SlideShare uma empresa Scribd logo
1 de 34
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ
Tôi đã định chia sẻ với mọi người thật nhiều về một câu chuyện tôi gặp được ở một làng quê êm
ả phía bắc Việt Nam, một làng quê có đời sống xã hội và đời sống đạo đầy nét tinh khôi mà tôi đã được
trải nghiệm trong một chuyến đi công việc ngắn ngày. Những người dân quê mộc mạc, những sinh hoạt
kinh sách rân ran các khu ngõ ban đêm, những hình ảnh các bạn trẻ và thiếu niên đầy ắp sân Nhà Thờ
mỗi tối để học bổn, để tập hát, để đọc kinh, những hình ảnh bà mẹ già oằn lưng trên những luống rau
sân nhà nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời kinh Mai Khôi… Anh em ở tại chỗ nói với tôi: “Ở đây không bao
giờ mất cắp, chỉ có một lần nhà kia có quả bầu bị cắt mất một nửa, có lẽ do bọn trẻ nó nghịch”.
Hôm ấy, hôm ở Xứ Đạo miền quê ầy, sau bài đọc một trong Thánh Lễ, bài đáp ca có lời của
Chúa nói với mọi người: “Chớ đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang chớ hề cúng bái”. ( Đáp ca ngày thứ
sáu sau Chúa Nhật III Mùa Chay, Thánh Vịnh 80 ).
Câu xướng trong bài đáp ca đã làm cho lòng tôi băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về
một cuộc sống của cộng đồng Dân Thiên Chúa, suy nghĩ về những cơn bão táp loạn lạc trong xã hội,
bao giờ nó đến, bao giờ nó quét qua bầu khí tinh ròng này, khi nào thì các thần lạ sẽ lần mò xâm nhập ?
Bao giờ thì nó tàn phá như đang tàn phá rất nhiều nơi trên mảnh đất thân yêu Việt Nam ? Những cảm
xúc ấy vẫn theo tôi cho đến khi trở lại Sàigòn.
Nhưng rồi đến khi ngồi vào bàn phím máy vi tính, tôi đã bị hút vào một câu chuyện khác nóng
bỏng hơn, vì thế xin đành hẹn lại một dịp khác, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện làng quê miền Bắc. Vâng,
tôi bất ngờ lướt qua trang mạng của Nhà Dòng, mục “Việt Nam Tuần Qua”, thì nghe được cô Huyền
Trang, phóng viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, chia sẻ với mọi người một câu chuyện khác, câu
chuyên về một chứng nhân, được mệnh danh là người tù xuyên thế kỷ, Ông Nguyễn Hữu Cầu ( xin xem:
www.chuacuuthe.com, https://www.youtube.com/watch?v=tthomX3wcT0 ).
Trước năm 75, ông là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông bị bắt và bị lên án tử hình, và
phải ngồi tù suốt 37 năm qua. Đến trước Tết 2014, người cháu nội của ông đã viết thư cho Chủ Tịch
nước để xin cho ông được về với gia đình, nghe nói đã có nhân viên an ninh đến nhà thông báo ông sẽ
được về trước Tết, vậy mà đến Tết ông vẫn biệt vô âm tín. Sau Tết, người cháu nội ấy lại một lần nữa
viết thư xin cho ông trở về, và cuối cùng ông vừa được thả về tuần qua.
Điều bất ngờ là khi trở về với gia đình, ông thu xếp để
lên thành phố khám bệnh, đã đến thăm ngay Nhà Dòng chúng
tôi, ông cho biết trong tù ông đã trở thành Kitô hữu, cha Giuse
Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, bạn tù với ông, đã âm thầm cử
hành Bí Tích Thánh Tẩy cho ông đúng Lễ Phục Sinh 1986, đặt
tên Thánh là Gioan Baotixita. Bây giờ thì ông xin chúng tôi dẫn
vào Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn để cám ơn Chúa và Đức Mẹ,
ông đã khóc rất nhiều trong Nhà Thờ, người tù xuyên thế kỷ
tưởng đã cạn khô nước mắt nay lại dâng trào, ông véo mạnh
liên tục vào hai tay của mình mà hỏi: “Tôi có nằm mơ không ?”
Trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, ông chia sẻ
về hành trình Đức Tin của mình, một người tù xuyên thế kỷ
được gặp Chúa và những người tù khác đã được gặp Chúa, họ
được biến đổi hoàn toàn, những hận thù đau đớn biến mất trong
ông, còn lại chỉ là niềm bình an sâu xa, sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương, những người khác cũng
vậy, ông kể về một bạn tù: “Nó biến đổi hoàn toàn, không còn như xưa nữa, trước đây nó là trùm của
các trùm, nay đã thay đổi”.
1
NĂM THỨ 14 – SỐ 604 – CHÚA NHẬT 30.3.2014
Điều làm tôi xúc động khi ông kể, lúc bị biệt giam, dây xích quấn quanh cổ chân ông, ông ngồi
trong tư thế như vậy ngày này qua ngày khác, nhưng ông bình an vì ông dùng chính dây xích ấy để làm
tràng hạt Mai Khôi, cứ vậy, giờ này qua giờ khác, ông lần từng mắt xích lao tù như lần từng đóa hồng
dâng Mẹ, và trong dòng sông kinh nguyện Mai Khôi ấy, ông được bình an. Một bài hát cầu nguyện ông
sáng tác trong tù, ông đã đổi từ chữ “hận thù” ra chữ khác vì lòng ông không còn hận thù nữa.
Thật lạ khi xem và nghe ông chia sẻ trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, một tù nhân mang
án tử, một người tù xuyên thế kỷ, không một chút hận thù, không mặc cảm sợ xệt, không tự ty thành
kiến, ông bình tĩnh và làm chứng về sức mạnh và tình thương. Tôi muốn tự hỏi lại mình, hỏi lại hành
trình Đức Tin của chính mình, hỏi lại những xác tín của đời mình, hỏi lại mình trước tấm gương Nguyễn
Hữu Cầu, tôi gọi ông là “chứng nhân Đức Tin”.
Cám ơn Nhà Dòng, cám ơn cô Huyền Trang, và cám ơn những người cộng tác, cám ơn một cố
gắng “loan báo Tin Mừng theo cách thức mới”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 30.3.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................... 01
TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – Chương 5 ( ĐTC. Phanxicô – Bản dịch Joseph C. Pham ) ... 02
HÀNH TRÌNH TÌM ÁNH SÁNG CÔNG CHÍNH ( AM. Trần Bình An ) .....................................................12
MÙA CHAY, SUY NIỆM SỰ TRỞ VỀ ( Phùng Văn Hoá ) ..................................................................... 13
PHONG CÁCH PXC – Bài 8: PHANXICÔ LÀ MỘT PHẢN CHIẾU TRUNG THỰC... ( Nguyễn Trung ) ........ 16
BÁO CHÍ HAY... BÁO HẠI ? ( Đaminh Phan Văn Dũng ) ...................................................................... 18
TẠI SAO CÓ KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI NHÂT ? ( Phạm Hoài Nam ) ...................... 20
SỰ THẦN KỲ CỦA SỰ SỐNG ( Nguyễn Trung ) .................................................................................. 26
CUỘC SỐNG CHỈ CÓ VẬY THÔI SAO ? ( Từ vinacode.net ) ............................................................... 27
GOOGLE TÌM CẦU TUỆ GIÁC CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH ( Bản dịch của Sư cô Tại Nghiêm ) .... 28
CHƯƠNG TRÌNH NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( TTMV DCCT ) ... 30
TÔNG HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ – Kỳ 15
"NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM"
CHƯƠNG V – NHỮNG NGƯỜI RAO GIẢNG ĐẦY THÁNH THẦN
259. Những người rao giảng đầy Thánh Thần thì mở lòng ra
cách không sợ hãi trước công việc của Chúa Thánh Thần. Vào Ngày Lễ
Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ bước ra khỏi
bản thân mình và biến các vị thành những người loan báo những việc
làm cao cả của Thiên Chúa, có thể nói với mỗi người bằng chính ngôn
ngữ của người ấy. Chúa Thánh Thần cũng ban sự can đảm để loan báo
sự mới mẻ của Tin Mừng cùng với sự mạnh bạo ( parrhesía ) ở mọi lúc
mọi nơi, ngay cả khi va chạm với sự đối nghịch. Chúng ta hãy khấn xin
Ngài hôm nay, để được bén rễ vững vàng trong cầu nguyện, bởi vì
không có sự cầu nguyện thì thất cả mọi hoạt động của chúng ta phải đối
diện với rủi ro là không sinh hoa trái và thông điệp của chúng ta trống
rỗng. Chúa Giêsu muốn những người rao giảng loan báo tin mừng
không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết tất cả là bằng một cuộc đời được
biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa.
260. Trong chương cuối cùng này, tôi không có ý đưa ra một
bản tổng hợp cho đời sống linh đạo Kitô, hoặc để khám phá các chủ đề
lớn như cầu nguyện, thờ phượng Bí Tích Thánh Thể hoặc là việc cử
hành Phụng Vụ Đức Tin. Bởi tất cả những điều này chúng ta đã có
những văn kiện có giá trị của huấn quyền và những tác phẩm nổi tiếng được viết ra bởi các tác giả
lớn. Tôi không tuyên bố để thay thế hay cải tiến những kho tàng này. Tôi chỉ đơn giản mong ước đưa
ra một vài suy tư về tinh thần của việc tân Phúc Âm Hoá.
261. Bất cứ khi nào chúng ta nói rằng một điều gì đó là "có thần khí", thì thường là để chỉ đến
một động lực nội tại có sức khuyến khích, động viên, nuôi dưỡng, và mang lại ý nghĩa cho các hoạt
2
CÙNG ĐÓN NHẬN
động của cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Việc Phúc Âm Hoá đầy tràn Thánh Thần thì không giống
như một loạt các nhiệm vụ đầy tính trách nhiệm được thực hiện bất chấp những khuynh hướng và ước
muốn của một người. Tôi khao khát biết bao để tìm ra được những từ ngữ phù hợp để khuấy động lên
lòng nhiệt thành cho một chương mới của việc Phúc Âm Hoá đầy tràn sự hăng say, niềm vui, lòng
quảng đại, lòng can đảm, và một tình yêu và sự cuốn hút vô biên ! Nhưng tôi nhận ra rằng không có
ngôn từ khuyến khích nào sẽ đủ ngoại trừ ngọn lửa của Thần Khí cháy bỏng trong tâm hồn chúng ta.
Công cuộc Phúc Âm Hoá đầy Thần Khí là một công cuộc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, bởi vì
Ngài là linh hồn của Giáo Hội được mời gọi để rao giảng Tin Mừng. Trước khi đưa ra một số lời khuyến
khích động viên và đề xuất, một lần nữa tôi khẩn xin Chúa Thánh Thần. Tôi khẩn cầu Ngài ngự đến và
canh tân Giáo Hội, để khuấy lên và thôi thúc Giáo Hội can đảm tiến về phía trước để Phúc Âm Hoá hết
mọi dân tộc.
I. CÁC LÝ DO CHO MỘT ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO ĐƯỢC CANH TÂN ĐỔI MỚI
262. Các nhà rao giảng đầy Thần Khí là những nhà rao giảng cầu nguyện và làm việc. Các ý
niệm thần bí mà không có hoạt động mang tính xã hội và truyền giáo vững chắc thì vô ích đối với công
cuộc Phúc Âm Hoá, cũng thế những bài nghị luận hoặc các công việc thực hành mang tính xã hội và
mục vụ mà thiếu chiều kích thiêng liêng thì cũng chẳng thể thay đổi được các tâm hồn. Những đề xuất
đơn phương và khiếm khuyết này chỉ dành cho một vài nhóm hoặc chỉ cho thấy việc không thể chiếu
sáng ra khỏi chúng bởi vì chúng làm hạn chế Tin Mừng. Điều cần thiết là khả năng nuôi dưỡng một
không gian nội tâm có thể mang đến cho người Kitô hữu một ý nghĩa đối với sự cam kết dấn thân và
hoạt động. Không có những phút giây lâu dài của việc thờ phượng, của việc gặp gỡ đầy tinh thần cầu
nguyện với Lời, của việc đối thoại chân thành với Thiên Chúa, thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng trở
nên vô nghĩa; chúng ta sẽ làm mất năng lượng như là kết quả của một sự mỏi mệt và những gian khó,
và lòng nhiệt thành của chúng ta sẽ chết.
Giáo Hội đang bức thiết cần hơi thở sâu của việc cầu nguyện, và thật là niềm vui lớn lao đối với
tôi vì nhiều nhóm đã tận hiến cho việc cầu nguyện và chuyển cầu, cho việc đọc Lời Chúa bằng tinh thần
cầu nguyện và việc chầu Thánh Thể thường trực ở mọi cấp độ của đời sống Giáo Hội. Ngay cả như thế,
"chúng ta phải loại bỏ cơn cám dỗ để đưa ra một nền linh đạo mang tính riêng tư hoá và cá nhân vốn
không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái, chẳng đề cập gì đến các áp dụng của mầu nhiệm nhập
thể". Luôn có một sự rủi ro là một vài khoảnh khắc cầu nguyện có thể trở thành lời biện minh cho việc
không dấn thân vào một sứ vụ; một lối sống riêng tư hoá có thể dẫn các Kitô hữu đến việc núp mình vào
trong những hình thức giả tạo của đời sống thiêng liêng.
263. Thật là tốt đẹp để chúng ta luôn giữ trong tâm trí mình hình ảnh về các Kitô hữu tiên khởi và
nhiều anh chị em khác của chúng ta trong suốt dòng lịch sử, họ đã đầy tràn niềm vui, lòng can đảm và
lòng nhiệt thành không mỏi mệt dành cho việc loan báo Tin Mừng. Ngày nay một số người tự an ủi bản
thân bằng việc nói rằng mọi thứ giờ đây không
còn dễ dàng như xưa, nhưng chúng ta biết rằng
Đế Chế La Mã xưa không có ích gì cho các thông
điệp Tin Mừng, cho việc đấu tranh cho công lý,
hoặc cho việc bảo vệ phẩm giá con người.
Mỗi một giai đoạn lịch sử đều được đánh
dấu bởi sự hiện diện của sự yếu hèn của con
người, sự vụ lợi, sự tự mãn và sự ích kỷ, nói
cách khác, lòng ham muốn nhục dục đều làm cho
tất cả chúng ta đau khổ. Những hình thức này
luôn hiện diện dưới dáng vẻ này hay dáng vẻ
khác; chúng xuất phát từ những giới hạn con
người của chúng ta hơn là từ những hoàn cảnh
cụ thể. Vì thế, chúng ta đừng nói rằng mọi thứ ngày nay khó khăn hơn; chúng chỉ khác nhau mà thôi.
Nhưng chúng ta cũng hãy học từ các thánh đã đi trước chúng ta, các vị đã đối đầu với những khó khăn
của thời đại các vị. Vì thế tôi đề nghị rằng chúng ta nên dừng lại để tái khám phá lại một số lý do có thể
giúp chúng ta noi gương bắt chước họ ngày nay.
Cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu cứu độ của Đức Giêsu
264. Lý do chính yếu cho việc Phúc Âm Hoá là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã được
lãnh nhận, kinh nghiệm về ơn cứu độ thôi thúc chúng ta đi đến một tình yêu lớn lao hơn bao giờ hết của
Ngài. Kiểu tình yêu nào mà lại không cảm thấy nhu cầu để nói về người mình yêu, đi chỉ ra Ngài, để làm
cho Ngài được biết đến ? Nếu chúng ta không cảm thấy một lòng ao ước cháy bỏng để chia sẻ tình yêu
này, thì chúng ta cần phải cầu nguyện liên lỉ để một lần nữa Ngài sẽ chạm vào tâm hồn của chúng ta.
3
Chúng ta cần nài xin ân sủng của Ngài mỗi ngày, xin Ngài mở rộng những tâm hồn nguội lạnh của chúng
ta và biến đổi sự hiện hữu lãnh đạm và giả tạo của chúng ta. Đứng trước nhan Ngài bằng tâm hồn rộng
mở, hãy để Ngài nhìn vào chúng ta, chúng ta sẽ thấy một cái nhìn của tình yêu mà Nathanael đã khám
phá ra vào ngày mà Chúa Giêsu nói với ông: "Lúc anh ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi" ( Ga 1:48 ). Thật
là tốt lành biết bao khi đứng trước Thập Giá, hoặc quỳ gối trước Bí Tích Thánh Thể, và đơn giản ở lại
trong sự hiện diện của Ngài ! Thật là tốt lành biết bao cho chúng ta khi Ngài một lần nữa chạm vào cuộc
đời của chúng ta và thôi thúc chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài ! Và rồi điều xảy ra là "điều chúng tôi
đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa" ( 1 Ga 1:3 ). Động lực tốt đẹp nhất cho việc
chia sẻ Tin Mừng đến từ việc chiêm ngắm nó bằng tình yêu, chậm rãi với các trang của Tin Mừng và đọc
nó bằng cả tâm hồn. Nếu chúng ta tiếp cận Tin Mừng theo cách này, thì vẻ đẹp của nó sẽ làm cho chúng
ta kinh ngạc và luôn làm cho chúng ta phấn khởi. Nhưng nếu đây là việc phải làm, thì chúng ta cần phục
hồi lại tinh thần chiêm niệm có thể giúp chúng ta nhận ra được một điều
luôn mới mà chúng ta đã được ký thác bằng cả một kho tàng làm cho
chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới.
Không có điều gì cao quý hơn điều mà chúng ta có thể trao ban cho
những người khác.
265. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cách thế mà Ngài liên đới với
người nghèo, các hành động của Ngài, sự chính trực của Ngài, những
hành động thể hiện lòng rộng rãi hằng ngày của Ngài, và cuối cùng là sự
trao ban toàn vẹn chính bản thân Ngài, là quý giá và làm tỏ lộ ra mầu nhiệm
của đời sống thánh của Ngài. Bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ chiều kích
mới mẻ này, chúng ta sẽ trở nên tin rằng đó chính xác là điều mà những
người khác cần, ngay cả khi họ không nhận biết điều ấy: "Vậy Đấng quý vị
không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị" ( Cv 17, 23 ).
Đôi khi chúng ta đánh mất sự nhiệt thành cho sứ vụ của mình bởi
vì chúng ta quên rằng Tin Mừng đáp ứng những nhu cầu thẳm sâu nhất
của chúng ta, bởi vì chúng ta được tạo nên để cho điều mà Tin Mừng
trao ban cho chúng ta: tình bằng hữu với Đức Giêsu và tình yêu của anh
chị em chúng ta. Nếu chúng ta thành công trong việc thể hiện cách đầy đủ và với vẻ đẹp thiết yếu của
nội dung Tin Mừng, thì chắc chắn thông điệp này sẽ nói với những khao khát thẳm sâu nhất của tâm
hồn con người: "Sứ mạng được tin rằng, thông qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, vốn hằng hiện
diện trong các cá nhân và các dân tộc một sự mong đợi, thậm chí là một sự mong đợi vô thức, về việc
biết sự thật về Thiên Chúa, về con người, và về cách thế mà chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự
chết. Lòng nhiệt thành của sứ vụ trong việc rao giảng về Đức Kitô xuất phát từ niềm xác tín rằng Ngài sẽ
đáp ứng mong đợi ấy". Lòng nhiệt thành làm cho việc Phúc Âm Hoá đặt trên nền tảng sự xác tín này.
Chúng ta có một kho tàng sự sống và tình yêu không thể lừa dối, và một thông điệp không thể
lầm lạc hoặc làm thất vọng. Nó sẽ đi sâu vào tận cõi thẳm của tâm hồn chúng ta, duy trì và làm cho
chúng ta nên cao quý. Đó là một sự thật không bao giờ lạc hậu bởi vì nó đạt tới phần sâu thẳm ấy của
chúng ta mà không có sự gì khác có thể chạm tới. Sự buồn khổ vô biên của chúng ta chỉ có thể được
chữa lành bằng một tình yêu vô biên.
266. Nhưng sự xác tín này phải được duy trì bằng kinh nghiệm luôn đổi mới của chúng ta về việc
cảm nếm được tình bằng hữu của Chúa Giêsu và thông điệp của Ngài. Thật không thể duy trì được một
công cuộc Phúc Âm Hoá đầy nhiệt huyết trừ khi chúng ta được xác tín từ kinh nghiệm cá nhân rằng thật
việc biết Đức Giêsu thì không giống với việc không biết Người, cũng như việc bước đi với Ngài thì
không giống với việc bước đi cách mù quáng, việc nghe lời Ngài thì cũng không giống với việc không
biết về Lời, và cũng như việc chiêm ngắm Ngài, thờ phượng Ngài, và tìm kiếm sự bình an của chúng ta
ở trong Ngài thì không giống với việc không biết gì cả. Việc nỗ lực xây dựng thế giới bằng Tin Mừng của
Ngài thì không giống với việc làm như thế bằng những ánh sáng riêng của chúng ta.
Chúng ta biết rõ rằng cùng với Đức Giêsu thì cuộc sống trở nên phong phú hơn và cùng với Ngài
chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa trong mọi sự hơn. Đây là lý do vì sao chúng ta Phúc Âm Hoá. Một
nhà truyền giáo thực sự, người không bao giờ ngừng để là một môn đệ, thì biết rằng Chúa Giêsu đồng
hành cùng mình, nói với mình, thở cùng mình, và làm việc cùng với mình. Người ấy cảm nghiệm được
Chúa Giêsu đang sống cùng với mình ngay giữa sứ vụ truyền giáo. Nếu chúng ta không nhìn thấy Ngài
hiện diện ở ngay trung tâm của việc cam kết dấn thân truyền giáo, thì lòng nhiệt thành của chúng ta sẽ
sớm nhạt dần và chúng ta không còn chắc chắn việc mà chúng ta đang làm là việc gì nữa; chúng ta
thiếu nghị lực và thiếu say mê. Một người không tin, không có nhiệt thành, không chắc chắn và không
yêu, thì sẽ chẳng thuyết phục được ai cả.
4
267. Trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm điều mà Ngài tìm kiếm và chúng ta yêu
mến điều Ngài yêu mến. Sau cùng, điều chúng ta đang tìm kiếm là vinh quang của Chúa Cha; chúng ta sống
và hành động "vì ân sủng rạng ngời của Ngài" ( Ep 1, 6 ). Nếu chúng ta muốn dấn bản thân chúng ta một
cách tròn đầy và kiên định, thì chúng ta cần phải bỏ lại phía sau mọi thứ động lực khác. Đây là động lực tối
hậu, sâu thẳm, và lớn lao nhất của chúng ta, lý do và ý nghĩa chung cuộc đằng sau mọi điều chúng ta làm:
vinh quang của Chúa Cha mà Chúa Giêsu tìm kiếm mọi phút giây của cuộc sống Ngài. Là Con, Ngài vui
hưởng vĩnh viễn niềm vui được "ở nơi cung lòng Chúa Cha" ( Ga 1, 18 ). Nếu chúng ta là những nhà truyền
giáo, thì đó thật là chính đáng bởi vì Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng "Điều làm Chúa Cha được tôn
vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy" ( Ga 15, 8 ). Vượt ra khỏi mọi tham
chiếu và những lợi ích riêng của chúng ta, sự hiểu biết và những động lực của chúng ta, chúng ta loan
truyền vinh quang lớn lao hơn cả của Chúa Cha Đấng yêu thương chúng ta.
Niềm vui tinh thần của việc là một dân
268. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận
ra rằng chúng ta là một dân: "Xưa anh em chưa
phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên
Chúa" ( 1 Pr 2, 10 ). Để trở thành các nhà truyền
giảng của các tâm hồn, chúng ta cần phải nuôi
dưỡng một cảm nếm tinh thần vì được gần gũi với
cuộc sống của con người và để khám phá rằng đây
đích thực là một nguồn vui lớn lao hơn. Sứ vụ đồng
thời vừa là niềm đam mê dành cho Chúa Giêsu và
là niềm đam mê dành cho Dân của Ngài.
Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu chịu
đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu của tình
yêu của Ngài nâng đỡ và nuôi dưỡng chúng ta,
nhưng đồng thời, trừ khi chúng ta mù quáng, nếu
không thì chúng ta bắt đầu nhận ra rằng cái nhìn
của Chúa Giêsu, cháy bỏng tình yêu, mở rộng ra để ôm lấy tất cả dân của Ngài. Một lần nữa chúng ta
nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để đến gần hơn nữa những người mà Ngài yêu. Ngài chọn
chúng ta từ giữa dân của Ngài và Ngài sai chúng ta đến với dân Ngài; không có cảm thức thuộc về này
chúng ta không thể hiểu căn tính sâu xa nhất của chúng ta.
269. Chính Chúa Giêsu là một mẫu gương của phương pháp Phúc Âm Hoá này vốn mang chúng ta
đến tận trung tâm của dân Ngài. Thật là tốt đẹp biết bao cho chúng ta để chiêm ngắm sự gần gũi mà Ngài tỏ
ra cho hết mọi người ! Nếu Ngài nói với một ai đó, thì Ngài nhìn vào đôi mắt của họ với một tình yêu và một
sự quan tâm sâu thẳm: "Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến" ( Mc 10, 21 ). Chúng ta thấy
là Ngài dễ dàng tiếp cận biết bao nhiêu, khi Ngài tiến gần đến người mù ( x. Mc 10, 46 – 52 ) và ăn và
uống với những người tội lỗi ( x. Mc 2, 16 ) mà không hề lo lắng về việc bị người ta nghĩ Ngài là người
ham mê ăn uống và chè chén ( x. Mt 11:19 ). Chúng ta thấy được sự nhạy cảm của Ngài trong việc để
cho người phụ nữ tội lỗi rửa chân cho Ngài ( x. Lc 7, 36 – 50 ) và trong việc đón tiếp Nicôđêmô vào
ban đêm ( x. Ga 3, 1 – 15 ).
Sự hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là đỉnh cao của lối sống của Ngài.
Được đánh động bởi mẫu gương của Ngài, chúng ta muốn hoàn toàn dấn thân vào mạng lưới xã hội, chia
sẻ cuộc sống của tất cả mọi người, lắng nghe hết tất cả mọi mối bận tâm của họ, giúp họ những nhu cầu
về vật chất và tinh thần, vui với người vui, khóc với người khóc; tay trong tay với những người khác,
chúng ta cam kết xây dựng một thế giới mới. Nhưng chúng ta làm như thế không phải xuất phát từ một
cảm thức về điều bắt buộc, cũng không phải như một việc bổn phận nặng nề, nhưng như là kết quả của
một quyết định cá nhân mang lại cho chúng ta niềm vui và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
270. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để trở thành một kiểu người Kitô hữu khép mình lại trong các vết
thương của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào nỗi thống khổ của con người,
chạm vào xác thân đang đau khổ của những người khác. Ngài mong rằng chúng ta sẽ dừng lại việc tìm
kiếm những nơi trú ẩn cá nhân hay cộng đoàn hằng che chắn chúng ta khỏi vùng xoáy mãnh liệt của nỗi
bất hạnh của con người và thay vào đó hãy bước vào thực lại của cuộc sống người khác và hãy nhận
biết sức mạnh của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như thế, thì cuộc sống của chúng ta trở
nên phức tạp cách diệu kỳ và chúng ta sẽ kinh nghiệm được cách mạnh mẽ điều có nghĩa là trở thành
một dân, trở thành một thành phần của một dân.
271. Sự thật là trong các mối liên hệ của chúng ta với thế giới, chúng ta được cho biết rằng cần
phải có lý do để hy vọng, nhưng không phải như một kẻ thù người chỉ biết phê bình chỉ trích và kết án.
5
Chúng ta được chỉ dạy cách rõ ràng: "hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy
vọng của anh em" ( 1 Pr 3, 15 ) và "hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận
với mọi người" ( Rm 12, 18 ). Chúng ta cũng được dạy rằng "hãy lấy thiện mà thắng ác" ( Rm 12, 21 )
và "hãy làm điều thiện cho mọi người" ( Gl 6, 10 ). Giữ mình khỏi việc trở nên cao trọng hơn người khác,
chúng ta cần phải "hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình" ( Pl 2, 3 ). Chính các môn
đệ của Chúa cũng đã vui hưởng "niềm vui với hết tất cả mọi người" ( Cv 2, 47; 4, 21; 33; 5, 13 ).
Rõ ràng là Chúa Giêsu không muốn chúng ta trở thành những người lớn lao nhìn xuống trên những
người khác, nhưng là những người nam và người nữ của mọi người. Đây không phải là ý tưởng của vị
Giáo Hoàng, hoặc của một chọn lựa mục vụ giữa muôn dân; chúng là những lệnh truyền chứa đựng trong
Lời Chúa vốn quá rõ ràng, trức tiếp và đáng tin cậy đến nỗi chúng không cần những lời giải thích có khả
năng làm giảm sức mạnh thách đố chúng ta của chúng. Chúng ta hãy sống những lời này mà không có bình
luận gì thêm, sine glossa. Bằng việc sống như thế chúng ta sẽ biết được niềm vui sứ vụ của việc chia sẻ sự
sống với người tín hữu của Chúa khi chúng ta nỗ lực để thắp lên một ngọn lửa trong trái tim của thế giới.
272. Yêu thương nhau là một sức mạnh tinh thần dẫn chúng ta đến sự kết hiệp với Thiên Chúa;
thực ra, một người không yêu thương những người khác thì "đi trong bóng tối" ( 1 Ga 2, 11 ), "ở lại trong
sự chết" ( 1 Ga 3, 14 ) và "không biết Thiên Chúa" ( 1 Ga 4, 8 ). Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã nói rằng
"nhắm mắt lại trước anh em cũng có nghĩa là làm cho chúng ta mù quáng trước Thiên Chúa", và sau
cùng, tình yêu ấy là ánh sáng duy nhất "có thể luôn luôn chiếu sáng một thế giới đang tắt dần và mang lại
cho chúng ta sự can đảm cần thiết để tiếp tục sống và làm việc". Khi chúng ta sống một nền linh đạo đến
gần với người khác và tìm kiếm phần ích cho chọ, thì tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho những ân huệ lớn
lao và cao đẹp nhất của Thiên Chúa. Bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ nhau trong tình yêu, thì chúng ta học
được một điều gì đó mới về Thiên Chúa. Bất cứ khi nào đôi mắt của chúng ta mở rộng ra để nhận biết
người khác, thì chúng ta sẽ lớn mạnh trong ánh sáng của niềm tin và sự hiểu biết về Thiên Chúa.
Nếu chúng ta muốn tiến hơn trong đời sống thiêng
liêng, thì chúng ta cần phải luôn luôn là những nhà truyền
giáo. Công việc truyền giáo sẽ làm phong phú tâm và trí
chúng ta; nó mở ra những chân trời thiêng liêng; nó làm
cho chúng ta ngày càng trở nên nhạy bén hơn đối với các
công việc của Chúa Thánh Thần, và nó sẽ dẫn chúng ta
vượt xa khỏi những mô thức thiêng liêng hạn hữu của
bản thân. Một nhà truyền giáo có cam kết dấn thân thì
biết được niềm vui của việc trở thành một mùa xuân đổ
tràn trên người khác và làm tươi mới người khác. Chỉ
những ai cảm nghiệm được niềm hạnh phúc trong việc
tìm kiếm những sự tốt lành cho người khác, trong việc
khao khát niềm hạnh phúc của họ, thì mới có thể là một
nhà truyền giáo. Sự mở rộng con tim này là một nguồn
vui, bởi vì "cho thì có phúc hơn là nhận" ( Cv 20, 35 ). Chúng ta sẽ không sống tốt hơn khi chúng ta
thoát ly, ẩn nấp, khước từ để chia sẻ, ngừng cho đi và khoá chặt bản thân lại trong những sự thoải mái
riêng mình. Một cuộc sống như thế thì chẳng khác gì hơn là một sự tự vẫn từ từ.
273. Sứ vụ của tôi ở giữa muôn dân không chỉ là một phần cuộc sống của tôi hoặc là một cái huy
hiệu mà tôi có thể gỡ ra được; nó cũng không phải là một sự "thêm" hoặc chỉ là một khoảnh khắc khác của
cuộc sống. Thay vào đó, đó là một điều mà tôi không thể bứng rễ ra khỏi hữu thể của tôi mà không làm tổn
hại đến chính cái cốt lõi bản thể của mình. Tôi chính là một sứ vụ trên mặt đất này; đó là lý do vì sao mà tôi
lại hiện hữu ở đây trong thế giới này. Chúng ta phải tự thấy mình như thể bị đóng dấu, thậm chí đóng nhãn,
bởi sứ vụ mang ánh sáng này, chúc lành, làm sinh động, dưỡng nuôi, chữa lành và giải phóng này.
Chúng ta sẽ bắt đầu thấy xung quanh mình những người điều dưỡng có tâm hồn, các nhà sư
phạm có tâm hồn, các chính trị gia có tâm hồn, những người đã chọn lựa từ trong sâu thẳm để sống với
mọi người và vì mọi người. Nhưng một khi chúng ta tách công việc của mình ra khỏi đời sống riêng tư
của mình, thì mọi thứ sẽ trở nên xám xịt và chúng ta sẽ luôn luôn đi tìm kiếm sự nhận biết hoặc sự
khẳng định cho những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta thôi không còn là một dân nữa.
274. Nếu chúng ta sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của chúng ta với những người khác và trao ban
chính bản thân mình cách rộng rãi, thì chúng ta cũng sẽ nhận biết rằng mọi người thật xứng đáng với sự
trao ban của chúng ta. Không phải vì vẻ bề ngoài của họ, các khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, cách
nghĩ của họ, hoặc vì bất cứ sự thoả mãn nào mà chúng ta có thể đón nhận được, nhưng là bởi vì họ là
công trình do tay Chúa dựng nên, thọ tạo của Ngài.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo đúng hình ảnh của Ngài, và người ấy phản chiếu
điều gì đó vinh quang của Thiên Chúa. Mọi hữu thể con người đều là đối tượng của sự dịu dàng vô biên
6
của Thiên Chúa, và chính Ngài hiện diện trong cuộc sống của họ. Chúa Giêsu đã trao ban bửu huyết
châu báu của Ngài trên thập giá cho người ấy. Vượt ra khỏi những hình thức bên ngoài, mọi người đều
là sự thánh thiện vô biên và xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Do đó, nếu tôi có thể giúp ít nhất là
một người có cuộc sống tốt hơn, thì điều ấy đã đủ biện minh cho việc trao ban cuộc sống của tôi. Trở
thành Dân của Thiên Chúa thật là một điều kỳ diệu. Chúng ta đạt tới sự thành toàn khi chúng ta phá vỡ
các bức tường và tâm hồn chúng ta đầy tràn những gương mặt và những cái tên !
Công việc mầu nhiệm của Đức Kitô Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài
275. Trong Chương 2,
chúng ta đã suy tư về việc thiếu đời
sống thiêng liêng sâu đậm dẫn đến
tình trạng bi quan, tin vào thuyết
định mệnh, và bội tính. Một số
người không cam kết dấn thân vào
một sứ mạng bởi vì họ nghĩ rằng
chẳng có gì thay đổi và thật là vô ích
để thực hiện một nỗ lực. Họ nghĩ:
"Tại sao tôi phải khước từ bản thân
mình những sự thoải mái và thú vui
của bản thân tôi nếu tôi không thấy
được bất kỳ một kết quả có ý nghĩa nào ?" Thái độ này khiến người ta không thể trở thành một nhà truyền
giáo. Đó chỉ là một lời biện minh láo khoét cho việc ở lì trong sự an nhàn, lười biếng, sự thiếu thoả mãn mơ
hồ và sự ích kỷ xáo rỗng của bản thân. Đó thật là một thái độ tự hoại mình, bởi vì "con người không thể
sống mà không có niềm hy vọng: cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu đựng được". Nếu
chúng ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ chẳng thay đổi gì đâu, thì chúng ta cần phải nhớ lại rằng Đức Giêsu Kitô đã
chiến thắng khải hoàn tội lỗi và sự chết và giờ đây Ngài toàn năng. Đức Giêsu Kitô thực sự đang sống.
Nói một cách khác, "nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng"
( 1 Cr 15, 14 ). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng khi các môn đệ đầu tiên đi rao giảng, "có Chúa cùng
hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" ( Mc 16,
20 ). Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày hôm nay. Chúng ta được mời gọi để khám phá điều này,
để kinh nghiệm điều này. Đức Kitô, đã phục sinh và vinh hiển, là nguồn mạch tuôn chảy cho niềm hy
vọng của chúng ta, và Ngài sẽ không lấy khỏi chúng ta sự trợ giúp mà chúng ta cần để thi hành sứ
mạng mà Ngài đã uỷ thác cho chúng ta.
276. Sự phục sinh của Đức Kitô không phải là một sự kiện của lịch sử; nó hàm chứa một năng
quyền sống động đã thấm nhập vào thế giới này. Nơi mà tất cả dường như đã chết, các dấu chỉ của sự
phục sinh bỗng nhiên bừng lên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Thường thì
dường như Thiên Chúa không tồn tại: tất cả mọi thứ xung quanh mà chúng ta thấy toàn là bất công, sự
dữ, sự thờ ơ và sự tàn bạo thường trực. Nhưng cũng thật đúng là ngay giữa những tăm tối có một điều
gì đó mới luôn luôn chảy tràn sự sống và không sớm thì muộn cũng làm trổ sinh hoa trái. Trên một miền
đất đã bị huỷ diệt thì sự sống chảy tràn, cách kiên vững và bất khuất.
Tuy những điều tăm tối vẫn hiện hữu, song sự tốt lành vẫn luôn luôn tái sinh và lan rộng. Mỗi
ngày trên thế giới của chúng ta vẻ đẹp vẫn tái sinh một sự tươi mới, nó sống lại được biến đổi thông
qua những giông bão của lịch sử. Các giá trị vẫn luôn luôn có khuynh hướng tái xuất hiện dưới những
hình thức mới, và con người vẫn cứ trổ sinh xuyên qua thời gian từ những hoàn cảnh mà xem ra rất tối
tăm. Đó chính là năng quyền của sự phục sinh, và tất cả những ai làm công việc truyền giáo đều là khí
cụ của năng quyền ấy.
277. Đồng thời, những khó khăn mới lại liên tục xuất hiện: những kinh nghiệm thất bại và những
yếu kém của con người lại mang đến một nỗi đớn đau quá đỗi như thế. Tất cả chúng ta đều học được
từ kinh nghiệm rằng đôi khi một nhiệm vụ không mang lại một sự thoả mãn mà chúng ta tìm kiếm, các
kết quả thì ít mà sự thay đổi thì lại chậm chạp, và chúng ta có khuynh hướng bị cám dỗ để trở nên mỏi
mệt. Nhưng việc buông xuôi cánh tay của chúng ta trong chốc lát vì mọi mệt thì không giống với sự
buông xuôi mãi mãi, xâm chiếm bởi căn bệnh bất mãn kinh niên và bởi sự bạc nhược làm khô héo tâm
hồn. Cũng có thể xảy ra là tâm hồn của chúng ta có thể mỏi mệt vì chiến đấu bởi vì cuối cùng chúng ta
bị kẹt cứng ở trong chính bản thân mình, trong một sự đam mê sự nghiệp chỉ khao khát được nhận biết,
hoan hô, các phần thưởng và địa vị.
Trong trường hợp này, chúng ta không buông xuôi, nhưng chúng ta lại không bao giờ có thể
nắm bắt được điều mà chúng ta tìm kiếm, sự phục sinh không hiện diện ở đó. Trong những hoàn cảnh
7
như thế, Tin Mừng, thông điệp tuyệt vời nhất mà thế giới này có thể trao ban, thì lại bị chôn vùi dưới
hàng đống lớp dày đặc của những lời bào chữa.
278. Đức Tin cũng có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài thực sự yêu thương chúng ta,
rằng Ngài đang sống, rằng Ngài có thể can thiệp cách nhiệm mầu, rằng Ngài không bỏ rơi chúng ta và
rằng Ngài biến sự dữ thành sự lành bằng chính quyền năng và sự sáng tạo vô biên của Ngài. Đó có
nghĩa là tin rằng Ngài luôn tiến bước cách khải hoàn trong dòng lịch sử với những ai "được kêu gọi,
được tuyển chọn, và luôn trung thành" ( Kh 17, 14 ).
Chúng ta hãy tin vào Tin Mừng khi Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Nước Thiên Chúa đã đang
hiện diện trong thế giới này và đang triển nở, đó đây, và bằng nhiều cách thế: giống như hạt cải trổ sinh
thành một cây cải lớn ( x. Mt 13, 31 – 32 ), giống như một nắm men làm dậy cả một khối bột ( x. Mt 13,
33 ) và giống như một hạt giống tốt mọc lên giữa đám cỏ lùng ( x. Mt 13, 24 – 30 ) và có thể luôn luôn
làm cho chúng ta hân hoan kinh ngạc. Nước Trời đang hiện diện ở đây, nó trở lại, nó đang chiến đấu để
trổ sinh một điều mới mẻ. Sự phục sinh của Đức Kitô ở khắp mọi nơi tạo nên những hạt giống của thế
giới mới này; thậm chí cả khi chúng bị cắt cụt đi, thì chúng vẫn mọc trở lại, vì sự phục sinh đã âm thầm
thấm nhập vào cơ cấu của lịch sử này, bởi vì Chúa Giêsu đã không sống lại cách vô ích. Xin cho chúng
ta đừng bao giờ đứng lì ở bên lề của cuộc tuần hành của niềm hy vọng sống động này !
279. Bởi vì chúng ta không phải lúc nào cũng thấy được những hạt giống này triển nở, nên
chúng ta cần có một sự chắc chắn nội tâm, một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hoạt động trong họi
hoàn cảnh ngay cả giữa những đổ vỡ: "kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành" ( 2
Cr 4, 7 ). Sự chắc chắn này thường được gọi là "một cảm thức về mầu nhiệm". Điều này liên quan đến
việc biết cách chắc chắn rằng tất cả những ai tín thác bản thân vào Thiên Chúa trong tình yêu thì sẽ trổ
sinh hoa trái ( Ga 15, 5 ).
Sự trổ sinh hoa trái này thường vô hình, khó nắm bắt, và không thể đo lường được. Chúng ta có
thể khá chắc rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái, mà không cần phải tuyên bố về việc biết
thế nào, hoặc ở đâu, hoặc khi nào. Chúng ta có thể chắc chắn rằng không một hành động yêu thương nào
của chúng ta lại mất đi, hoặc cũng thế đối với bất kỳ hành động quan tâm chân thành nào của chúng ta
dành cho người khác. Không một hành động nào của tình yêu dành cho Thiên Chúa bị mất đi, không một
nỗ lực đại lượng nào lại trở nên vô nghĩa, và không một sự chịu đựng đau đớn nào lại là lãng phí.
Tất cả những điều này sẽ bao phủ lấy thế giới của chúng ta như một sức sống dồi dào. Đôi khi
dường như công việc của chúng ta không sản sinh hoa trái, nhưng sứ mạng thì không giống như một
hoạt động kinh doanh hay đầu tư, hoặc ngay cả như một hoạt động nhân đạo nào. Đó không phải là một
buổi biểu diễn mà người ta có thể đếm có bao nhiêu người đến dự như là kết quả của hoạt động quảng
bá của chúng ta; nó là một điều gì sâu thẳm hơn nhiều, điều vượt qua mọi sự đo lường. Đó là điều mà
Thiên Chúa dùng những hy sinh của chúng ta để tuôn đổ phúc lành xuống trên một nơi khác của thế
giới mà chúng ta chưa bao giờ tới đó.
Chúa Thánh Thần hoạt động theo cách Ngài muốn, khi nào Ngài muốn và nơi nào Ngài muốn;
chúng ta phó thác bản thân của chúng ta mà không mong thấy được kết quả bất ngờ. Chúng ta chỉ biết
rằng sự cam kết dấn thân của chúng ta là cần thiết. Chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi trong sự êm dịu
trong vòng tay của Chúa Cha giữa những cam kết đầy sáng tạo và đại lượng của chúng ta. Chúng ta
hãy tiến bước về phía trước; hãy trao phó cho Ngài mọi sự, hãy để cho ngài làm cho những nỗ lực của
chúng ta trổ sinh hoa trái vào đúng thời điểm tốt lành của Ngài.
280. Việc giữ vững ngọn lửa nhiệt thành truyền
giáo sống động đòi hỏi một sự tín thác vững vàng vào
Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Ngài là Đấng "giúp đỡ
chúng ta là những kẻ yếu hèn" ( Rm 8, 26 ). Nhưng lòng
tin quảng đại này cần phải được dưỡng nuôi, và vì thế
chúng ta cần phải khẩn nài xin Chúa Thánh Thần luôn
luôn. Ngài có thể chữa lành bất cứ điều gì khiến cho
chúng ta mỏi mệt trong những nỗ lực truyền giáo của
chúng ta. Đúng thật là niềm tin vào điều không thể thấy
này có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất định hướng: nó
giống như là bị nhận chìm xuống dưới vực sâu và không
biết điều chúng ta sẽ tìm thấy.
Bản thân tôi cũng thường kinh nghiệm điều này.
Nhưng không có một sự tự do nào lớn lao hơn là để cho
mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, khước từ việc nỗ lực để lên kế hoạch và kiểm soát mọi thứ cho
đến chi tiết sau cùng, và thay vào đó là hãy để Ngài soi sáng, dẫn dắt và định hướng cho chúng ta, dẫn
8
đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Chúa Thánh Thần biết rõ điều gì cần thiết trong mọi nơi và
mọi lúc. Đây là điều gọi là trổ sinh hoa trái cách nhiệm mầu !
Sức mạnh truyền giáo của việc chuyển cầu
281. Một hình thức cầu nguyện thôi thúc chúng ta cách đặc biệt lãnh nhận lấy sứ vụ Phúc Âm
Hoá và tìm kiếm sự tốt lành cho người khác; đó là hình thức cầu nguyện chuyển cầu. Chúng ta hãy
dành ít phút để chiêm ngắm tâm hồn của Thánh Phaolô, để thấy lời cầu nguyện của Ngài như thế nào.
Đó là một lời cầu nguyện chứa đầy những con người: "... Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho
anh em hết thảy... bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi" ( Pl 1, 4 – 7 ). Ở đây chúng ta thấy rằng chuyển
cầu không làm cho chúng ta lạc khỏi sự chiêm niệm, bởi vì sự chiêm niệm đích thực luôn luôn có chỗ
cho những người khác.
282. Thái độ này trở thành một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa cho những người khác. "Trước
hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em" ( Rm 1, 8 ). Đó là một lời tạ ơn
liên lỉ: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức
Kitô Giêsu" ( 1 Cr 1, 4 ); "Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em" ( Pl 1, 3 ). Thoát ra
khỏi mọi hoài nghi, tiêu cực và tuyệt vọng, đó là một cái nhìn thiêng liêng được sinh ra bởi một niềm tin
sâu thẳm làm cho chúng ta nhận biết điều mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi cuộc sống của những
người khác. Đồng thời, đó là một thái độ tạ ơn chảy tràn từ một tâm hồn hướng về người khác. Khi các
nhà truyền giáo hoàn tất việc cầu nguyện của mình, tâm hồn họ rộng mở hơn; thoát khỏi tình trạng quy
ngã, họ mang đầy khao khát để làm việc tốt và chia sẻ cuộc sống với những người khác.
283. Những người nam và người nữ vĩ đại của Thiên Chúa là những nhà chuyển cầu vĩ đại.
