng những thủ đoạn rất đa dạng như qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người khác để người có tài sản tin đó là thật và tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Hành vi gian dối này luôn có trước
  • 32. 26 hành vi nhận được tài sản từ người khác, có trước hành vi chiếm đoạt tài sản hay nói cách khác là hành vi gian dối chính là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích của hành vi gian dối. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi gian dối trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ xuất hiện sau khi người có hành vi gian dối đã nhận được tài sản do người có tài sản tín nhiệm giao cho. Việc nhận được tài sản của người khác là hoàn toàn ngay thẳng, hợp pháp thông qua những hợp đồng có thể bằng miệng, bằng văn bản mà người có tài sản giao cho để sử dụng, sửa chữa, vận chuyển, bảo quản… Hành vi gian dối trong Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi người có hành vi gian dối đã nhận được tài sản từ người khác, còn đối với tội LĐCĐTS thì hành vi gian dối xuất hiện trước khi người có hành vi gian dối nhận tài sản. Hai là, sự khác biệt về thời điểm hoàn thành tội phạm. Đối với Tội LĐCĐTS, người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu và để đạt được mục đích ấy họ chủ động thực hiện hành vi gian dối để nhận được và sau đó chiếm đoạt tài sản. Tội LĐCĐTS hoàn thành tại thời điểm người phạm tội nhận được tài sản từ người có tài sản. Đối với lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện bằng việc người phạm tội không trả lại tài sản cho người có tài sản như cam kết trong hợp đồng, đến hẹn phải trả tài sản nhưng người phạm tội không trả lại tài sản mà chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Do đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội cố ý không thực hiện nghĩa vụ phải trả lại tài sản (theo hợp đồng) cho người giao tài sản mà mình đã chiếm đoạt tài sản đó.
  • 33. 27 Ba là, việc giao nhận tài sản giữa người có tài sản với người phạm tội. Trong Tội LĐCĐTS thì người có tài sản tự giác giao cho người phạm tội đã có hành vi gian dối, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng lên những điều giả tạo, không đúng sự thật nhưng người có tài sản lại tin những điều đó là sự thật mà tự giác giao tài sản cho người phạm tội hay nói cách khác là do người có tài sản đã bị người phạm tội lừa dối mà tự nguyện, tự giác giao tài sản. Đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì khi giao tài sản người có tài sản hoàn toàn biết rõ và tin tưởng vào khả năng thực tế của người phạm tội có đủ mọi điều kiện thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng đã cam kết nên đã tín nhiệm giao tài sản [37, tr. 34-36]. 1.3.3.2. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội cướp giật tài sản Tội LĐCĐTS và Tội cướp giật tài sản có hành vi khách quan khác nhau hoàn toàn nhưng trên thực tế đối với tội cướp giật tài sản vẫn có những trường hợp người phạm tội đã có hành vi gian dối trước khi chiếm đoạt tài sản. Do đó để tránh nhầm lẫn khi định tội danh đối với hai tội này cần phân biệt hai tội như sau: Thứ nhất: Về mục đích của thủ đoạn gian dối: Tội LĐCĐTS người phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ có dùng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản. Còn đối với tội cướp giật tài sản: Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi nhanh chóng giật lấy tài sản. Thứ hai: Về ý thức của nạn nhân khi hành vi chiếm đoạt xảy ra: Tội LĐCĐTS sau khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản được một khoảng thời gian nhất định nạn nhân mới phát hiện được là mình bị lừa đảo. Đối với Tội cướp giật tài sản thì ngay tại thời điểm người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng thì chủ quản lý tài sản đã nhận biết được
