SlideShare a Scribd company logo
1 of 57
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
=============================
NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở
GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Tôn giáo học
Hà Nội - 2014
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
=============================
NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở
GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học
Mã số: 60 22 90
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng
Hà Nội - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn Thạc sỹ với đề tài “Khảo cứu dòng Mến
Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay” được hoàn thành dưới sự
hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Quang Hưng là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu trong Luận văn hoàn toàn trung thực và
chưa công bố. Các thông tin, tài liệu sử dụng trong Luận văn có nguồn gốc,
trích dẫn rõ ràng.
Tác giả Luận văn
Nguyễn Thị Bích Ngoan
LỜI CẢM ƠN!
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo trong
khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
ĐHQGHN, đã đào tạo, giúp đỡ em trong suốt thời gian học tập vừa qua và
đã tạo điều kiện cho em được thực hiện luận văn tốt nghiệp này.
Đặc biệt, em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo PGS. TS
Nguyễn Quang Hưng, người đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho
em từ những bước đầu tiên cho đến khi hoàn thành luận văn này.
Em cũng xin cảm ơn chân thành tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,
những người đã luôn động viên, giúp đỡ trong suốt thời gian em học tập và
làm luận văn.
Em xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 9 năm 2014
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Bích Ngoan
1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................3
1. Tính cấp thiết của đề tài ............................................................................3
2. Lịch sử nghiên cứu....................................................................................4
3. Mục đích và nhiệm vụ.............................................................................14
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................14
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu .............................................15
6. Ý nghĩa của Luận văn .............................................................................15
NỘI DUNG .................................................................................................16
Chương 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG
MẾN THÁNH GIÁ Ở VIỆT NAM VÀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
PHÁT DIỆM..............................................................................................16
1.1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh
giá ở Việt Nam.........................................................................................16
1.2. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá
Phát Diệm ...............................................................................................32
Tiểu kết chương 1: .....................................................................................38
CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM .........................39
2.1. Cơ cấu tổ chức...................................................................................39
2.2. Đời sống tu trì..................................................................................44
2.2.1. Quá trình huấn luyện và đào tạo nữ tu.......................................45
2.2.2. Tuân giữ ba lời khấn dòng..........................................................54
2.2.3. Đời sống cầu nguyện ..................................................................57
2.2.4. Đời sống cộng đoàn....................................................................61
2
2.3. Hoạt động tông đồ...........................................................................64
2.3.1. Hoạt động tông đồ giáo xứ.........................................................67
2.3.2. Hoạt động tông đồ xã hội..........................................................69
2.4. Xu hướng phát triển và một số vấn đề đặt ra trong công tác
quản lý nhà nước đối với hoạt động của dòng Mến Thánh giá
Phát Diệm hiện nay ..............................................................................74
2.4.1. Xu hướng phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm trong
thời gian tới...........................................................................................74
2.4.2. Một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt
động của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hiện nay .................................76
Tiểu kết chương 2: .....................................................................................86
KẾT LUẬN................................................................................................88
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................90
PHỤ LỤC...................................................................................................96
3
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong cơ cấu tổ chức của giáo hội Công giáo, dòng tu là một bộ
phận cấu thành và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của giáo
hội. Nó là một hệ thống tổ chức vừa lo nghiên cứu, duy trì, củng cố đức tin
vừa lo truyền giáo, phát triển đạo. Sau Công đồng Vatican II (1962-1965)
với đường lối canh tân và thích nghi, một số vấn đề liên quan đến dòng tu,
nhất là dòng tu nữ đã có sự thay đổi nhằm thích nghi với thời đại mới. Vai
trò truyền giáo, củng cố đức tin, mở rộng vùng giáo của các dòng tu thông
qua sự dấn thân một cách trung thành bền bỉ của tu sĩ đã được giáo hội
Công giáo nhìn nhận và đánh giá.
Ở Việt Nam, dòng tu được du nhập và hình thành cùng với quá trình
truyền giáo và phát triển đạo của giáo hội Công giáo. Là một tổ chức có vai
trò quan trọng ngay từ khi Công giáo được truyền bá vào, dòng tu đóng vai
trò như “chiếc cầu nối” đưa đạo Công giáo đến Việt Nam đồng thời vừa có
vai trò trong việc gây dựng tổ chức, truyền giáo và phát triển đạo. Bên cạnh
những dòng tu có nguồn gốc nước ngoài du nhập vào nước ta thì tại các
giáo phận trong nước, dòng tu cũng được thành lập. Những dòng tu này
được gọi là dòng thuộc quyền giáo phận hay dòng giáo phận. Trong số đó,
dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ thuộc quyền giáo phận được thành
lập sớm nhất ở Việt Nam. Đây là dòng tu đầu tiên mang bản sắc Á Đông,
vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, có lời khấn sống thành cộng đoàn theo
một bản luật, trực thuộc giám mục giáo phận và hoạt động chủ yếu
hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Hiện nay, ở nước ta có 23
dòng Mến Thánh giá hoạt động trong hầu hết các giáo phận, là hội dòng
có nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ tại Việt Nam.
4
Giáo phận Phát Diệm hiện nay trước đây là một phần của giáo phận
Bắc kỳ Duyên Hải (quen gọi là giáo phận Thanh) thành lập năm 1901. Năm
1924, giáo phận Thanh đổi tên là giáo phận Phát Diệm theo địa giới hành
chính nơi đặt tòa giám mục. Đến năm 1932 Tòa thánh phân chia giáo phận
Phát Diệm thành hai giáo phận là giáo phận Thanh và giáo phận Phát Diệm.
Phát Diệm là một trong những giáo phận có vị trí quan trọng của giáo hội
Công giáo Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của một số vị linh mục, giám
mục nổi tiếng như linh mục Trần Lục, giám mục Việt Nam tiên khởi
Nguyễn Bá Tòng, giám mục Lê Hữu Từ. Hơn nữa, đây cũng là nơi hình
thành và du nhập của một số dòng tu như dòng Mến Thánh giá, dòng
Thánh Phaolô Thành Chartre, dòng Đức Bà Truyền giáo, dòng kín Cát
Minh, dòng Sư huynh Lasan, dòng Xitô Châu Sơn. Cho đến hiện nay, tại
giáo phận Phát Diệm chỉ có dòng Mến Thánh giá và dòng Xitô Châu Sơn
còn tồn tại và phát triển. Trong đó, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng
tu nữ được thành lập tương đối sớm so với các dòng Mến Thánh giá ở Việt
Nam và cũng là dòng Mến Thánh giá đầu tiên được cải tổ và ban hành luật
mới. Vì vậy, tìm hiểu và nghiên cứu về một dòng tu nữ ở một giáo phận
tiêu biểu như giáo phận Phát Diệm là một điều cần thiết. Tuy nhiên, cho
đến hiện nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có
hệ thống về lịch sử hình thành, phát triển, đời sống tu trì cũng như hoạt
động của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm. Xuất phát từ
những lý do trên, chúng tôi chọn Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo
phận Phát Diệm hiện nay làm đề tài nghiên cứu Luận văn chuyên ngành
Tôn giáo học.
2. Lịch sử nghiên cứu
Nhìn chung, hiện nay số lượng các công trình nghiên cứu về dòng tu
Công giáo ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là những công trình nghiên cứu
5
chuyên biệt về dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam nói chung và dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm nói riêng còn tương đối ít. Có thể phân chia các công
trình nghiên cứu về dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và dòng Mến Thánh
giá Phát Diệm thành các nhóm như sau:
Các công trình nghiên cứu về lịch sử Công giáo ở Việt Nam đã ít
nhiều đề cập đến dòng tu Công giáo và dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam
như bộ sách Giáo hội Công giáo ở Việt Nam (gồm 3 quyển) xuất bản năm
1998 của Bùi Đức Sinh. Đúng như tên gọi, bộ sách là một cái nhìn tổng
quát về lịch sử của giáo hội Công giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ. Trong
bộ sách này, tác giả Bùi Đức Sinh phân chia lịch sử của giáo hội Công giáo
ở Việt Nam thành 4 thời kỳ. Một là, thời kỳ mở đường và đặt nền móng
(trước thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII). Hai là, thời kỳ xây dựng và tổ
chức (từ giữa thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XIX). Ba là, thời kỳ vươn lên
trong thử thách đau thương. Bốn là, thời kỳ kiến thiết và tiến tới trưởng
thành (từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX). Phần viết về dòng tu được
tác giả trình bày rải rác trong nhiều chương khác nhau và chủ yếu khái quát
về lịch sử hình thành, phát triển và công cuộc truyền giáo của các dòng tu
đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của tu sĩ các dòng tu trong quá trình
truyền giáo ở Việt Nam. Quyển III của bộ sách là liên quan đến nội dung
của luận văn hơn cả, bởi lẽ trong quyển này ngoài việc khái quát quá trình
phát triển và tình hình hoạt động của các giáo phận Công giáo ở Việt Nam
thì tác giả còn trình bày sơ lược quá trình du nhập của một số dòng tu Công
giáo vào Việt Nam cũng như sự ra đời của các dòng tu Công giáo ở Việt
Nam từ giữa thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XX. Bên cạnh đó, tác giả còn
phân tích sự phát triển và tình hình hoạt động của các dòng tu trong các
giáo phận ở Việt Nam, trong đó tác giả trình bày khá cụ thể hoạt động của
dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Thanh (Phát Diệm) từ khi giáo phận được
6
thành lập cho đến giữa thế kỷ XX. Có thể nói, cuốn sách này là nguồn tư
liệu quan trọng và có giá trị trong quá trình khảo cứu và trình bày lịch sử
hình thành của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm.
Tiếp đến là cuốn sách Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt
Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, xuất bản năm 2001 tác giả Nguyễn Văn
Kiệm. Trong cuốn này tác giả đã giới thiệu sơ lược về sự ra đời của dòng
Mến Thánh giá cũng như vai trò và sự đóng góp đáng kể của các nữ tu Mến
Thánh giá trong các hoạt động tông đồ, nhất là trong những thời kỳ cấm
đạo. Ngoài ra, phần Phụ lục của cuốn sách đã trích dẫn 2 bản luật, một là
“Luật lệ của dòng chị em Mến câu rút năm 1670” do giám mục Lambert
soạn năm 1670. Hai là, bản chuyển qua tiếng Việt dễ đọc một số đoạn
trong “sách phép” của dòng chị em Mến câu rút Đ.C.J. Có thể nói, cuốn
sách đã đem lại cho chúng tôi nguồn tư liệu quan trọng trong quá trình tìm
hiểu lịch sử dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam cũng như hiểu rõ đời sống tu
trì của nữ tu Mến Thánh giá.
Công trình Giáo hội Công giáo Việt Nam-Niên giám 2005 của Hội
đồng Giám mục Việt Nam (Nxb Tôn giáo, Hà Nội). Nội dung của cuốn
sách được chia thành 3 phần với 48 chương, trong đó liên quan trực tiếp
đến nội dung của luận văn là chương 18 với nhan đề “Các tổ chức tu trì tại
Việt Nam” đã giới thiệu khái quát ba hình thức tu trì tại Việt Nam là Dòng tu,
Tu hội đời và Tu đoàn Tông đồ. Ngoài việc thống kê tên gọi của các hình thức
tu trì, nội dung phần này cũng đã trình bày sơ lược lịch sử, các hoạt động,
nhân sự của các Dòng tu, Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ. Tuy nhiên, đây là
cuốn sách Niên giám cho nên mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược về các
dòng tu Công giáo chứ chưa đi sâu phân tích, làm rõ quá quá trình ra đời, phát
triển cũng như đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu.
7
Cuốn sách Lịch sử địa phận Phát Diệm 1901-2001 (Lưu hành nội
bộ). Cuốn sách đã trình bày tương đối chi tiết về quá trình thành lập
giáo phận đồng thời cung cấp những thống kê về số lượng linh mục,
thầy giảng, nữ tu, giáo dân trong giáo phận. Ngoài ra, cuốn sách còn
giới thiệu khá cụ thể về các giáo xứ, các vị giám mục, linh mục, hàng
giáo sĩ và các thánh tử đạo trong giáo phận. Đặc biệt, trong cuốn sách
này đã trình bày sơ lược lịch sử hình thành và một số hoạt động của
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thời kỳ đầu thành lập.
Có thể nói, các công trình trên bước đầu đã phác lược những nét cơ