Chuyển cầu giống như một "nắm men" trong trái tim của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là một cách thế để
thâm nhập vào trái tim của Chúa Cha và khám phá ra những chiều kích mới có thể chiếu sáng trên
những hoàn cảnh cụ thể và thay đổi chúng. Chúng ta có thể nói rằng trái tim của Thiên Chúa bị chạm
bởi những lời chuyển cầu của chúng ta; mặc dù trong thực tế thì Ngài luôn luôn ở đó trước. Điều mà lời
chuyển cầu của chúng ta đạt được chính là sức mạnh của Ngài, tình yêu của Ngài và sự thành tín của
Ngài hằng luôn thể hiện cách rõ ràng hơn nữa trong dân của Ngài.
II. ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỨ VỤ TÂN PHÚC ÂM HOÁ
284. Cùng với Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria luôn luôn hiện diện ở giữa dân của Thiên Chúa. Mẹ
tham gia vào giờ cầu nguyện đón Chúa Thánh Thần cùng các môn đệ ( Cv 1, 14 ) và do đó tạo nên một
sự bùng phát nhanh chóng của sứ vụ truyền giáo trở thành có thể diễn ra ngày trong Ngày Lễ Ngũ
Tuần. Mẹ là Mẹ của Giáo Hội có sứ vụ truyền giáo, và không có Mẹ thì chúng ta không bao giờ có thể
thực sự hiểu được tinh thần của việc tân Phúc Âm Hoá.
Món quà của Chúa Giêsu cho Dân của Người
285. Trên Thập Giá, khi Chúa Giêsu đang chịu trong nơi thân
xác của Ngài một cuộc gặp gỡ giữa tội lỗi ghê gớm của thế gian và
lòng thương xót của Thiên Chúa, thì Ngài có thể cảm nghiệm được
ở dưới chân Ngài sự hiện diện đầy ủi an của Mẹ Ngài và bạn hữu
Ngài. Ngay tại thời khắc chính yếu ấy, trước khi hoàn tất công việc
mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Ngài, thì Chúa Giêsu đã nói với Mẹ
Maria: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi sau đó Ngài nói với người
môn đệ yêu dấu: "Đây là mẹ con" ( Ga 19, 26 – 27 ). Những lời này
của Chúa Giêsu đang chịu chết không nhất thiết là một sự diễn tả về
sự tận hiến và quan tâm của Ngài dành cho Mẹ Ngài; mà hơn nữa,
đó là một mô thức mặc khải hữu hình hoá màu nhiệm của sứ vụ cứu
chuộc. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng Mẹ Ngài để trở thành Mẹ
của chúng ta. Chỉ sau khi thực hiện việc ấy thì Chúa Giêsu biết rằng
"mọi sự đã hoàn tất" ( Ga 19, 28 ).
Ngay dưới chân thập giá, vào giờ tối cao của công trình tạo
dựng mới, thì Chúa Giêsu lại dẫn chúng ta đến với Mẹ Maria. Ngài
mang chúng ta đến cho Mẹ bởi vì Ngài không muốn chúng ta đi trên hành trình mà không có một người
mẹ, và dân Chúa đọc được trong hình ảnh đầy tình mẫu tử này tất cả mầu nhiệm của Tin Mừng. Thiên
Chúa không muốn bỏ mặc Giáo Hội không có biểu tượng mẫu tử này. Mẹ Maria, Đấng đã mang Ngài
vào thế giới này bằng một niềm tin lớn lao, cũng đồng hành với "những người còn lại trong dòng dõi bà,
là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu" ( Kh 12, 17 ).
Mối liên hệ gần gũi giữa Mẹ Maria, Giáo Hội và mỗi thành phần tín hữu, dựa trên nền tảng là mỗi
người theo cách của mình sinh ra Đức Kitô, được diễn tả cách tuyệt vời bởi Thánh Isaac Đệ Stella: "Trong
9
Kinh Thánh được linh hứng, điều gì được nói đến theo nghĩa phổ quát về Mẹ Đồng Trinh, thì Giáo Hội,
cũng được hiểu theo nghĩa riêng biệt về Mẹ Đồng Trinh Maria... Theo đó, mọi Kitô hữu cũng được tin là cô
dâu của Lời Chúa, mẹ của Đức Kitô, anh chị em của Ngài, một trật đồng trinh và sinh hoa trái... Đức Kitô đã
cư ngụ chín tháng trong cung lòng của Mẹ Maria. Ngài cũng sẽ cư ngụ trong cung lòng của Đức Tin Giáo
Hội đến tận cùng của mọi thời đại. Ngài sẽ cư ngụ vĩnh viễn trong trong sự hiểu biết và tình yêu của mỗi
linh hồn người tín hữu".
286. Mẹ Maria đã có thể biến một chuồng nuôi thú vật thành
một tổ ấm cho Chúa Giêsu, với những chiếc tã nghèo nàn và một sự
giàu có phong phú của tình yêu. Mẹ là nữ tỳ của Chúa Cha Đấng hát
lên lời ngợi khen Ngài. Mẹ là người bạn luôn quan tâm đến việc
thiếu rượu trong cuộc sống của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ có trái
tim bị đâm thâu bởi một lưỡi gươm và là Đấng hiểu hết mọi nỗi đau.
Là Mẹ của tất cả chúng ta, Mẹ là một dấu chỉ của niềm hy vọng cho
mọi dân tộc đang phải chịu cảnh sinh ra với những nỗi đau về công
lý. Mẹ là nhà truyền giáo đến gần với chúng ta và đồng hành với
chúng ta trong suốt cuộc đời, mở tâm hồn chúng ta ra cho niềm tin
bằng tình yêu mẫu tử của Mẹ. Là một người mẹ đích thực, Mẹ bước
đi bên cạnh chúng ta, Mẹ sẻ chia những cuộc chiến của chúng ta và
Mẹ hằng luôn bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa.
Ngang qua rất nhiều tước hiệu của Mẹ, thường có liên hệ
đến những đền thờ của Mẹ, Đức Maria chia sẻ lịch sử của mỗi dân
tộc đón nhận Tin Mừng và Mẹ trở thành một phần của căn tính lịch
sử của họ. Nhiều bậc cha mẹ Kitô hữu đã xin cho con của họ được
lãnh phép rửa tội ở một ngôi đền mang tước hiệu của Mẹ, như là
một dấu chỉ của niềm tin của họ vào tình mẫu tử của Mẹ sẽ sinh ra những người con mới cho Thiên
Chúa. Ở đó, nơi rất nhiều ngôi đền, chúng ta có thể thấy cách mà Mẹ Maria quy tụ con cái của Mẹ
những người bằng sự nỗ lực lớn lao đã đến như những người hành hương đến để gặp Mẹ và để được
Mẹ gặp. Ở đây chúng ta thấy được sức mạnh của Thiên Chúa để mang lấy sự mỏi mệt và nỗi thống khổ
trong cuộc sống của họ. Như cách Mẹ đã thực hiện với Thánh Juan Diego, Mẹ Maria đã trao ban cho họ
sự an ủi và tình yêu mẫu tử, và thầm thĩ vào tai họ: "Đừng để tâm hồn các con bị bối rối... Mẹ là Mẹ của
các con không ở đây sao ?"
Ngôi sao của việc tân Phúc Âm Hoá
287. Chúng ta hãy xin Mẹ của Tin Mừng hằng sống chuyển cầu cho chúng ta để lời mời gọi
hướng đến một giai đoạn mới của công cuộc Phúc Âm Hoá được tất cả cộng đồng Giáo Hội chấp nhận.
Mẹ Maria là người phụ nữ của niềm tin, Đấng sống và bước đi trong niềm tin, và "cuộc hành hương Đức
Tin ngoại thường của Mẹ diễn tả một đích điểm tham chiếu cho Giáo Hội". Mẹ Maria đã để cho Chúa
Thánh Thần dẫn dắt trên hành trình Đức Tin hướng đến một số phận phục vụ và sinh hoa trái. Ngày nay
chúng ta nhìn về Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo sứ điệp cứu chuộc cho tất cả mọi người và để
làm cho các môn đệ mới trở thành các nhà truyền giáo.
Trên suốt hành trình của việc Phúc Âm Hoá này chúng ta sẽ có những lúc khô khan, tăm tối, và thậm
chí mỏi mệt của mình. Chính Mẹ Maria đã kinh nghiệm những điều này trong suốt những năm ấu thơ của
Chúa Giêsu ở Nadarét: "Đây là khởi điểm của Tin Mừng, của tin mừng đầy niềm vui. Tuy nhiên, thật không
dễ để nhận ra trong cái khởi đầu ấy một sự nặng nề của tâm hồn, gắn liền với đêm tối của niềm tin – dùng
lời của Thánh Gioan Thánh Giá – một kiểu "bức màn" mà qua nó người ta đến gần hơn với Đấng Vô Hình
và sống trong sự thân mật với mầu nhiệm. Và đây là cách mà Mẹ Maria, trong nhiều năm trời, đã sống trong
sự thân mật với mầu nhiệm của Con Mẹ, và tiến về phía trước trên hành trình của Đức Tin".
288. Có một "phong cách" Maria đối với công cuộc Phúc Âm Hoá của Giáo Hội. Bất cứ khi nào
chúng ta hướng mắt về Mẹ, chúng ta sẽ đi đến chỗ một lần nữa tin vào tính chất đổi mới của tình yêu và
sự dịu dàng. Ở nơi Mẹ chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường và sự dịu dàng không phải là những nhân
đức của người yếu nhưng là của người mạnh mẽ không cần thiết phải đối xử tệ để cảm thấy bản thân
họ là quan trọng. Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta nhận ra rằng Mẹ đã ca tụng Thiên Chúa vì "Chúa hạ
bệ những ai quyền thế" và "người giàu có, lại đuổi về tay trắng" ( Lc 1, 52 – 53 ) cũng là Đấng mang lại
sự ấm áp gia đình vào sự theo đuổi công lý của chúng ta. Mẹ cũng là Đấng cẩn thận giữ "mọi kỷ niệm
ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" ( Lc 2, 19 ).
Mẹ Maria có thể nhận ra hết mọi dấu vết của Thần Khí Thiên Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ.
Mẹ hằng luôn chiêm ngắm mầu nhiệm về Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta, trong lịch sử nhân loại
của chúng ta và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ của cầu nguyện và làm
10
việc ở Nadarét, cũng là Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta, Đấng đã rời khỏi ngôi làng của mình "cách vội
vã" ( Lc 1, 39 ) để phục vụ những người khác. Sự hỗ tương qua lại giữa công lý và sự dịu dàng này, của
việc chiêm niệm và quan tâm đến người khác này, là điều làm cho công đồng Giáo Hội hướng về Mẹ
Maria như là một mẫu gương của công cuộc Phúc Âm Hoá.
Chúng ta khẩn xin sự bầu cử mẫu tử của Mẹ cho Giáo Hội trở
thành một ngôi nhà cho nhiều người, một người Mẹ của tất cả mọi
dân tộc, và cho con đường được mở ra cho sự hạ sinh của một thế
giới mới. Đó là điều mà Đức Kitô Phục Sinh Đấng nói với chúng ta,
bằng một quyền năng lấp đầy chúng ta bằng niềm tin và niềm hy
vọng không hề suy chuyển: "Này đây Ta đổi mới mọi sự" ( Kh 21, 5 ).
Cùng với Mẹ Maria chúng ta tiến bước cách tự tin về phía sự thành
toàn của lời hứa này, và hướng về Mẹ chúng ta cầu nguyện:
Lạy Đức Maria, Trinh Nữ và Hiền Mẫu,
Mẹ là Đấng, được tác động bởi Chúa Thánh Thần,
đã đón nhận Lời Hằng Sống
vào trong thẳm sâu của Đức Tin khiêm hạ của Mẹ:
khi Mẹ đã trao hiến hết bản thân Mẹ cho Đấng Vĩnh Cửu,
xin giúp chúng con biết nói "xin vâng"
trước những lời mời gọi khẩn thiết, khẩn thiết hơn bao giờ hết,
cho việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Được đầy tràn sự hiện diện của Đức Kitô,
Mẹ đã mang niềm vui đến cho Thánh Gioan Tẩy Giả,
làm cho Ngài nhảy mừng trong dạ mẹ.
Đầy tràn niềm vui,
Mẹ đã hát bài ca ngợi khen những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện.
Đứng dưới chân Thập Giá, với một Đức Tin kiên vững không lay chuyển,
Mẹ đã đón nhận niềm vui an ủi của sự phục sinh,
và cùng tham gia với các môn đệ đợi chờ Thần Khí
để từ đó Giáo Hội truyền giáo được khai sinh.
Xin ban cho chúng con một lòng nhiệt huyết mới được sinh ra bởi sự phục sinh,
để chúng con có thể mang Tin Mừng Sự Sống cho tất cả mọi người
Tin Mừng chiến thắng khải hoàn sự chết.
Xin ban cho chúng con một sự can đảm thánh để tìm kiếm những con đường mới,
để ân huệ của vẻ đẹp không phai tàn có thể chạm đến hết mọi người nam nữ.
Lạy Đức Trinh Nữ chuyên cần lắng nghe và chiêm niệm,
Mẹ của tình yêu, Tân Nương của tiệc cưới vĩnh cửu,
Xin cầu cho Giáo Hội, mà Mẹ là biểu tượng vẹn sạch,
để chớ gì Giáo Hội đừng khép mình lại trong chính bản thân mình
hoặc mất đi niềm đam mê của việc thiết lập Nước Thiên Chúa.
Lạy Ngôi Sao của công cuộc Phúc Âm Hoá,
xin giúp chúng con mang lấy chứng tá chiếu toả ánh sáng cho sự hiệp nhất,
phục vụ, của Đức Tin nhiệt thành và quảng đại, công lý và tình yêu cho người nghèo,
để niềm vui của Tin Mừng có thể chạm tới được tận cùng trái đất,
thắp sáng ngay cả những vùng ngoại biên của thế giới.
Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống,
suối nguồn của niềm hạnh phúc của Thiên Chúa dành cho những người bé mọn,
xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia !
Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thờ Thánh Phêrô,
vào dịp kết thúc Năm của Đức Tin, ngày 24 tháng 11,
Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, năm 2013,
năm thứ nhất của triều đại Giáo Hoàng của tôi.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ,
bản dịch của JOSEPH C. PHẠM ( Hết )
11
CÙNG SUY NIỆM
HÀNH TRÌNH TÌM ÁNH SÁNG CÔNG CHÍNH
Tật nguyền không phải là tội. Nhất là người tật nguyền như Fanny
Crosby đáng được toàn thể Giáo Hội Cơ Đốc Giáo kính phục. Fanny
Crosby ( 1820 – 1915 ) là một người mù nhưng có hai điểm nổi bật. Bà
thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh, gần như toàn bộ Tân Ước, Ngũ Kinh
Môsê, Thánh Vịnh, Rút. Và sáng tác khoảng 8.000 bài thơ phổ nhạc.
Fanny Crosby sinh tại ngoại ô thành phố New York ngày 4.3.1820
trong một gia đình tín đồ yêu mến Chúa. Bé Fanny bị bịnh mắt từ lúc mới
được 6 tuần lễ. Thiếu ánh sáng đã là bất hạnh và cùng cực rồi, mà cha
Fanny lại qua đời khi em chưa đầy 12 tháng để Fanny lại cho mẹ và bà
nội nuôi. Mỗi khi đi ngủ bà kể chuyện tích Kinh Thánh cho Fanny nghe.
Fanny rất yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của đất trời, yêu ánh nắng ấm rực
rỡ cùng mùi thơm của muôn hoa và tiếng chim hót rộn ràng.
Bù lại khuyết tật về mắt, Chúa cho Fanny có trí nhớ phi thường.
Em có thể đọc các đoạn Kinh Thánh thật dài và nhớ rất lâu. Khả năng
thiên phú về văn chương của em phát triển rất sớm. Năm 11 tuổi đã có
thơ đăng báo. 15 tuổi, Fanny được nhận vào trường mù của thành phố
New York. Cô trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường về các môn văn
chương, sử ký, triết học và khoa học. Âm nhạc là môn cô ưa thích nhất,
cô chơi cả dương cầm và phong cầm. 24 tuổi, cô xuất bản tập thơ đầu tay tựa đề: Em gái mù và những
vần thơ. 27 tuổi, cô được mời làm giáo sư tại trường mù và làm việc tại đó suốt 11 năm. Dù được học
biết về Chúa Giêsu từ nhỏ nhưng mãi đến năm 30 tuổi, trong một buổi nhóm, sau khi nghe một bài
Thánh Ca, Fanny mới thật sự cảm động dâng mình hầu việc Chúa. Từ đó trở đi, tất cả tài năng của cô
được hiến dâng cho Chúa Giêsu.
Dù bà thiếu ánh sáng thiên nhiên nhưng ánh sáng công chính luôn đầy dẫy, đúng như lời mẹ đã
nói khi xưa. Bà sốt sắng muốn phổ biến ánh sáng cứu rỗi đó cho những người chưa biết đến Chúa, vì
bà luôn ý thức được việc phục vụ Chúa bằng cách “truyền rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”
và luôn mang trong lòng trọng trách “lo vực người đang lưu vong, sẵn vớt kẻ giữa dòng, truyền danh
Giêsu ban cứu ân cho tội nhân…” ( Mana Plus ).
Chúa Nhật 4 Mùa Chay được mệnh danh là Chúa Nhật Ánh Sáng, vì Tin Mừng theo Thánh Gioan
tường thuật phép lạ Đức Giêsu chữa người mù được sáng mắt, lẫn sáng cả phần hồn. Tuy nhiên hành trình
tìm Ánh Sáng của anh trải qua nhiều thách đố, tiêu biểu cho bất cứ ai muốn tìm thấy Ánh Sáng cứu rỗi.
Thách đố bản thân
Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo:
"Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa." Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. ( Ga 9, 6 ).
Thách đố đầu tiên là chính bản thân anh mù, liệu có dám hoàn toàn phó thác và cậy trông vào
quyền năng Đức Giêsu hay không ? Hay lại nghi ngờ bùn đất lại làm viêm nhiễm thêm đôi mắt vốn đã
hỏng từ khi lọt lòng ? Hoặc chỉ mong đợi biệt dược quý hiếm, đắt tiền, hay bác sĩ nhãn khoa tài giỏi mới
cứu chữa nổi ? Không hề nghi ngại, so đo, ngờ vực, anh mù vui vẻ vâng phục Thánh Ý ngay lập tức.
Hơn nữa, ân huệ chỉ nhận được trọn vẹn, khi người nhận khao khát, sẵn sàng tích cực hợp tác,
đón nhận, như thân hành đến hồ Silôê mà rửa. Vì Chúa luôn tôn trọng con người tự do chọn lựa. Thế
còn Kitô hữu hôm nay, có dám noi gương, luôn sẵn sàng tuân theo Lời Chúa răn dạy hay không ?
Thách đố gia đình bỏ rơi
Đi theo tiếng Chúa gọi, cũng là từ bỏ tất cà, từ bản thân đến gia đình, bố mẹ, anh em, thân bằng
quyến thuộc, để trung kiên theo Ơn Gọi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân. Hôm nay, cha mẹ anh
mù dù biết rõ tại sao con họ sáng mắt, cũng không dám ho he nói ra sự thật, kẻo mang họa. Như thế,
anh mù mất chỗ dựa, mất hậu thuẫn huyết tộc gần gũi nhất, chỉ vì song thân lo mạng sống của họ, hơn
là che chắn, bảo vệ, đồng hành với con.
“Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được,
chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó
đã khôn lớn rồi, tự nó nó nói về mình được” ( Ga 9, 20 – 21 ).
12
Tuy nhiên anh mù chẳng hề tỏ ra nao núng, sợ
hãi, dù đang cô đơn chống lại khuynh hướng chống
Chúa, khước từ Đấng Cứu Thế. Niềm tin đang triển nở
trong tâm hồn đã an ủi và che chở anh. Những thế lực
thế gian đen tối luôn soi mói, rình rập, đe dọa, đàn áp,
hòng dập tắt đi Ánh Sáng công chính và sự sống.
Thách đố xã hội bất nhất
Bá nhơn bá tánh, khó tìm được người đồng tình
hay đồng hành trong đời. Nhất là can đảm đi theo Ánh
Sáng thì càng đơn độc, lẻ loi, vì không xu thời, không a
dua theo đời, không kiếm chác danh lợi phù phiếm,
càng bị cô lập, cách ly ra khỏi xã hội thực dụng, cơ hội,
hưởng thụ và duy vật. Anh mù thiệt dũng cảm, khí khái
khẳng định với thiên hạ: “Chính tôi đây."
Mặc cho thiên hạ nghi ngờ, đoán non đoán già, anh minh chứng hùng hồn phép lạ, hồng ân, mà anh
vinh dự được trao ban. Dù khi đó, anh mới chỉ đơn giản nhận ra “Người tên là Giêsu” thế thôi. Chỉ là người
gia ân, làm phước cho anh. Thế nhưng anh không hề lung lạc, bị động theo đám đông hỗn độn, mà vô ơn
bất nghĩa, chối phắt hổng phúc mới lãnh nhận.
Anh mù sáng mắt đã kiên quyết giữ vững lập trường, tôn trọng sự thật, xác tín lòng biết ơn và
dũng cảm tuyên xưng công khai vị ân nhân. Anh đã vượt qua xã hội nhiễu nhương, hời hợt, chia rẽ, để
trung thành với niềm tin, với Ánh Sáng giải thoát khỏi bóng đêm tăm tối cuộc đời.
Thách đố quyền lực thù địch
Nhưng có lẽ áp lực mãnh liệt nhất đối với anh mù vừa sáng mắt, chính là nhóm Pharisêu quá
khích, hung hăng, thù hằn, thề bất cộng đái thiên với Đức Giêsu, Ánh Sáng Sự Sống. Họ có đủ thẩm
quyền, để trừng phạt dứt phép thông công những ai bất tuân thủ theo họ. Họ cật vấn, dọa nạt, mớm lời,
điều tra tới lui anh mù được sáng, hòng lung lạc anh phủ nhận kỳ công của Đức Giêsu. Nhưng trước
sau như một, anh mù được chữa lành vẫn kiên quyết vững chãi lập trường, mà còn xưng tụng Đức
Giêsu là một “ngôn sứ”. Một sự tiến bộ tinh thần rõ ràng. Ban đầu anh gọi ân nhân chỉ là “ông,” tiếp đến
lại xưng là “ngôn sứ.” Đức Tin được chấp cánh mạnh mẽ bay cao.
Kết cuộc, anh bị tống cổ ra khỏi hội đường, buộc dứt phép thông công với cộng đoàn, chỉ vì anh
không yếu đuối, nhu nhược, hèn nhát phản bội, lại can đảm làm chứng nhân Đức Giêsu, Ánh Sáng Cứu Độ.
Ngoạn mục vượt qua cả bốn thử thách cam go, bị trù dập, lên án, bị bỏ rơi, anh liền được Đức
Giêsu tìm đến an ủi, che chở. Anh mù đã tìm được trọn vẹn Ánh Sáng tâm linh. “Anh nói: “Thưa Ngài,
tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” ( Ga 9, 38 ).
“Đừng ham cãi vã sôi nổi, con sẽ ra mù quáng. Đam mê như mây mù, che khuất ánh sáng khôn
ngoan của Thiên Chúa” ( Đường Hy Vọng, số 210 ).
Lạy Chúa Giêsu, xưa Người đã đoái thương mở mắt, mở lòng anh mù, nay xin Người cũng
ban cho chúng con Ánh Sáng Sự Sống, dìu dắt chúng con vượt qua những thử thách khắc
nghiệt của thân xác nặng nề, của tình cảm gia đình ủy mị, của sự dửng dưng, bất đồng của xã
hội, lẫn của quyền lực đen trấn áp đe dọa.
Lạy Mẹ Maria, Đức Tin của Mẹ cũng trải qua biết bao phong ba thử thách, từ khi Mẹ “Xin
Vâng.” Kính xin Mẹ phù hộ, cầu bầu chúng con luôn trung thành như Mẹ trong niềm phó thác,
cậy trông. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
MÙA CHAY, SUY NIỆM SỰ TRỞ VỀ
Trong số các mùa của Năm Phụng Vụ thì Mùa Chay luôn gợi lại trong tâm trí chúng ta ấn tượng
về điều gì đó dường như là khô khan, sầu buồn: không có lễ cưới, bàn thờ không trưng hoa, không đọc
Halleluia sau Phúc Âm, lại năng ngắm đàng Thánh Giá, ngắm Sự Thương Khó Chúa Giêsu v.v… Tất cả
những hình thức ấy tất nhiên phải chứa đựng một ý nghĩa nào đó, mà theo tôi, chính là để nhắc nhở
cho ta sự trở về.
13
CÙNG PHÂN TÍCH
Thật vậy, ai cũng biết Lễ Tro là khởi đầu của Mùa Chay. Trong Thánh Lễ có Lời Chúa nhắc nhở
“Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé
áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành từ bi nhẫn nại, giàu
lòng thương xót và biết hối tiếc về các tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại mà hối tiếc và sẽ ban lại phần
phúc để có của lễ dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi” ( Gr 2, 12 – 14 ).
Tại sao trở về với Chúa lại phải diễn ra trong nước mắt và than van ? Lý do bởi vì Thiên Chúa là
Đấng Cha nội tại ở trong ta. Quả thật, Thiên Chúa là Cha nhưng vì vô minh nên con người không một ai
nhận biết ngoại trừ Đức Kitô: “Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người mà Con muốn mạc khải
cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 27 ). Đức Kitô xuống thế mạc khải Đấng Cha có nghĩa là Ngài đã chỉ cho
chúng ta một sự thật và sự thật ấy vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết.
Tôn giáo cũng gọi là đạo, tức con đường tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, việc tìm kiếm ấy không
phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài nơi thế giới ngoại vật, nhưng nó đã sẵn đủ ở nơi mình, chỉ cần quay
về là gặp. Đức Kitô đã diễn tả ý này qua dụ ngôn “Người con hoang đàng trở về”. Người con ấy có một
người cha giàu có vô lượng và đầy tình thương yêu. Thế nhưng bởi không nhận thức được điều ấy nên
người con mới đòi chia gia tài để ra đi tìm kiếm hạnh phúc mà anh ta tưởng rằng sẽ có ở một nơi nào
đó. Có mớ tài sản trong tay, người con mặc tinh ăn chơi phung phí cho đến khi hết tiền, hết bạc, hết cả
bạn bè, đói khổ đến nỗi muốn xin cả cám heo để ăn mà người ta cũng không cho. Quá ư đau khổ,
người con mới ngộ ra một điều rằng "biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà
ta đây lại phải chết đói” ( Lc 15, 17 ).
Nhận biết khổ là bước đầu cần thiết trong tiến trình tìm kiếm chân lý. Nhận biết khổ cũng có
nghĩa là nhận ra sự phù phiếm của thế gian, đồng thời không còn có chỗ nào nữa để bám víu nương
tựa. Bước thứ hai là nhận biết tội lỗi mình: “Cha ơi, con đã lỗi phạm với Trời và với cha, chẳng còn đáng
gọi là con cha nữa. Xin hãy đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 18 ).
Nhận biết tội và thành tâm hối lỗi đó là ý nghĩa của nước mắt và than van… Mặt khác, việc hối lỗi
ấy chỉ thành thật khi nào con người nhận thức được nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Nỗi thống khổ
thật sự của con người trong mọi thời mọi nơi không phải là vì đói cơm rách áo nhưng là bởi vô minh
không nhận biết sự thật. Phật Thích Ca nói: "Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục. Nỗi khổ của con lạc đà chở
nặng. Nỗi khổ đói khát của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Ngu si không biết lối đi mới thật là khổ” ( Kinh
Lời Vàng ). Khổ vì bị thiêu đốt trong địa ngục, khổ vì đói khát của ngạ quỷ… chưa thực là khổ bởi vì đó
chỉ là hậu quả của cái nhân vô minh. Bao lâu còn bị vô minh trói buộc thì còn gây tội, mà tội đã gây thì
không có cách chi thoát khỏi khổ não. Chính bởi lẽ đó ta thấy vấn đề khổ đau của con người chỉ có thể
giải quyết bằng cách diệt trừ cái nhân vô minh ấy đi.
Mùa Chay là cơ hội vô cùng quý báu để giúp ta trở về với Đấng ở nơi mình. Trở về chỉ có thể là
về với Đấng ở nơi mình. Cũng chính bởi vậy Chúa mới đòi ta cần xé lòng chứ không phải xé áo. Ý
nghĩa của việc xé lòng ở đây chính là con đường từ bỏ của Đức Kitô.
I. Con đường từ bỏ
Vô minh hình thành bởi hai cái chấp, một là chấp xác thân
là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình. Để có thể trở về với Đấng
Chúa ở nơi mình thì nhất thiết cần trừ bỏ hai cái chấp ấy đi. Đức
Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có nỗi lo lớn là vì có thân. Nếu ta không có
thân thì chẳng có lo” ( Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân.
Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn – Đạo Đức Kinh, chương 13 ).
Người ta không ai mà không có thân xác nhưng cũng chính
vì vậy nên mới khổ. Lý do bởi vì có thân thì phải lo cho nó cái ăn
cái mặc. Không ăn thì đói lả bước đi không nổi. Không có áo quần
thì không có cái gì che thân, rét mướt chịu không thấu. Lại nữa có
thân thì có bệnh, có già, có chết, chẳng tránh đi đâu được. Có thân
thì phải lo cho thân, điều ấy rất tự nhiên không có chi để nói.
Tuy nhiên cái thật sự làm nên tội ở đây không phải là vì có
thân nhưng do chấp xác thân là mình. Chính bởi chấp xác là mình
nên mới làm đủ cách để cung phụng cho nó mọi thứ đặc sản cao
lương mỹ vị. Mặc cho nó lụa là gấm vóc, làm nhà cao cửa rộng với
đầy đủ tiện nghi cho nó. Một khi đã lo như thế thì phải làm sao có
thật nhiều tiền, nhiều thế lực để bảo đảm không những cho bản
thân mà còn cho con cái cháu chắt cháu kể cả các… đồng chí của mình nữa ! Lo thì lo như vậy đấy
nhưng rồi vẫn bệnh vẫn già vẫn chết, có được gì đâu ?
14
Người đời có ngàn vạn nỗi lo, có vẻ như không lo không được, nhưng Đức Kitô lại nói: “Vậy nên
Ta nói cùng các ngươi, đừng lo lắng về mạng sống mình, phải ăn gì uống gì hoặc về thân thể mình phải
mặc gì. Mạng sống há chẳng hơn đồ ăn và thân thể hơn đồ mặc sao ?" ( Mt 6, 25 ).
Chúa nói đừng quá ư lo lắng cho thân xác bởi vì có lo đến đâu thì nó cũng phải có ngày tan hoại. Với
Chúa thì điều đáng cần lo là lo tìm kiếm Nước Trời, cái không bao giờ hư hoại: “Nhưng trước hết hãy lo tìm
kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho” ( Mt 6, 33 ).
Nước Trời cần tìm kiếm ấy, mầu nhiệm thay lại chẳng ở đâu xa, mà đã sẵn đủ ngay ở nơi mình,
chỉ cần quay về là gặp. Bởi vì Nước Trời là một thực tại tâm linh, thế nên mới cần quay về và việc quay
về ấy chính là để làm hòa với Đấng ở nơi mình. Có tinh thần làm hòa như thế thì việc ăn chay mới có ý
nghĩa. Trái lại thì đáng bị phê phán: “Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình, vì
họ nhăn mặt để tỏ vẻ kiêng ăn với người ta. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, họ đã được phần thưởng
của họ rồi. Còn ngươi khi ăn chay, hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt hầu không tỏ vẻ kiêng ăn với người
ta, nhưng chỉ tỏ cho Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật, và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ
báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 16 – 18 ).
Bởi Thiên Chúa là Đấng ở nơi ẩn mật, tức trong chốn thẳm sâu tâm hồn, thế nên cần phá chấp
mới có thể vào ( ngộ nhập ) với Ngài được. Tuy nhiên trong hai cái chấp cần phải phá ấy thì chấp tâm là
khó phá hơn cả, bởi vì đó chính là ý riêng, cái làm cho ta xa cách Thiên Chúa: “Không sự gì, cũng
không ai có thể làm ta xa cách Thiên Chúa, dù cả loài người hay dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại.
Không một sự gì có thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Theo lời Thánh Benado nói: "Giả sử trong loài người khỏi
được cái tai vạ này, tức không còn ai theo ý riêng tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi
nhân đức” ( Thánh An Phong – Nữ Tu Thánh Thiện ).
Tại sao ý riêng lại là thứ tai vạ lớn như thế ? Xin thưa là vì đó là mưu chước của Satan, nó khiến
nguyên tổ xưa kia bị đuổi khỏi Địa Đàng ( Paradis ) và con người ngày nay đã quên mất đường về.
II. Đường về Nhà Cha
Nhân loại hôm nay như đang ở bên bờ của sự
diệt vong mà nguyên nhân đưa đến cho nó theo
Heidegger, triết gia hàng đầu của thế kỷ 20, nói là do
đã "lãng quên Tính Thể ( oublie de l'Être ). Nói “Tính
Thể” là theo triết học, còn thần học gọi là Thiên Chúa.
Triết học “quên” Bản Tính, còn thần học thì chính là
khai tử Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ).
Quên Thiên Chúa cũng tức là quên mất phẩm tính
Con Thiên Chúa ở nơi mình. Một khi đã “quên” như
thế thì con người mặc nhiên trở thành những đứa con
hoang, sống mà không biết mục đích sống để làm gì.
Người có đạo là người có con đường tâm linh
để bước đi, nhưng bước đi thế nào được nếu không có Đức Kitô dẫn đường chỉ lối: “Ta là đường, là sự
thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Câu này là một mệnh đề
hoàn chỉnh gồm có hai vế không thể tách rời. Tách đi một vế thì vế còn lại trở nên vô nghĩa. Thần học
ngày nay với chủ trương Quy Kitô ( Christocentrisme ) đã tách đi vế hai để chỉ còn vế một “Ta là đường là
sự thật và là sự sống”. Tách như thế thì đường tâm linh đương nhiên trở thành... đường cụt, tức đã mất
đường về với Cha.
Con đường trở về ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, một là trở về với Đấng Cha nội tại, tức Bản
Tính Con Thiên Chúa nơi mình. Để có thể theo được nghĩa này thì chỉ có những bậc đại triệt đại ngộ
như Ngôn Sứ Isaia thời Cựu Ước hoặc Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assisi thời Tân Ước mới có
thể thực hiện. Còn với tuyệt đại đa số thì đường về ấy là về Quê Thật là Nước Thiên Đàng đời sau.
Mặc dầu vậy, cả hai con đường này đều rất chân thật, đồng thời đòi hỏi mỗi người cần thực hiện
đầy đủ cả ba nhân đức Tin Cậy Mến. Tin ở đây trước hết là tin vào lượng từ bi nhân hậu vô cùng của
Thiên Chúa, Đấng quả thật là Cha mình. Đấng Cha ấy như trong dụ ngôn là người cha đầy lòng thương
xót: “Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha. Khi còn ở đàng xa, cha thấy nó thì động lòng thương xót chạy
ra, ôm lấy cổ nó mà hôn riết” ( Lc 15, 20 ).
Mùa Chay còn gọi là Mùa Đại Phúc, với hàm ý đây là quãng thời gian vô cùng quý báu dành
cho mỗi người, bất kể người ấy đã xa lìa Chúa bao lâu, phạm những tội lỗi gớm ghiếc nào… Hơn
nữa, tội càng nhiều bao nhiêu lại càng được thứ tha nhiều bấy nhiêu nếu thực lòng sám hối ăn năn.
Bởi lẽ chính những con người ấy mới là đối tượng của lòng xót thương: “Bởi Con Người đến để cứu
vớt kẻ bị hư mất” ( Mt 18, 11 ).
PHÙNG VĂN HÓA, Trà Cổ, Mùa Chay Thánh 2014
15
PHONG CÁCH PHANXICÔ
BÀI 8. PHANXICÔ LÀ MỘT PHẢN CHIẾU TRUNG THỰC NHẤT
MẶT TRỜI KITÔ CHO MỌI THỜI ĐẠI
Truyền thuyết Trung Hoa tin rằng sở dĩ có nhật thực là vì trên trời có một con chó thần nuốt mặt
trời vào bụng nó: Thiên Cẩu Thôn Nhật 天 狗 吞 日 . Trong truyện Cô Gái Đồ Long ( hay là Ỷ Thiên Đồ
Long ký) của tác giả Kim Dung 金庸 ( Jin Yong ), vào năm 2006 ông được độc giả bình chọn là nhà văn
được yêu thích nhất ở Trung Quốc, kịch tính được đẩy lên đỉnh cao khi khi Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn,
người bị mù cả hai mắt, đang phải quyết đấu một mất một còn với kẻ cựu thù Thành Khôn, người sáng
cả hai mắt, phần thắng đang nghiêng về Thành Khôn. Để cho cuộc tử chiến được công bằng, Kim Dung
đã chọn thời gian có hiện tượng nhật thực, khiến cho Thành Khôn có mắt cũng như mù.
( Trích) Lúc ấy trên trời bỗng u ám, hình như có đám mây đen che phủ mặt trời, đột nhiên có
người la lớn: "Thiên cẩu nuốt mặt trời !" Lúc ấy Thành Khôn có mắt cũng như mù, thoạt đầu y còn hơi
trông thấy hình bóng của Tạ Tốn càng tấn công càng nhanh, trong bóng tối chỉ thấy Thành Khôn rú lên
những tiếng rất thảm khốc. Thì ra ngực của y bị Thất thương quyền của Tạ Tốn đánh trúng. ( hết trích ).
Trước 1975 mỗi khi có chuyến bay từ Hongkong đến là có người túc trực tại sân bay Tân Sơn
Nhất nhận tờ Hông Kông Minh Báo để mang về ngay cho ông Bùi Xuân Trang ( 1909 – 1979 ) có bút
danh Hàn Giang Nhạn ( nghĩa là con chim nhạn phương Bắc thiên di về miền Nam, vì ông là người
miền Bắc di cư vào Nam năm 1953 ), dịch ngay sang tiếng Việt để đăng kịp trong các tờ nhật báo tại
Miền Nam xuất bản vào buổi chiều. Ông thông thạo cả Pháp Ngữ lẫn Hoa Ngữ, còn có bút danh khác là
Thứ Lang ( dùng cho văn chương và khảo cứu ) và Vô Danh Khách ( dùng cho truyện hài hước ). Ngày
nay các nhà xuất bản cứ tha hồ mang các bản dịch này ra xào nấu lại nhưng với tên các người dịch
khác. Lão tiền bối Hàn Giang Nhạn tiên sinh đã ra người thiên cổ, đâu còn tranh cãi được nữa, khỏi cần
phải mất công tìm con cháu trả tiền bản quyền.
Kim Dung cũng có biệt tài như nhà văn Anh Charles Dickens ( 1812 – 1870 ) là viết rất hay và khỏe
mà không cần phải hoàn chỉnh một tác phẩm mới đem ra xuất bản. Mỗi ngày cả hai ông chỉ cần viết ra một
phần truyện đủ để đăng báo nhưng không bao giờ có ý trùng lắp cũng như lẫn lộn các nhân vật trong truyện.
Hiện nay nhiều bạn trẻ đang say mê thể loại Võng Du 网游 nói nôm na là truyện online. Ở đây ta
lại thấy cách dịch nghĩa rất máy móc chữ online, một từ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Người
Hoa không dùng mẫu tự Latin, nên đành phải viết là “Võng Du”. Tại sao cứ phải theo Tầu mà gọi ngô
nghê như thế trong khi tiếng Việt có thể viết ra chữ online mà ai cũng hiểu ngay. Hồi xưa, tổ tiên ta vì
chưa thông thạo Quốc Ngữ đã phải dịch Papa là Giáo Hoàng. Tại sao ngay đến thế kỷ 21 mà ta cứ phải
duy trì từ Giáo Hoàng mà không dám dùng chữ Papa mà mọi người trên thế giới đều thường sử dụng ?
Tân Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc của Tổng
Giáo Phận Sàigòn trong các năm 1964 – 1970 học
tại Đại Học Truyền Giáo Urbaniana, Roma. Trong
thời gian đó, cũng như mọi người Ý khác, ngài phải
gọi vị Đại Diện Đức Kitô là Papa Paulus VI. Bây giờ,
nếu có sang Roma gặp vị thủ lãnh Nhà Thờ hiện
nay thì ngài cũng phải gọi là Papa Francisco thôi.
Tại sao khi dùng tiếng Việt, ngài lại không thể nói
như thế được ?
Bây giờ thiếu mất ngòi bút sắc sảo của Hàn
Giang Nhạn, đọc các bản dịch truyện Tầu dựa trên
công cụ Google Translate của đám hậu sinh khả úy
thì dễ bị tẩu hỏa nhập ma, giống như lỡ nuốt phải
bánh bao thiu. ( Trích minh hoạ Võng du chi Thiên
Cẩu Thôn Nhật, Chương 864: Hỗn độn tiên sinh. Cho
nên Jehovah ngay từ đầu liền thi triển sát thủ, kim sắc bàn tay to tràn ngập hủy thiên diệt mà lực lượng, cho
dù là chuẩn thánh điên phong Minh Hà cũng vô pháp ngăn cản. Minh Hà trong mắt lộ ra tuyệt vọng thần sắc,
vốn là đa nghi hắn nhìn đến phương Tây Thần Vương cường giả động thủ Vân Tiêu nhưng không có xuất
hiện, nhịn không được mắng to nói: “Chết tiệt dị nhân chó điên, ta còn là thượng ngươi đương” ( hết trích ).
16
CÙNG KHÂM PHỤC
Từng chữ trong Kinh Thánh đều có tầm quan trọng đến độ đã có lời cảnh báo nghiêm khắc: Ai
mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này ! Ai
mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng
nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này !” ( Kh 22, 18 – 19 ). Trong Kinh
Thánh từ “mặt trời” đã được dùng đến 160 lần.
Sách Malachi, bộ sách cuối cùng của Cựu Ước đã nói về lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa sẽ
được thể hiện như là sự xuất hiện của mặt trời: Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta,
mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy
chồm lên như bê xổng chuồng ( Ml 3, 20 ).
Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, bộ sách đầu tiên của Tân Ước, ghi lại Đức Kitô xuất hiện như
một ánh sáng huy hoàng. "Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi
Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali,
để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng
tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã
thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng
bừng lên chiếu rọi" ( Mt 4, 12 – 16 ).
Nói về diện mạo đích thực của Đức Kitô, Thánh Mátthêu không ngần ngại dùng ngay chữ “mặt
trời”. "Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo
mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng
trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như
ánh sáng" ( Mt 17, 1 – 2 ).
Thưở tôi còn bé, mỗi khi có nhật thực là đám trẻ
trong xóm chúng tôi đi lấy ngay một chậu nước mang ra
ngoài sân để quan sát nhật thực. Đúng hơn là tham gia
một trò chơi con nít vì có biết gì đâu mà quan sát. Thời
đó làm gì có các loại kính râm đặc biệt mang ký hiệu UV,
tức là có thể ngăn chặn được tia cực tím ( ultraviolet ),
giúp ta nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị lóa mắt. Dĩ
nhiên, mặt trời mà ta thấy được trong chậu nước đâu có
phải là mặt trời thật, nhưng ít nhất chậu nước cũng là
một phản chiếu hình ảnh của mặt trời.
Loạt bài Phong Cách Phanxicô muốn nhấn
mạnh đến sự phản chiếu rất trung thực, rất nhiều tác
giả nhận định là trung thực nhất trong mọi thời đại,
chân dung Đức Kitô, nơi con người Phanxicô. Cả cuộc
đời anh chỉ thực hiện một một hoài bão duy nhất như
anh đã nghe Chúa nói mình: “Hãy sửa lại ngôi nhà
đang đổ nát của ta.” Thoạt tiên anh chỉ hiểu đó là một
ngôi nhà thờ ( viết thường ), về sau anh mới nhận ra
Nhà Thờ này phải được viết hoa (có nghĩa là toàn thể
cơ cấu Hội Thánh tức là Nhà Thờ Đức Kitô ), sau cùng anh mới nhìn ra, đòi hỏi lớn nhất của Chúa chính
là sự sống của Đức Kitô nơi mỗi Kitô Hữu.
Không có mặt trời, một chậu nước chỉ là một chậu nước, nhưng khi có mặt trời, vì ta không thể nhìn
thẳng vào nó mà không bị lóa mắt, nhìn vào chậu nước ta sẽ thấy được mặt trời. Giờ đây nó trở nên dịu
dàng trìu mến và thích hợp với sự lĩnh hội rất nhỏ nhoi và giới hạn của ta. Ta vẫn có thể hiểu được mặt trời
là như thế đó.
Papa Phanxicô hiện nay muốn đem phong cách Phanxicô ra để lãnh đạo Dân Thiên Chúa trong
hành trình Lòng Tin. Đây là sự phản chiếu rất tuyệt vời chân dung đích thực Đức Kitô cho toàn thế giới.
Theo bước Đức Kitô, ta sẽ được Người đưa ta đến nơi Người muốn, đó là nơi ở của Người và
của Cha Người. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó
với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu
thương con trước khi thế gian được tạo thành ( Ga 17, 14 ).
Lạ lùng thay, chính Đức Kitô nói ra rằng ta cũng sẽ trở nên những mặt trời. "Bấy giờ người công
chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ" ( Mt 13, 43 ).
NGUYỄN TRUNG, 3.2014
17
BÁO CHÍ HAY… BÁO HẠI ?
Thông tin là một trong những điều thiết yếu của cuộc sống, nó thường là nguyên nhân của một
sự thay đổi mạnh mẽ nào đó trong cuộc sống của con người, thay đổi tích cực hay thay đổi tiêu cực còn
phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng một trong các yếu tố đó là phẩm chất của thông tin.
Trên Facebook của một người bạn đã từng viết đại khái thế này: Thật bất nhẫn khi đưa các hình
ảnh của những nạn nhân bị hiếp dâm hay những con người có phận đời khốn khổ mà chả cần biết
những người ấy có muốn được “nổi tiếng”, muốn được lên báo hay không. Trong một chừng mực nào
đó, báo chí, truyền hình phải lột tả được sự chân thực, tuy nhiên trong cái chân thực ấy nhiều khi bị lạm
dụng, bị bóp méo, thậm chí là cả một sự giả dối đáng khinh bỉ, điển hình như vụ cãi vã, kiện cáo lùm
xùm trong chương trình “Như chưa từng có cuộc chia ly” mới đây. Tin tức bây giờ dường như là tin
để… tức, vì người nhận tin bị xỏ mũi nhiều hơn là để thu thập những thông tin hữu ích. Do đó, nhiều khi
báo chí lại trở thành… báo hại, xem xong thêm bực mình !
Thêm một điển hình nữa như đường link dưới đây:
http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/6-lam-tuong-ngo-ngan-ve-pha-thai-20140317085311297.htm.
Đường link trên được dẫn từ một bài báo không ghi rõ tên tác giả, lại nằm trong mục nuôi dạy
con của báo giadinh.net đăng ngày 22.3.2014. Nội dung của bài "báo hại" trên nhằm đả phá 6 vấn đề
lâu nay vẫn được coi là những sai lầm ngớ ngẩn từ chuyện nạo phá thai nơi người phụ nữ như sau:
• Phá thai là nguyên nhân gây ung thu vú
• Phá thai sẽ dẫn tới hậu quả vô sinh
• Hầu hết đều hối tiếc sau khi phá thai
• Khi nhìn thấy hình ảnh siêu âm thai nhi, sẽ không muốn phá thai nữa.
• Phá thai gây tổn hại tâm lý
• Phá thai gây nguy hiểm cho sức khỏe và cuộc sống
Ý kiến của phóng viên nào đó
còn ngụ ý rằng: Các phụ nữ có quan
điểm đi ngược lại với nội dung bài viết
thì là ngớ ngẩn, thậm chí là sai lầm
oan uổng ! Tác giả bài "báo hại" này
còn nguỵ biện rằng viết như thế không
nhằm khuyến khích phá thai.
Và rồi như thể muốn tránh né
trách nhiệm, sợ bị búa rìu của độc giả,
ra cái điều áy náy lương tâm, tác giả
bèn thòng thêm một câu: ấy là chỉ muốn
xét trên quan điểm khoa học mà thôi,
sau đó là viện dẫn các chỉ số thống kê,
các hội thần kinh tận đâu bên Mỹ,
nhưng lại chẳng đưa ra được đường
link nào để độc giả kiểm chứng.
Thật là độc ác và vô lương
tâm, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội
Việt Nam hôm nay. Trước khi đi vào 6 vấn đề trên, chúng ta hãy xét cụm từ “Phá thai an toàn và hợp
pháp”. Làm gì có khái niệm phá thai hợp pháp ? Nếu chính bản thân luật pháp hiện hành đã không phù
hợp với luân lý tự nhiên của con người thì không thể bảo một chuyện nào đấy có hợp pháp hay không.
Vấn đề nằm ở chỗ cái gọi là luật pháp bây giờ đâu có công nhận thai nhi là một con người, chứ
nếu như đã coi thai nhi là một con người thì luật pháp nào lại cho phép giết người ? Chẳng qua những
người làm luật của Việt Nam ta đã cưỡng chế luật nhằm hợp thức hóa tội ác phá thai mà thôi. Bên cạnh
đó, người ta bày ra những mỹ từ nhằm đánh lạc hướng hiểu biết của xã hội, phủi tay chối quanh về
hành vi giết người kinh khủng như: tầm soát, sàng lọc trước sinh, kế hoạch hóa gia đình, điều hòa kinh
nguyệt, chấm dứt thai kỳ…
18
CÙNG CẢNH BÁO
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604
Ephata 604