  • 34. 28 việc chiếm đoạt còn người phạm tội thì công khai chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát. Thứ ba: Việc chuyển giao tài sản giữa nạn nhân và người phạm tội: Người bị hại tự nguyện chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối. Đối với tội cướp giật tài sản: Người có tài sản không có hành vi chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội ngoài phạm vi kiểm soát của họ mà người có tài sản chỉ chuyển giao sự quản lý tài sản tạm thời cho người phạm tội và họ vẫn kiểm soát được việc người phạm tội đang nắm, giữ tài sản đó. Còn người phạm tội sau khi nắm, giữ được tài sản thì thực hiện hành vi chiếm đoạt đối với tài sản đó [37, tr 39]. 1.3.3.3. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội cướp tài sản Sự khác nhau của hai tội phạm này thể hiện ở tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Còn Tội LĐCĐTS là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản mình đang sở hữu hoặc quản lý cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Dấu hiệu nhận biết hai tội này có sự khác nhau cơ bản như sau: Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức chỉ cần sử dụng các hành vi nói trên nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như mong muốn hay không. Còn Tội LĐCĐTS có đặc điểm nổi bật là người bị chiếm đoạt tài sản tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cho rằng việc giao tài sản cho họ là hoàn toàn hợp pháp. Hành vi phạm tội của tội phạm này bao gồm hai hành vi kế tiếp nhau, là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Lừa dối là
  • 35. 29 hành vi đưa thông tin không phù hợp với thực tế khách quan nhằm làm người tiếp nhận thông tin cho nó là thật. Hành vi lừa dối có thể thực hiện qua lời nói, qua xuất trình giấy tờ giả mạo. Chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. 1.3.3.4. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS có những điểm khác biệt cơ bản với tội LĐCĐTS như sau: Thứ nhất: Ý nghĩa của thủ đoạn gian dối đối với việc chiếm đoạt tài sản: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối có ý nghĩa quyết định đối với việc chiếm đoạt tài sản, người phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ bằng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản. Đối với tội trộm cắp tài sản: Thủ đoạn gian dối không có ý nghĩa quyết định đối với việc chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội chỉ dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi lén lút lấy tài sản của nạn nhân. Chính hành vi “lén lút lấy tài sản” của người phạm tội mới là hành vi quyết định đối với việc chiếm đoạt tài sản Thứ hai: Việc chuyển giao tài sản giữa người quản lý tài sản và người phạm tội: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người quản lý tài sản tự nguyện chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi người phạm tội thực hiện hành vi gian dối. Sự tự nguyện này xuất phát từ niềm tin giả tạo được xây dựng bằng thủ đoạn gian dối của người phạm tội. Đối với tội trộm cắp tài sản: Người quản lý tài sản không có hành vi tự nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội. Nếu có xảy ra việc chuyển giao tài sản một cách tự nguyện cho người phạm tội thì việc chuyển giao này là hoạt động thực hiện một nghĩa vụ nhất định của người quản lý tài sản một cách chính
  • 36. 30 đáng, đúng đắn, ngay thẳng, không phải là kết quả của thủ đoạn gian dối của người phạm tội. 1.3.3.5. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lừa dối khách hàng Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 BLHS 2015 xâm phạm Trật tự quản lý kinh tế, kinh doanh thương mại và lợi ích của người tiêu dùng. Trong khi đó tội LĐCĐTS xâm phạm quyền sở hữu của con người. Đây là hai tội phạm mà khách thể của tội phạm là hoàn toàn khác nhau nhưng trên thực tế cũng dễ nhầm lẫn trong việc định tội danh của tội phạm vì hai tội này có những điểm tương đồng đó là đều thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.Tuy nhiên hai tội này có những điểm khác biệt cơ bản như: Về hành vi: Tội LĐCĐTS người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin tưởng vào sự gian dối mà tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. Đối với tội lừa dối khách hàng người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để lấy tiền của khách hàng. Về chủ thể: Chủ thể của Tội LĐCĐTS có thể là bất kỳ chủ thể nào thỏa mãn: có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Còn chủ thể của Tội lừa dối khách hàng chủ thể phạm tội chỉ có thể là những người làm nghề mua, bán hàng hóa.