bản về lịch sử hình thành, quá trình du nhập và sự ra đời cũng như sự phát
triển của các dòng tu Công giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, những công trình
này chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược lịch sử của các dòng tu, trong đó
ít nhiều giới thiệu về dòng Mến Thánh giá nhưng nghiên cứu một cách
chuyên sâu về lịch sử hình thành, đời sống tu trì, các hoạt động tông đồ của
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thì chưa đề cập đến.
Các công trình, bài viết về dòng Mến Thánh giá và dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm như tập sách Kỷ yếu 40 năm thành lập dòng Mến
Thánh giá Tân Lập (1960 - 2000) được xuất bản nhân ngày thành lập
dòng, đã giới thiệu khái quát về dòng Mến Thánh giá Tân Lập ở các
phương diện: quá trình hình thành và phát triển của dòng; các cộng đoàn
trong và ngoài nước; các hoạt động mục vụ và hoạt động xã hội của
dòng trong thời gian qua.
Bài viết Hội dòng Mến Thánh giá Gò Vấp kỷ niệm 100 năm thành
lập in trên Tuần báo Công giáo và dân tộc (tuần lễ từ 20.9 đến
26.9.2002). Trong bài viết này, tác giả đã trình bày khái lược nguồn
gốc của dòng Mến Thánh giá Gò Vấp. Qua đó, cho chúng tôi thấy được
sự phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm.
8
Bài viết Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm-chặng đường một
trăm năm (Báo Người Công giáo Việt Nam, ngày 27/4/2002, tr 5) của
tác giả Thành Tâm. Đúng như tên gọi, bài viết này mang tính chất giới
thiệu sơ lược chặng đường hình thành và phát triển của dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm, dù trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên cho đến
nay ngày càng phát triển.
Bài viết Dòng Mến Thánh giá đầu thế kỷ XX (Qua cuốn: Phép
dòng chị em Mến câu rút Đức Chúa Giêsu) của tác giả Nguyễn Hồng
Dương (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3/2006). Nội dung bài viết này
giới thiệu bản luật “Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu”
năm 1869, khắc in lại tại Phát Diệm năm 1909. Trong bài viết, tác giả đã
giới thiệu về bố cục của tập sách, sau đó làm rõ tên gọi của dòng và đưa
ra một số nhận định. Theo sự phân tích của tác giả tập sách Phép dòng
chị em Mến câu rút Đức Chúa Giêsu gồm 26 đoạn đề cập đến các vấn đề
như: tổ chức, mục đích lập dòng Mến Thánh giá, những điều răn dạy về
tu đức, bổn phận của người nữ tu, đời sống tu trì của nữ tu.
Cuốn sách Những nẻo đường tâm linh của Trung tâm Học vấn Đa
Minh (2006). Trong cuốn sách này, bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc
Minh với nhan đề “Linh đạo hội dòng Mến Thánh giá” đã phân tích
nguồn gốc của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, đồng thời tác giả trình
bày khái quát quá trình thành lập, sứ mạng của dòng theo Hiến chương
và tình hình hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam.
Bài viết Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của dòng Mến
Thánh giá Việt Nam (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2007) của tác
giả Phương Liên. Có thể nói, nội dung bài viết đã trình bày tương đối
khái lược quá trình hình thành của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam.
Ngoài ra, bài viết cũng đã giới thiệu một số hoạt động của dòng Mến
9
Thánh giá ở Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, bài viết có liên quan trực
tiếp đến nội dung của luận văn, tuy nhiên tác giả mới chỉ bước đầu giới
thiệu sơ lược về lịch sử và một số hoạt động của dòng chứ chưa phân
tích làm rõ đời sống tu trì cũng như vai trò và ảnh hưởng của các hoạt
động của dòng trong giáo phận như thế nào.
Cuốn sách Dòng Mến Thánh giá những năm đầu, xuất bản năm
2008 của Đỗ Quang Chính. Có thể nói đây là cuốn sách liên quan trực tiếp
đến đề tài. Trong cuốn sách này tác giả đã trình bày và phân tích tương đối
chi tiết về quá trình thành lập và tổ chức của dòng Mến Thánh giá ở Việt
Nam. Tuy nhiên, tác giả chỉ tập trung phân tích các sự kiện lịch sử thời
kỳ đầu (thế kỷ XVII) khi dòng Mến Thánh giá thành lập mà chưa đi sâu
nghiên cứu các giai đoạn phát triển của dòng đồng thời cũng chưa tìm
hiểu về đời sống tu trì và các hoạt động tông đồ của nữ tu Mến Thánh
giá thời kỳ này.
Cuốn sách Tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh theo linh đạo đức cha
Lambert de la Motte (Nxb Phương Đông, 2009) của tác giả Sr Cecilia Nguyễn
Thanh Hương. Nội dung cuốn sách chia thành 4 chương. Chương 1: Huấn
luyện người nữ tu Mến Thánh giá trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay.
Chương 2: Quan niệm tứ đức của người nữ tu Mến Thánh giá hôm nay.
Chương 3: Huấn luyện Công - Dung - Ngôn - Hạnh trong linh đạo của đức
cha Lambert. Chương 4: Áp dụng tứ đức của đức cha Lambert trong chương
trình huấn luyện người nữ tu Mến Thánh giá hôm nay. Như vậy, nội dung
cuốn sách đã trình bày và phân tích cụ thể quá trình đào tạo và huấn luyện nữ
tu Mến Thánh giá trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Đồng thời cũng
cho thấy đào tạo và huấn luyện người nữ tu phải gắn với 4 đức tính Công -
Dung - Ngôn - Hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
10
Bài viết Tìm hiểu về dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm
hiện nay (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2011) của tác giả Lê Văn
Thơ. Trong bài viết này tác giả đã trình bày khái lược lịch sử hình thành
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm đồng thời phân tích vai trò của một số
giám mục trong việc phát triển của dòng. Ngoài ra, tác giả cũng giới thiệu
một số hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện
nay, từ đó chỉ ra một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý đối với hoạt
động của dòng. Nhìn chung, đây là bài viết liên quan trực tiếp đến đề tài
của luận văn. Mặc dù vậy, bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc trình bày sơ
lược về thời kỳ hình thành của dòng Mến Thánh giá ở Phát Diệm chứ chưa
đi sâu phân tích quá trình phát triển của dòng cho đến hiện nay. Bên cạnh
đó, tác giả mới chỉ giới thiệu một số hoạt động xã hội của dòng mà chưa
phân tích, làm rõ vai trò cũng như ảnh hưởng của dòng trong giáo phận
Phát Diệm hiện nay.
Nhìn chung, các công trình, bài viết nêu trên mặc dù có liên quan
trực tiếp đến đề tài của luận văn, tuy nhiên phần lớn nội dung của các công
trình, bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc trình bày lịch sử hình thành của
dòng Mến Thánh giá và sơ lược sự phát triển của dòng trong các giai đoạn
lịch sử cùng với sự phát triển của Công giáo. Phần lớn các công trình, bài
viết này chưa đi sâu tìm hiểu đời sống tu trì, mục đích, sứ mạng cũng như
các hoạt động của dòng Mến Thánh giá, bên cạnh đó chưa phân tích làm rõ
vai trò cũng như ảnh hưởng của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát
Diệm hiện nay.
Một số công trình, bài viết về dòng tu Công giáo ở Việt Nam có liên
quan đến dòng Mến Thánh giá nói chung và dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm như bài viết Một số vấn đề về dòng tu Công giáo ở nước ta hiện nay của
tác giả Nguyễn Hồng Dương; các bài viết về đời sống tu trì, hoạt động
11
tông đồ của tu sĩ các dòng tu; tập sách Nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền
giáo của thế kỷ 21 của tác giả Nhân Tài; tập sách Giải thích giáo luật của
tác giả Phan Tấn Thành và các văn kiện của Giáo hội liên quan đến dòng
tu và đời sống tu trì như văn kiện của Công đồng Vatican II, văn kiện của
Giáo hoàng Giaon Phaolô II, văn kiện của Bộ tu sĩ và Bộ giáo luật Giáo
luật 1983.
Bài viết Một số vấn đề về dòng tu Công giáo ở nước ta hiện nay
(Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 4 năm 2004) của tác giả Nguyễn Hồng
Dương. Trong bài viết này, tác giả đã trình bày rất chi tiết các hoạt động
trên những lĩnh vực khác nhau của dòng tu Công giáo ở Việt Nam hiện
nay. Trong đó, dòng tu nữ thể hiện được vai trò truyền giáo mạnh mẽ
thông qua hoạt động giáo dục và xã hội từ thiện. Tác giả nhấn mạnh hai
hướng phát triển của dòng tu Công giáo trong giai đoạn hiện nay ở nước
ta là xu hướng liên dòng và xu hướng tách nhỏ dòng.
Trong các bài viết về đời sống tu trì và hoạt động xã hội của dòng
tu Công giáo, cũng đề cập tương đối cụ thể các lĩnh vực hoạt động của
dòng tu. Cụ thể như tác giả Nguyễn Hưng trên cơ sở tập hợp những bài
giảng tĩnh tâm từ năm 1982 đến năm 1995 đã xuất bản tập Ba lời khấn
dòng. Tác giả đã phân tích cặn kẽ trên cơ sở kết hợp giữa quan điểm thần
học giáo hội Công giáo với những thách đố thực tế của xã hội Việt Nam hiện
nay dưới góc độ tâm lý học xã hội học. Từ đó giúp nữ tu nhận thức rõ và xác
định đúng đắn ơn gọi đời tu. Bên cạnh đó, một số chuyên đề khác của
Nguyễn Hưng về đời sống tu trì như: Đời sống người nữ tu, Sống cộng đồng
đời tu, Người nữ tu làm việc tông đồ, Người nữ tu cầu nguyện…
Tập sách Nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21 của tác
giả Nhân Tài xuất bản năm 2004. Tập sách là những tâm tư, trăn trở với
các linh mục, nhất là nữ tu Việt Nam về những chủ đề như: ơn gọi truyền
12
giáo, tinh thần tu đức, các bước căn bản của người nữ tu cần có khi thực
hiện công việc truyền giáo, những thách đố của thời đại mà người nữ tu
phải đối mặt trong quá trình rao giảng Tin Mừng.
Ngoài ra, các văn kiện của giáo hội Công giáo liên quan đến dòng tu
đã bàn đến khía cạnh thần học và giáo luật về dòng tu và đời sống tu trì của
tu sĩ các dòng tu. Trước hết là các văn kiện của Công đồng Vatican II về
dòng tu, chủ yếu trong 2 văn kiện sau: Hiến chế tín lý về Hội thánh và Sắc
lệnh về canh tân đời sống tu trì (Perfectae caritatis). Văn kiện Hiến chế tín
lý về Hội thánh dành ra chương VI với nhan đề “Tu sĩ” nói về đời sống tu
trì và tu sĩ các dòng tu được xét tới dưới khía cạnh thần học; Sắc lệnh về việc
canh tân đời sống tu trì (quen gọi là Perfecta caritatis) đề cập khá nhiều đến
dòng tu và vấn đề canh tân đời sống tu trì. Sau Công đồng Vatican II, Tòa
thánh đã ban hành nhiều văn kiện pháp lý và hành chính liên quan đến vấn đề
dòng tu. Cụ thể Tông huấn về Đời sống thánh hiến (Vita consecrata) nêu bật
các chiều kích Kitô, Ba ngôi, Giáo hội và Thánh mẫu; văn kiện Các tu sĩ với
sự thăng tiến con người và Chiều kích chiêm niệm của đời tu (1980) đã bàn về
đời sống cầu nguyện và dấn thấn xã hội của các tu sĩ; Huấn thị về Việc đào
tạo tu sĩ (1990); Huấn thị về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (1994). Đặc
biệt quan trọng là Bộ giáo luật 1983, (Nxb Tôn giáo, 2007). Bộ giáo luật
được ban hành ngày 25/1/1983 sau gần 20 năm soạn thảo. Tuy là một văn
bản nặng về pháp chế và luật lệ nhưng nó chứa đựng khá nhiều điều khoản
mang tính thần học và tu đức. Bộ giáo luật 1983 gồm bảy quyển, trong đó
Quyển thứ hai với nhan đề Dân Thiên chúa được chia thành 3 phần. Phần I:
Kitô hữu. Phần II: Cơ cấu phẩm trật của giáo hội. Phần III. Các Tu hội thánh
hiến và các tu đoàn tông đồ. Nội dung phần III trình bày toàn bộ những
khía cạnh pháp lý, thần học về dòng tu, tu hội đời và tu đoàn tông đồ.
Trong đó, từ điều 607 đến điều 709 bàn về dòng tu với những điều khoản
13
đối với việc thiết lập và giải tán dòng tu, cơ cấu quản trị của dòng tu, huấn
luyện và đào tạo tu sĩ, đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu, hoạt động tông
đồ của các dòng tu, điều hành hoạt động của dòng tu ... Tóm lại các văn
kiện của giáo hội Công giáo về đời tu đã đề cập tương đối cụ thể khía cạnh
thần học và giáo luật của đời tu đã cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết
tổng quan về mặt thần học trong đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu.
Tác giả Phan Tấn Thành với tập sách Giải thích giáo luật (Học viện
Đa Minh, Gò Vấp, 2012), đặc biệt là Tập III với nhan đề Các hội dòng tận
hiến và các tu đoàn tông đồ. Trong tập III, ngoài việc giới thiệu lịch sử của
đời sống tu trì; những yếu tố thần học của đời sống tu trì. Nội dung tập sách
còn bàn về: những quy tắc của việc thành lập và giải tán các dòng tu, việc
quản trị các tài sản trong dòng tu, việc thu nhận và huấn luyện tu sĩ; những
quy định của giáo hội cho hoạt động tông đồ của các dòng tu; những quy định
về việc xuất tu của tu sĩ, cùng một số quy định về quyền hạn của Bề trên
dòng. Nhìn chung, tập III của cuốn sách Giải thích giáo luật đã cung cấp cho
chúng tôi những hiểu biết tương đối đầy đủ quan điểm thần học và pháp lý
của giáo hội Công giáo về dòng tu.
Khảo cứu các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi thấy chưa có một
công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về lịch sử hình
thành, tổ chức cũng như đời sống tu trì và hoạt động tông đồ của dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm. Kế thừa các thành tựu mà những công trình nghiên
cứu trước đã đạt được và dựa vào quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn
giáo, trong Luận văn này chúng tôi hướng đến khảo cứu một cách cơ bản
và có hệ thống về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và hoạt
động tông đồ của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay.
14
3. Mục đích và nhiệm vụ
3.1. Mục đích
Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống về dòng Mến Thánh giá
Phát Diệm trên các phương diện lịch sử, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và
hoạt động tông đồ.
3.2. Nhiệm vụ
Để thực hiện mục đích trên Luận văn tập trung giải quyết những
nhiệm vụ cụ thể sau:
- Khái quát lịch sử hình thành, phát triển của dòng Mến Thánh giá ở
Việt Nam và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
- Tìm hiểu cơ cấu tổ chức và đời sống tu trì của dòng Mến Thánh giá
Phát Diệm hiện nay
- Tìm hiểu một số hoạt động tông đồ của dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm hiện nay