Mais conteúdo relacionado

Mais procurados

Mais procurados (19)

Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 617
Ephata 617Ephata 617
Ephata 617
 
Ephata 614
Ephata 614Ephata 614
Ephata 614
 
Ephata 622
Ephata 622Ephata 622
Ephata 622
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
Tap san Thang 4
Tap san Thang 4Tap san Thang 4
Tap san Thang 4
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
So 183
So 183So 183
So 183
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
So 137
So 137So 137
So 137
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdfKho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
 
Hoa huệ giữa chông gai
Hoa huệ giữa chông gaiHoa huệ giữa chông gai
Hoa huệ giữa chông gai
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Long thuongxotchua
Long thuongxotchuaLong thuongxotchua
Long thuongxotchua
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linh
 
Tông sắc công bố năm thánh về lòng thương xót
Tông sắc công bố năm thánh về lòng thương xótTông sắc công bố năm thánh về lòng thương xót
Tông sắc công bố năm thánh về lòng thương xót
 
So 148
So 148So 148
So 148
 

Destaque

Yeray guardia valiente 1r b
Yeray guardia valiente 1r bYeray guardia valiente 1r b
Yeray guardia valiente 1r bdretsjoanoro
 
英語×スポーツ=キャリア無限大
英語×スポーツ=キャリア無限大英語×スポーツ=キャリア無限大
英語×スポーツ=キャリア無限大Masaki Nishijo
 
IntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparri
IntroduccióN Power Point Plataforma KorrosparriIntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparri
IntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparriimanolamundarain
 
De la novela gótica al cine de horror
De la novela gótica al cine de horrorDe la novela gótica al cine de horror
De la novela gótica al cine de horrorYerko Cubillos
 
Marigorringo
MarigorringoMarigorringo
Marigorringomavidepi
 
[cv - 2011.2] 14 - grids
[cv - 2011.2] 14 - grids[cv - 2011.2] 14 - grids
[cv - 2011.2] 14 - gridsEduardo Novais
 
Segmentação nem tanto
Segmentação nem tantoSegmentação nem tanto
Segmentação nem tantoSergio Grisa
 
Aina sellarès i marta casao 2n b
Aina sellarès i marta casao 2n bAina sellarès i marta casao 2n b
Aina sellarès i marta casao 2n bdretsjoanoro
 
2°M-Constitucion1833
2°M-Constitucion18332°M-Constitucion1833
2°M-Constitucion1833Ximena Prado
 
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"Kamer van Koophandel
 
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษก
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษกพันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษก
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษกดอกหญ้า ธรรมดา
 

Destaque (20)

The Full Cost Of A DUI
The Full Cost Of A DUIThe Full Cost Of A DUI
The Full Cost Of A DUI
 
Yeray guardia valiente 1r b
Yeray guardia valiente 1r bYeray guardia valiente 1r b
Yeray guardia valiente 1r b
 
英語×スポーツ=キャリア無限大
英語×スポーツ=キャリア無限大英語×スポーツ=キャリア無限大
英語×スポーツ=キャリア無限大
 
Digital citizenship
Digital citizenship Digital citizenship
Digital citizenship
 
2014
20142014
2014
 
1er grado bloque i - proyecto 3
1er grado   bloque i - proyecto 31er grado   bloque i - proyecto 3
1er grado bloque i - proyecto 3
 
2014
20142014
2014
 
IntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparri
IntroduccióN Power Point Plataforma KorrosparriIntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparri
IntroduccióN Power Point Plataforma Korrosparri
 
De la novela gótica al cine de horror
De la novela gótica al cine de horrorDe la novela gótica al cine de horror
De la novela gótica al cine de horror
 
Trabajo especial 2
Trabajo especial 2Trabajo especial 2
Trabajo especial 2
 
FRUITUAK
FRUITUAKFRUITUAK
FRUITUAK
 
Marigorringo
MarigorringoMarigorringo
Marigorringo
 
[cv - 2011.2] 14 - grids
[cv - 2011.2] 14 - grids[cv - 2011.2] 14 - grids
[cv - 2011.2] 14 - grids
 
LANBIDEAK
LANBIDEAKLANBIDEAK
LANBIDEAK
 
Segmentação nem tanto
Segmentação nem tantoSegmentação nem tanto
Segmentação nem tanto
 
Aina sellarès i marta casao 2n b
Aina sellarès i marta casao 2n bAina sellarès i marta casao 2n b
Aina sellarès i marta casao 2n b
 
2°M-Constitucion1833
2°M-Constitucion18332°M-Constitucion1833
2°M-Constitucion1833
 
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"
Horeca & Leisure: "Maak kennis met .... Ardoer"
 
Ana herrera
Ana herreraAna herrera
Ana herrera
 
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษก
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษกพันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษก
พันธุ์ไม้ในสวนพฤกษศาสตร์โรงเรียนจตุรพักตรพิมานรัชดาภิเษก
 

Semelhante a Ephata 604

Semelhante a Ephata 604 (20)

Ephata 600
Ephata 600Ephata 600
Ephata 600
 
Duc tin nang dong
Duc tin nang dongDuc tin nang dong
Duc tin nang dong
 
Duc tin nang dong
Duc tin nang dongDuc tin nang dong
Duc tin nang dong
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 603
Ephata 603Ephata 603
Ephata 603
 
Cathedral total vhn
Cathedral total vhnCathedral total vhn
Cathedral total vhn
 
Thang 10.2011 mail (1)
Thang 10.2011 mail  (1)Thang 10.2011 mail  (1)
Thang 10.2011 mail (1)
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápĐịa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
5 CHIẾC BÁNH và 2 CON CÁ
5 CHIẾC BÁNH và 2 CON CÁ5 CHIẾC BÁNH và 2 CON CÁ
5 CHIẾC BÁNH và 2 CON CÁ
 
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phucNguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
 
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phucNguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
 
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phucNguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
 
Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Gmd.089.09 Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09   Ngon Su Hom NayGmd.089.09   Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09 Ngon Su Hom Nay
 

Mais de Vu Mai JMV

Mais de Vu Mai JMV (9)

Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 610
Ephata 610Ephata 610
Ephata 610
 