  • 37. 31 Chương 2 THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ NHỮNG HẠN CHẾ 2.1. Thực tiễn định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước 2.1.1. Khái quát tình hình điều tra, truy tố, xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước Theo số liệu thống kê hàng năm của TAND tỉnh Bình Phước từ năm 2014 đến 2018 cho thấy tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp và có xu hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn, cụ thể như sau: Năm 2014, CQĐT khởi tố 49 vụ với 58 bị can, Viện kiểm sát truy tố 47 vụ với 56 bị can và Tòa án xét xử 47 vụ với 55 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ 2 bị can. Năm 2015, CQĐT khởi tố 31 vụ với 39 bị can, Viện kiểm sát truy tố 31 vụ với 39 bị can và Tòa án xét xử 29 vụ với 37 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ 1 bị can. Năm 2016, CQĐT khởi tố 37 vụ với 55 bị can, Viện kiểm sát truy tố 35 vụ với 53 bị can và Tòa án xét xử 35 vụ với 53 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ 1 bị can. Năm 2017, CQĐT khởi tố 44 vụ với 49 bị can, Viện kiểm sát truy tố 43 vụ với 48 bị can và Tòa án xét xử 43 vụ với 48 bị can, đình chỉ 1 vụ 1 bị can.
  • 38. 32 Năm 2018, CQĐT khởi tố 49 vụ với 59 bị can, Viện kiểm sát truy tố 48 vụ với 54 bị can và Tòa án xét xử 48 vụ với 54 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ 4 bị can. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2014 đến năm 2018 CQĐT đã tiến hành khởi tố 210 vụ với 260 bị can; Viện kiểm sát truy tố 203 vụ với 250 bị can; Tòa án tỉnh đã xét xử 200 vụ với 247 bị cáo phạm tội LĐCĐTS [Xem Bảng 2.3 - Phần phụ lục]. Tóm lại: Tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua có xu hướng tăng dần cả về số vụ và số bị cáo cho thấy tình hình tội phạm đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp. So sánh tình hình tội phạm này với tình hình tội phạm chung trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Đông Nam Bộ thì tỷ lệ tội phạm không cao nhưng hàng năm có xu hướng tăng dần cả về tính chất và mức độ của tội phạm [Xem Bảng 2.1, 2.2 - Phần phụ lục]. Qua số liệu thống kê cụ thể trên đã phần nào cho thấy thực trạng phổ biến của tình hình tội phạm LĐCĐTS xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua, tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là loại tội phạm này đang có xu hướng diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chủ thể của nó có thể là bất kỳ ai, bất kỳ chủ thể nào và phần lớn đối tượng phạm tội thường là những người có học vấn, có trình độ và thường ngoan cố cũng như luôn tìm mọi cách để che dấu hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, trong đó tài sản trong những vụ án LĐCĐTS giá trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn. Chính những thiệt hại về mặt vật chất thường rất lớn dẫn tới những hệ lụy không nhỏ của tội phạm này, tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước hoạt động định tội danh đối với tội phạm này còn nhiều vấn đề hạn chế, thể hiện qua số vụ án bị đình chỉ và tạm đình chỉ hàng năm với tội phạm này vẫn còn xảy ra.