- Phân tích xu hướng phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
và một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đối với hoạt động của dòng
ở tỉnh Nình Bình hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng: Luận văn nghiên cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận
Phát Diệm
- Phạm vi:
+Về thời gian: Luận văn tìm hiểu đời sống tu trì và một số hoạt động
của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm từ năm 1990 đến nay.
15
+ Về không gian: Luận văn nghiên cứu dòng Mến Thánh giá trong giáo
phận Phát Diệm.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên quan điểm của
chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của
Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Phương pháp nghiên cứu: Luận văn dựa trên phương pháp thống
nhất logic và lịch sử; phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
của chủ nghĩa Mác - Lênin. Kết hợp với một số phương pháp liên ngành
như: phương pháp sử học, phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu…
6. Ý nghĩa của Luận văn
Luận văn nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống quá trình hình
thành, phát triển, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và hoạt động xã hội của
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Từ đó, tạo cơ sở lý luận cho việc đề ra
phương hướng trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của
dòng tu Công giáo ở Ninh Bình hiện nay.
Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu về tôn giáo
nói chung, Công giáo và dòng tu Công giáo nói riêng.
7. Kết cấu của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, Luận văn gồm có
02 chương và 06 tiết.
16
NỘI DUNG
Chương 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG
MẾN THÁNH GIÁ Ở VIỆT NAM VÀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
PHÁT DIỆM
1.1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam
Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ thuộc quyền giáo phận được
thành lập sớm nhất ở Việt Nam. Đây là dòng tu đầu tiên mang bản sắc Á
Đông, vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, có lời khấn sống thành cộng đoàn
theo một bản luật, trực thuộc giám mục giáo phận và hoạt động chủ yếu
hướng về việc truyền giáo cho lương dân [61, tr. 388]. Hiện nay, ở nước
ta có 23 dòng Mến Thánh giá hoạt động trong hầu hết các giáo phận, là
hội dòng có nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ tại Việt Nam.
Người sáng lập dòng Mến Thánh giá là giám mục Lambert de la
Motte, giám mục Đại diện Tông tòa đàng Trong. Lambert de la Motte sinh
ngày 16/1/1624 tại Lisieux (Pháp) và mất ngày 15/6/1679 tại Ayuthia (Thái
Lan), chịu chức linh mục ngày 27/12/1655 tại chủng viện Constances, được
phong giám mục hiệu tòa Berythe ngày 29/7/1658 (Berythe thủ đô của
Liban hiện nay) và ngày 9/9/1659 được bổ nhiệm giám mục Đại diện Tông
tòa đàng Trong. Tháng 6 năm 1660 giám mục Lambert cùng hai linh mục
thừa sai là Francois Deydier và Jacque Bourges lên đường nhận nhiệm sở.
Đến năm 1662 thì đến được Ayuthia (Thái Lan), tuy nhiên tình hình không
thuận lợi nên giám mục ở lại đây và bắt đầu thực hiện công cuộc truyền
giáo, thành lập các cơ sở. Năm 1664 giám mục Lambert cùng với giám
mục Pallu và các linh mục thừa sai tổ chức Công đồng giáo phận hay còn
gọi là Công nghị Ayuthia để hoạch định đường hướng mục vụ và họp bàn
17
một số vấn đề liên quan đến vùng truyền giáo Đông Á. Công nghị Ayuthia
đã quyết định lập một Hội tông đồ với tên gọi Những người Mến thập giá
hay Mến Thánh giá. Hội tông đồ này gồm ít nhất 2 ngành khác nhau và
chia ra 3 loại thành viên khác nhau. Loại thứ nhất gồm các giám mục và
các bề trên miền truyền giáo được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ
khắc nghiệt, giữ ba lời khấn và phải sống khổ hạnh. Loại thứ hai là các
thừa sai khác gồm các linh mục, tu huynh và giáo dân. Loại thứ ba gồm các
thành viên bản địa, trong loại này ít nhất phải hình thành một dòng nữ. Các
chị em trong dòng này cũng sống thành cộng đoàn và phải sống khắc khổ
nghiêm ngặt, trong một số điều kiện, họ có thể hoạt động tông đồ và truyền
giáo. Tuy nhiên việc thành lập Hội tông đồ Mến Thánh giá đã không được
Tòa thánh chấp nhận vì những quy định của dòng quá nghiêm ngặt, khắc
khổ không thích hợp với các giám mục, linh mục phải lo việc truyền giáo.
Năm 1669, giám mục Lambert đi kinh lý địa phận đàng Ngoài thay
cho giám mục Francois Pallu là giám mục Đại diện Tông tòa đàng Ngoài.
Cùng đi với giám mục Lambert có hai linh mục Hội Thừa sai Paris là
Jacque Bourges và Gabriel Bouchard. Trước đó, năm 1666 linh mục
Francois Deydier (linh mục Tổng đại diện địa phận đàng Ngoài) đã được
cử sang đàng Ngoài thăm dò tình hình và thái độ chính quyền đối với các
“Tây dương đạo trưởng” cũng như đối với các thương gia Tây phương (cụ
thể là Hà Lan và Bồ Đào Nha) [12, tr. 54]. Giám mục Lambert đến đàng
Ngoài theo chuyến tàu buôn của công ty Đông Ấn Pháp và tạm mang chức
tuyên úy trên tàu (Tuyên uý: có thể là một linh mục hay là một thừa tác
viên có chức thánh được chỉ định để phục vụ những giới đặc biệt như quân
đội hay được ban quyền tổ chức các nghi lễ phụng vụ trong các đại hội của
các tổ chức huynh đệ, các cơ quan lập pháp hay các đoàn thể khác (các hội
đoàn chuyên biệt), để trông nom, coi sóc phần hồn cho tín đồ; linh mục coi
18
sóc một nhà nguyện hay được chỉ định thi hành tác vụ trong một tổ chức
như tu viện, viện mồ côi, bệnh viện hay nhà tù). Ngày 30/08/1669 tàu đến
đàng Ngoài, sau khi được sự chấp thuận của Chúa Trịnh, tàu tiến lên Phố
Hiến và đậu tại đây (Phố Hiến ở về tả ngạn sông Hồng, cách Thăng Long
khoảng 50km đường sông, trước kia là nơi buôn bán sầm uất, nhất là về
mặt giao thương với các tàu buôn phương Tây). Sau khi thụ phong linh
mục cho 7 thầy giảng, ngày 14/2/1670 giám mục Lambert triệu tập Công
đồng xứ đàng Ngoài tại Phố Hiến. Công đồng có mục đích phổ biến những
nghị quyết của Tòa thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Đại diện
Tông tòa, tổ chức các mặt sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận như phương
pháp truyền đạo, cắt cử linh mục, tuyển mộ chủng sinh. Công nghị cũng đã
đưa ra một bản văn gồm 34 điều (ngày 23/12/1673 Giáo hoàng Clemens X
phê chuẩn rút xuống còn 33 điều) quy định các chức năng, kỷ luật, việc tổ
chức và điều hành giáo hội địa phương, trong bản văn của Công đồng điều
18 và 21 có liên quan đến dòng Mến Thánh giá sau này.
Sau Công đồng, linh mục Francois Deydier đã giới thiệu với giám
mục Lambert về nhóm những phụ nữ đạo đức (gồm những phụ nữ góa bụa
hoặc còn trinh tiết), họ sống chung với nhau tại Kiên Lao (Bùi Chu) và Bái
Vàng (giáo phận Hà Nội ngày nay), tự làm ăn sinh sống, giữ lề luật và có
lời khấn tư nhưng chưa được sự chấp thuận của giám mục giáo phận (trước
đó, trong thư đề ngày 1.1.1667 linh mục Francois Deydier đã phúc trình lên
giám mục Francois Pallu-giám mục Đại diện Tông tòa đàng Ngoài, cho
biết có hai nhóm trinh nữ sống chung với nhau ở Kiên Lao và Bái Vàng và
mối bận tâm của linh mục Francois Deydier là soạn thảo cho họ một bản
Nội quy và hướng dẫn, huấn luyện họ về đời sống tu đức). Khi tiếp xúc với
nhóm phụ nữ này, giám mục Lambert đã giới thiệu cho họ về Hội tông đồ
Mến Thánh giá và bản luật mà giám mục đã soạn thảo trước đó tại Thái
19
Lan (trước khi thành lập dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, giám mục
Lambert de la Motte đã soạn thảo Luật tiên khởi Mến Thánh giá. Đây là
bản luật giám mục Lambert soạn thảo cho Hội tông đồ Mến Thánh giá).
Những phụ nữ này bày tỏ ước muốn được sống đời sống thánh hiến như
những nữ tu sống chung với nhau trong đan viện. Sau khi tìm hiểu và xem
xét tình hình, ngày 19/02/1670 cũng là ngày lễ Tro (ngày thứ tư của mùa
chay) giám mục Lambert de la Motte đã chủ sự lễ khấn của hai nữ tu đầu
tiên là bà Anê và Paula ở Phố Hiến trên một chiếc thuyền neo tại sông
Hồng, đối diện với làng Bái Vàng (thuộc địa phận Hà Nội) [61, tr 396].
Ngày khấn của hai nữ tu đầu tiên cũng là ngày thành lập dòng Mến Thánh
giá ở Việt Nam.
Sau khi chủ sự lễ khấn, giám mục Lambert đã gửi cho hai nữ tu Anê và
Paula một lá thư có kèm “Những Điều lệ nhỏ” mà giám mục đã viết tại Phố
Hiến trước khi hai bà Anê và Paula khấn (theo tài liệu của tác giả Đỗ Quang
Chính giám mục Lambert viết thư này tại Phố Hiến nhưng Những Điều lệ nhỏ
gửi kèm theo thư thì chính là bản luật mà giám mục đã soạn thảo trước đó tại
Thái Lan). Đây được coi là bản luật (hiến chương) đầu tiên của dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam. Trong bản luật tiên khởi giám mục Lambert nêu rõ
mục đích, nhiệm vụ và các quy tắc đối với nữ tu Mến Thánh giá.
Sau khi truyền chức linh mục, tổ chức công đồng Phố Hiến và
thành lập dòng Mến Thánh giá, giám mục Lambert de la Motte rời
đàng Ngoài sớm hơn dự định, cho nên trên đường trở về Thái Lan,
giám mục đã viết cho nữ tu Anê và Paula một lá thư với nội dung nhắc
nhở hai nữ tu đầu tiên của dòng Mến Thánh giá Việt Nam hãy sống và
thực hành đời sống tu trì theo mục đích, linh đạo mà giám mục đã chỉ
ra trong bản luật của dòng. Có thể nói, bức thư này của giám mục có
20
tính chất long trọng hơn bởi lời mở đầu là lề lối thư luân lưu của các
giám mục.
Hơn một năm sau khi rời đàng Ngoài về Thái Lan, năm 1671 giám
mục Lambert quyết định đi kinh lý địa phận đàng Trong (thuộc sở nhiệm
của giám mục). Trong chuyến kinh lý lần này cùng đi có hai thừa sai Pháp
là Vachet và Mahot cùng hai linh mục người đàng Trong là Giuse Trang và
Luca Bền. Khi đến được đàng Trong, giám mục Lambert mắc bệnh nặng và
phải ở lại dưỡng bệnh hơn sáu tuần lễ tại vùng Nhà Ru (thuộc phía Nam
huyện Ninh Hòa và phía Bắc Nha Trang ngày nay) [12, tr 85]. Sau khi hồi
phục sức khỏe, giám mục Lambert đến Quảng Ngãi. Tại đây giám mục tiếp
xúc với một số thiếu nữ đạo đức, họ có ý nguyện sống chung và giữ trọn
đức khiết tịnh. Trước đó, khi còn ở Thái Lan, giám mục Lambert đã nhận
được thư của linh mục Hainques cho biết ý định của một nhóm thiếu nữ
muốn được sống đời sống “tận hiến cho Thiên Chúa”. Sau khi tìm hiểu và
trao đổi với họ về đời sống thiêng liêng, giám mục Lambert quyết định
thành lập ở đàng Trong một dòng Mến Thánh giá và đến tháng 12 năm
1671 tại An Chỉ (Quảng Ngãi) dòng Mến Thánh giá đàng Trong chính thức
được thành lập, số nữ tu đầu tiên là 10 hoặc 8 người [xem:12, tr. 91-92],
sinh sống trong ngôi nhà do bổn đạo dâng cúng, đây được coi là cơ sở đầu
tiên của dòng.
Cũng giống như dòng Mến Thánh giá đàng Ngoài, giám mục
Lambert trao cho các nữ tu dòng Mến Thánh giá đàng Trong một bản luật
dòng. Hai bản luật dòng Mến Thánh giá, một của dòng Mến Thánh giá
đàng Ngoài năm 1670, một của dòng Mến Thánh giá đàng Trong năm 1671
hoàn toàn giống nhau [12, tr 95]. Mặc dù dòng Mến Thánh giá đàng Ngoài
và đàng Trong cùng được giám mục Lambert de la Motte thành lập và cùng
thực hành theo một bản luật dòng nhưng không thể thành lập một dòng
21
thống nhất. Bởi vì, bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ này đang chia tách
lãnh thổ đàng Trong và đàng Ngoài (Trịnh, Nguyễn phân tranh). Hơn nữa,
đàng Ngoài và đàng Trong là hai giáo phận khác nhau, do đó thiết lập ở
mỗi giáo phận một dòng Mến Thánh giá sẽ thuận lợi hơn trong việc huấn
luyện, điều hành và hoạt động của dòng.
Khi mới thành lập, các nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam chưa
được Tòa thánh phê chuẩn là nữ tu dòng, mà chỉ được xem như những
phụ nữ thuộc hội đạo đức. Bởi vì, thời kỳ này Tòa thánh chỉ thừa nhận
dòng tu nữ khi có lời khấn trọng thể và các nữ tu phải sống trong các đan
viện kín còn những phụ nữ chỉ có lời khấn đơn và tham gia các hoạt động
bên ngoài nhà dòng thì chưa đủ điều kiện để thừa nhận là nữ tu. Chính vì
vậy, Tòa thánh chuẩn nhận sự thành lập dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam
bằng cách ban ân xá đặc biệt cho dòng. Tuy nhiên, dòng Mến Thánh giá
được chuẩn nhận không phải trực tiếp do văn thư Tòa thánh mà do văn
thư của Bộ truyền giáo (Theo tài liệu của Đỗ Quang Chính, ngày
28/8/1678 Bộ Truyền giáo đã chấp thuận ban ân xá thông thường cho các
huynh đệ đoàn do các vị đại diện Tông tòa thiết lập ở đàng Ngoài và đàng
Trong, dưới danh hiệu Những người Mến Thánh giá trong địa sở của các
giám mục). Và được thành lập như một tu hội trực thuộc bản quyền của vị
giám mục giáo phận. Đến ngày 8/12/1900 Hiến chế Conditaea Christo (do
giáo hoàng Lêô XIII ký) được ban hành công nhận những dòng khấn đơn
(không khấn trọng) cũng gọi là dòng tu và những thành phần trong dòng đó
được mang danh hiệu tu sĩ. Như vậy, theo Hiến chế này, dòng Mến Thánh
giá ở Việt Nam được nhìn nhận là một dòng tu và các nữ tu được thừa nhận
là tu sĩ. Tuy nhiên, cho đến công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm
1934 mới tiến hành cải tổ các nhà Phước (tu hội) Mến Thánh giá thành
hội dòng giáo phận với ba lời khấn dòng. Trước đó, từ năm 1916 tại giáo
22
phận Phát Diệm, giám mục Marcou Thành giao cho Thừa sai Louis de
Cooman (Tổng Đại diện giáo phận, sau này là giám mục phó với quyền kế
vị) tiến hành cải tổ và biên soạn luật mới cho dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm quy định việc khấn dòng theo Giáo luật năm 1917, sửa đổi tu phục
(nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh giá trước ngực), sửa đổi
tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu. Đến năm 1924 luật mới của
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được Tòa Thánh phê duyệt.
Thời kỳ đầu khi mới thành lập, để củng cố cơ sở tu viện cũng như
tránh việc cấm đạo của triều đình phong kiến đương thời, nữ tu Mến Thánh
giá sống chung trong những ngôi nhà đơn sơ gọi là nhà Mụ dưới quyền cai
quản của một mẹ Nhất [34, tr 62]. Hàng ngày, ngoài việc ngắm nguyện đọc