Ephata 609
Ephata 609Ephata 609
Ephata 609
 

Ephata 604

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ Tôi đã định chia sẻ với mọi người thật nhiều về một câu chuyện tôi gặp được ở một làng quê êm ả phía bắc Việt Nam, một làng quê có đời sống xã hội và đời sống đạo đầy nét tinh khôi mà tôi đã được trải nghiệm trong một chuyến đi công việc ngắn ngày. Những người dân quê mộc mạc, những sinh hoạt kinh sách rân ran các khu ngõ ban đêm, những hình ảnh các bạn trẻ và thiếu niên đầy ắp sân Nhà Thờ mỗi tối để học bổn, để tập hát, để đọc kinh, những hình ảnh bà mẹ già oằn lưng trên những luống rau sân nhà nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời kinh Mai Khôi… Anh em ở tại chỗ nói với tôi: “Ở đây không bao giờ mất cắp, chỉ có một lần nhà kia có quả bầu bị cắt mất một nửa, có lẽ do bọn trẻ nó nghịch”. Hôm ấy, hôm ở Xứ Đạo miền quê ầy, sau bài đọc một trong Thánh Lễ, bài đáp ca có lời của Chúa nói với mọi người: “Chớ đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang chớ hề cúng bái”. ( Đáp ca ngày thứ sáu sau Chúa Nhật III Mùa Chay, Thánh Vịnh 80 ). Câu xướng trong bài đáp ca đã làm cho lòng tôi băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về một cuộc sống của cộng đồng Dân Thiên Chúa, suy nghĩ về những cơn bão táp loạn lạc trong xã hội, bao giờ nó đến, bao giờ nó quét qua bầu khí tinh ròng này, khi nào thì các thần lạ sẽ lần mò xâm nhập ? Bao giờ thì nó tàn phá như đang tàn phá rất nhiều nơi trên mảnh đất thân yêu Việt Nam ? Những cảm xúc ấy vẫn theo tôi cho đến khi trở lại Sàigòn. Nhưng rồi đến khi ngồi vào bàn phím máy vi tính, tôi đã bị hút vào một câu chuyện khác nóng bỏng hơn, vì thế xin đành hẹn lại một dịp khác, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện làng quê miền Bắc. Vâng, tôi bất ngờ lướt qua trang mạng của Nhà Dòng, mục “Việt Nam Tuần Qua”, thì nghe được cô Huyền Trang, phóng viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, chia sẻ với mọi người một câu chuyện khác, câu chuyên về một chứng nhân, được mệnh danh là người tù xuyên thế kỷ, Ông Nguyễn Hữu Cầu ( xin xem: www.chuacuuthe.com, https://www.youtube.com/watch?v=tthomX3wcT0 ). Trước năm 75, ông là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông bị bắt và bị lên án tử hình, và phải ngồi tù suốt 37 năm qua. Đến trước Tết 2014, người cháu nội của ông đã viết thư cho Chủ Tịch nước để xin cho ông được về với gia đình, nghe nói đã có nhân viên an ninh đến nhà thông báo ông sẽ được về trước Tết, vậy mà đến Tết ông vẫn biệt vô âm tín. Sau Tết, người cháu nội ấy lại một lần nữa viết thư xin cho ông trở về, và cuối cùng ông vừa được thả về tuần qua. Điều bất ngờ là khi trở về với gia đình, ông thu xếp để lên thành phố khám bệnh, đã đến thăm ngay Nhà Dòng chúng tôi, ông cho biết trong tù ông đã trở thành Kitô hữu, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, bạn tù với ông, đã âm thầm cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho ông đúng Lễ Phục Sinh 1986, đặt tên Thánh là Gioan Baotixita. Bây giờ thì ông xin chúng tôi dẫn vào Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn để cám ơn Chúa và Đức Mẹ, ông đã khóc rất nhiều trong Nhà Thờ, người tù xuyên thế kỷ tưởng đã cạn khô nước mắt nay lại dâng trào, ông véo mạnh liên tục vào hai tay của mình mà hỏi: “Tôi có nằm mơ không ?” Trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, ông chia sẻ về hành trình Đức Tin của mình, một người tù xuyên thế kỷ được gặp Chúa và những người tù khác đã được gặp Chúa, họ được biến đổi hoàn toàn, những hận thù đau đớn biến mất trong ông, còn lại chỉ là niềm bình an sâu xa, sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương, những người khác cũng vậy, ông kể về một bạn tù: “Nó biến đổi hoàn toàn, không còn như xưa nữa, trước đây nó là trùm của các trùm, nay đã thay đổi”. 1 NĂM THỨ 14 – SỐ 604 – CHÚA NHẬT 30.3.2014
  • 2. Điều làm tôi xúc động khi ông kể, lúc bị biệt giam, dây xích quấn quanh cổ chân ông, ông ngồi trong tư thế như vậy ngày này qua ngày khác, nhưng ông bình an vì ông dùng chính dây xích ấy để làm tràng hạt Mai Khôi, cứ vậy, giờ này qua giờ khác, ông lần từng mắt xích lao tù như lần từng đóa hồng dâng Mẹ, và trong dòng sông kinh nguyện Mai Khôi ấy, ông được bình an. Một bài hát cầu nguyện ông sáng tác trong tù, ông đã đổi từ chữ “hận thù” ra chữ khác vì lòng ông không còn hận thù nữa. Thật lạ khi xem và nghe ông chia sẻ trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, một tù nhân mang án tử, một người tù xuyên thế kỷ, không một chút hận thù, không mặc cảm sợ xệt, không tự ty thành kiến, ông bình tĩnh và làm chứng về sức mạnh và tình thương. Tôi muốn tự hỏi lại mình, hỏi lại hành trình Đức Tin của chính mình, hỏi lại những xác tín của đời mình, hỏi lại mình trước tấm gương Nguyễn Hữu Cầu, tôi gọi ông là “chứng nhân Đức Tin”. Cám ơn Nhà Dòng, cám ơn cô Huyền Trang, và cám ơn những người cộng tác, cám ơn một cố gắng “loan báo Tin Mừng theo cách thức mới”. Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 30.3.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................... 01 TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – Chương 5 ( ĐTC. Phanxicô – Bản dịch Joseph C. Pham ) ... 02 HÀNH TRÌNH TÌM ÁNH SÁNG CÔNG CHÍNH ( AM. Trần Bình An ) .....................................................12 MÙA CHAY, SUY NIỆM SỰ TRỞ VỀ ( Phùng Văn Hoá ) ..................................................................... 13 PHONG CÁCH PXC – Bài 8: PHANXICÔ LÀ MỘT PHẢN CHIẾU TRUNG THỰC... ( Nguyễn Trung ) ........ 16 BÁO CHÍ HAY... BÁO HẠI ? ( Đaminh Phan Văn Dũng ) ...................................................................... 18 TẠI SAO CÓ KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI NHÂT ? ( Phạm Hoài Nam ) ...................... 20 SỰ THẦN KỲ CỦA SỰ SỐNG ( Nguyễn Trung ) .................................................................................. 26 CUỘC SỐNG CHỈ CÓ VẬY THÔI SAO ? ( Từ vinacode.net ) ............................................................... 27 GOOGLE TÌM CẦU TUỆ GIÁC CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH ( Bản dịch của Sư cô Tại Nghiêm ) .... 28 CHƯƠNG TRÌNH NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( TTMV DCCT ) ... 30 TÔNG HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ – Kỳ 15 "NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM" CHƯƠNG V – NHỮNG NGƯỜI RAO GIẢNG ĐẦY THÁNH THẦN 259. Những người rao giảng đầy Thánh Thần thì mở lòng ra cách không sợ hãi trước công việc của Chúa Thánh Thần. Vào Ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ bước ra khỏi bản thân mình và biến các vị thành những người loan báo những việc làm cao cả của Thiên Chúa, có thể nói với mỗi người bằng chính ngôn ngữ của người ấy. Chúa Thánh Thần cũng ban sự can đảm để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng cùng với sự mạnh bạo ( parrhesía ) ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi va chạm với sự đối nghịch. Chúng ta hãy khấn xin Ngài hôm nay, để được bén rễ vững vàng trong cầu nguyện, bởi vì không có sự cầu nguyện thì thất cả mọi hoạt động của chúng ta phải đối diện với rủi ro là không sinh hoa trái và thông điệp của chúng ta trống rỗng. Chúa Giêsu muốn những người rao giảng loan báo tin mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết tất cả là bằng một cuộc đời được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. 260. Trong chương cuối cùng này, tôi không có ý đưa ra một bản tổng hợp cho đời sống linh đạo Kitô, hoặc để khám phá các chủ đề lớn như cầu nguyện, thờ phượng Bí Tích Thánh Thể hoặc là việc cử hành Phụng Vụ Đức Tin. Bởi tất cả những điều này chúng ta đã có những văn kiện có giá trị của huấn quyền và những tác phẩm nổi tiếng được viết ra bởi các tác giả lớn. Tôi không tuyên bố để thay thế hay cải tiến những kho tàng này. Tôi chỉ đơn giản mong ước đưa ra một vài suy tư về tinh thần của việc tân Phúc Âm Hoá. 261. Bất cứ khi nào chúng ta nói rằng một điều gì đó là "có thần khí", thì thường là để chỉ đến một động lực nội tại có sức khuyến khích, động viên, nuôi dưỡng, và mang lại ý nghĩa cho các hoạt 2 CÙNG ĐÓN NHẬN
  • 3. động của cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Việc Phúc Âm Hoá đầy tràn Thánh Thần thì không giống như một loạt các nhiệm vụ đầy tính trách nhiệm được thực hiện bất chấp những khuynh hướng và ước muốn của một người. Tôi khao khát biết bao để tìm ra được những từ ngữ phù hợp để khuấy động lên lòng nhiệt thành cho một chương mới của việc Phúc Âm Hoá đầy tràn sự hăng say, niềm vui, lòng quảng đại, lòng can đảm, và một tình yêu và sự cuốn hút vô biên ! Nhưng tôi nhận ra rằng không có ngôn từ khuyến khích nào sẽ đủ ngoại trừ ngọn lửa của Thần Khí cháy bỏng trong tâm hồn chúng ta. Công cuộc Phúc Âm Hoá đầy Thần Khí là một công cuộc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, bởi vì Ngài là linh hồn của Giáo Hội được mời gọi để rao giảng Tin Mừng. Trước khi đưa ra một số lời khuyến khích động viên và đề xuất, một lần nữa tôi khẩn xin Chúa Thánh Thần. Tôi khẩn cầu Ngài ngự đến và canh tân Giáo Hội, để khuấy lên và thôi thúc Giáo Hội can đảm tiến về phía trước để Phúc Âm Hoá hết mọi dân tộc. I. CÁC LÝ DO CHO MỘT ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO ĐƯỢC CANH TÂN ĐỔI MỚI 262. Các nhà rao giảng đầy Thần Khí là những nhà rao giảng cầu nguyện và làm việc. Các ý niệm thần bí mà không có hoạt động mang tính xã hội và truyền giáo vững chắc thì vô ích đối với công cuộc Phúc Âm Hoá, cũng thế những bài nghị luận hoặc các công việc thực hành mang tính xã hội và mục vụ mà thiếu chiều kích thiêng liêng thì cũng chẳng thể thay đổi được các tâm hồn. Những đề xuất đơn phương và khiếm khuyết này chỉ dành cho một vài nhóm hoặc chỉ cho thấy việc không thể chiếu sáng ra khỏi chúng bởi vì chúng làm hạn chế Tin Mừng. Điều cần thiết là khả năng nuôi dưỡng một không gian nội tâm có thể mang đến cho người Kitô hữu một ý nghĩa đối với sự cam kết dấn thân và hoạt động. Không có những phút giây lâu dài của việc thờ phượng, của việc gặp gỡ đầy tinh thần cầu nguyện với Lời, của việc đối thoại chân thành với Thiên Chúa, thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng trở nên vô nghĩa; chúng ta sẽ làm mất năng lượng như là kết quả của một sự mỏi mệt và những gian khó, và lòng nhiệt thành của chúng ta sẽ chết. Giáo Hội đang bức thiết cần hơi thở sâu của việc cầu nguyện, và thật là niềm vui lớn lao đối với tôi vì nhiều nhóm đã tận hiến cho việc cầu nguyện và chuyển cầu, cho việc đọc Lời Chúa bằng tinh thần cầu nguyện và việc chầu Thánh Thể thường trực ở mọi cấp độ của đời sống Giáo Hội. Ngay cả như thế, "chúng ta phải loại bỏ cơn cám dỗ để đưa ra một nền linh đạo mang tính riêng tư hoá và cá nhân vốn không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái, chẳng đề cập gì đến các áp dụng của mầu nhiệm nhập thể". Luôn có một sự rủi ro là một vài khoảnh khắc cầu nguyện có thể trở thành lời biện minh cho việc không dấn thân vào một sứ vụ; một lối sống riêng tư hoá có thể dẫn các Kitô hữu đến việc núp mình vào trong những hình thức giả tạo của đời sống thiêng liêng. 263. Thật là tốt đẹp để chúng ta luôn giữ trong tâm trí mình hình ảnh về các Kitô hữu tiên khởi và nhiều anh chị em khác của chúng ta trong suốt dòng lịch sử, họ đã đầy tràn niềm vui, lòng can đảm và lòng nhiệt thành không mỏi mệt dành cho việc loan báo Tin Mừng. Ngày nay một số người tự an ủi bản thân bằng việc nói rằng mọi thứ giờ đây không còn dễ dàng như xưa, nhưng chúng ta biết rằng Đế Chế La Mã xưa không có ích gì cho các thông điệp Tin Mừng, cho việc đấu tranh cho công lý, hoặc cho việc bảo vệ phẩm giá con người. Mỗi một giai đoạn lịch sử đều được đánh dấu bởi sự hiện diện của sự yếu hèn của con người, sự vụ lợi, sự tự mãn và sự ích kỷ, nói cách khác, lòng ham muốn nhục dục đều làm cho tất cả chúng ta đau khổ. Những hình thức này luôn hiện diện dưới dáng vẻ này hay dáng vẻ khác; chúng xuất phát từ những giới hạn con người của chúng ta hơn là từ những hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, chúng ta đừng nói rằng mọi thứ ngày nay khó khăn hơn; chúng chỉ khác nhau mà thôi. Nhưng chúng ta cũng hãy học từ các thánh đã đi trước chúng ta, các vị đã đối đầu với những khó khăn của thời đại các vị. Vì thế tôi đề nghị rằng chúng ta nên dừng lại để tái khám phá lại một số lý do có thể giúp chúng ta noi gương bắt chước họ ngày nay. Cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu cứu độ của Đức Giêsu 264. Lý do chính yếu cho việc Phúc Âm Hoá là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã được lãnh nhận, kinh nghiệm về ơn cứu độ thôi thúc chúng ta đi đến một tình yêu lớn lao hơn bao giờ hết của Ngài. Kiểu tình yêu nào mà lại không cảm thấy nhu cầu để nói về người mình yêu, đi chỉ ra Ngài, để làm cho Ngài được biết đến ? Nếu chúng ta không cảm thấy một lòng ao ước cháy bỏng để chia sẻ tình yêu này, thì chúng ta cần phải cầu nguyện liên lỉ để một lần nữa Ngài sẽ chạm vào tâm hồn của chúng ta. 3
  • 4. Chúng ta cần nài xin ân sủng của Ngài mỗi ngày, xin Ngài mở rộng những tâm hồn nguội lạnh của chúng ta và biến đổi sự hiện hữu lãnh đạm và giả tạo của chúng ta. Đứng trước nhan Ngài bằng tâm hồn rộng mở, hãy để Ngài nhìn vào chúng ta, chúng ta sẽ thấy một cái nhìn của tình yêu mà Nathanael đã khám phá ra vào ngày mà Chúa Giêsu nói với ông: "Lúc anh ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi" ( Ga 1:48 ). Thật là tốt lành biết bao khi đứng trước Thập Giá, hoặc quỳ gối trước Bí Tích Thánh Thể, và đơn giản ở lại trong sự hiện diện của Ngài ! Thật là tốt lành biết bao cho chúng ta khi Ngài một lần nữa chạm vào cuộc đời của chúng ta và thôi thúc chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài ! Và rồi điều xảy ra là "điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa" ( 1 Ga 1:3 ). Động lực tốt đẹp nhất cho việc chia sẻ Tin Mừng đến từ việc chiêm ngắm nó bằng tình yêu, chậm rãi với các trang của Tin Mừng và đọc nó bằng cả tâm hồn. Nếu chúng ta tiếp cận Tin Mừng theo cách này, thì vẻ đẹp của nó sẽ làm cho chúng ta kinh ngạc và luôn làm cho chúng ta phấn khởi. Nhưng nếu đây là việc phải làm, thì chúng ta cần phục hồi lại tinh thần chiêm niệm có thể giúp chúng ta nhận ra được một điều luôn mới mà chúng ta đã được ký thác bằng cả một kho tàng làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới. Không có điều gì cao quý hơn điều mà chúng ta có thể trao ban cho những người khác. 265. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cách thế mà Ngài liên đới với người nghèo, các hành động của Ngài, sự chính trực của Ngài, những hành động thể hiện lòng rộng rãi hằng ngày của Ngài, và cuối cùng là sự trao ban toàn vẹn chính bản thân Ngài, là quý giá và làm tỏ lộ ra mầu nhiệm của đời sống thánh của Ngài. Bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ chiều kích mới mẻ này, chúng ta sẽ trở nên tin rằng đó chính xác là điều mà những người khác cần, ngay cả khi họ không nhận biết điều ấy: "Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị" ( Cv 17, 23 ). Đôi khi chúng ta đánh mất sự nhiệt thành cho sứ vụ của mình bởi vì chúng ta quên rằng Tin Mừng đáp ứng những nhu cầu thẳm sâu nhất của chúng ta, bởi vì chúng ta được tạo nên để cho điều mà Tin Mừng trao ban cho chúng ta: tình bằng hữu với Đức Giêsu và tình yêu của anh chị em chúng ta. Nếu chúng ta thành công trong việc thể hiện cách đầy đủ và với vẻ đẹp thiết yếu của nội dung Tin Mừng, thì chắc chắn thông điệp này sẽ nói với những khao khát thẳm sâu nhất của tâm hồn con người: "Sứ mạng được tin rằng, thông qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, vốn hằng hiện diện trong các cá nhân và các dân tộc một sự mong đợi, thậm chí là một sự mong đợi vô thức, về việc biết sự thật về Thiên Chúa, về con người, và về cách thế mà chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lòng nhiệt thành của sứ vụ trong việc rao giảng về Đức Kitô xuất phát từ niềm xác tín rằng Ngài sẽ đáp ứng mong đợi ấy". Lòng nhiệt thành làm cho việc Phúc Âm Hoá đặt trên nền tảng sự xác tín này. Chúng ta có một kho tàng sự sống và tình yêu không thể lừa dối, và một thông điệp không thể lầm lạc hoặc làm thất vọng. Nó sẽ đi sâu vào tận cõi thẳm của tâm hồn chúng ta, duy trì và làm cho chúng ta nên cao quý. Đó là một sự thật không bao giờ lạc hậu bởi vì nó đạt tới phần sâu thẳm ấy của chúng ta mà không có sự gì khác có thể chạm tới. Sự buồn khổ vô biên của chúng ta chỉ có thể được chữa lành bằng một tình yêu vô biên. 266. Nhưng sự xác tín này phải được duy trì bằng kinh nghiệm luôn đổi mới của chúng ta về việc cảm nếm được tình bằng hữu của Chúa Giêsu và thông điệp của Ngài. Thật không thể duy trì được một công cuộc Phúc Âm Hoá đầy nhiệt huyết trừ khi chúng ta được xác tín từ kinh nghiệm cá nhân rằng thật việc biết Đức Giêsu thì không giống với việc không biết Người, cũng như việc bước đi với Ngài thì không giống với việc bước đi cách mù quáng, việc nghe lời Ngài thì cũng không giống với việc không biết về Lời, và cũng như việc chiêm ngắm Ngài, thờ phượng Ngài, và tìm kiếm sự bình an của chúng ta ở trong Ngài thì không giống với việc không biết gì cả. Việc nỗ lực xây dựng thế giới bằng Tin Mừng của Ngài thì không giống với việc làm như thế bằng những ánh sáng riêng của chúng ta. Chúng ta biết rõ rằng cùng với Đức Giêsu thì cuộc sống trở nên phong phú hơn và cùng với Ngài chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa trong mọi sự hơn. Đây là lý do vì sao chúng ta Phúc Âm Hoá. Một nhà truyền giáo thực sự, người không bao giờ ngừng để là một môn đệ, thì biết rằng Chúa Giêsu đồng hành cùng mình, nói với mình, thở cùng mình, và làm việc cùng với mình. Người ấy cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang sống cùng với mình ngay giữa sứ vụ truyền giáo. Nếu chúng ta không nhìn thấy Ngài hiện diện ở ngay trung tâm của việc cam kết dấn thân truyền giáo, thì lòng nhiệt thành của chúng ta sẽ sớm nhạt dần và chúng ta không còn chắc chắn việc mà chúng ta đang làm là việc gì nữa; chúng ta thiếu nghị lực và thiếu say mê. Một người không tin, không có nhiệt thành, không chắc chắn và không yêu, thì sẽ chẳng thuyết phục được ai cả. 4
  • 5. 267. Trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm điều mà Ngài tìm kiếm và chúng ta yêu mến điều Ngài yêu mến. Sau cùng, điều chúng ta đang tìm kiếm là vinh quang của Chúa Cha; chúng ta sống và hành động "vì ân sủng rạng ngời của Ngài" ( Ep 1, 6 ). Nếu chúng ta muốn dấn bản thân chúng ta một cách tròn đầy và kiên định, thì chúng ta cần phải bỏ lại phía sau mọi thứ động lực khác. Đây là động lực tối hậu, sâu thẳm, và lớn lao nhất của chúng ta, lý do và ý nghĩa chung cuộc đằng sau mọi điều chúng ta làm: vinh quang của Chúa Cha mà Chúa Giêsu tìm kiếm mọi phút giây của cuộc sống Ngài. Là Con, Ngài vui hưởng vĩnh viễn niềm vui được "ở nơi cung lòng Chúa Cha" ( Ga 1, 18 ). Nếu chúng ta là những nhà truyền giáo, thì đó thật là chính đáng bởi vì Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng "Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy" ( Ga 15, 8 ). Vượt ra khỏi mọi tham chiếu và những lợi ích riêng của chúng ta, sự hiểu biết và những động lực của chúng ta, chúng ta loan truyền vinh quang lớn lao hơn cả của Chúa Cha Đấng yêu thương chúng ta. Niềm vui tinh thần của việc là một dân 268. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân: "Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa" ( 1 Pr 2, 10 ). Để trở thành các nhà truyền giảng của các tâm hồn, chúng ta cần phải nuôi dưỡng một cảm nếm tinh thần vì được gần gũi với cuộc sống của con người và để khám phá rằng đây đích thực là một nguồn vui lớn lao hơn. Sứ vụ đồng thời vừa là niềm đam mê dành cho Chúa Giêsu và là niềm đam mê dành cho Dân của Ngài. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu của tình yêu của Ngài nâng đỡ và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng đồng thời, trừ khi chúng ta mù quáng, nếu không thì chúng ta bắt đầu nhận ra rằng cái nhìn của Chúa Giêsu, cháy bỏng tình yêu, mở rộng ra để ôm lấy tất cả dân của Ngài. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để đến gần hơn nữa những người mà Ngài yêu. Ngài chọn chúng ta từ giữa dân của Ngài và Ngài sai chúng ta đến với dân Ngài; không có cảm thức thuộc về này chúng ta không thể hiểu căn tính sâu xa nhất của chúng ta. 269. Chính Chúa Giêsu là một mẫu gương của phương pháp Phúc Âm Hoá này vốn mang chúng ta đến tận trung tâm của dân Ngài. Thật là tốt đẹp biết bao cho chúng ta để chiêm ngắm sự gần gũi mà Ngài tỏ ra cho hết mọi người ! Nếu Ngài nói với một ai đó, thì Ngài nhìn vào đôi mắt của họ với một tình yêu và một sự quan tâm sâu thẳm: "Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến" ( Mc 10, 21 ). Chúng ta thấy là Ngài dễ dàng tiếp cận biết bao nhiêu, khi Ngài tiến gần đến người mù ( x. Mc 10, 46 – 52 ) và ăn và uống với những người tội lỗi ( x. Mc 2, 16 ) mà không hề lo lắng về việc bị người ta nghĩ Ngài là người ham mê ăn uống và chè chén ( x. Mt 11:19 ). Chúng ta thấy được sự nhạy cảm của Ngài trong việc để cho người phụ nữ tội lỗi rửa chân cho Ngài ( x. Lc 7, 36 – 50 ) và trong việc đón tiếp Nicôđêmô vào ban đêm ( x. Ga 3, 1 – 15 ). Sự hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là đỉnh cao của lối sống của Ngài. Được đánh động bởi mẫu gương của Ngài, chúng ta muốn hoàn toàn dấn thân vào mạng lưới xã hội, chia sẻ cuộc sống của tất cả mọi người, lắng nghe hết tất cả mọi mối bận tâm của họ, giúp họ những nhu cầu về vật chất và tinh thần, vui với người vui, khóc với người khóc; tay trong tay với những người khác, chúng ta cam kết xây dựng một thế giới mới. Nhưng chúng ta làm như thế không phải xuất phát từ một cảm thức về điều bắt buộc, cũng không phải như một việc bổn phận nặng nề, nhưng như là kết quả của một quyết định cá nhân mang lại cho chúng ta niềm vui và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. 270. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để trở thành một kiểu người Kitô hữu khép mình lại trong các vết thương của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào nỗi thống khổ của con người, chạm vào xác thân đang đau khổ của những người khác. Ngài mong rằng chúng ta sẽ dừng lại việc tìm kiếm những nơi trú ẩn cá nhân hay cộng đoàn hằng che chắn chúng ta khỏi vùng xoáy mãnh liệt của nỗi bất hạnh của con người và thay vào đó hãy bước vào thực lại của cuộc sống người khác và hãy nhận biết sức mạnh của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như thế, thì cuộc sống của chúng ta trở nên phức tạp cách diệu kỳ và chúng ta sẽ kinh nghiệm được cách mạnh mẽ điều có nghĩa là trở thành một dân, trở thành một thành phần của một dân. 271. Sự thật là trong các mối liên hệ của chúng ta với thế giới, chúng ta được cho biết rằng cần phải có lý do để hy vọng, nhưng không phải như một kẻ thù người chỉ biết phê bình chỉ trích và kết án. 5
  • 6. Chúng ta được chỉ dạy cách rõ ràng: "hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" ( 1 Pr 3, 15 ) và "hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người" ( Rm 12, 18 ). Chúng ta cũng được dạy rằng "hãy lấy thiện mà thắng ác" ( Rm 12, 21 ) và "hãy làm điều thiện cho mọi người" ( Gl 6, 10 ). Giữ mình khỏi việc trở nên cao trọng hơn người khác, chúng ta cần phải "hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình" ( Pl 2, 3 ). Chính các môn đệ của Chúa cũng đã vui hưởng "niềm vui với hết tất cả mọi người" ( Cv 2, 47; 4, 21; 33; 5, 13 ). Rõ ràng là Chúa Giêsu không muốn chúng ta trở thành những người lớn lao nhìn xuống trên những người khác, nhưng là những người nam và người nữ của mọi người. Đây không phải là ý tưởng của vị Giáo Hoàng, hoặc của một chọn lựa mục vụ giữa muôn dân; chúng là những lệnh truyền chứa đựng trong Lời Chúa vốn quá rõ ràng, trức tiếp và đáng tin cậy đến nỗi chúng không cần những lời giải thích có khả năng làm giảm sức mạnh thách đố chúng ta của chúng. Chúng ta hãy sống những lời này mà không có bình luận gì thêm, sine glossa. Bằng việc sống như thế chúng ta sẽ biết được niềm vui sứ vụ của việc chia sẻ sự sống với người tín hữu của Chúa khi chúng ta nỗ lực để thắp lên một ngọn lửa trong trái tim của thế giới. 272. Yêu thương nhau là một sức mạnh tinh thần dẫn chúng ta đến sự kết hiệp với Thiên Chúa; thực ra, một người không yêu thương những người khác thì "đi trong bóng tối" ( 1 Ga 2, 11 ), "ở lại trong sự chết" ( 1 Ga 3, 14 ) và "không biết Thiên Chúa" ( 1 Ga 4, 8 ). Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã nói rằng "nhắm mắt lại trước anh em cũng có nghĩa là làm cho chúng ta mù quáng trước Thiên Chúa", và sau cùng, tình yêu ấy là ánh sáng duy nhất "có thể luôn luôn chiếu sáng một thế giới đang tắt dần và mang lại cho chúng ta sự can đảm cần thiết để tiếp tục sống và làm việc". Khi chúng ta sống một nền linh đạo đến gần với người khác và tìm kiếm phần ích cho chọ, thì tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho những ân huệ lớn lao và cao đẹp nhất của Thiên Chúa. Bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ nhau trong tình yêu, thì chúng ta học được một điều gì đó mới về Thiên Chúa. Bất cứ khi nào đôi mắt của chúng ta mở rộng ra để nhận biết người khác, thì chúng ta sẽ lớn mạnh trong ánh sáng của niềm tin và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn tiến hơn trong đời sống thiêng liêng, thì chúng ta cần phải luôn luôn là những nhà truyền giáo. Công việc truyền giáo sẽ làm phong phú tâm và trí chúng ta; nó mở ra những chân trời thiêng liêng; nó làm cho chúng ta ngày càng trở nên nhạy bén hơn đối với các công việc của Chúa Thánh Thần, và nó sẽ dẫn chúng ta vượt xa khỏi những mô thức thiêng liêng hạn hữu của bản thân. Một nhà truyền giáo có cam kết dấn thân thì biết được niềm vui của việc trở thành một mùa xuân đổ tràn trên người khác và làm tươi mới người khác. Chỉ những ai cảm nghiệm được niềm hạnh phúc trong việc tìm kiếm những sự tốt lành cho người khác, trong việc khao khát niềm hạnh phúc của họ, thì mới có thể là một nhà truyền giáo. Sự mở rộng con tim này là một nguồn vui, bởi vì "cho thì có phúc hơn là nhận" ( Cv 20, 35 ). Chúng ta sẽ không sống tốt hơn khi chúng ta thoát ly, ẩn nấp, khước từ để chia sẻ, ngừng cho đi và khoá chặt bản thân lại trong những sự thoải mái riêng mình. Một cuộc sống như thế thì chẳng khác gì hơn là một sự tự vẫn từ từ. 273. Sứ vụ của tôi ở giữa muôn dân không chỉ là một phần cuộc sống của tôi hoặc là một cái huy hiệu mà tôi có thể gỡ ra được; nó cũng không phải là một sự "thêm" hoặc chỉ là một khoảnh khắc khác của cuộc sống. Thay vào đó, đó là một điều mà tôi không thể bứng rễ ra khỏi hữu thể của tôi mà không làm tổn hại đến chính cái cốt lõi bản thể của mình. Tôi chính là một sứ vụ trên mặt đất này; đó là lý do vì sao mà tôi lại hiện hữu ở đây trong thế giới này. Chúng ta phải tự thấy mình như thể bị đóng dấu, thậm chí đóng nhãn, bởi sứ vụ mang ánh sáng này, chúc lành, làm sinh động, dưỡng nuôi, chữa lành và giải phóng này. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy xung quanh mình những người điều dưỡng có tâm hồn, các nhà sư phạm có tâm hồn, các chính trị gia có tâm hồn, những người đã chọn lựa từ trong sâu thẳm để sống với mọi người và vì mọi người. Nhưng một khi chúng ta tách công việc của mình ra khỏi đời sống riêng tư của mình, thì mọi thứ sẽ trở nên xám xịt và chúng ta sẽ luôn luôn đi tìm kiếm sự nhận biết hoặc sự khẳng định cho những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta thôi không còn là một dân nữa. 274. Nếu chúng ta sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của chúng ta với những người khác và trao ban chính bản thân mình cách rộng rãi, thì chúng ta cũng sẽ nhận biết rằng mọi người thật xứng đáng với sự trao ban của chúng ta. Không phải vì vẻ bề ngoài của họ, các khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, cách nghĩ của họ, hoặc vì bất cứ sự thoả mãn nào mà chúng ta có thể đón nhận được, nhưng là bởi vì họ là công trình do tay Chúa dựng nên, thọ tạo của Ngài. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo đúng hình ảnh của Ngài, và người ấy phản chiếu điều gì đó vinh quang của Thiên Chúa. Mọi hữu thể con người đều là đối tượng của sự dịu dàng vô biên 6