  • 39. 33 2.1.2. Kết quả định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cấu thành cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Phước Định tội danh theo cấu thành cơ bản hay nói cách khác là định tội danh đối với tội phạm hoàn thành là việc so sánh, đối chiếu hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của BLHS quy định, từ đó xác định và tìm ra sự tương đồng. Do đó, định tội danh đối với Tội LĐCĐTS theo cấu thành cơ bản là sự đánh giá về mặt pháp lý hình sự hành vi chiếm đoạt tài sản đã xảy ra trên cơ sở so sánh, đối chiếu và kiểm tra để xác định sự giống nhau giữa các dấu hiệu của hành vi ấy với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của Tội LĐCĐTS quy định tại Điều 174 BLHS. Đánh giá về mặt pháp lý các dấu hiệu thuộc yếu tố khách thể của tội LĐCĐTS bao gồm: Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ và bị tội phạm xâm hại đến. Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm mà hoạt động ĐTD bắt buộc phải tiến hành kiểm tra, so sánh, đối chiếu trước khi đánh giá về mặt pháp lý các yếu tố khác như mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua cho thấy những mặt tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự vẫn có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng tinh vi. Tuy số lượng ĐTV, KSV, Thẩm phán TAND hai cấp còn thiếu nhiều so với biên chế được phân bổ, số Thẩm phán hết nhiệm kỳ chờ tái bổ nhiệm lâu... nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm trong công tác,
  • 40. 34 trên cơ sở bám sát các yêu cầu, chỉ tiêu theo các Chỉ thị của TAND, VKSND tối cao và công tác cải cách tư pháp; các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện; kết quả đạt được góp phần làm giảm tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Nhìn chung, trong thời gian qua được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức hai cấp trong hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã cơ bản thực hiện tốt các nội dung mà Tòa án nhân dân tối cao đề ra, việc giải quyết các loại án đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tỷ lệ giải quyết án luôn đạt trên 93%. Việc phát động và triển khai các phong trào thi đua đạt hiệu quả và nhận thức về công tác thi đua của cán bộ công chức đã được nâng cao, góp phần tích cực trong việc xét xử các loại án. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, tình hình tội phạm nói chung và Tội LĐCĐTS nói riêng có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh luôn có kế hoạch hành động và không ngừng nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống, xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn và tiến tới từng bước đẩy lùi loại tội phạm này. Chính vì vậy, CQĐT, VKS và Tòa án đã không ngừng đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực nhất định. Trong 5 năm qua, tổng số lượng các vụ án về Tội LĐCĐTS được phát hiện, điều tra và xử lý chiếm tỉ lệ rất cao, quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm LĐCĐTS được bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của Bình Phước đã kết thúc điều tra 210 vụ với 260 bị can; Viện kiểm sát truy tố 203 vụ với 250 bị can; Tòa án tỉnh đã xét xử 200 vụ với
  • 41. 35 247 bị cáo phạm tội LĐCĐTS. Trong số các vụ án mà TAND 2 cấp của tỉnh Bình Phước đã xét xử xét xử trong 5 năm qua cho thấy quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với các loại tội phạm nói chung và Tội LĐCĐTS nói riêng phần lớn đều đã được cơ quan tiến hành tố tụng của Tỉnh định tội danh đúng. 2.1.3. Thực tiễn định tội danh đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cấu thành tăng nặng Các tình tiết tăng nặng TNHS là các tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là căn cứ để tăng nặng TNHS của người phạm tội (trong phạm vi một khung hình phạt) so với các trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó. Trong Luật hình sự Việt Nam, các tình tiết tăng nặng đã được quy định cụ thể tại Điều 52 BLHS năm 2015. Vấn đề đặt ra là nhận thức và áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trên như thế nào, nhất là trong những trường hợp phạm tội có sự đan xen giữa các tình tiết tăng nặng với nhau; giữa các tình tiết định tội, định khung hình phạt với các tình tiết tăng nặng TNHS; giữa các tình tiết tăng nặng TNHS với các tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội; giữa các tình tiết tăng nặng TNHS với các tình tiết giảm nhẹ TNHS trong việc định tội danh nói chung và định tội danh Tội LĐCĐTS nói riêng là vấn đề cần được quan tâm. ĐTD Tội LĐCĐTS theo cấu thành tăng nặng bao gồm: Một là, định tội danh trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 BLHS thì: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Tội LĐCĐTS có tổ chức cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  • 42. 