kinh, tự kiểm và sám hối, các nữ tu còn làm ruộng, dệt vải, làm bánh thánh,
làm thuốc nam mang bán và chữa bệnh cho dân nghèo, dạy nghề dệt, thêu
cho trẻ em. Những công việc này một mặt là phương tiện sinh sống chính
của các nữ tu mặt khác giúp họ có điều kiện tiếp xúc và dễ dàng hòa nhập
vào dân chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động truyền bá và phát
triển đạo. “Được trang bị các kiến thức khoa học tiên tiến, các nữ tu tỏa vào
trong dân chúng để cứu chữa những người bệnh tật. Rất nhiều người dân
bên đời được cứu chữa đã mang ơn các nữ tu và có cảm tình với bên giáo.
Trong khi len lỏi trong dân chúng để chữa bệnh các nữ tu kết hợp với việc
đạo như thu nhận những tân tòng, mua hồn các trẻ em hấp hối, một hình
thức nhân đạo cho phần hồn, vì trẻ em chết yểu bên đời không liệt vào
hàng những người được thờ cúng. Chính họ là những người tự nguyện
phục vụ trong những trại cô nhi, trong các bệnh viện và nhất là phục vụ
trong các trại hủi do giáo hội mở” [34, tr. 63].
Dưới thời thuộc Pháp, Công giáo nói chung, dòng tu nói riêng được
chính quyền bảo hộ, các hoạt động truyền giáo phát triển và mở rộng. Đặc
23
biệt, vai trò của nữ tu Mến Thánh được nâng cao “Nữ tu Mến Thánh giá là
những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”
[61, tr. 390] nên đã cộng tác và hỗ trợ đắc lực cho các giáo sĩ trong việc
truyền giáo như dạy chữ quốc ngữ, dạy giáo lý, hướng dẫn sống đạo trong
trường học, ấn hành sách báo bằng chữ quốc ngữ.
Cùng với quá trình truyền bá và phát triển của Công giáo ở Việt
Nam, trải qua hơn 300 năm tồn tại, dòng Mến Thánh giá ngày càng phát
triển. Cho đến nay, ở nước ta đã có 23 dòng Mến Thánh giá, các cộng đoàn
của dòng được thành lập trong hầu hết các giáo phận ở Việt Nam. Khi
thành lập dòng Mến Thánh giá có lẽ chủ đích của giám mục Lambert de la
Motte là thiết lập một dòng tu nữ theo luật chung của giáo hội và theo
truyền thống của các dòng tu, với hình thức là thành lập cơ sở đầu tiên (nhà
Mẹ) của dòng tại một giáo phận. Sau đó, thiết lập các cộng đoàn (tu viện)
trong giáo phận và các giáo phận khác (hoặc giáo phận mới được chia
tách). Các cộng đoàn mới thiết lập này vẫn thuộc quyền của nhà Mẹ và chỉ
có một nhà Mẹ duy nhất. Đây là hình thức phát triển chung và phổ biến của
các dòng tu thời kỳ này. Tuy nhiên, trường hợp dòng Mến Thánh giá ở Việt
Nam lại có điểm khác biệt. Hai cơ sở đầu tiên của dòng là Mến Thánh giá ở
đàng Ngoài thành lập năm 1670 và Mến Thánh giá đàng Trong thành lập
năm 1671 là hai dòng độc lập thuộc quyền giám mục giáo phận. Sau này,
giáo phận đàng Ngoài và đàng Trong chia tách thành các giáo phận mới và
nhiều cộng đoàn Mến Thánh giá nằm trong giáo phận mới cũng tách thành
dòng Mến Thánh giá độc lập. Những cộng đoàn này dù trước đây thuộc
quyền nhà Mẹ ở giáo phận chưa chia tách thì sau khi chia tách giáo phận,
nhà dòng Mến Thánh giá cũng được tách ra và trở thành một dòng Mến
Thánh giá độc lập, trực thuộc quyền giám mục giáo phận mới. Ngoài ra,
trong mỗi giáo phận ở Việt Nam có thể có một dòng Mến Thánh giá hoặc
24
có nhiều dòng Mến Thánh giá độc lập với nhau trong một giáo phận. Chính
hình thức phát triển và mở rộng như trên cho nên hiện nay ở Việt Nam có
23 dòng Mến Thánh giá [61, tr. 389-390] hoạt động trong 16 giáo phận.
Mỗi dòng có nội quy và luật dòng riêng, độc lập trong đường hướng hoạt
động. Tuy nhiên, có sự liên kết với nhau và cùng dựa trên bản luật đầu tiên
của dòng Mến Thánh giá Việt Nam được soạn năm 1670 và 1671. Chính vì
vậy, có thể nói nét đặc thù của các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam là vừa
độc lập vừa có sự liên kết với nhau trong đường hướng hoạt động. Hiện
nay, ở Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá, cụ thể như sau:
Tổng giáo phận Hà Nội gồm có 6 dòng Mến Thánh giá thuộc các
giáo phận Bùi Chu, Hà Nội, Hưng Hóa, Phát Diệm, Thanh Hóa và Vinh.
Dòng Mến Thánh giá Kiên Lao (thuộc giáo Bùi Chu ngày nay) và
dòng Mến Thánh giá Hà Nội là hai cộng đoàn Mến Thánh giá đầu tiên
của dòng Mến Thánh giá Việt Nam được giám mục Lambert de la Motte
thành lập tại đàng Ngoài năm 1670. Đây được coi là cội nguồn của dòng
Mến Thánh giá ở Việt Nam.
Hiện nay, dòng Mến Thánh giá Hà Nội có 20 cộng đoàn với 106
nữ tu khấn trọn, 79 nữ tu khấn tạm, 16 tập sinh, 16 tập viện và 60 đệ
tử [61, tr.397].
Dòng Mến Thánh giá Kiên Lao - Bùi Chu do mới tái lập nên hiện
nay, dòng chưa có nhà Mẹ, nhưng có 3 điểm Ninh Cường, Xuân Hà, An
Bài và 12 địa điểm làm việc tông đồ tại các giáo xứ, giáo họ trong giáo
phận Bùi Chu.
Dòng Mến Thánh giá Vinh: được thành lập cùng với quá trình chia tách
địa phận. Năm 1846, địa phận Tây đàng Ngoài tách thành 2 địa phận là Tây
đàng Ngoài (Hà Nội) và Nam đàng Ngoài (địa phận Vinh). Vào thời gian này
tại địa phận Vinh đã có 8 nhà dòng Mến Thánh giá với 220 nữ tu. Sau khi
25
chia tách địa phận, 8 nhà dòng này trở thành dòng Mến Thánh giá độc lập tại
địa phận Vinh với tên gọi dòng Mến Thánh giá Vinh. Hiện nay, dòng có 14
cộng đoàn với 160 nữ tu khấn trọn, 121 nữ tu khấn tạm, 22 tập sinh, 50 tiền
tập và 257 đệ tử [61, tr. 398].
Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được giám mục Alecxandre
Marcou (có tên Việt Nam là Thành) thành lập năm 1902 tại Lưu Phương
thuộc giáo phận Phát Diệm. Hiện nay, tại giáo phận Phát Diệm dòng có 1
nhà Mẹ, 15 cộng đoàn và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Theo
báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu, 120 dự tu [8, tr.1].
Dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa được thành lập cùng với quá trình
thành lập giáo phận Thanh (năm 1932, giáo phận Thanh được thành lập
tách ra từ giáo phận Phát Diệm, trong giáo phận đã có sẵn 4 cộng đoàn
dòng Mến Thánh giá). Ngày 9/11/1932 Tòa thánh cho phép lập dòng Mến
Thánh giá riêng cho giáo phận Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến ngày
23/11/1935 giám mục Louis de Cooman mới công bố sắc lệnh thành lập
dòng, cho đến năm 1936 dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa mới chính thức
tách khỏi dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Nữ tu Anna Trần Thị Hợp là Bề
trên tiên khởi của dòng. Hiện nay, dòng có 5 cộng đoàn với 10 tập sinh, 19
tiền tập, 65 đệ tử và 15 dự tu [61, tr. 399].
Dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa thành lập năm 1943 tại giáo phận
Hưng Hóa. Hiện nay, dòng có 1 nhà Mẹ và 7 cộng đoàn với 54 nữ tu khấn
trọn, 50 khấn tạm, 25 tập sinh, 28 tiền tập và 92 đệ tử [61, tr. 397].
Tổng giáo phận Huế gồm có 3 dòng Mến Thánh giá thuộc giáo
phận Quy Nhơn, Huế và Nha Trang.
Dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn có nguồn gốc là dòng Mến Thánh
giá An Chỉ được giám mục Lambert de la Motte thành lập ở địa phận đàng
26
Trong năm 1671 (Quảng Ngãi). Hiện nay, dòng có 51 cộng đoàn trong 8
giáo phận ở Việt Nam với 203 nữ tu khấn trọn, 82 nữ tu khấn tạm, 30 tập
sinh, 23 tiền tập và 65 đệ tử. Tại California và Na Uy có 5 cộng đoàn với
13 nữ tu khấn trọn, 18 khấn tạm, 8 tập sinh và 11 đệ tử [61, tr. 401].
Dòng Mến Thánh giá Huế được linh mục Thừa sai Pierre de
Sennemand thành lập năm 1719. Từ cộng đoàn đầu tiên, sau này nhiều cộng
đoàn được thành lập như cộng đoàn Di Loan (1780), Kẻ Bàng (1797), Phủ
Cam (1797), Nhu Lý, Bố Liêu, Mỹ Hương, Trung Quán và Sáo Bùi (1805 -
1812), Dương Sơn (1828). Hiện nay, dòng có 302 nữ tu khấn trọn, 115 nữ
tu khấn tạm, 50 tập sinh, 36 tiền tập và 215 tìm hiểu phục vụ trong các giáo
phận: Tại tổng giáo phận Huế: có 1 nhà Mẹ và 3 cộng đoàn lớn và 32 cộng
đoàn nhỏ. Tại giáo phận Xuân Lộc có 1 nhà Miền và 13 cộng đoàn nhỏ. Tại
giáo phận Nha Trang có 1 nhà Chính và 6 cộng đoàn trong các giáo xứ tại
Cam Ranh. Tại giáo phận Ban Mê Thuột có 3 cộng đoàn. Tại giáo phận
thành phố Hồ Chí Minh có 3 cộng đoàn [61, tr. 402].
Dòng Mến Thánh giá Nha Trang có nguồn gốc từ cộng đoàn Mến
Thánh giá Hướng Phương. Năm 1954 một số nữ tu của cộng đoàn Hướng
Phương thuộc dòng Mến Thánh giá Vinh di cư vào Nam, được giám mục
Marcel Piquet Lợi nhận vào giáo phận Nha Trang. Đến năm 1955 giám
mục Marcel Piquet Lợi cho các nữ tu Mến Thánh giá Hướng Phương định
cư tại giáo xứ Tân Bình cùng với một số giáo dân gốc địa phận Vinh. Năm
1995 dòng được Tòa thánh chính thức phê chuẩn nâng lên cấp giáo phận
với tên gọi là dòng Mến Thánh giá Nha Trang. Hiện nay, dòng có 31 cộng
đoàn trong 5 giáo phận: Nha Trang, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, thành phố
Hồ Chí Minh và Xuân Lộc với 109 nữ tu khấn trọn, 82 khấn tạm, 42 tập
sinh, 30 tiền tập và 154 đệ tử [61, tr. 402].
27
Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 14 dòng Mến
Thánh giá thuộc các giáo phận Cần Thơ, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh,
Mỹ Tho, Phan Thiết, Vĩnh Long và Xuân Lộc.
Dòng Mến Thánh giá Cái Nhum được thành lập ngày 16/06/1800 tại
Cái Nhum thuộc giáo phận Vĩnh Long. Hiện nay, dòng có 44 cộng đoàn trong
3 giáo phận Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt với 115 nữ tu khấn
trọn, 66 nữ tu khấn tạm, 15 tập sinh, 15 tiền tập và 82 đệ tử [61, tr. 403].
Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được thành lập năm 1840 tại Thủ
Thiêm thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Hiện nay,
dòng có 60 cộng đoàn trong 7 giáo phận ở Việt Nam là thành phố Hồ
Chí Minh, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, Long Xuyên, Vĩnh Long, Mỹ
Tho và 1 giáo phận Portland (Hoa Kỳ) với 281 nữ tu khấn trọn, 61 khấn
tạm, 30 tập sinh, 38 tiền tập và 50 đệ tử [61, tr. 403].
Dòng Mến Thánh giá Cái Mơn được giám mục Dominique
Lefèbvre Ngãi thành lập năm 1844 tại Cái Mơn (thuộc giáo phận Vĩnh
Long). Hiện nay dòng có 105 cộng đoàn hoạt động tại 3 tỉnh Vĩnh Long,
Bến Tre và Trà Vinh với 239 nữ tu khấn trọn, 70 khấn tạm, 18 tập sinh,
25 tiền tập và 120 đệ tử [61, tr. 404].
Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán (thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí
Minh) được thành lập năm 1852. Hiện nay dòng có 54 cộng đoàn
trong 5 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Phú Cường,
Xuân Lộc và Đà Lạt với 262 nữ tu khấn trọn, 68 khấn tạm, 22 tập
sinh, 26 tiền tập và 50 tìm hiểu.
Dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm gốc là dòng Mến Thánh giá Hà Nội.
Năm 1954 một số nữ tu dòng Mến Thánh giá Hà Nội di cư vào Nam định
cư và hoạt động tại Đà Lạt. Sau đó, năm 1975 chuyển nhà Mẹ và nhà tập
về Thủ Đức (thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 1995 theo
28
nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá
Khiết Tâm thuộc tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, dòng
có 12 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Xuân
Lộc và Long Xuyên với 95 nữ tu khấn trọn, 33 khấn tạm, 12 tập sinh, 12
tiền tập và 60 đệ tử [61, tr. 406].
Dòng Mến Thánh giá Gò Vấp gốc là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
được thành lập năm 1954 do một số nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
di cư vào Nam và thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tại Gò Vấp
(thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh). Cho đến năm 1995 theo
nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Gò
Vấp. Hiện nay, dòng có 32 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí
Minh, Đà Lạt, Xuân Lộc và Long Xuyên với 308 nữ tu khấn trọn, 104 khấn
tạm, 44 tập sinh, 49 tiền tập và 120 đệ tử [61, tr. 405].
Dòng Mến Thánh giá Đà Lạt (gốc Mến Thánh giá Thanh Hóa). Năm
1954, đa số nữ tu dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa di cư vào Nam và nhà
Mẹ được thiết lập tại Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng (thuộc giáo phận Đà
Lạt). Ngày 23/1/2002 qua Văn thư của Bộ Phúc Âm hóa Các Dân tộc,
Hồng y Tổng trưởng đã chấp thuận cho tách rời hai miền Thanh Hóa - Đà
Lạt thành 2 dòng độc lập. Đến ngày 2/2/2002 giám mục giáo phận Đà Lạt
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thành lập dòng Mến Thánh giá Đà Lạt. Hiện nay,
229 nữ tu khấn trọn, 123 khấn tạm, 47 tập sinh, 20 tiền tập và 150 đệ tử.
Tại Việt Nam có 31 cộng đoàn, Hoa Kỳ có 3 cộng đoàn và Đài Loan có 1
cộng đoàn [61, tr. 406].
Dòng Mến Thánh giá Tân Lập có nguồn gốc từ nhà dòng Trung
Đồng và Đông Thành (Thái Bình). Năm 1954, số nữ tu của 2 nhà dòng di
cư vào Nam và định cư tại Tân Lập (Sài Gòn). Đến năm 1960 dòng chính
thức được thành lập tại tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và mang
29
tên dòng Mến Thánh giá Thái Bình Tân Lập. Ngày 29/05/1995, Hồng Y
Martinez, Tổng trưởng Bộ Đặc trách Tu hội đời sống Thánh hiến (Bộ Tu
sĩ), ra Sắc lệnh đổi tên gọi cho dòng thành dòng Mến Thánh giá Tân Lập.
Hiện nay dòng có 13 cộng đoàn với 91 nữ tu khấn trọn, 32 nữ tu khấn tạm,
15 tập sinh, 7 tiền tập và 42 đệ tử [61, tr. 407].
Dòng Mến Thánh giá Tân Việt (thuộc tổng giáo phận thành phố Hồ
Chí Minh) có nguồn gốc từ nhà phước Cổ Việt thuộc giáo phận Thái Bình
(Nhà phước là tên gọi các cơ sở hay nhà dòng của dòng Mến Thánh giá
thời kỳ này). Năm 1954 nữ tu nhà phước Cổ Việt di cư vào Nam và định cư
tại giáo xứ Tân Mai (Biên Hòa). Sau đó, chuyển về sinh hoạt tại giáo xứ
Tân Việt (Sài Gòn). Ngày 16/6/1976 Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn
Bình ký Nghị định phê chuẩn dòng Mến Thánh giá Thái Bình Tân Việt là
dòng độc lập trực thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày
29/6/1995 dòng chính thức được đổi tên là dòng Mến Thánh giá Tân Việt
theo nghị định của Bộ Tu sĩ. Hiện nay, dòng có 8 cộng đoàn với 54 nữ tu
khấn trọn, 19 nữ tu khấn tạm, 8 tập sinh, 4 tiền tập và 57 đệ tử [61, tr. 407].
Dòng Mến Thánh giá Thủ Đức có nguồn gốc từ các nữ tu thuộc giáo
phận Bắc Ninh. Năm 1954 một số nữ tu thuộc giáo phận Bắc Ninh di cư
vào Nam và tiếp tục duy trì nếp sống tu trì. Cho đến năm 1961 linh mục