  • 7. của Thiên Chúa, và chính Ngài hiện diện trong cuộc sống của họ. Chúa Giêsu đã trao ban bửu huyết châu báu của Ngài trên thập giá cho người ấy. Vượt ra khỏi những hình thức bên ngoài, mọi người đều là sự thánh thiện vô biên và xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Do đó, nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có cuộc sống tốt hơn, thì điều ấy đã đủ biện minh cho việc trao ban cuộc sống của tôi. Trở thành Dân của Thiên Chúa thật là một điều kỳ diệu. Chúng ta đạt tới sự thành toàn khi chúng ta phá vỡ các bức tường và tâm hồn chúng ta đầy tràn những gương mặt và những cái tên ! Công việc mầu nhiệm của Đức Kitô Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài 275. Trong Chương 2, chúng ta đã suy tư về việc thiếu đời sống thiêng liêng sâu đậm dẫn đến tình trạng bi quan, tin vào thuyết định mệnh, và bội tính. Một số người không cam kết dấn thân vào một sứ mạng bởi vì họ nghĩ rằng chẳng có gì thay đổi và thật là vô ích để thực hiện một nỗ lực. Họ nghĩ: "Tại sao tôi phải khước từ bản thân mình những sự thoải mái và thú vui của bản thân tôi nếu tôi không thấy được bất kỳ một kết quả có ý nghĩa nào ?" Thái độ này khiến người ta không thể trở thành một nhà truyền giáo. Đó chỉ là một lời biện minh láo khoét cho việc ở lì trong sự an nhàn, lười biếng, sự thiếu thoả mãn mơ hồ và sự ích kỷ xáo rỗng của bản thân. Đó thật là một thái độ tự hoại mình, bởi vì "con người không thể sống mà không có niềm hy vọng: cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu đựng được". Nếu chúng ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ chẳng thay đổi gì đâu, thì chúng ta cần phải nhớ lại rằng Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng khải hoàn tội lỗi và sự chết và giờ đây Ngài toàn năng. Đức Giêsu Kitô thực sự đang sống. Nói một cách khác, "nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng" ( 1 Cr 15, 14 ). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng khi các môn đệ đầu tiên đi rao giảng, "có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" ( Mc 16, 20 ). Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày hôm nay. Chúng ta được mời gọi để khám phá điều này, để kinh nghiệm điều này. Đức Kitô, đã phục sinh và vinh hiển, là nguồn mạch tuôn chảy cho niềm hy vọng của chúng ta, và Ngài sẽ không lấy khỏi chúng ta sự trợ giúp mà chúng ta cần để thi hành sứ mạng mà Ngài đã uỷ thác cho chúng ta. 276. Sự phục sinh của Đức Kitô không phải là một sự kiện của lịch sử; nó hàm chứa một năng quyền sống động đã thấm nhập vào thế giới này. Nơi mà tất cả dường như đã chết, các dấu chỉ của sự phục sinh bỗng nhiên bừng lên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Thường thì dường như Thiên Chúa không tồn tại: tất cả mọi thứ xung quanh mà chúng ta thấy toàn là bất công, sự dữ, sự thờ ơ và sự tàn bạo thường trực. Nhưng cũng thật đúng là ngay giữa những tăm tối có một điều gì đó mới luôn luôn chảy tràn sự sống và không sớm thì muộn cũng làm trổ sinh hoa trái. Trên một miền đất đã bị huỷ diệt thì sự sống chảy tràn, cách kiên vững và bất khuất. Tuy những điều tăm tối vẫn hiện hữu, song sự tốt lành vẫn luôn luôn tái sinh và lan rộng. Mỗi ngày trên thế giới của chúng ta vẻ đẹp vẫn tái sinh một sự tươi mới, nó sống lại được biến đổi thông qua những giông bão của lịch sử. Các giá trị vẫn luôn luôn có khuynh hướng tái xuất hiện dưới những hình thức mới, và con người vẫn cứ trổ sinh xuyên qua thời gian từ những hoàn cảnh mà xem ra rất tối tăm. Đó chính là năng quyền của sự phục sinh, và tất cả những ai làm công việc truyền giáo đều là khí cụ của năng quyền ấy. 277. Đồng thời, những khó khăn mới lại liên tục xuất hiện: những kinh nghiệm thất bại và những yếu kém của con người lại mang đến một nỗi đớn đau quá đỗi như thế. Tất cả chúng ta đều học được từ kinh nghiệm rằng đôi khi một nhiệm vụ không mang lại một sự thoả mãn mà chúng ta tìm kiếm, các kết quả thì ít mà sự thay đổi thì lại chậm chạp, và chúng ta có khuynh hướng bị cám dỗ để trở nên mỏi mệt. Nhưng việc buông xuôi cánh tay của chúng ta trong chốc lát vì mọi mệt thì không giống với sự buông xuôi mãi mãi, xâm chiếm bởi căn bệnh bất mãn kinh niên và bởi sự bạc nhược làm khô héo tâm hồn. Cũng có thể xảy ra là tâm hồn của chúng ta có thể mỏi mệt vì chiến đấu bởi vì cuối cùng chúng ta bị kẹt cứng ở trong chính bản thân mình, trong một sự đam mê sự nghiệp chỉ khao khát được nhận biết, hoan hô, các phần thưởng và địa vị. Trong trường hợp này, chúng ta không buông xuôi, nhưng chúng ta lại không bao giờ có thể nắm bắt được điều mà chúng ta tìm kiếm, sự phục sinh không hiện diện ở đó. Trong những hoàn cảnh 7
  • 8. như thế, Tin Mừng, thông điệp tuyệt vời nhất mà thế giới này có thể trao ban, thì lại bị chôn vùi dưới hàng đống lớp dày đặc của những lời bào chữa. 278. Đức Tin cũng có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài thực sự yêu thương chúng ta, rằng Ngài đang sống, rằng Ngài có thể can thiệp cách nhiệm mầu, rằng Ngài không bỏ rơi chúng ta và rằng Ngài biến sự dữ thành sự lành bằng chính quyền năng và sự sáng tạo vô biên của Ngài. Đó có nghĩa là tin rằng Ngài luôn tiến bước cách khải hoàn trong dòng lịch sử với những ai "được kêu gọi, được tuyển chọn, và luôn trung thành" ( Kh 17, 14 ). Chúng ta hãy tin vào Tin Mừng khi Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Nước Thiên Chúa đã đang hiện diện trong thế giới này và đang triển nở, đó đây, và bằng nhiều cách thế: giống như hạt cải trổ sinh thành một cây cải lớn ( x. Mt 13, 31 – 32 ), giống như một nắm men làm dậy cả một khối bột ( x. Mt 13, 33 ) và giống như một hạt giống tốt mọc lên giữa đám cỏ lùng ( x. Mt 13, 24 – 30 ) và có thể luôn luôn làm cho chúng ta hân hoan kinh ngạc. Nước Trời đang hiện diện ở đây, nó trở lại, nó đang chiến đấu để trổ sinh một điều mới mẻ. Sự phục sinh của Đức Kitô ở khắp mọi nơi tạo nên những hạt giống của thế giới mới này; thậm chí cả khi chúng bị cắt cụt đi, thì chúng vẫn mọc trở lại, vì sự phục sinh đã âm thầm thấm nhập vào cơ cấu của lịch sử này, bởi vì Chúa Giêsu đã không sống lại cách vô ích. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đứng lì ở bên lề của cuộc tuần hành của niềm hy vọng sống động này ! 279. Bởi vì chúng ta không phải lúc nào cũng thấy được những hạt giống này triển nở, nên chúng ta cần có một sự chắc chắn nội tâm, một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hoạt động trong họi hoàn cảnh ngay cả giữa những đổ vỡ: "kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành" ( 2 Cr 4, 7 ). Sự chắc chắn này thường được gọi là "một cảm thức về mầu nhiệm". Điều này liên quan đến việc biết cách chắc chắn rằng tất cả những ai tín thác bản thân vào Thiên Chúa trong tình yêu thì sẽ trổ sinh hoa trái ( Ga 15, 5 ). Sự trổ sinh hoa trái này thường vô hình, khó nắm bắt, và không thể đo lường được. Chúng ta có thể khá chắc rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái, mà không cần phải tuyên bố về việc biết thế nào, hoặc ở đâu, hoặc khi nào. Chúng ta có thể chắc chắn rằng không một hành động yêu thương nào của chúng ta lại mất đi, hoặc cũng thế đối với bất kỳ hành động quan tâm chân thành nào của chúng ta dành cho người khác. Không một hành động nào của tình yêu dành cho Thiên Chúa bị mất đi, không một nỗ lực đại lượng nào lại trở nên vô nghĩa, và không một sự chịu đựng đau đớn nào lại là lãng phí. Tất cả những điều này sẽ bao phủ lấy thế giới của chúng ta như một sức sống dồi dào. Đôi khi dường như công việc của chúng ta không sản sinh hoa trái, nhưng sứ mạng thì không giống như một hoạt động kinh doanh hay đầu tư, hoặc ngay cả như một hoạt động nhân đạo nào. Đó không phải là một buổi biểu diễn mà người ta có thể đếm có bao nhiêu người đến dự như là kết quả của hoạt động quảng bá của chúng ta; nó là một điều gì sâu thẳm hơn nhiều, điều vượt qua mọi sự đo lường. Đó là điều mà Thiên Chúa dùng những hy sinh của chúng ta để tuôn đổ phúc lành xuống trên một nơi khác của thế giới mà chúng ta chưa bao giờ tới đó. Chúa Thánh Thần hoạt động theo cách Ngài muốn, khi nào Ngài muốn và nơi nào Ngài muốn; chúng ta phó thác bản thân của chúng ta mà không mong thấy được kết quả bất ngờ. Chúng ta chỉ biết rằng sự cam kết dấn thân của chúng ta là cần thiết. Chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi trong sự êm dịu trong vòng tay của Chúa Cha giữa những cam kết đầy sáng tạo và đại lượng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước về phía trước; hãy trao phó cho Ngài mọi sự, hãy để cho ngài làm cho những nỗ lực của chúng ta trổ sinh hoa trái vào đúng thời điểm tốt lành của Ngài. 280. Việc giữ vững ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo sống động đòi hỏi một sự tín thác vững vàng vào Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Ngài là Đấng "giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn" ( Rm 8, 26 ). Nhưng lòng tin quảng đại này cần phải được dưỡng nuôi, và vì thế chúng ta cần phải khẩn nài xin Chúa Thánh Thần luôn luôn. Ngài có thể chữa lành bất cứ điều gì khiến cho chúng ta mỏi mệt trong những nỗ lực truyền giáo của chúng ta. Đúng thật là niềm tin vào điều không thể thấy này có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất định hướng: nó giống như là bị nhận chìm xuống dưới vực sâu và không biết điều chúng ta sẽ tìm thấy. Bản thân tôi cũng thường kinh nghiệm điều này. Nhưng không có một sự tự do nào lớn lao hơn là để cho mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, khước từ việc nỗ lực để lên kế hoạch và kiểm soát mọi thứ cho đến chi tiết sau cùng, và thay vào đó là hãy để Ngài soi sáng, dẫn dắt và định hướng cho chúng ta, dẫn 8
  • 9. đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Chúa Thánh Thần biết rõ điều gì cần thiết trong mọi nơi và mọi lúc. Đây là điều gọi là trổ sinh hoa trái cách nhiệm mầu ! Sức mạnh truyền giáo của việc chuyển cầu 281. Một hình thức cầu nguyện thôi thúc chúng ta cách đặc biệt lãnh nhận lấy sứ vụ Phúc Âm Hoá và tìm kiếm sự tốt lành cho người khác; đó là hình thức cầu nguyện chuyển cầu. Chúng ta hãy dành ít phút để chiêm ngắm tâm hồn của Thánh Phaolô, để thấy lời cầu nguyện của Ngài như thế nào. Đó là một lời cầu nguyện chứa đầy những con người: "... Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy... bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi" ( Pl 1, 4 – 7 ). Ở đây chúng ta thấy rằng chuyển cầu không làm cho chúng ta lạc khỏi sự chiêm niệm, bởi vì sự chiêm niệm đích thực luôn luôn có chỗ cho những người khác. 282. Thái độ này trở thành một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa cho những người khác. "Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em" ( Rm 1, 8 ). Đó là một lời tạ ơn liên lỉ: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu" ( 1 Cr 1, 4 ); "Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em" ( Pl 1, 3 ). Thoát ra khỏi mọi hoài nghi, tiêu cực và tuyệt vọng, đó là một cái nhìn thiêng liêng được sinh ra bởi một niềm tin sâu thẳm làm cho chúng ta nhận biết điều mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi cuộc sống của những người khác. Đồng thời, đó là một thái độ tạ ơn chảy tràn từ một tâm hồn hướng về người khác. Khi các nhà truyền giáo hoàn tất việc cầu nguyện của mình, tâm hồn họ rộng mở hơn; thoát khỏi tình trạng quy ngã, họ mang đầy khao khát để làm việc tốt và chia sẻ cuộc sống với những người khác. 283. Những người nam và người nữ vĩ đại của Thiên Chúa là những nhà chuyển cầu vĩ đại. Chuyển cầu giống như một "nắm men" trong trái tim của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là một cách thế để thâm nhập vào trái tim của Chúa Cha và khám phá ra những chiều kích mới có thể chiếu sáng trên những hoàn cảnh cụ thể và thay đổi chúng. Chúng ta có thể nói rằng trái tim của Thiên Chúa bị chạm bởi những lời chuyển cầu của chúng ta; mặc dù trong thực tế thì Ngài luôn luôn ở đó trước. Điều mà lời chuyển cầu của chúng ta đạt được chính là sức mạnh của Ngài, tình yêu của Ngài và sự thành tín của Ngài hằng luôn thể hiện cách rõ ràng hơn nữa trong dân của Ngài. II. ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỨ VỤ TÂN PHÚC ÂM HOÁ 284. Cùng với Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria luôn luôn hiện diện ở giữa dân của Thiên Chúa. Mẹ tham gia vào giờ cầu nguyện đón Chúa Thánh Thần cùng các môn đệ ( Cv 1, 14 ) và do đó tạo nên một sự bùng phát nhanh chóng của sứ vụ truyền giáo trở thành có thể diễn ra ngày trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Mẹ là Mẹ của Giáo Hội có sứ vụ truyền giáo, và không có Mẹ thì chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu được tinh thần của việc tân Phúc Âm Hoá. Món quà của Chúa Giêsu cho Dân của Người 285. Trên Thập Giá, khi Chúa Giêsu đang chịu trong nơi thân xác của Ngài một cuộc gặp gỡ giữa tội lỗi ghê gớm của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì Ngài có thể cảm nghiệm được ở dưới chân Ngài sự hiện diện đầy ủi an của Mẹ Ngài và bạn hữu Ngài. Ngay tại thời khắc chính yếu ấy, trước khi hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Ngài, thì Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi sau đó Ngài nói với người môn đệ yêu dấu: "Đây là mẹ con" ( Ga 19, 26 – 27 ). Những lời này của Chúa Giêsu đang chịu chết không nhất thiết là một sự diễn tả về sự tận hiến và quan tâm của Ngài dành cho Mẹ Ngài; mà hơn nữa, đó là một mô thức mặc khải hữu hình hoá màu nhiệm của sứ vụ cứu chuộc. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng Mẹ Ngài để trở thành Mẹ của chúng ta. Chỉ sau khi thực hiện việc ấy thì Chúa Giêsu biết rằng "mọi sự đã hoàn tất" ( Ga 19, 28 ). Ngay dưới chân thập giá, vào giờ tối cao của công trình tạo dựng mới, thì Chúa Giêsu lại dẫn chúng ta đến với Mẹ Maria. Ngài mang chúng ta đến cho Mẹ bởi vì Ngài không muốn chúng ta đi trên hành trình mà không có một người mẹ, và dân Chúa đọc được trong hình ảnh đầy tình mẫu tử này tất cả mầu nhiệm của Tin Mừng. Thiên Chúa không muốn bỏ mặc Giáo Hội không có biểu tượng mẫu tử này. Mẹ Maria, Đấng đã mang Ngài vào thế giới này bằng một niềm tin lớn lao, cũng đồng hành với "những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu" ( Kh 12, 17 ). Mối liên hệ gần gũi giữa Mẹ Maria, Giáo Hội và mỗi thành phần tín hữu, dựa trên nền tảng là mỗi người theo cách của mình sinh ra Đức Kitô, được diễn tả cách tuyệt vời bởi Thánh Isaac Đệ Stella: "Trong 9
  • 10. Kinh Thánh được linh hứng, điều gì được nói đến theo nghĩa phổ quát về Mẹ Đồng Trinh, thì Giáo Hội, cũng được hiểu theo nghĩa riêng biệt về Mẹ Đồng Trinh Maria... Theo đó, mọi Kitô hữu cũng được tin là cô dâu của Lời Chúa, mẹ của Đức Kitô, anh chị em của Ngài, một trật đồng trinh và sinh hoa trái... Đức Kitô đã cư ngụ chín tháng trong cung lòng của Mẹ Maria. Ngài cũng sẽ cư ngụ trong cung lòng của Đức Tin Giáo Hội đến tận cùng của mọi thời đại. Ngài sẽ cư ngụ vĩnh viễn trong trong sự hiểu biết và tình yêu của mỗi linh hồn người tín hữu". 286. Mẹ Maria đã có thể biến một chuồng nuôi thú vật thành một tổ ấm cho Chúa Giêsu, với những chiếc tã nghèo nàn và một sự giàu có phong phú của tình yêu. Mẹ là nữ tỳ của Chúa Cha Đấng hát lên lời ngợi khen Ngài. Mẹ là người bạn luôn quan tâm đến việc thiếu rượu trong cuộc sống của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ có trái tim bị đâm thâu bởi một lưỡi gươm và là Đấng hiểu hết mọi nỗi đau. Là Mẹ của tất cả chúng ta, Mẹ là một dấu chỉ của niềm hy vọng cho mọi dân tộc đang phải chịu cảnh sinh ra với những nỗi đau về công lý. Mẹ là nhà truyền giáo đến gần với chúng ta và đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời, mở tâm hồn chúng ta ra cho niềm tin bằng tình yêu mẫu tử của Mẹ. Là một người mẹ đích thực, Mẹ bước đi bên cạnh chúng ta, Mẹ sẻ chia những cuộc chiến của chúng ta và Mẹ hằng luôn bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa. Ngang qua rất nhiều tước hiệu của Mẹ, thường có liên hệ đến những đền thờ của Mẹ, Đức Maria chia sẻ lịch sử của mỗi dân tộc đón nhận Tin Mừng và Mẹ trở thành một phần của căn tính lịch sử của họ. Nhiều bậc cha mẹ Kitô hữu đã xin cho con của họ được lãnh phép rửa tội ở một ngôi đền mang tước hiệu của Mẹ, như là một dấu chỉ của niềm tin của họ vào tình mẫu tử của Mẹ sẽ sinh ra những người con mới cho Thiên Chúa. Ở đó, nơi rất nhiều ngôi đền, chúng ta có thể thấy cách mà Mẹ Maria quy tụ con cái của Mẹ những người bằng sự nỗ lực lớn lao đã đến như những người hành hương đến để gặp Mẹ và để được Mẹ gặp. Ở đây chúng ta thấy được sức mạnh của Thiên Chúa để mang lấy sự mỏi mệt và nỗi thống khổ trong cuộc sống của họ. Như cách Mẹ đã thực hiện với Thánh Juan Diego, Mẹ Maria đã trao ban cho họ sự an ủi và tình yêu mẫu tử, và thầm thĩ vào tai họ: "Đừng để tâm hồn các con bị bối rối... Mẹ là Mẹ của các con không ở đây sao ?" Ngôi sao của việc tân Phúc Âm Hoá 287. Chúng ta hãy xin Mẹ của Tin Mừng hằng sống chuyển cầu cho chúng ta để lời mời gọi hướng đến một giai đoạn mới của công cuộc Phúc Âm Hoá được tất cả cộng đồng Giáo Hội chấp nhận. Mẹ Maria là người phụ nữ của niềm tin, Đấng sống và bước đi trong niềm tin, và "cuộc hành hương Đức Tin ngoại thường của Mẹ diễn tả một đích điểm tham chiếu cho Giáo Hội". Mẹ Maria đã để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên hành trình Đức Tin hướng đến một số phận phục vụ và sinh hoa trái. Ngày nay chúng ta nhìn về Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo sứ điệp cứu chuộc cho tất cả mọi người và để làm cho các môn đệ mới trở thành các nhà truyền giáo. Trên suốt hành trình của việc Phúc Âm Hoá này chúng ta sẽ có những lúc khô khan, tăm tối, và thậm chí mỏi mệt của mình. Chính Mẹ Maria đã kinh nghiệm những điều này trong suốt những năm ấu thơ của Chúa Giêsu ở Nadarét: "Đây là khởi điểm của Tin Mừng, của tin mừng đầy niềm vui. Tuy nhiên, thật không dễ để nhận ra trong cái khởi đầu ấy một sự nặng nề của tâm hồn, gắn liền với đêm tối của niềm tin – dùng lời của Thánh Gioan Thánh Giá – một kiểu "bức màn" mà qua nó người ta đến gần hơn với Đấng Vô Hình và sống trong sự thân mật với mầu nhiệm. Và đây là cách mà Mẹ Maria, trong nhiều năm trời, đã sống trong sự thân mật với mầu nhiệm của Con Mẹ, và tiến về phía trước trên hành trình của Đức Tin". 288. Có một "phong cách" Maria đối với công cuộc Phúc Âm Hoá của Giáo Hội. Bất cứ khi nào chúng ta hướng mắt về Mẹ, chúng ta sẽ đi đến chỗ một lần nữa tin vào tính chất đổi mới của tình yêu và sự dịu dàng. Ở nơi Mẹ chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường và sự dịu dàng không phải là những nhân đức của người yếu nhưng là của người mạnh mẽ không cần thiết phải đối xử tệ để cảm thấy bản thân họ là quan trọng. Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta nhận ra rằng Mẹ đã ca tụng Thiên Chúa vì "Chúa hạ bệ những ai quyền thế" và "người giàu có, lại đuổi về tay trắng" ( Lc 1, 52 – 53 ) cũng là Đấng mang lại sự ấm áp gia đình vào sự theo đuổi công lý của chúng ta. Mẹ cũng là Đấng cẩn thận giữ "mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" ( Lc 2, 19 ). Mẹ Maria có thể nhận ra hết mọi dấu vết của Thần Khí Thiên Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ. Mẹ hằng luôn chiêm ngắm mầu nhiệm về Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta, trong lịch sử nhân loại của chúng ta và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ của cầu nguyện và làm 10
  • 11. việc ở Nadarét, cũng là Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta, Đấng đã rời khỏi ngôi làng của mình "cách vội vã" ( Lc 1, 39 ) để phục vụ những người khác. Sự hỗ tương qua lại giữa công lý và sự dịu dàng này, của việc chiêm niệm và quan tâm đến người khác này, là điều làm cho công đồng Giáo Hội hướng về Mẹ Maria như là một mẫu gương của công cuộc Phúc Âm Hoá. Chúng ta khẩn xin sự bầu cử mẫu tử của Mẹ cho Giáo Hội trở thành một ngôi nhà cho nhiều người, một người Mẹ của tất cả mọi dân tộc, và cho con đường được mở ra cho sự hạ sinh của một thế giới mới. Đó là điều mà Đức Kitô Phục Sinh Đấng nói với chúng ta, bằng một quyền năng lấp đầy chúng ta bằng niềm tin và niềm hy vọng không hề suy chuyển: "Này đây Ta đổi mới mọi sự" ( Kh 21, 5 ). Cùng với Mẹ Maria chúng ta tiến bước cách tự tin về phía sự thành toàn của lời hứa này, và hướng về Mẹ chúng ta cầu nguyện: Lạy Đức Maria, Trinh Nữ và Hiền Mẫu, Mẹ là Đấng, được tác động bởi Chúa Thánh Thần, đã đón nhận Lời Hằng Sống vào trong thẳm sâu của Đức Tin khiêm hạ của Mẹ: khi Mẹ đã trao hiến hết bản thân Mẹ cho Đấng Vĩnh Cửu, xin giúp chúng con biết nói "xin vâng" trước những lời mời gọi khẩn thiết, khẩn thiết hơn bao giờ hết, cho việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Được đầy tràn sự hiện diện của Đức Kitô, Mẹ đã mang niềm vui đến cho Thánh Gioan Tẩy Giả, làm cho Ngài nhảy mừng trong dạ mẹ. Đầy tràn niềm vui, Mẹ đã hát bài ca ngợi khen những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện. Đứng dưới chân Thập Giá, với một Đức Tin kiên vững không lay chuyển, Mẹ đã đón nhận niềm vui an ủi của sự phục sinh, và cùng tham gia với các môn đệ đợi chờ Thần Khí để từ đó Giáo Hội truyền giáo được khai sinh. Xin ban cho chúng con một lòng nhiệt huyết mới được sinh ra bởi sự phục sinh, để chúng con có thể mang Tin Mừng Sự Sống cho tất cả mọi người Tin Mừng chiến thắng khải hoàn sự chết. Xin ban cho chúng con một sự can đảm thánh để tìm kiếm những con đường mới, để ân huệ của vẻ đẹp không phai tàn có thể chạm đến hết mọi người nam nữ. Lạy Đức Trinh Nữ chuyên cần lắng nghe và chiêm niệm, Mẹ của tình yêu, Tân Nương của tiệc cưới vĩnh cửu, Xin cầu cho Giáo Hội, mà Mẹ là biểu tượng vẹn sạch, để chớ gì Giáo Hội đừng khép mình lại trong chính bản thân mình hoặc mất đi niềm đam mê của việc thiết lập Nước Thiên Chúa. Lạy Ngôi Sao của công cuộc Phúc Âm Hoá, xin giúp chúng con mang lấy chứng tá chiếu toả ánh sáng cho sự hiệp nhất, phục vụ, của Đức Tin nhiệt thành và quảng đại, công lý và tình yêu cho người nghèo, để niềm vui của Tin Mừng có thể chạm tới được tận cùng trái đất, thắp sáng ngay cả những vùng ngoại biên của thế giới. Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống, suối nguồn của niềm hạnh phúc của Thiên Chúa dành cho những người bé mọn, xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia ! Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thờ Thánh Phêrô, vào dịp kết thúc Năm của Đức Tin, ngày 24 tháng 11, Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, năm 2013, năm thứ nhất của triều đại Giáo Hoàng của tôi. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, bản dịch của JOSEPH C. PHẠM ( Hết ) 11 CÙNG SUY NIỆM