36 có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ từng vai trò như trên mà tùy từng trường hợp cụ thể có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là người phạm tội có tổ chức. Các yếu tố có thể xác định tội LĐCĐTS có tổ chức hay không được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội LĐCĐTS có tổ chức cũng có những đặc điểm riêng biệt như người thực hành trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người trực tiếp thực hiện thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản từ chủ sở hữu hoặc từ người quản lý tài sản. Hai là, định tội danh trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS. Theo đó, chỉ được phép áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi đã xác định được trường hợp phạm tội cụ thể có đủ hai điều kiện: Một là, người phạm tội cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm, không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xoá án tích. Hai là, người phạm tội lấy lừa đảo làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Như vậy, phạm tội LĐCĐTS chuyên nghiệp được hiểu là người phạm tội đã năm lần trở lên thực hiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xoá án tích và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Do đó, quá trình định tội danh đối với tội này có tình tiết tăng nặng có tính chất chuyên nghiệp phải đảm bảo cả
  • 43. 37 2 yếu tố: phạm tội từ năm lần trở lên và kết quả của việc phạm tội làm nguồn thu nhập chính. Như vụ án Võ Thị Bích Phượng và Thạch Thị Lợi lừa mua 35 xe máy trả góp của 35 doanh nghiệp khác nhau và chiếm đoạt luôn. Tức là cả hai đối tượng có 35 lần phạm tội khác nhau nhưng việc chiếm đoạt tài sản của trong những lần trên Phượng và Lợi không phải là nguồn sống chính mà Phượng và Lợi còn có nguồn thu nhập từ hoa màu trên rẫy của gia đình, do đó đây chỉ là phạm tội đồng phạm giản đơn và phạm tội nhiều lần (Bản án số: 35/2018/HSST ngày 28/ 8/2018 của TAND tỉnh Bình Phước). Ba là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm Khoản 2 Điều 53 BLHS quy định những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Đây là yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội, không liên quan đến hành vi của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bốn là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Việc xác định người có chức vụ và việc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để LĐCĐTS của người phạm tội là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể nói, việc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản là
  • 44. 38 một tình tiết định khung tăng nặng đồng thời còn được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vì nó đã làm tăng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội. Đây là loại tội phạm dễ dàng gây ra hậu quả thiệt hại cả về vật chất và thiệt hại về tinh thần lớn cho xã hội do những người có chức vụ thực hiện nên có điều kiện để thực hiện tội phạm mà những người khác không thể thực hiện được. Mặt khác, việc thực hiện tội phạm của những người có chức vụ có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm uy tín của nhà nước, của tổ chức… đối với các tầng lớp nhân dân. Người có chức vụ quyền hạn là những người được bổ nhiệm, được bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có những quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng việc mình có chức vụ để LĐCĐTS thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Ví dụ như trường hợp Trần Văn Hiếu sinh năm 1982 ở Ninh Bình lợi dụng việc là nhân viên khoán việc của Tạp chí Thanh Tra thuộc Thanh tra Chính phủ đã lừa dối công ty TNHH Mỹ Ngọc ở Lộc Ninh – Bình Phước số tiền 100.000.000 đồng, khi Hiếu đang nhận tiền thì bị bắt quả tang. (Bản án số:134/2014/HSPT ngày: 07/10/2014 của TAND tỉnh Bình Phước). Người có chức vụ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm LĐCĐTS khi họ đã lợi dụng chức vụ được giao để phạm tội LĐCĐTS. Chức vụ luôn gắn liền với những quyền hạn nhất định, người có chức vụ thường là những người có quyền được quyết định những công việc có liên quan đến lợi ích chung của xã hội. Chính vì vậy, chỉ có thể coi một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội LĐCĐTS khi họ cố ý đưa ra những thông tin sai sự thật về quyền năng của họ từ đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