  • 12. HÀNH TRÌNH TÌM ÁNH SÁNG CÔNG CHÍNH Tật nguyền không phải là tội. Nhất là người tật nguyền như Fanny Crosby đáng được toàn thể Giáo Hội Cơ Đốc Giáo kính phục. Fanny Crosby ( 1820 – 1915 ) là một người mù nhưng có hai điểm nổi bật. Bà thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh, gần như toàn bộ Tân Ước, Ngũ Kinh Môsê, Thánh Vịnh, Rút. Và sáng tác khoảng 8.000 bài thơ phổ nhạc. Fanny Crosby sinh tại ngoại ô thành phố New York ngày 4.3.1820 trong một gia đình tín đồ yêu mến Chúa. Bé Fanny bị bịnh mắt từ lúc mới được 6 tuần lễ. Thiếu ánh sáng đã là bất hạnh và cùng cực rồi, mà cha Fanny lại qua đời khi em chưa đầy 12 tháng để Fanny lại cho mẹ và bà nội nuôi. Mỗi khi đi ngủ bà kể chuyện tích Kinh Thánh cho Fanny nghe. Fanny rất yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của đất trời, yêu ánh nắng ấm rực rỡ cùng mùi thơm của muôn hoa và tiếng chim hót rộn ràng. Bù lại khuyết tật về mắt, Chúa cho Fanny có trí nhớ phi thường. Em có thể đọc các đoạn Kinh Thánh thật dài và nhớ rất lâu. Khả năng thiên phú về văn chương của em phát triển rất sớm. Năm 11 tuổi đã có thơ đăng báo. 15 tuổi, Fanny được nhận vào trường mù của thành phố New York. Cô trở thành sinh viên xuất sắc nhất trường về các môn văn chương, sử ký, triết học và khoa học. Âm nhạc là môn cô ưa thích nhất, cô chơi cả dương cầm và phong cầm. 24 tuổi, cô xuất bản tập thơ đầu tay tựa đề: Em gái mù và những vần thơ. 27 tuổi, cô được mời làm giáo sư tại trường mù và làm việc tại đó suốt 11 năm. Dù được học biết về Chúa Giêsu từ nhỏ nhưng mãi đến năm 30 tuổi, trong một buổi nhóm, sau khi nghe một bài Thánh Ca, Fanny mới thật sự cảm động dâng mình hầu việc Chúa. Từ đó trở đi, tất cả tài năng của cô được hiến dâng cho Chúa Giêsu. Dù bà thiếu ánh sáng thiên nhiên nhưng ánh sáng công chính luôn đầy dẫy, đúng như lời mẹ đã nói khi xưa. Bà sốt sắng muốn phổ biến ánh sáng cứu rỗi đó cho những người chưa biết đến Chúa, vì bà luôn ý thức được việc phục vụ Chúa bằng cách “truyền rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” và luôn mang trong lòng trọng trách “lo vực người đang lưu vong, sẵn vớt kẻ giữa dòng, truyền danh Giêsu ban cứu ân cho tội nhân…” ( Mana Plus ). Chúa Nhật 4 Mùa Chay được mệnh danh là Chúa Nhật Ánh Sáng, vì Tin Mừng theo Thánh Gioan tường thuật phép lạ Đức Giêsu chữa người mù được sáng mắt, lẫn sáng cả phần hồn. Tuy nhiên hành trình tìm Ánh Sáng của anh trải qua nhiều thách đố, tiêu biểu cho bất cứ ai muốn tìm thấy Ánh Sáng cứu rỗi. Thách đố bản thân Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa." Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. ( Ga 9, 6 ). Thách đố đầu tiên là chính bản thân anh mù, liệu có dám hoàn toàn phó thác và cậy trông vào quyền năng Đức Giêsu hay không ? Hay lại nghi ngờ bùn đất lại làm viêm nhiễm thêm đôi mắt vốn đã hỏng từ khi lọt lòng ? Hoặc chỉ mong đợi biệt dược quý hiếm, đắt tiền, hay bác sĩ nhãn khoa tài giỏi mới cứu chữa nổi ? Không hề nghi ngại, so đo, ngờ vực, anh mù vui vẻ vâng phục Thánh Ý ngay lập tức. Hơn nữa, ân huệ chỉ nhận được trọn vẹn, khi người nhận khao khát, sẵn sàng tích cực hợp tác, đón nhận, như thân hành đến hồ Silôê mà rửa. Vì Chúa luôn tôn trọng con người tự do chọn lựa. Thế còn Kitô hữu hôm nay, có dám noi gương, luôn sẵn sàng tuân theo Lời Chúa răn dạy hay không ? Thách đố gia đình bỏ rơi Đi theo tiếng Chúa gọi, cũng là từ bỏ tất cà, từ bản thân đến gia đình, bố mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, để trung kiên theo Ơn Gọi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân. Hôm nay, cha mẹ anh mù dù biết rõ tại sao con họ sáng mắt, cũng không dám ho he nói ra sự thật, kẻo mang họa. Như thế, anh mù mất chỗ dựa, mất hậu thuẫn huyết tộc gần gũi nhất, chỉ vì song thân lo mạng sống của họ, hơn là che chắn, bảo vệ, đồng hành với con. “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, tự nó nó nói về mình được” ( Ga 9, 20 – 21 ). 12
  • 13. Tuy nhiên anh mù chẳng hề tỏ ra nao núng, sợ hãi, dù đang cô đơn chống lại khuynh hướng chống Chúa, khước từ Đấng Cứu Thế. Niềm tin đang triển nở trong tâm hồn đã an ủi và che chở anh. Những thế lực thế gian đen tối luôn soi mói, rình rập, đe dọa, đàn áp, hòng dập tắt đi Ánh Sáng công chính và sự sống. Thách đố xã hội bất nhất Bá nhơn bá tánh, khó tìm được người đồng tình hay đồng hành trong đời. Nhất là can đảm đi theo Ánh Sáng thì càng đơn độc, lẻ loi, vì không xu thời, không a dua theo đời, không kiếm chác danh lợi phù phiếm, càng bị cô lập, cách ly ra khỏi xã hội thực dụng, cơ hội, hưởng thụ và duy vật. Anh mù thiệt dũng cảm, khí khái khẳng định với thiên hạ: “Chính tôi đây." Mặc cho thiên hạ nghi ngờ, đoán non đoán già, anh minh chứng hùng hồn phép lạ, hồng ân, mà anh vinh dự được trao ban. Dù khi đó, anh mới chỉ đơn giản nhận ra “Người tên là Giêsu” thế thôi. Chỉ là người gia ân, làm phước cho anh. Thế nhưng anh không hề lung lạc, bị động theo đám đông hỗn độn, mà vô ơn bất nghĩa, chối phắt hổng phúc mới lãnh nhận. Anh mù sáng mắt đã kiên quyết giữ vững lập trường, tôn trọng sự thật, xác tín lòng biết ơn và dũng cảm tuyên xưng công khai vị ân nhân. Anh đã vượt qua xã hội nhiễu nhương, hời hợt, chia rẽ, để trung thành với niềm tin, với Ánh Sáng giải thoát khỏi bóng đêm tăm tối cuộc đời. Thách đố quyền lực thù địch Nhưng có lẽ áp lực mãnh liệt nhất đối với anh mù vừa sáng mắt, chính là nhóm Pharisêu quá khích, hung hăng, thù hằn, thề bất cộng đái thiên với Đức Giêsu, Ánh Sáng Sự Sống. Họ có đủ thẩm quyền, để trừng phạt dứt phép thông công những ai bất tuân thủ theo họ. Họ cật vấn, dọa nạt, mớm lời, điều tra tới lui anh mù được sáng, hòng lung lạc anh phủ nhận kỳ công của Đức Giêsu. Nhưng trước sau như một, anh mù được chữa lành vẫn kiên quyết vững chãi lập trường, mà còn xưng tụng Đức Giêsu là một “ngôn sứ”. Một sự tiến bộ tinh thần rõ ràng. Ban đầu anh gọi ân nhân chỉ là “ông,” tiếp đến lại xưng là “ngôn sứ.” Đức Tin được chấp cánh mạnh mẽ bay cao. Kết cuộc, anh bị tống cổ ra khỏi hội đường, buộc dứt phép thông công với cộng đoàn, chỉ vì anh không yếu đuối, nhu nhược, hèn nhát phản bội, lại can đảm làm chứng nhân Đức Giêsu, Ánh Sáng Cứu Độ. Ngoạn mục vượt qua cả bốn thử thách cam go, bị trù dập, lên án, bị bỏ rơi, anh liền được Đức Giêsu tìm đến an ủi, che chở. Anh mù đã tìm được trọn vẹn Ánh Sáng tâm linh. “Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” ( Ga 9, 38 ). “Đừng ham cãi vã sôi nổi, con sẽ ra mù quáng. Đam mê như mây mù, che khuất ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa” ( Đường Hy Vọng, số 210 ). Lạy Chúa Giêsu, xưa Người đã đoái thương mở mắt, mở lòng anh mù, nay xin Người cũng ban cho chúng con Ánh Sáng Sự Sống, dìu dắt chúng con vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thân xác nặng nề, của tình cảm gia đình ủy mị, của sự dửng dưng, bất đồng của xã hội, lẫn của quyền lực đen trấn áp đe dọa. Lạy Mẹ Maria, Đức Tin của Mẹ cũng trải qua biết bao phong ba thử thách, từ khi Mẹ “Xin Vâng.” Kính xin Mẹ phù hộ, cầu bầu chúng con luôn trung thành như Mẹ trong niềm phó thác, cậy trông. Amen. AM. TRẦN BÌNH AN MÙA CHAY, SUY NIỆM SỰ TRỞ VỀ Trong số các mùa của Năm Phụng Vụ thì Mùa Chay luôn gợi lại trong tâm trí chúng ta ấn tượng về điều gì đó dường như là khô khan, sầu buồn: không có lễ cưới, bàn thờ không trưng hoa, không đọc Halleluia sau Phúc Âm, lại năng ngắm đàng Thánh Giá, ngắm Sự Thương Khó Chúa Giêsu v.v… Tất cả những hình thức ấy tất nhiên phải chứa đựng một ý nghĩa nào đó, mà theo tôi, chính là để nhắc nhở cho ta sự trở về. 13 CÙNG PHÂN TÍCH
  • 14. Thật vậy, ai cũng biết Lễ Tro là khởi đầu của Mùa Chay. Trong Thánh Lễ có Lời Chúa nhắc nhở “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành từ bi nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về các tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại mà hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi” ( Gr 2, 12 – 14 ). Tại sao trở về với Chúa lại phải diễn ra trong nước mắt và than van ? Lý do bởi vì Thiên Chúa là Đấng Cha nội tại ở trong ta. Quả thật, Thiên Chúa là Cha nhưng vì vô minh nên con người không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Kitô: “Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 27 ). Đức Kitô xuống thế mạc khải Đấng Cha có nghĩa là Ngài đã chỉ cho chúng ta một sự thật và sự thật ấy vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết. Tôn giáo cũng gọi là đạo, tức con đường tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài nơi thế giới ngoại vật, nhưng nó đã sẵn đủ ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Đức Kitô đã diễn tả ý này qua dụ ngôn “Người con hoang đàng trở về”. Người con ấy có một người cha giàu có vô lượng và đầy tình thương yêu. Thế nhưng bởi không nhận thức được điều ấy nên người con mới đòi chia gia tài để ra đi tìm kiếm hạnh phúc mà anh ta tưởng rằng sẽ có ở một nơi nào đó. Có mớ tài sản trong tay, người con mặc tinh ăn chơi phung phí cho đến khi hết tiền, hết bạc, hết cả bạn bè, đói khổ đến nỗi muốn xin cả cám heo để ăn mà người ta cũng không cho. Quá ư đau khổ, người con mới ngộ ra một điều rằng "biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói” ( Lc 15, 17 ). Nhận biết khổ là bước đầu cần thiết trong tiến trình tìm kiếm chân lý. Nhận biết khổ cũng có nghĩa là nhận ra sự phù phiếm của thế gian, đồng thời không còn có chỗ nào nữa để bám víu nương tựa. Bước thứ hai là nhận biết tội lỗi mình: “Cha ơi, con đã lỗi phạm với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin hãy đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 18 ). Nhận biết tội và thành tâm hối lỗi đó là ý nghĩa của nước mắt và than van… Mặt khác, việc hối lỗi ấy chỉ thành thật khi nào con người nhận thức được nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Nỗi thống khổ thật sự của con người trong mọi thời mọi nơi không phải là vì đói cơm rách áo nhưng là bởi vô minh không nhận biết sự thật. Phật Thích Ca nói: "Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục. Nỗi khổ của con lạc đà chở nặng. Nỗi khổ đói khát của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Ngu si không biết lối đi mới thật là khổ” ( Kinh Lời Vàng ). Khổ vì bị thiêu đốt trong địa ngục, khổ vì đói khát của ngạ quỷ… chưa thực là khổ bởi vì đó chỉ là hậu quả của cái nhân vô minh. Bao lâu còn bị vô minh trói buộc thì còn gây tội, mà tội đã gây thì không có cách chi thoát khỏi khổ não. Chính bởi lẽ đó ta thấy vấn đề khổ đau của con người chỉ có thể giải quyết bằng cách diệt trừ cái nhân vô minh ấy đi. Mùa Chay là cơ hội vô cùng quý báu để giúp ta trở về với Đấng ở nơi mình. Trở về chỉ có thể là về với Đấng ở nơi mình. Cũng chính bởi vậy Chúa mới đòi ta cần xé lòng chứ không phải xé áo. Ý nghĩa của việc xé lòng ở đây chính là con đường từ bỏ của Đức Kitô. I. Con đường từ bỏ Vô minh hình thành bởi hai cái chấp, một là chấp xác thân là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình. Để có thể trở về với Đấng Chúa ở nơi mình thì nhất thiết cần trừ bỏ hai cái chấp ấy đi. Đức Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có nỗi lo lớn là vì có thân. Nếu ta không có thân thì chẳng có lo” ( Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn – Đạo Đức Kinh, chương 13 ). Người ta không ai mà không có thân xác nhưng cũng chính vì vậy nên mới khổ. Lý do bởi vì có thân thì phải lo cho nó cái ăn cái mặc. Không ăn thì đói lả bước đi không nổi. Không có áo quần thì không có cái gì che thân, rét mướt chịu không thấu. Lại nữa có thân thì có bệnh, có già, có chết, chẳng tránh đi đâu được. Có thân thì phải lo cho thân, điều ấy rất tự nhiên không có chi để nói. Tuy nhiên cái thật sự làm nên tội ở đây không phải là vì có thân nhưng do chấp xác thân là mình. Chính bởi chấp xác là mình nên mới làm đủ cách để cung phụng cho nó mọi thứ đặc sản cao lương mỹ vị. Mặc cho nó lụa là gấm vóc, làm nhà cao cửa rộng với đầy đủ tiện nghi cho nó. Một khi đã lo như thế thì phải làm sao có thật nhiều tiền, nhiều thế lực để bảo đảm không những cho bản thân mà còn cho con cái cháu chắt cháu kể cả các… đồng chí của mình nữa ! Lo thì lo như vậy đấy nhưng rồi vẫn bệnh vẫn già vẫn chết, có được gì đâu ? 14
  • 15. Người đời có ngàn vạn nỗi lo, có vẻ như không lo không được, nhưng Đức Kitô lại nói: “Vậy nên Ta nói cùng các ngươi, đừng lo lắng về mạng sống mình, phải ăn gì uống gì hoặc về thân thể mình phải mặc gì. Mạng sống há chẳng hơn đồ ăn và thân thể hơn đồ mặc sao ?" ( Mt 6, 25 ). Chúa nói đừng quá ư lo lắng cho thân xác bởi vì có lo đến đâu thì nó cũng phải có ngày tan hoại. Với Chúa thì điều đáng cần lo là lo tìm kiếm Nước Trời, cái không bao giờ hư hoại: “Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho” ( Mt 6, 33 ). Nước Trời cần tìm kiếm ấy, mầu nhiệm thay lại chẳng ở đâu xa, mà đã sẵn đủ ngay ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Bởi vì Nước Trời là một thực tại tâm linh, thế nên mới cần quay về và việc quay về ấy chính là để làm hòa với Đấng ở nơi mình. Có tinh thần làm hòa như thế thì việc ăn chay mới có ý nghĩa. Trái lại thì đáng bị phê phán: “Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình, vì họ nhăn mặt để tỏ vẻ kiêng ăn với người ta. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi ăn chay, hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt hầu không tỏ vẻ kiêng ăn với người ta, nhưng chỉ tỏ cho Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật, và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 16 – 18 ). Bởi Thiên Chúa là Đấng ở nơi ẩn mật, tức trong chốn thẳm sâu tâm hồn, thế nên cần phá chấp mới có thể vào ( ngộ nhập ) với Ngài được. Tuy nhiên trong hai cái chấp cần phải phá ấy thì chấp tâm là khó phá hơn cả, bởi vì đó chính là ý riêng, cái làm cho ta xa cách Thiên Chúa: “Không sự gì, cũng không ai có thể làm ta xa cách Thiên Chúa, dù cả loài người hay dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại. Không một sự gì có thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Theo lời Thánh Benado nói: "Giả sử trong loài người khỏi được cái tai vạ này, tức không còn ai theo ý riêng tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức” ( Thánh An Phong – Nữ Tu Thánh Thiện ). Tại sao ý riêng lại là thứ tai vạ lớn như thế ? Xin thưa là vì đó là mưu chước của Satan, nó khiến nguyên tổ xưa kia bị đuổi khỏi Địa Đàng ( Paradis ) và con người ngày nay đã quên mất đường về. II. Đường về Nhà Cha Nhân loại hôm nay như đang ở bên bờ của sự diệt vong mà nguyên nhân đưa đến cho nó theo Heidegger, triết gia hàng đầu của thế kỷ 20, nói là do đã "lãng quên Tính Thể ( oublie de l'Être ). Nói “Tính Thể” là theo triết học, còn thần học gọi là Thiên Chúa. Triết học “quên” Bản Tính, còn thần học thì chính là khai tử Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ). Quên Thiên Chúa cũng tức là quên mất phẩm tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Một khi đã “quên” như thế thì con người mặc nhiên trở thành những đứa con hoang, sống mà không biết mục đích sống để làm gì. Người có đạo là người có con đường tâm linh để bước đi, nhưng bước đi thế nào được nếu không có Đức Kitô dẫn đường chỉ lối: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Câu này là một mệnh đề hoàn chỉnh gồm có hai vế không thể tách rời. Tách đi một vế thì vế còn lại trở nên vô nghĩa. Thần học ngày nay với chủ trương Quy Kitô ( Christocentrisme ) đã tách đi vế hai để chỉ còn vế một “Ta là đường là sự thật và là sự sống”. Tách như thế thì đường tâm linh đương nhiên trở thành... đường cụt, tức đã mất đường về với Cha. Con đường trở về ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, một là trở về với Đấng Cha nội tại, tức Bản Tính Con Thiên Chúa nơi mình. Để có thể theo được nghĩa này thì chỉ có những bậc đại triệt đại ngộ như Ngôn Sứ Isaia thời Cựu Ước hoặc Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assisi thời Tân Ước mới có thể thực hiện. Còn với tuyệt đại đa số thì đường về ấy là về Quê Thật là Nước Thiên Đàng đời sau. Mặc dầu vậy, cả hai con đường này đều rất chân thật, đồng thời đòi hỏi mỗi người cần thực hiện đầy đủ cả ba nhân đức Tin Cậy Mến. Tin ở đây trước hết là tin vào lượng từ bi nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa, Đấng quả thật là Cha mình. Đấng Cha ấy như trong dụ ngôn là người cha đầy lòng thương xót: “Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha. Khi còn ở đàng xa, cha thấy nó thì động lòng thương xót chạy ra, ôm lấy cổ nó mà hôn riết” ( Lc 15, 20 ). Mùa Chay còn gọi là Mùa Đại Phúc, với hàm ý đây là quãng thời gian vô cùng quý báu dành cho mỗi người, bất kể người ấy đã xa lìa Chúa bao lâu, phạm những tội lỗi gớm ghiếc nào… Hơn nữa, tội càng nhiều bao nhiêu lại càng được thứ tha nhiều bấy nhiêu nếu thực lòng sám hối ăn năn. Bởi lẽ chính những con người ấy mới là đối tượng của lòng xót thương: “Bởi Con Người đến để cứu vớt kẻ bị hư mất” ( Mt 18, 11 ). PHÙNG VĂN HÓA, Trà Cổ, Mùa Chay Thánh 2014 15
  • 16. PHONG CÁCH PHANXICÔ BÀI 8. PHANXICÔ LÀ MỘT PHẢN CHIẾU TRUNG THỰC NHẤT MẶT TRỜI KITÔ CHO MỌI THỜI ĐẠI Truyền thuyết Trung Hoa tin rằng sở dĩ có nhật thực là vì trên trời có một con chó thần nuốt mặt trời vào bụng nó: Thiên Cẩu Thôn Nhật 天 狗 吞 日 . Trong truyện Cô Gái Đồ Long ( hay là Ỷ Thiên Đồ Long ký) của tác giả Kim Dung 金庸 ( Jin Yong ), vào năm 2006 ông được độc giả bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất ở Trung Quốc, kịch tính được đẩy lên đỉnh cao khi khi Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, người bị mù cả hai mắt, đang phải quyết đấu một mất một còn với kẻ cựu thù Thành Khôn, người sáng cả hai mắt, phần thắng đang nghiêng về Thành Khôn. Để cho cuộc tử chiến được công bằng, Kim Dung đã chọn thời gian có hiện tượng nhật thực, khiến cho Thành Khôn có mắt cũng như mù. ( Trích) Lúc ấy trên trời bỗng u ám, hình như có đám mây đen che phủ mặt trời, đột nhiên có người la lớn: "Thiên cẩu nuốt mặt trời !" Lúc ấy Thành Khôn có mắt cũng như mù, thoạt đầu y còn hơi trông thấy hình bóng của Tạ Tốn càng tấn công càng nhanh, trong bóng tối chỉ thấy Thành Khôn rú lên những tiếng rất thảm khốc. Thì ra ngực của y bị Thất thương quyền của Tạ Tốn đánh trúng. ( hết trích ). Trước 1975 mỗi khi có chuyến bay từ Hongkong đến là có người túc trực tại sân bay Tân Sơn Nhất nhận tờ Hông Kông Minh Báo để mang về ngay cho ông Bùi Xuân Trang ( 1909 – 1979 ) có bút danh Hàn Giang Nhạn ( nghĩa là con chim nhạn phương Bắc thiên di về miền Nam, vì ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1953 ), dịch ngay sang tiếng Việt để đăng kịp trong các tờ nhật báo tại Miền Nam xuất bản vào buổi chiều. Ông thông thạo cả Pháp Ngữ lẫn Hoa Ngữ, còn có bút danh khác là Thứ Lang ( dùng cho văn chương và khảo cứu ) và Vô Danh Khách ( dùng cho truyện hài hước ). Ngày nay các nhà xuất bản cứ tha hồ mang các bản dịch này ra xào nấu lại nhưng với tên các người dịch khác. Lão tiền bối Hàn Giang Nhạn tiên sinh đã ra người thiên cổ, đâu còn tranh cãi được nữa, khỏi cần phải mất công tìm con cháu trả tiền bản quyền. Kim Dung cũng có biệt tài như nhà văn Anh Charles Dickens ( 1812 – 1870 ) là viết rất hay và khỏe mà không cần phải hoàn chỉnh một tác phẩm mới đem ra xuất bản. Mỗi ngày cả hai ông chỉ cần viết ra một phần truyện đủ để đăng báo nhưng không bao giờ có ý trùng lắp cũng như lẫn lộn các nhân vật trong truyện. Hiện nay nhiều bạn trẻ đang say mê thể loại Võng Du 网游 nói nôm na là truyện online. Ở đây ta lại thấy cách dịch nghĩa rất máy móc chữ online, một từ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Người Hoa không dùng mẫu tự Latin, nên đành phải viết là “Võng Du”. Tại sao cứ phải theo Tầu mà gọi ngô nghê như thế trong khi tiếng Việt có thể viết ra chữ online mà ai cũng hiểu ngay. Hồi xưa, tổ tiên ta vì chưa thông thạo Quốc Ngữ đã phải dịch Papa là Giáo Hoàng. Tại sao ngay đến thế kỷ 21 mà ta cứ phải duy trì từ Giáo Hoàng mà không dám dùng chữ Papa mà mọi người trên thế giới đều thường sử dụng ? Tân Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc của Tổng Giáo Phận Sàigòn trong các năm 1964 – 1970 học tại Đại Học Truyền Giáo Urbaniana, Roma. Trong thời gian đó, cũng như mọi người Ý khác, ngài phải gọi vị Đại Diện Đức Kitô là Papa Paulus VI. Bây giờ, nếu có sang Roma gặp vị thủ lãnh Nhà Thờ hiện nay thì ngài cũng phải gọi là Papa Francisco thôi. Tại sao khi dùng tiếng Việt, ngài lại không thể nói như thế được ? Bây giờ thiếu mất ngòi bút sắc sảo của Hàn Giang Nhạn, đọc các bản dịch truyện Tầu dựa trên công cụ Google Translate của đám hậu sinh khả úy thì dễ bị tẩu hỏa nhập ma, giống như lỡ nuốt phải bánh bao thiu. ( Trích minh hoạ Võng du chi Thiên Cẩu Thôn Nhật, Chương 864: Hỗn độn tiên sinh. Cho nên Jehovah ngay từ đầu liền thi triển sát thủ, kim sắc bàn tay to tràn ngập hủy thiên diệt mà lực lượng, cho dù là chuẩn thánh điên phong Minh Hà cũng vô pháp ngăn cản. Minh Hà trong mắt lộ ra tuyệt vọng thần sắc, vốn là đa nghi hắn nhìn đến phương Tây Thần Vương cường giả động thủ Vân Tiêu nhưng không có xuất hiện, nhịn không được mắng to nói: “Chết tiệt dị nhân chó điên, ta còn là thượng ngươi đương” ( hết trích ). 16 CÙNG KHÂM PHỤC
  • 17. Từng chữ trong Kinh Thánh đều có tầm quan trọng đến độ đã có lời cảnh báo nghiêm khắc: Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này ! Ai mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này !” ( Kh 22, 18 – 19 ). Trong Kinh Thánh từ “mặt trời” đã được dùng đến 160 lần. Sách Malachi, bộ sách cuối cùng của Cựu Ước đã nói về lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa sẽ được thể hiện như là sự xuất hiện của mặt trời: Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng ( Ml 3, 20 ). Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, bộ sách đầu tiên của Tân Ước, ghi lại Đức Kitô xuất hiện như một ánh sáng huy hoàng. "Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi" ( Mt 4, 12 – 16 ). Nói về diện mạo đích thực của Đức Kitô, Thánh Mátthêu không ngần ngại dùng ngay chữ “mặt trời”. "Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng" ( Mt 17, 1 – 2 ). Thưở tôi còn bé, mỗi khi có nhật thực là đám trẻ trong xóm chúng tôi đi lấy ngay một chậu nước mang ra ngoài sân để quan sát nhật thực. Đúng hơn là tham gia một trò chơi con nít vì có biết gì đâu mà quan sát. Thời đó làm gì có các loại kính râm đặc biệt mang ký hiệu UV, tức là có thể ngăn chặn được tia cực tím ( ultraviolet ), giúp ta nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị lóa mắt. Dĩ nhiên, mặt trời mà ta thấy được trong chậu nước đâu có phải là mặt trời thật, nhưng ít nhất chậu nước cũng là một phản chiếu hình ảnh của mặt trời. Loạt bài Phong Cách Phanxicô muốn nhấn mạnh đến sự phản chiếu rất trung thực, rất nhiều tác giả nhận định là trung thực nhất trong mọi thời đại, chân dung Đức Kitô, nơi con người Phanxicô. Cả cuộc đời anh chỉ thực hiện một một hoài bão duy nhất như anh đã nghe Chúa nói mình: “Hãy sửa lại ngôi nhà đang đổ nát của ta.” Thoạt tiên anh chỉ hiểu đó là một ngôi nhà thờ ( viết thường ), về sau anh mới nhận ra Nhà Thờ này phải được viết hoa (có nghĩa là toàn thể cơ cấu Hội Thánh tức là Nhà Thờ Đức Kitô ), sau cùng anh mới nhìn ra, đòi hỏi lớn nhất của Chúa chính là sự sống của Đức Kitô nơi mỗi Kitô Hữu. Không có mặt trời, một chậu nước chỉ là một chậu nước, nhưng khi có mặt trời, vì ta không thể nhìn thẳng vào nó mà không bị lóa mắt, nhìn vào chậu nước ta sẽ thấy được mặt trời. Giờ đây nó trở nên dịu dàng trìu mến và thích hợp với sự lĩnh hội rất nhỏ nhoi và giới hạn của ta. Ta vẫn có thể hiểu được mặt trời là như thế đó. Papa Phanxicô hiện nay muốn đem phong cách Phanxicô ra để lãnh đạo Dân Thiên Chúa trong hành trình Lòng Tin. Đây là sự phản chiếu rất tuyệt vời chân dung đích thực Đức Kitô cho toàn thế giới. Theo bước Đức Kitô, ta sẽ được Người đưa ta đến nơi Người muốn, đó là nơi ở của Người và của Cha Người. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành ( Ga 17, 14 ). Lạ lùng thay, chính Đức Kitô nói ra rằng ta cũng sẽ trở nên những mặt trời. "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ" ( Mt 13, 43 ). NGUYỄN TRUNG, 3.2014 17
  • 18. BÁO CHÍ HAY… BÁO HẠI ? Thông tin là một trong những điều thiết yếu của cuộc sống, nó thường là nguyên nhân của một sự thay đổi mạnh mẽ nào đó trong cuộc sống của con người, thay đổi tích cực hay thay đổi tiêu cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng một trong các yếu tố đó là phẩm chất của thông tin. Trên Facebook của một người bạn đã từng viết đại khái thế này: Thật bất nhẫn khi đưa các hình ảnh của những nạn nhân bị hiếp dâm hay những con người có phận đời khốn khổ mà chả cần biết những người ấy có muốn được “nổi tiếng”, muốn được lên báo hay không. Trong một chừng mực nào đó, báo chí, truyền hình phải lột tả được sự chân thực, tuy nhiên trong cái chân thực ấy nhiều khi bị lạm dụng, bị bóp méo, thậm chí là cả một sự giả dối đáng khinh bỉ, điển hình như vụ cãi vã, kiện cáo lùm xùm trong chương trình “Như chưa từng có cuộc chia ly” mới đây. Tin tức bây giờ dường như là tin để… tức, vì người nhận tin bị xỏ mũi nhiều hơn là để thu thập những thông tin hữu ích. Do đó, nhiều khi báo chí lại trở thành… báo hại, xem xong thêm bực mình ! Thêm một điển hình nữa như đường link dưới đây: http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/6-lam-tuong-ngo-ngan-ve-pha-thai-20140317085311297.htm. Đường link trên được dẫn từ một bài báo không ghi rõ tên tác giả, lại nằm trong mục nuôi dạy con của báo giadinh.net đăng ngày 22.3.2014. Nội dung của bài "báo hại" trên nhằm đả phá 6 vấn đề lâu nay vẫn được coi là những sai lầm ngớ ngẩn từ chuyện nạo phá thai nơi người phụ nữ như sau: • Phá thai là nguyên nhân gây ung thu vú • Phá thai sẽ dẫn tới hậu quả vô sinh • Hầu hết đều hối tiếc sau khi phá thai • Khi nhìn thấy hình ảnh siêu âm thai nhi, sẽ không muốn phá thai nữa. • Phá thai gây tổn hại tâm lý • Phá thai gây nguy hiểm cho sức khỏe và cuộc sống Ý kiến của phóng viên nào đó còn ngụ ý rằng: Các phụ nữ có quan điểm đi ngược lại với nội dung bài viết thì là ngớ ngẩn, thậm chí là sai lầm oan uổng ! Tác giả bài "báo hại" này còn nguỵ biện rằng viết như thế không nhằm khuyến khích phá thai. Và rồi như thể muốn tránh né trách nhiệm, sợ bị búa rìu của độc giả, ra cái điều áy náy lương tâm, tác giả bèn thòng thêm một câu: ấy là chỉ muốn xét trên quan điểm khoa học mà thôi, sau đó là viện dẫn các chỉ số thống kê, các hội thần kinh tận đâu bên Mỹ, nhưng lại chẳng đưa ra được đường link nào để độc giả kiểm chứng. Thật là độc ác và vô lương tâm, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Trước khi đi vào 6 vấn đề trên, chúng ta hãy xét cụm từ “Phá thai an toàn và hợp pháp”. Làm gì có khái niệm phá thai hợp pháp ? Nếu chính bản thân luật pháp hiện hành đã không phù hợp với luân lý tự nhiên của con người thì không thể bảo một chuyện nào đấy có hợp pháp hay không. Vấn đề nằm ở chỗ cái gọi là luật pháp bây giờ đâu có công nhận thai nhi là một con người, chứ nếu như đã coi thai nhi là một con người thì luật pháp nào lại cho phép giết người ? Chẳng qua những người làm luật của Việt Nam ta đã cưỡng chế luật nhằm hợp thức hóa tội ác phá thai mà thôi. Bên cạnh đó, người ta bày ra những mỹ từ nhằm đánh lạc hướng hiểu biết của xã hội, phủi tay chối quanh về hành vi giết người kinh khủng như: tầm soát, sàng lọc trước sinh, kế hoạch hóa gia đình, điều hòa kinh nguyệt, chấm dứt thai kỳ… 18 CÙNG CẢNH BÁO