  • 45. 39 Người có hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm tội thông qua vai trò của các cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông thường, người phạm tội trong những trường hợp này thường là phạm tội thông qua các giao dịch dân sự, các hợp đồng kinh tế để lừa đảo cơ quan, tổ chức hoặc các cá nhân khác; bị hại trong những trường hợp này tưởng nhầm rằng giao dịch với các cơ quan, tổ chức thì không sợ bị lừa, bị mất tài sản. Năm là, định tội danh Tội LĐCĐTS đối với người dùng thủ đoạn xảo quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Người dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có những thủ thuật, mánh khoé, cách thức thâm hiểm khác nhau làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước và không thể lường trước được để đề phòng. Đây cũng được coi là một cấu thành tăng nặng khi ĐTD đối với tội LĐCĐTS. 2.2. Những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước 2.2.1. Những hạn chế, vướng mắc Qua thực tiễn quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy hoạt động định tội danh đối với Tội LĐCĐTS trong những năm qua về cơ bản là chính xác và khách quan thì bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít những hạn chế, vướng mắc. Cụ thể như sau: Thứ nhất: Khó khăn trong việc xác định thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt tài sản Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận cho thấy, Tội LĐCĐTS thì ý định chiếm đoạt tài sản xuất hiện trước khi người phạm tội thực hiện các hành vi trong thủ đoạn gian dối và trước khi người chủ sở hữu tài sản chuyển giao
  • 46. 40 tài sản cho người phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng để phân biệt tội phạm LĐCĐTS với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác. Sau khi có ý định chiếm đoạt tài sản, người phạm tội mới tìm cách để thực hiện hành vi trên thực tế là hành vi gian dối. Nếu ý định chiếm đoạt tài sản chỉ xuất hiện sau khi chủ sở hữu bàn giao tài sản cho người phạm tội thì trường hợp này không cấu thành Tội LĐCĐTS bởi vì hành vi chiếm đoạt tài sản không phải kết quả của việc thực hiện thủ đoạn gian dối, tức là hành vi ấy không thỏa mãn phương thức chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối theo luật định. Đối với trường hợp này sẽ cấu thành tội phạm khác đó là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ án sau: Ngày 06/7/2016, Minh rủ Hải và Trương Quang Nam đến nhà Huỳnh Văn Quyền ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập uống rượu. Trong lúc Minh, Hải, Nam uống rượu thì hết thức ăn nên Hải nói đi mua thêm thức ăn về để tiếp tục uống rượu, Hải đồng ý. Sau khi nhận được xe Hải tắt điện thoại để Minh không liên lạc được rồi điểu khiển xe đi bán với số tiền 5.000.000 đồng. Đến ngày 06/9/2016, Hải về xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì bị ông Minh phát hiện trình báo Công an xã Lộc Tấn bắt giữ. Thực tiễn xét xử tại TAND huyện Bù Gia Mập cho thấy: các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp này xác định Hải phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS vì cho rằng:“Hành vi của bị cáo Hải lợi dụng vào lòng tin của chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt tài sản của người bị hại, là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của ngươi bị hại là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân. Bị cáo nhận thức được việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích
  • 47. 41 vụ lợi bị cáo vẫn cố tình thực hiện việc phạm tội chứng tỏ bị cáo thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy cần xử phạt bị cáo mức án tương xứng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện mới có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung”. (Bản án số: 09/2017/HSST ngày 07/3/2017 của TAND huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước) Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả: Trong trường hợp trên, việc xác định thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt có ý nghĩa quyết định trong vấn đề định tội danh. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, lời khai ban đầu Hải thừa nhận vì muốn chiếm đoạt chiếc xe lấy tiền tiêu xài nên trong quá trình nhậu Hải cố tình chuốc rượu mọi người nhiều, sau đó khi hết rượu Hải xung phong đi mua nhằm mục đích mượn xe của Minh đi để chiếm đoạt. Như vậy, trường hợp này ý định chiếm đoạt xuất hiện trước hành vi gian dối. Do đó, hành vi của Hải thỏa mãn dấu hiệu của Tội LĐCĐTS chứ không phải tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như bản án trên. Thứ hai: Khó khăn trong việc xác định thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản Thủ đoạn gian dối của người phạm tội trong tội LĐCĐTS bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới cấu thành tội phạm LĐCĐTD, nếu thủ đoạn gian dối của người phạm tội lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là LĐCĐTS mà tùy từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về phía người bị hại thường là những người mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin và không ít người do hám lợi, tham lam nên mới tạo điều kiện để cho người phạm tội lừa được. Ví dụ như vụ án sau: Vào năm 2011, ông Đoàn Công Khả có nhận chuyển nhượng khoảng 2 ha đất tại ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chưa