Baotixita Đào Duy Du (gốc Bắc Ninh) giúp nữ tu cộng đoàn Bắc Ninh ở
miền Nam cải tổ và xây dựng cơ sở tại Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).
Được sự đồng ý của Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và giám
mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, dòng Mến Thánh giá Đà Lạt giúp huấn
luyện nữ tu cộng đoàn Bắc Ninh. Đến năm 1970, dòng Mến Thánh giá Bắc
Ninh chính thức ra đời, có Bề trên và Ban cố vấn riêng và năm 1995 Tòa
thánh chấp thuận đổi tên thành dòng Mến Thánh giá Thủ Đức. Hiện nay,
dòng có 13 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Cần
30
Thơ, Đà Lạt và Xuân Lộc với 65 nữ tu khấn trọn, 30 khấn tạm, 10 tập sinh,
6 tiền tập và 70 đệ tử [61, tr. 408].
Dòng Mến Thánh giá Cần Thơ được giám mục Phaolô Nguyễn Văn
Bình thành lập năm 1975 tại Sóc Trăng thuộc giáo phận Cần Thơ.
Hiện nay dòng có nhà Mẹ tại Sóc Trăng, 18 cộng đoàn phục vụ trong
giáo phận Cần Thơ và 1 cộng đoàn tại giáo tổng phận thành phố Hồ
Chí Minh. Dòng có 79 nữ tu khấn trọn, 14 khấn tạm, 11 tập sinh, 8
tiền tập và 45 đệ tử [61, tr. 408].
Dòng Mến Thánh giá Tân An (giáo phận Mỹ Tho) được giám mục
Giuse Trần Văn Thiện thành lập năm 1965 với cơ sở đầu tiên là Tu viện
Mến Thánh giá Tân An. Ngày 14/1/1968, tu viện Mến Thánh giá Tân An
được Khâm sứ Tòa thánh Angelo Palams nhận thực và làm phép. Thời gian
này Tu viện (nhà dòng) có 6 em đệ tử và một nữ tu phụ trách do Bề trên
dòng Mến Thánh giá Chợ Quán cử đến để giúp đỡ dòng Mến Thánh giá
Tân An thời gian đầu thành lập. Đến ngày 22/12/1973 Tòa thánh chấp
thuận đơn xin phép lập dòng của giám mục Giuse Trần Văn Thiện và Hồng
y Angelo Rossi, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc. Ngày
15/8/1976, Giám mục Giuse Trần Văn Thiện ủy quyền cho linh mục
Antôn Lê Quang Thạnh nhận lời khấn lần đầu của 8 khấn sinh. Đến
năm 1988, giám mục Anrê chủ sự lễ khấn trọn của 4 nữ tu dòng Mến
Thánh giá Tân An. Đây là lễ khấn trọn đầu tiên của dòng. Hiện nay,
dòng có 10 cộng đoàn với 20 nữ tu khấn trọn, 7 khấn tạm, 12 tập sinh,
8 tiền tập và 50 đệ tử [61, tr. 409].
Dòng Mến Thánh giá Bắc Hải có nguồn gốc từ nhà phước Nam An,
Liễu Dinh, Kẻ Sặt, Yên Trì thuộc giáo phận Hải Phòng. Năm 1954 các nữ
tu cộng đoàn Nam An di cư vào Nam, định cư tại Hố Nai. Sau đó, năm
1976, Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho trở thành
31
một dòng Mến Thánh giá độc lập trực thuộc giáo phận Xuân Lộc. Đến năm
1995, Tòa thánh cho phép đổi tên thành dòng Mến Thánh giá Bắc Hải -
Xuân Lộc. Hiện nay, dòng có 15 cộng đoàn với 123 nữ tu khấn trọn, 30 nữ
tu khấn tạm, 18 tập sinh, 55 đệ tử và 30 dự tu [61, tr. 410].
Dòng Mến Thánh giá Phan Thiết: Năm 1975 một số nữ tu dòng Mến
Thánh giá Huế di tản vào Hàm Tân, Bình Thuận và ở tại cô nhi viện Trinh Nữ
(cơ sở của dòng) trong giáo xứ Tân Tạo thuộc giáo phận Phan Thiết. Ngày
29/10/1983 theo quyết định của Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc, giám mục
Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục giáo phận Phan Thiết đã chính thức nhận
nhóm nữ tu trên nhập tịch trở thành dòng Mến Thánh giá Phan Thiết. Hiện
nay, dòng có 87 nữ tu khấn trọn, 86 nữ tu khấn tạm, 32 tập sinh, 40 tiền tập,
52 đệ tử và 64 dự tu [61, tr. 411].
Như vậy, dòng Mến Thánh giá là dòng giáo phận được thành lập
sớm nhất ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của dòng gắn liền với quá
trình truyền bá và phát triển Công giáo vào Việt Nam. Trong quá trình phát
triển các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam được tách ra và mang tên giáo
phận hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của dòng. Khi mới thành lập các
hội dòng chỉ là những cộng đoàn nhỏ với một số ít các nữ tu, qua quá trình
phát triển các cộng đoàn ngày càng mở rộng và trở thành hội dòng độc lập,
tự trị. Năm 1954 nhiều dòng Mến Thánh giá ở miền Bắc di cư vào Nam và
thành lập cơ sở mới, có dòng vẫn giữ nguyên tên gọi, có dòng trong quá
trình phát triển đã cải tổ và được giám mục giáo phận nơi cư trú cộng nhận
và mang tên giáo phận như dòng Mến Thánh giá Đà Lạt gốc Mến Thánh
giá Thanh Hóa, dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm gốc Mến Thánh giá Hà
Nội, dòng Mến Thánh giá Gò Vấp gốc dòng Mến Thánh giá Phát Diệm…
Cùng với sự phát triển của Công giáo ở Việt Nam, các dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng cộng đoàn và đông lên
32
về nhân sự. Theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám
2005, hiện nay tại Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá với trên 4.450 nữ
tu đã khấn và 3.221 tu sinh, là hội dòng có số nhân sự lớn nhất so với các
dòng tu nữ ở Việt Nam, chiếm khoảng hơn 1/3 số nữ tu cả nước. Hoạt động
của các dòng Mến Thánh giá ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực thích
ứng với sự phát triển của xã hội và giáo hội.
1.2. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh
giá Phát Diệm
Giáo phận Phát Diệm hiện nay trước đây là một phần của giáo phận
Bắc kỳ Duyên Hải (quen gọi là giáo phận Thanh) thành lập năm 1901 theo
Đoản sắc của giáo hoàng Lêo XIII ban hành ngày 15/4/1901. Đến ngày
8/2/1902, các Sắc chỉ của Tòa thánh liên quan đến việc thành lập giáo phận
Thanh đã được chính thức công bố trong cuộc họp tại Kẻ Sở và từ năm 1902
giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải trở thành
một giáo phận độc lập với đầy đủ nhân sự và cơ sở vật chất [xem:11 (tập 2),
tr.566]. Năm 1924, giáo phận Thanh đổi tên là giáo phận Phát Diệm theo địa
giới hành chính nơi đặt tòa giám mục. Đến năm 1932 Tòa thánh phân chia
giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là giáo phận Thanh và giáo phận
Phát Diệm. Giáo phận Thanh (thuộc tỉnh Thanh Hóa) giao cho các thừa sai
Pháp đảm nhận, giáo phận Phát Diệm gồm tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc
Thủy của tỉnh Hòa Bình, được giao cho hàng giáo sĩ Việt Nam chịu trách
nhiệm [11 (tập 2), tr. 575-576]. Quá trình hình thành và phát triển của dòng
Mến Thánh giá Phát Diệm gắn liền với sự thành lập và phát triển của giáo
phận Phát Diệm.
Năm 1902 giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ
Duyên Hải trở thành một giáo phận độc lập, Tòa thánh bổ nhiệm giám mục
Alecxandre Marcou (có tên Việt Nam là Thành) lúc đó là phó giáo phận
33
Tây Đàng Ngoài làm giám mục Đại diện tông tòa giáo phận Thanh. Khi
giáo phận Thanh được thành lập, đã có ba cộng đoàn (còn gọi là nhà) của
các nữ tu Mến Thánh giá đó là cộng đoàn Bạch Bát được thành lập năm
1749, cộng đoàn Phúc Nhạc được thiết lập năm 1788 và cộng đoàn Cách
Tâm thành lập năm 1828, ba cộng đoàn độc lập với nhau và tất cả đều
thuộc lãnh thổ của tỉnh Ninh Bình [11 (tập 2), tr. 570]. Với tư cách là giám
mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của giáo phận, năm 1902 giám mục
A.Marcou quy tụ các nữ tu Mến Thánh giá ở ba cộng đoàn nói trên và lập
thành một dòng Mến Thánh giá lấy tên là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm,
đặt tại Lưu Phương thuộc giáo phận Phát Diệm và nhà Lưu Phương trở
thành nhà Mẹ của dòng. Giám mục A.Marcou thành lập dòng Mến Thánh
giá Phát Diệm đúng với mục đích, nhiệm vụ và tinh thần của dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam do giám mục Lambert de la Motte đề ra.
Sau khi thành lập dòng Mến Thánh giá, giám mục A.Marcou đã cho
di chuyển nhà in từ Phúc Nhạc về Lưu Phương và giao cho các nữ tu Mến
Thánh giá Phát Diệm phụ trách công việc in sách đạo “công tác của chị em
là in sách (thời đó bằng chữ nôm và chữ nho), các đơn từ, văn tự… bằng
chữ nho; còn sách đạo bằng chữ nôm: sách Kinh, sách bổn, lịch Công giáo,
sách cấm phòng, sách Giảng sự thương khó của chúa Giêsu… Nhà in tại
Phúc Nhạc là chung cho cả 3 giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa và Phát Diệm”
[55, tr. 163]. Ngoài ra, các nữ tu còn làm thuốc nam bán kết hợp với những
công việc khác như làm ruộng, chăn nuôi và may đồ phụng vụ (may áo lễ,
khăn vai, khăn thánh, áo các thánh, ảnh…). Những công việc này một mặt
giúp nữ tu đảm bảo trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mặt khác thông
qua đó nữ tu có điều kiện thâm nhập, tiếp xúc với dân chúng chủ yếu là
những người nghèo đói và truyền bá đạo Công giáo.
34
Năm 1916 Giám mục Marcou Thành giao cho Thừa sai Louis de
Cooman (có tên Việt Nam là Hành) - Tổng Đại diện giáo phận Thanh (sau
này là giám mục phó với quyền kế vị) phụ trách và biên soạn luật mới cho
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm [55, tr. 94]. Với trách nhiệm mới giám
mục Louis de Cooman tiến hành cải tổ dòng Mến Thánh giá trên các
phương diện như thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, biên soạn lại
Hiến pháp quy định việc khấn dòng theo Giáo luật năm 1917; sửa đổi tu
phục, nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh giá trước ngực; sửa
đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu như Bà Mẹ đổi thành Bề
trên chung của cả hội dòng, chị giữ việc gọi là Tổng quản lý. Tại các cộng
đoàn, đứng đầu là Bà Nhất, chị Cai được gọi là Quản lý. Đến năm 1924
luật mới của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được Tòa Thánh phê duyệt.
Như vậy, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng Mến Thánh giá đầu tiên
ở Việt Nam được cải tổ và ban hành luật mới.
Ngày 02/02/1925 giám mục A.Marcou Thành và giám mục Louis de
Cooman đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 71 [11 (tập 2), tr. 571]
nữ tu tại nhà Mẹ Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn đầu tiên sau 255
năm kể từ khi giám mục Lambert de la Motte nhận lời khấn của 2 nữ tu Anê
và Paula tại Phố Hiến và cũng là lễ khấn tạm đầu tiên của nữ tu dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (Giáo
luật 1917 quy định lời khấn đơn dành cho các dòng tu có đời sống phục vụ
tông đồ truyền giáo). Sáu năm sau, tức ngày 01/02/1931, các nữ tu này được
khấn trọn và đây cũng là lễ khấn trọn đầu tiên của các nữ tu dòng Mến
Thánh giá ở Việt Nam.
Năm 1932, Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai
giáo phận là Thanh Hóa và Phát Diệm, cho nên dòng Mến Thánh giá
Phát Diệm cũng được chia tách. Trong đó, các cộng đoàn của dòng
35
nằm trong lãnh thổ Thanh Hóa thuộc về dòng Mến Thánh giá Thanh
Hóa và các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ Ninh Bình và huyện Lạc Thủy
(tỉnh Hòa Bình) thuộc về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Như vậy, sau
khi chia tách giáo phận dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng chia tách và
hoạt động độc lập.
Khi mới thành lập, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm mới có cơ sở đầu
tiên tại Lưu Phương, sau này cùng với sự phát triển của Công giáo trong giáo
phận, số nhân sự của dòng ngày càng tăng, cho nên dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm thành lập thêm nhiều cộng đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận. Cụ thể
là cộng đoàn Ninh Bình được thành lập năm 1919; cộng đoàn Văn Hải thành
lập năm 1927; cộng đoàn Khiết Kỷ thiết lập năm 1937; cộng đoàn Hướng
Đạo thành lập năm 1938; cộng đoàn Tôn Đạo và cộng đoàn Vô Hốt thành lập
năm 1940; cộng đoàn Quyết Bình và cộng đoàn Dưỡng Điềm thành lập năm
1950; cộng đoàn Như Tân thiết lập năm 1952 và cộng đoàn Tân Khẩn thành
lập năm 1953 [55, tr. 97].
Cùng với việc phát triển nhân sự và thành lập các cộng đoàn mới,
nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm còn giúp cải tổ các hội dòng Mến
Thánh giá ở các giáo phận khác như năm 1942 đã giúp cải tổ Hội dòng
Mến Thánh giá Hưng Hóa (giáo phận Hưng Hóa). Năm 1946 giúp thành
lập dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (giáo phận Bùi Chu tỉnh Nam
Định). Năm 1951 giúp cải tổ dòng Mến Thánh giá Bùi Chu, sau này đổi
tên là Dòng Đức Mẹ Trinh Vương.
Năm 1954, sau hiệp định Giơneve lãnh thổ nước ta chia cắt thành 2
miền, Công giáo ở Việt Nam diễn ra một cuộc di cư lớn. Giáo phận Phát
Diệm cũng là một trong những giáo phận có số lượng chức sắc và giáo dân
di cư đông. Trong đó nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm phần lớn di cư
vào Nam, cho nên thời kỳ này nhân sự của dòng có nhiều xáo trộn. Ngày
36
11/07/1954 cùng với giám mục Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm,
khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam, còn
30 nữ tu lớn tuổi ở lại, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa
vì không có người ở [64]. Số nữ tu của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm di
cư vào Nam và đã thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tại Gò Vấp
thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1995 theo nghị
định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Gò Vấp.
Sau cuộc di cư, đến năm 1957 tình hình ổn định hơn, dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm tiếp nhận 30 thỉnh sinh và chia thành các lớp đào tạo
trong ba năm 1958, 1959 và 1960. Sau thời gian đào tạo và huấn luyện
ngày 01/01/1963 dòng tổ chức lễ khấn tạm cho 30 tập sinh này.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm không tuân thủ theo quy định của chính quyền địa phương. Cho nên
trong hai năm 1966 - 1967, chính quyền yêu cầu 12 nữ tu trở về gia đình,
nhưng thời gian này do ảnh hưởng của cuộc di cư, giáo phận Phát Diệm
đang thiếu linh mục và nhân sự phục vụ tại các giáo xứ. Vì thế thay vì trở
về sinh hoạt tại gia đình thì các nữ tu này đến các giáo xứ (Tân Khẩn, Trì
Chính, Mông Hưu, Phương Thượng, Phát Diệm, Dưỡng Điềm) phục vụ và
trở thành trợ tá đắc lực trong các công việc mục vụ của giáo xứ như dạy
giáo lý cho trẻ em tại, phụ trách ca đoàn, phục vụ phòng thánh, đem Mình
Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà.
Trong thời gian chiến tranh, cùng với những khó khăn của đất nước,
dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng gặp nhiều khó khăn và gần như
không phát triển nhân sự. Sau công cuộc đổi mới đất nước, nhất là sau khi
Đảng và Nhà nước ta có chính sách đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo, từ năm
1991 các nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được tạo điều kiện thuận
lợi trở lại dòng sinh sống và hoạt động. Với sự giúp đỡ của giám mục Bùi
37
Chu Tạo (giám mục giáo phận Phát Diệm) nữ tu Ana Đinh Thị Hiền được
gửi vào dòng Mến Thánh giá Gò Vấp (gốc là dòng Mến Thánh giá Phát
Diệm) để chuẩn bị khấn trọn theo giáo luật và lễ khấn trọn diễn ra vào ngày
12/06/1991. Sau đó nữ tu Ana Hiền trở về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
nhận trách nhiệm đại diện. Ngày 14/09/1991 nữ tu Ana Hiền đã nhận
lời khấn cho 7 nữ tu cùng lớp tại nhà nguyện Tòa giám mục Phát
Diệm. Ngày 24/10/1991 một số ứng sinh mới của dòng được gửi vào
nhà Mẹ của dòng Mến Thánh giá Gò Vấp để huấn luyện ở các lớp đệ
tử, tiền tập viện và tập viện.
Cùng năm này, với sự giúp đỡ của giám mục Bùi Chu Tạo, nhà
nguyện của dòng đã được xây dựng lại trên chính nền nhà nguyện cũ bị
bom đánh phá trong thời kỳ chiến tranh. Đến ngày 14/09/1992, tại nhà
nguyện của dòng, giám mục Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn cho 8 nữ
tu sau 29 năm khấn tạm (1963-1992).
Từ năm 1993, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tái thiết khu trường
đệ tử cho tập sinh ở và học tập. Sau đó, dần dần tái thiết các khu nhà khác
của dòng đồng thời từng bước khôi phục và tái lập các cộng đoàn trước
đây đã đóng cửa do thiếu nữ tu trông coi.
Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do chiến tranh, chia ly nhưng
cho đến nay dòng Mến Thánh giá Phát Diệm vẫn tiếp tục phát triển và
ngày càng mở rộng hoạt động. Hiện nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai
Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo phận Phát Diệm dòng có 15
cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo
phận. Cộng đoàn hoạt động trong giáo phận Phát Diệm là: cộng đoàn
Lưu Phương (nhà Mẹ), Thành Đức (Cách Tâm), Hướng Đạo, Văn Hải,
Như Sơn, Quyết Bình, Quy Hậu, Hóa Lộc, Dưỡng Điềm, Tân Mỹ,
Thuần Hậu, Phương Thượng, Trung Đồng, Sào Lâm và Vô Hốt. Cộng
38
đoàn hoạt động ngoài giáo phận là: cộng đoàn Quỹ Nhất (giáo phận
Bùi Chu), cộng đoàn sinh viên Hà Nội (giáo phận Hà Nội) [64]. Theo
báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến
Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu, 120 dự tu [8, tr. 1].
Tiểu kết chương 1:
Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ được thành lập sớm nhất ở Việt
Nam, sự ra đời và phát triển của dòng gắn liền với quá trình truyền bá và
phát triển Công giáo vào Việt Nam. Trong quá trình phát triển các cộng
đoàn của dòng được tách ra và trở thành một dòng Mến Thánh giá độc lập
mang tên giáo phận hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của dòng. Cho
đến hiện nay, theo số liệu thống kê của giáo hội Công giáo Việt Nam (Niên
giám 2005), tại Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá với trên 4.450 nữ tu
đã khấn và 3.221 tu sinh, là hội dòng có số nhân sự lớn nhất so với các
dòng tu nữ ở Việt Nam, chiếm khoảng hơn 1/3 số nữ tu cả nước. Hoạt động
của các dòng Mến Thánh giá ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực thích
ứng với sự phát triển của xã hội và Giáo hội.
Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là một trong 23 dòng Mến Thánh
giá ở Việt Nam, là dòng Mến Thánh giá được thành lập tương đối sớm
so với các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và cũng là dòng Mến Thánh
giá đầu tiên được cải tổ và ban hành luật mới. Quá trình hình thành của
dòng gắn liền với quá trình thành lập của giáo phận Phát Diệm. Hiện
nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo
phận Phát Diệm dòng có 15 cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn
hoạt động ngoài giáo phận. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh
Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu
và 120 dự tu.
39
CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ
HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM
2.1. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của dòng tu Công giáo hình thành theo hệ thống của
từng dòng chứ không có hệ thống chung thống nhất cho tất cả các dòng tu
thế giới. Mặc dù, Toà thánh Vatican cũng đặt ra Bộ Tu sĩ (tên gọi đầy đủ là
Bộ lo về Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ) để hướng
dẫn và điều hành các dòng tu. Bộ này là cơ quan hành chính của giáo triều
có nhiệm vụ trong các lĩnh vực thiết lập, giải thể dòng tu, phê chuẩn hiến
chương, nội quy của các hội dòng, hiệp thông giữa các bề trên thượng cấp
của các dòng tu và những vấn đề cơ bản liên quan đến giáo huấn, giáo luật
về dòng tu. Tuy nhiên, Bộ tu sĩ không có quyền can thiệp sâu vào đời sống
tu trì cũng như hoạt động của tu sĩ các dòng tu. Mọi vấn đề điều hành và
quản trị dòng tu đều do mỗi dòng tu tuỳ theo cấp độ (dòng giáo hoàng hay
dòng giáo phận) tổ chức điều hành dưới quyền của các bề trên dòng. Do
vậy, cùng với việc thành lập các cơ sở dòng thì cơ cấu tổ chức cũng được
thiết lập để điều hành hoạt động của dòng.
Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng giáo phận, cho nên tổ chức
hành chính của dòng gồm 2 cấp: nhà Mẹ và các cộng đoàn. Nhà Mẹ hay
cộng đoàn là nơi ở và sinh hoạt của nữ tu. Nhà Mẹ là cơ sở chính của dòng,
còn cộng đoàn là các cơ sở trực thuộc (thông thường đối với các dòng tu
hoạt động nói chung các cơ sở trực thuộc dòng được gọi là Tu viện). Theo
giáo luật, để thành lập một Tu viện cần phải có Nghị định của Bề trên có
thẩm quyền trong dòng và sự thỏa thuận bằng giấy tờ của giám mục giáo
phận tại nơi sẽ thành lập nhà “những nhà của một hội dòng được nhà chức
trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản
của giám mục giáo phận” [32, tr. 207-208]. Theo giáo luật điều 608 “Cộng
40
đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề
trên được chỉ định chiếu theo quy tắc của luật; mỗi nhà phải có ít nhất một
nguyện đường là nơi cử hành Thánh lễ và lưu giữ Thánh thể, để thực sự là
trung tâm của cộng đoàn”.
Nhà Mẹ và các cộng đoàn của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành
lập cũng tuân theo các quy định của giáo luật. Nhà Mẹ được thành lập với
sự đồng ý bằng văn bản của giám mục giáo phận Phát Diệm. Còn các cộng
đoàn do Tổng phụ trách dòng thành lập với sự đồng ý của Ban Tổng cố
vấn. Hiện nay, dòng có 1 nhà Mẹ tại Lưu Phương và 15 cộng đoàn tại các
giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm và 2 cộng đoàn ngoài giáo phận. Các
cộng đoàn trong dòng liên kết với nhau và liên kết với nhà Mẹ trong các
hoạt động cũng như trong đời sống tu trì. Đứng đầu nhà Mẹ là Tổng phụ
trách dòng, đứng đầu các cộng đoàn là Phụ trách cộng đoàn.
Các chức vụ trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
Trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hai chức vụ Bề trên thực thụ
theo giáo luật là chức vụ Tổng phụ trách và chức vụ Phụ trách cộng đoàn.
Các Bề trên thi hành một quyền bính cá biệt và hữu hiệu theo Hiến
chương và Nội quy [56, tr. 121].
Tổng phụ trách dòng: là người đứng đầu nhà Mẹ đồng thời cũng là
người điều hành hội dòng. Tổng phụ trách do Tổng tu nghị bầu cử dưới
quyền chủ tọa và xác nhận của giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ. Tổng
phụ trách dòng có nhiệm kỳ 4 năm, có thể tái nhiệm một lần. Những người
được tuyển chọn làm Tổng phụ trách dòng phải là nữ tu đã khấn trọn 10
năm và không quá hạn tuổi do Nội quy ấn định. Ngoài ra phải là người có
lòng yêu mến hội dòng, nắm vững đoàn sủng của dòng, nêu gương cho chị
em trong việc trau dồi các nhân đức, tuân giữ luật lệ và các truyền thống
của dòng, trung thành với giáo huấn của Giáo hội, có trình độ và hiểu biết
41
thần học [xem:56, tr.133]. Nếu vì một lý do rất nghiêm trọng, chị Tổng phụ
trách có thể xin từ chức hoặc bị bãi chức. Quyết định về hai trường hợp này
thuộc thẩm quyền giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ [56, tr.125].
Quyền và trách nhiệm của Tổng phụ trách dòng: Tổng phụ trách
dòng có quyền trên toàn thể hội dòng, từng cộng đoàn và mỗi nữ tu. Quyền
của Tổng phụ trách được quy định theo Hiến chương, Nội quy và các quyết
định của Tổng tu nghị. Tổng phụ trách dòng có nhiệm vụ điều hành và linh
hoạt đời sống hội dòng về mọi phương diện trong tinh thần liên đới trách
nhiệm với Ban Tổng cố vấn, các vị Phụ trách cộng đoàn và các chị đặc
trách huấn luyện; Chủ tọa Tổng tu nghị và chính thức công bố các quyết
định của Tổng tu nghị cho toàn thể hội dòng; bảo vệ Hiến chương, Nội quy
và đảm bảo thi hành các quyết định của Tổng tu nghị; Kinh lý các cộng
đoàn ít nhất 2 lần trong nhiệm kỳ; Duy trì kỷ luật, sự hiệp nhất và bình an
trong hội dòng; Chịu trách nhiệm về hội dòng trước giám mục; Cư trú tại
trụ sở nhà Mẹ, chỉ được vắng nhà khi thi hành chức vụ nhưng nếu vắng mặt
khỏi giáo phận trên một tháng, cần trình báo giám mục giáo phận. Khi vắng
mặt vì những lý do khác, cần có phép của giám mục [xem:56, tr.133-134].
Phụ trách cộng đoàn: do Tổng phụ trách dòng bổ nhiệm sau khi tham
khảo cộng đoàn liên hệ bằng cách để cho tất cả nữ tu khấn trọn và khấn tạm
trong cộng đoàn đề cử và được sự chấp thuận của Ban Tổng cố vấn [xem: 56,
tr.123]. Những người được tuyển chọn làm Phụ trách cộng đoàn phải là nữ tu
đã khấn trọn ít nhất 5 năm và không quá hạn tuổi do nội quy ấn định. Ngoài ra
phải là người có lòng yêu mến hội dòng và quan tâm xây dựng tình đoàn kết
giữa các nữ tu với nhau và giữa cộng đoàn với môi trường địa phương. Phụ
trách cộng đoàn có nhiệm kỳ 4 năm [56, tr.145].
Trách nhiệm và quyền hạn: linh hoạt và điều hành đời sống cộng
đoàn về mọi mặt trong tinh thần liên đới trách nhiệm với Hội đồng cộng
42
đoàn và Tu nghị cộng đoàn. Có quyền quyết định trong khuôn khổ Hiến
chương và Nội quy, đồng thời khích lệ sự tham gia tích cực của mọi nữ tu
vào việc quản trị cộng đoàn; Thi hành các chức vụ của mình dưới quyền
Tổng phụ trách dòng; Cư trú tại cộng đoàn và chỉ vắng mặt khi thi hành
chức vụ. Khi vắng mặt vì những lý do thì tuỳ thuộc vào thời gian để xin
phép vắng mặt. Nếu vắng từ 15 ngày đến 6 tháng thì phải có phép của Tổng
phụ trách dòng. Nếu trên 6 tháng thì phải có phép của Tổng phụ trách dòng
với sự đồng ý của Ban Tổng cố vấn nhưng không được vắng mặt trên 1
năm. Trong trường hợp đi chữa bệnh, học tập, làm việc tông đồ nhân danh
hội dòng vắng mặt trên 1 năm thì có phép của Tổng phụ trách dòng với sự
đồng ý của Ban Tổng cố. Vắng mặt trên 1 năm mà không thuộc các lý do
nêu trên thì phải có phép của giám mục sở tại do Tổng phụ trách xin.
Theo Giáo luật và Hiến chương dòng Mến Thánh giá, Tổng phụ
trách dòng và Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn các cấp. Đối với
Tổng phụ trách dòng phải có Ban Tổng cố vấn, đối với Phụ trách cộng
đoàn phải có Ban cố vấn cộng đoàn. Hiến chương dòng cũng quy định rõ
chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm, số thành viên của Ban Tổng cố vấn và
Ban cố vấn cộng đoàn.
Ban Tổng cố vấn: là những người cộng sự của Tổng phụ trách, góp ý
với Tổng phụ trách những vấn đề quan trọng. Ban Tổng cố vấn gồm có Phó
Tổng phụ trách là đệ nhất Tổng cố vấn và 4 hoặc 6 Tổng cố vấn khác.
Nhiệm kỳ của các Tổng cố vấn là 4 năm, có thể tái đắc cử nhiều lần liên
tiếp [56, tr. 134]. Ban Tổng cố vấn do Tổng tu nghị bầu ra, chủ tọa Tổng tu
nghị là Tổng phụ trách dòng. Những người được bầu làm Tổng cố vấn phải
là nữ tu đã khấn trọn 5 năm, có lòng yêu mến hội dòng, có kinh nghiệm tu
trì và tông đồ, biết lắng nghe và phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng
của các nữ tu. Các Tổng cố vấn cộng tác với Tổng phụ trách dòng bằng
43
cách hài hòa và hữu hiệu trong điều hành và linh hoạt hội dòng theo tinh
thần liên đới và phụ đới [56, tr.135].
Tổng cố vấn đắc cử đầu tiên đương nhiên trở thành Phó Tổng phụ
trách dòng. Trách nhiệm của Phó Tổng phụ trách là thay thế Tổng phụ
trách dòng khi Tổng phụ trách dòng vắng mặt nhưng không được tự tiện
thay đổi điều gì ngược lại với ý muốn của Tổng phụ trách dòng. Trong
trường hợp Tổng phụ trách dòng đoạn nhiệm, Phó Tổng Phụ trách xử lý
thường vụ và trong vòng 3 tháng triệu tập Tổng Tu nghị bầu cử Tổng phụ
trách dòng mới [56, tr.135].
Ngoài ra, trong cơ cấu tổ chức của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm
còn có các chức vụ Tổng Thư ký, Tổng Quản lý.
Tổng Thư ký: có nhiệm vụ soạn thảo, truyền đạt, lưu trữ các văn thư
chính thức của hội dòng, tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng và chỉ
biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu. Tổng Thư ký là một nữ tu đã
khấn trọn, có khả năng làm việc văn phòng, đức tính cẩn thận và có lòng
yêu mến hội dòng [56, tr.136].
Tổng Quản lý: là một nữ tu đã khấn trọn, có lòng yêu mến hội dòng, có
tinh thần nghèo khó, ý thức về công bằng, cẩn mật và quảng đại với nữ tu.
Tổng Quản lý có trách nhiệm quản lý tài sản của dòng dưới quyền điều khiển
của Tổng phụ trách dòng. Có trách nhiệm báo cáo tình trạng tài chính của hội
dòng hàng năm cho hội dòng vào cuối năm dương lịch, 4 năm một lần cho
Tổng Tu nghị thường lệ và cho giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ theo yêu
cầu của giám mục. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng khi bàn về vấn
đề kinh tế và chỉ biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu [56, tr.136].
Ban Cố vấn cộng đoàn là những người cộng sự của Phụ trách cộng
đoàn, góp ý với Phụ trách cộng đoàn những vấn đề quan trọng liên quan
đến việc điều hành cộng đoàn. Cố vấn cộng đoàn do Tổng phụ trách dòng
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf

More Related Content

Similar to KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf

Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975OnTimeVitThu
 
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...HanaTiti
 
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...nataliej4
 
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019TiLiu5
 
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019phamhieu56
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIXLUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIX
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIXOnTimeVitThu
 
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIXPHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIX
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIXOnTimeVitThu
 
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...NuioKila
 
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...OnTimeVitThu
 

Similar to KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf (20)

Luận văn: Đặc trưng tu tập của Hệ phái Khất Sĩ từ khởi đầu đến nay
Luận văn: Đặc trưng tu tập của Hệ phái Khất Sĩ từ khởi đầu đến nayLuận văn: Đặc trưng tu tập của Hệ phái Khất Sĩ từ khởi đầu đến nay
Luận văn: Đặc trưng tu tập của Hệ phái Khất Sĩ từ khởi đầu đến nay
 
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
 
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình thế kỷ XVII-XIX
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình thế kỷ XVII-XIXLuận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình thế kỷ XVII-XIX
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình thế kỷ XVII-XIX
 
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAYLuận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
 
Luận án: Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, HAY
Luận án: Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, HAYLuận án: Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, HAY
Luận án: Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, HAY
 
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
 
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
 
60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc
 
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAYĐề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
 
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
 
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
 
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC CUỘC ĐỜI VÀ LỬA TỪ BI_10533612092019
 
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đHội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIXLUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIX
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
 
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIXPHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE  THẾ KỶ XVIII - XIX
PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE THẾ KỶ XVIII - XIX
 
BÀI MẪU Khóa luận quản lý nhà nước về Tôn Giáo, HAY
BÀI MẪU Khóa luận quản lý nhà nước về Tôn Giáo, HAYBÀI MẪU Khóa luận quản lý nhà nước về Tôn Giáo, HAY
BÀI MẪU Khóa luận quản lý nhà nước về Tôn Giáo, HAY
 
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.docTóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
 
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
 
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
 

More from HanaTiti

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfHanaTiti
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfHanaTiti
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...HanaTiti
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...HanaTiti
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...HanaTiti
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfHanaTiti
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfHanaTiti
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...HanaTiti
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...HanaTiti
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfHanaTiti
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfHanaTiti
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...HanaTiti
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfHanaTiti
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfHanaTiti
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...HanaTiti
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfHanaTiti
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...HanaTiti
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...HanaTiti
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfHanaTiti
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfHanaTiti
 

More from HanaTiti (20)

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
 

Recently uploaded

Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfXem Số Mệnh
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hardBookoTime
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ haoBookoTime
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiTruongThiDiemQuynhQP
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...PhcTrn274398
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem Số Mệnh
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Xem Số Mệnh
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx22146042
 

Recently uploaded (20)

Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
 

KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ============================= NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Tôn giáo học Hà Nội - 2014
  • 2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ============================= NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học Mã số: 60 22 90 Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng Hà Nội - 2014
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn Thạc sỹ với đề tài “Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay” được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Quang Hưng là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu trong Luận văn hoàn toàn trung thực và chưa công bố. Các thông tin, tài liệu sử dụng trong Luận văn có nguồn gốc, trích dẫn rõ ràng. Tác giả Luận văn Nguyễn Thị Bích Ngoan
  • 4. LỜI CẢM ƠN! Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo trong khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đã đào tạo, giúp đỡ em trong suốt thời gian học tập vừa qua và đã tạo điều kiện cho em được thực hiện luận văn tốt nghiệp này. Đặc biệt, em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo PGS. TS Nguyễn Quang Hưng, người đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho em từ những bước đầu tiên cho đến khi hoàn thành luận văn này. Em cũng xin cảm ơn chân thành tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người đã luôn động viên, giúp đỡ trong suốt thời gian em học tập và làm luận văn. Em xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, tháng 9 năm 2014 Tác giả luận văn Nguyễn Thị Bích Ngoan
  • 5. 1 MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................3 1. Tính cấp thiết của đề tài ............................................................................3 2. Lịch sử nghiên cứu....................................................................................4 3. Mục đích và nhiệm vụ.............................................................................14 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................14 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu .............................................15 6. Ý nghĩa của Luận văn .............................................................................15 NỘI DUNG .................................................................................................16 Chương 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở VIỆT NAM VÀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM..............................................................................................16 1.1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam.........................................................................................16 1.2. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm ...............................................................................................32 Tiểu kết chương 1: .....................................................................................38 CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM .........................39 2.1. Cơ cấu tổ chức...................................................................................39 2.2. Đời sống tu trì..................................................................................44 2.2.1. Quá trình huấn luyện và đào tạo nữ tu.......................................45 2.2.2. Tuân giữ ba lời khấn dòng..........................................................54 2.2.3. Đời sống cầu nguyện ..................................................................57 2.2.4. Đời sống cộng đoàn....................................................................61
  • 6. 2 2.3. Hoạt động tông đồ...........................................................................64 2.3.1. Hoạt động tông đồ giáo xứ.........................................................67 2.3.2. Hoạt động tông đồ xã hội..........................................................69 2.4. Xu hướng phát triển và một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hiện nay ..............................................................................74 2.4.1. Xu hướng phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm trong thời gian tới...........................................................................................74 2.4.2. Một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hiện nay .................................76 Tiểu kết chương 2: .....................................................................................86 KẾT LUẬN................................................................................................88 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................90 PHỤ LỤC...................................................................................................96
  • 7. 3 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong cơ cấu tổ chức của giáo hội Công giáo, dòng tu là một bộ phận cấu thành và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của giáo hội. Nó là một hệ thống tổ chức vừa lo nghiên cứu, duy trì, củng cố đức tin vừa lo truyền giáo, phát triển đạo. Sau Công đồng Vatican II (1962-1965) với đường lối canh tân và thích nghi, một số vấn đề liên quan đến dòng tu, nhất là dòng tu nữ đã có sự thay đổi nhằm thích nghi với thời đại mới. Vai trò truyền giáo, củng cố đức tin, mở rộng vùng giáo của các dòng tu thông qua sự dấn thân một cách trung thành bền bỉ của tu sĩ đã được giáo hội Công giáo nhìn nhận và đánh giá. Ở Việt Nam, dòng tu được du nhập và hình thành cùng với quá trình truyền giáo và phát triển đạo của giáo hội Công giáo. Là một tổ chức có vai trò quan trọng ngay từ khi Công giáo được truyền bá vào, dòng tu đóng vai trò như “chiếc cầu nối” đưa đạo Công giáo đến Việt Nam đồng thời vừa có vai trò trong việc gây dựng tổ chức, truyền giáo và phát triển đạo. Bên cạnh những dòng tu có nguồn gốc nước ngoài du nhập vào nước ta thì tại các giáo phận trong nước, dòng tu cũng được thành lập. Những dòng tu này được gọi là dòng thuộc quyền giáo phận hay dòng giáo phận. Trong số đó, dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ thuộc quyền giáo phận được thành lập sớm nhất ở Việt Nam. Đây là dòng tu đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, có lời khấn sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc giám mục giáo phận và hoạt động chủ yếu hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Hiện nay, ở nước ta có 23 dòng Mến Thánh giá hoạt động trong hầu hết các giáo phận, là hội dòng có nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ tại Việt Nam.
  • 8. 4 Giáo phận Phát Diệm hiện nay trước đây là một phần của giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải (quen gọi là giáo phận Thanh) thành lập năm 1901. Năm 1924, giáo phận Thanh đổi tên là giáo phận Phát Diệm theo địa giới hành chính nơi đặt tòa giám mục. Đến năm 1932 Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là giáo phận Thanh và giáo phận Phát Diệm. Phát Diệm là một trong những giáo phận có vị trí quan trọng của giáo hội Công giáo Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của một số vị linh mục, giám mục nổi tiếng như linh mục Trần Lục, giám mục Việt Nam tiên khởi Nguyễn Bá Tòng, giám mục Lê Hữu Từ. Hơn nữa, đây cũng là nơi hình thành và du nhập của một số dòng tu như dòng Mến Thánh giá, dòng Thánh Phaolô Thành Chartre, dòng Đức Bà Truyền giáo, dòng kín Cát Minh, dòng Sư huynh Lasan, dòng Xitô Châu Sơn. Cho đến hiện nay, tại giáo phận Phát Diệm chỉ có dòng Mến Thánh giá và dòng Xitô Châu Sơn còn tồn tại và phát triển. Trong đó, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng tu nữ được thành lập tương đối sớm so với các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và cũng là dòng Mến Thánh giá đầu tiên được cải tổ và ban hành luật mới. Vì vậy, tìm hiểu và nghiên cứu về một dòng tu nữ ở một giáo phận tiêu biểu như giáo phận Phát Diệm là một điều cần thiết. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về lịch sử hình thành, phát triển, đời sống tu trì cũng như hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn Khảo cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay làm đề tài nghiên cứu Luận văn chuyên ngành Tôn giáo học. 2. Lịch sử nghiên cứu Nhìn chung, hiện nay số lượng các công trình nghiên cứu về dòng tu Công giáo ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là những công trình nghiên cứu
  • 9. 5 chuyên biệt về dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam nói chung và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm nói riêng còn tương đối ít. Có thể phân chia các công trình nghiên cứu về dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành các nhóm như sau: Các công trình nghiên cứu về lịch sử Công giáo ở Việt Nam đã ít nhiều đề cập đến dòng tu Công giáo và dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam như bộ sách Giáo hội Công giáo ở Việt Nam (gồm 3 quyển) xuất bản năm 1998 của Bùi Đức Sinh. Đúng như tên gọi, bộ sách là một cái nhìn tổng quát về lịch sử của giáo hội Công giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ. Trong bộ sách này, tác giả Bùi Đức Sinh phân chia lịch sử của giáo hội Công giáo ở Việt Nam thành 4 thời kỳ. Một là, thời kỳ mở đường và đặt nền móng (trước thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII). Hai là, thời kỳ xây dựng và tổ chức (từ giữa thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XIX). Ba là, thời kỳ vươn lên trong thử thách đau thương. Bốn là, thời kỳ kiến thiết và tiến tới trưởng thành (từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX). Phần viết về dòng tu được tác giả trình bày rải rác trong nhiều chương khác nhau và chủ yếu khái quát về lịch sử hình thành, phát triển và công cuộc truyền giáo của các dòng tu đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của tu sĩ các dòng tu trong quá trình truyền giáo ở Việt Nam. Quyển III của bộ sách là liên quan đến nội dung của luận văn hơn cả, bởi lẽ trong quyển này ngoài việc khái quát quá trình phát triển và tình hình hoạt động của các giáo phận Công giáo ở Việt Nam thì tác giả còn trình bày sơ lược quá trình du nhập của một số dòng tu Công giáo vào Việt Nam cũng như sự ra đời của các dòng tu Công giáo ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XX. Bên cạnh đó, tác giả còn phân tích sự phát triển và tình hình hoạt động của các dòng tu trong các giáo phận ở Việt Nam, trong đó tác giả trình bày khá cụ thể hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Thanh (Phát Diệm) từ khi giáo phận được
  • 10. 6 thành lập cho đến giữa thế kỷ XX. Có thể nói, cuốn sách này là nguồn tư liệu quan trọng và có giá trị trong quá trình khảo cứu và trình bày lịch sử hình thành của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Tiếp đến là cuốn sách Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, xuất bản năm 2001 tác giả Nguyễn Văn Kiệm. Trong cuốn này tác giả đã giới thiệu sơ lược về sự ra đời của dòng Mến Thánh giá cũng như vai trò và sự đóng góp đáng kể của các nữ tu Mến Thánh giá trong các hoạt động tông đồ, nhất là trong những thời kỳ cấm đạo. Ngoài ra, phần Phụ lục của cuốn sách đã trích dẫn 2 bản luật, một là “Luật lệ của dòng chị em Mến câu rút năm 1670” do giám mục Lambert soạn năm 1670. Hai là, bản chuyển qua tiếng Việt dễ đọc một số đoạn trong “sách phép” của dòng chị em Mến câu rút Đ.C.J. Có thể nói, cuốn sách đã đem lại cho chúng tôi nguồn tư liệu quan trọng trong quá trình tìm hiểu lịch sử dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam cũng như hiểu rõ đời sống tu trì của nữ tu Mến Thánh giá. Công trình Giáo hội Công giáo Việt Nam-Niên giám 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Nxb Tôn giáo, Hà Nội). Nội dung của cuốn sách được chia thành 3 phần với 48 chương, trong đó liên quan trực tiếp đến nội dung của luận văn là chương 18 với nhan đề “Các tổ chức tu trì tại Việt Nam” đã giới thiệu khái quát ba hình thức tu trì tại Việt Nam là Dòng tu, Tu hội đời và Tu đoàn Tông đồ. Ngoài việc thống kê tên gọi của các hình thức tu trì, nội dung phần này cũng đã trình bày sơ lược lịch sử, các hoạt động, nhân sự của các Dòng tu, Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ. Tuy nhiên, đây là cuốn sách Niên giám cho nên mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược về các dòng tu Công giáo chứ chưa đi sâu phân tích, làm rõ quá quá trình ra đời, phát triển cũng như đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu.
  • 11. 7 Cuốn sách Lịch sử địa phận Phát Diệm 1901-2001 (Lưu hành nội bộ). Cuốn sách đã trình bày tương đối chi tiết về quá trình thành lập giáo phận đồng thời cung cấp những thống kê về số lượng linh mục, thầy giảng, nữ tu, giáo dân trong giáo phận. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu khá cụ thể về các giáo xứ, các vị giám mục, linh mục, hàng giáo sĩ và các thánh tử đạo trong giáo phận. Đặc biệt, trong cuốn sách này đã trình bày sơ lược lịch sử hình thành và một số hoạt động của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thời kỳ đầu thành lập. Có thể nói, các công trình trên bước đầu đã phác lược những nét cơ bản về lịch sử hình thành, quá trình du nhập và sự ra đời cũng như sự phát triển của các dòng tu Công giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, những công trình này chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược lịch sử của các dòng tu, trong đó ít nhiều giới thiệu về dòng Mến Thánh giá nhưng nghiên cứu một cách chuyên sâu về lịch sử hình thành, đời sống tu trì, các hoạt động tông đồ của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thì chưa đề cập đến. Các công trình, bài viết về dòng Mến Thánh giá và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm như tập sách Kỷ yếu 40 năm thành lập dòng Mến Thánh giá Tân Lập (1960 - 2000) được xuất bản nhân ngày thành lập dòng, đã giới thiệu khái quát về dòng Mến Thánh giá Tân Lập ở các phương diện: quá trình hình thành và phát triển của dòng; các cộng đoàn trong và ngoài nước; các hoạt động mục vụ và hoạt động xã hội của dòng trong thời gian qua. Bài viết Hội dòng Mến Thánh giá Gò Vấp kỷ niệm 100 năm thành lập in trên Tuần báo Công giáo và dân tộc (tuần lễ từ 20.9 đến 26.9.2002). Trong bài viết này, tác giả đã trình bày khái lược nguồn gốc của dòng Mến Thánh giá Gò Vấp. Qua đó, cho chúng tôi thấy được sự phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm.
  • 12. 8 Bài viết Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm-chặng đường một trăm năm (Báo Người Công giáo Việt Nam, ngày 27/4/2002, tr 5) của tác giả Thành Tâm. Đúng như tên gọi, bài viết này mang tính chất giới thiệu sơ lược chặng đường hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, dù trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên cho đến nay ngày càng phát triển. Bài viết Dòng Mến Thánh giá đầu thế kỷ XX (Qua cuốn: Phép dòng chị em Mến câu rút Đức Chúa Giêsu) của tác giả Nguyễn Hồng Dương (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3/2006). Nội dung bài viết này giới thiệu bản luật “Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu” năm 1869, khắc in lại tại Phát Diệm năm 1909. Trong bài viết, tác giả đã giới thiệu về bố cục của tập sách, sau đó làm rõ tên gọi của dòng và đưa ra một số nhận định. Theo sự phân tích của tác giả tập sách Phép dòng chị em Mến câu rút Đức Chúa Giêsu gồm 26 đoạn đề cập đến các vấn đề như: tổ chức, mục đích lập dòng Mến Thánh giá, những điều răn dạy về tu đức, bổn phận của người nữ tu, đời sống tu trì của nữ tu. Cuốn sách Những nẻo đường tâm linh của Trung tâm Học vấn Đa Minh (2006). Trong cuốn sách này, bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Minh với nhan đề “Linh đạo hội dòng Mến Thánh giá” đã phân tích nguồn gốc của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, đồng thời tác giả trình bày khái quát quá trình thành lập, sứ mạng của dòng theo Hiến chương và tình hình hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Bài viết Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Việt Nam (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2007) của tác giả Phương Liên. Có thể nói, nội dung bài viết đã trình bày tương đối khái lược quá trình hình thành của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Ngoài ra, bài viết cũng đã giới thiệu một số hoạt động của dòng Mến
  • 13. 9 Thánh giá ở Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, bài viết có liên quan trực tiếp đến nội dung của luận văn, tuy nhiên tác giả mới chỉ bước đầu giới thiệu sơ lược về lịch sử và một số hoạt động của dòng chứ chưa phân tích làm rõ đời sống tu trì cũng như vai trò và ảnh hưởng của các hoạt động của dòng trong giáo phận như thế nào. Cuốn sách Dòng Mến Thánh giá những năm đầu, xuất bản năm 2008 của Đỗ Quang Chính. Có thể nói đây là cuốn sách liên quan trực tiếp đến đề tài. Trong cuốn sách này tác giả đã trình bày và phân tích tương đối chi tiết về quá trình thành lập và tổ chức của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả chỉ tập trung phân tích các sự kiện lịch sử thời kỳ đầu (thế kỷ XVII) khi dòng Mến Thánh giá thành lập mà chưa đi sâu nghiên cứu các giai đoạn phát triển của dòng đồng thời cũng chưa tìm hiểu về đời sống tu trì và các hoạt động tông đồ của nữ tu Mến Thánh giá thời kỳ này. Cuốn sách Tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh theo linh đạo đức cha Lambert de la Motte (Nxb Phương Đông, 2009) của tác giả Sr Cecilia Nguyễn Thanh Hương. Nội dung cuốn sách chia thành 4 chương. Chương 1: Huấn luyện người nữ tu Mến Thánh giá trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Chương 2: Quan niệm tứ đức của người nữ tu Mến Thánh giá hôm nay. Chương 3: Huấn luyện Công - Dung - Ngôn - Hạnh trong linh đạo của đức cha Lambert. Chương 4: Áp dụng tứ đức của đức cha Lambert trong chương trình huấn luyện người nữ tu Mến Thánh giá hôm nay. Như vậy, nội dung cuốn sách đã trình bày và phân tích cụ thể quá trình đào tạo và huấn luyện nữ tu Mến Thánh giá trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Đồng thời cũng cho thấy đào tạo và huấn luyện người nữ tu phải gắn với 4 đức tính Công - Dung - Ngôn - Hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
  • 14. 10 Bài viết Tìm hiểu về dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2011) của tác giả Lê Văn Thơ. Trong bài viết này tác giả đã trình bày khái lược lịch sử hình thành dòng Mến Thánh giá Phát Diệm đồng thời phân tích vai trò của một số giám mục trong việc phát triển của dòng. Ngoài ra, tác giả cũng giới thiệu một số hoạt động của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay, từ đó chỉ ra một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý đối với hoạt động của dòng. Nhìn chung, đây là bài viết liên quan trực tiếp đến đề tài của luận văn. Mặc dù vậy, bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc trình bày sơ lược về thời kỳ hình thành của dòng Mến Thánh giá ở Phát Diệm chứ chưa đi sâu phân tích quá trình phát triển của dòng cho đến hiện nay. Bên cạnh đó, tác giả mới chỉ giới thiệu một số hoạt động xã hội của dòng mà chưa phân tích, làm rõ vai trò cũng như ảnh hưởng của dòng trong giáo phận Phát Diệm hiện nay. Nhìn chung, các công trình, bài viết nêu trên mặc dù có liên quan trực tiếp đến đề tài của luận văn, tuy nhiên phần lớn nội dung của các công trình, bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc trình bày lịch sử hình thành của dòng Mến Thánh giá và sơ lược sự phát triển của dòng trong các giai đoạn lịch sử cùng với sự phát triển của Công giáo. Phần lớn các công trình, bài viết này chưa đi sâu tìm hiểu đời sống tu trì, mục đích, sứ mạng cũng như các hoạt động của dòng Mến Thánh giá, bên cạnh đó chưa phân tích làm rõ vai trò cũng như ảnh hưởng của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay. Một số công trình, bài viết về dòng tu Công giáo ở Việt Nam có liên quan đến dòng Mến Thánh giá nói chung và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm như bài viết Một số vấn đề về dòng tu Công giáo ở nước ta hiện nay của tác giả Nguyễn Hồng Dương; các bài viết về đời sống tu trì, hoạt động
  • 15. 11 tông đồ của tu sĩ các dòng tu; tập sách Nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21 của tác giả Nhân Tài; tập sách Giải thích giáo luật của tác giả Phan Tấn Thành và các văn kiện của Giáo hội liên quan đến dòng tu và đời sống tu trì như văn kiện của Công đồng Vatican II, văn kiện của Giáo hoàng Giaon Phaolô II, văn kiện của Bộ tu sĩ và Bộ giáo luật Giáo luật 1983. Bài viết Một số vấn đề về dòng tu Công giáo ở nước ta hiện nay (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 4 năm 2004) của tác giả Nguyễn Hồng Dương. Trong bài viết này, tác giả đã trình bày rất chi tiết các hoạt động trên những lĩnh vực khác nhau của dòng tu Công giáo ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, dòng tu nữ thể hiện được vai trò truyền giáo mạnh mẽ thông qua hoạt động giáo dục và xã hội từ thiện. Tác giả nhấn mạnh hai hướng phát triển của dòng tu Công giáo trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là xu hướng liên dòng và xu hướng tách nhỏ dòng. Trong các bài viết về đời sống tu trì và hoạt động xã hội của dòng tu Công giáo, cũng đề cập tương đối cụ thể các lĩnh vực hoạt động của dòng tu. Cụ thể như tác giả Nguyễn Hưng trên cơ sở tập hợp những bài giảng tĩnh tâm từ năm 1982 đến năm 1995 đã xuất bản tập Ba lời khấn dòng. Tác giả đã phân tích cặn kẽ trên cơ sở kết hợp giữa quan điểm thần học giáo hội Công giáo với những thách đố thực tế của xã hội Việt Nam hiện nay dưới góc độ tâm lý học xã hội học. Từ đó giúp nữ tu nhận thức rõ và xác định đúng đắn ơn gọi đời tu. Bên cạnh đó, một số chuyên đề khác của Nguyễn Hưng về đời sống tu trì như: Đời sống người nữ tu, Sống cộng đồng đời tu, Người nữ tu làm việc tông đồ, Người nữ tu cầu nguyện… Tập sách Nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21 của tác giả Nhân Tài xuất bản năm 2004. Tập sách là những tâm tư, trăn trở với các linh mục, nhất là nữ tu Việt Nam về những chủ đề như: ơn gọi truyền
  • 16. 12 giáo, tinh thần tu đức, các bước căn bản của người nữ tu cần có khi thực hiện công việc truyền giáo, những thách đố của thời đại mà người nữ tu phải đối mặt trong quá trình rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, các văn kiện của giáo hội Công giáo liên quan đến dòng tu đã bàn đến khía cạnh thần học và giáo luật về dòng tu và đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu. Trước hết là các văn kiện của Công đồng Vatican II về dòng tu, chủ yếu trong 2 văn kiện sau: Hiến chế tín lý về Hội thánh và Sắc lệnh về canh tân đời sống tu trì (Perfectae caritatis). Văn kiện Hiến chế tín lý về Hội thánh dành ra chương VI với nhan đề “Tu sĩ” nói về đời sống tu trì và tu sĩ các dòng tu được xét tới dưới khía cạnh thần học; Sắc lệnh về việc canh tân đời sống tu trì (quen gọi là Perfecta caritatis) đề cập khá nhiều đến dòng tu và vấn đề canh tân đời sống tu trì. Sau Công đồng Vatican II, Tòa thánh đã ban hành nhiều văn kiện pháp lý và hành chính liên quan đến vấn đề dòng tu. Cụ thể Tông huấn về Đời sống thánh hiến (Vita consecrata) nêu bật các chiều kích Kitô, Ba ngôi, Giáo hội và Thánh mẫu; văn kiện Các tu sĩ với sự thăng tiến con người và Chiều kích chiêm niệm của đời tu (1980) đã bàn về đời sống cầu nguyện và dấn thấn xã hội của các tu sĩ; Huấn thị về Việc đào tạo tu sĩ (1990); Huấn thị về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (1994). Đặc biệt quan trọng là Bộ giáo luật 1983, (Nxb Tôn giáo, 2007). Bộ giáo luật được ban hành ngày 25/1/1983 sau gần 20 năm soạn thảo. Tuy là một văn bản nặng về pháp chế và luật lệ nhưng nó chứa đựng khá nhiều điều khoản mang tính thần học và tu đức. Bộ giáo luật 1983 gồm bảy quyển, trong đó Quyển thứ hai với nhan đề Dân Thiên chúa được chia thành 3 phần. Phần I: Kitô hữu. Phần II: Cơ cấu phẩm trật của giáo hội. Phần III. Các Tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ. Nội dung phần III trình bày toàn bộ những khía cạnh pháp lý, thần học về dòng tu, tu hội đời và tu đoàn tông đồ. Trong đó, từ điều 607 đến điều 709 bàn về dòng tu với những điều khoản
  • 17. 13 đối với việc thiết lập và giải tán dòng tu, cơ cấu quản trị của dòng tu, huấn luyện và đào tạo tu sĩ, đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu, hoạt động tông đồ của các dòng tu, điều hành hoạt động của dòng tu ... Tóm lại các văn kiện của giáo hội Công giáo về đời tu đã đề cập tương đối cụ thể khía cạnh thần học và giáo luật của đời tu đã cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết tổng quan về mặt thần học trong đời sống tu trì của tu sĩ các dòng tu. Tác giả Phan Tấn Thành với tập sách Giải thích giáo luật (Học viện Đa Minh, Gò Vấp, 2012), đặc biệt là Tập III với nhan đề Các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ. Trong tập III, ngoài việc giới thiệu lịch sử của đời sống tu trì; những yếu tố thần học của đời sống tu trì. Nội dung tập sách còn bàn về: những quy tắc của việc thành lập và giải tán các dòng tu, việc quản trị các tài sản trong dòng tu, việc thu nhận và huấn luyện tu sĩ; những quy định của giáo hội cho hoạt động tông đồ của các dòng tu; những quy định về việc xuất tu của tu sĩ, cùng một số quy định về quyền hạn của Bề trên dòng. Nhìn chung, tập III của cuốn sách Giải thích giáo luật đã cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết tương đối đầy đủ quan điểm thần học và pháp lý của giáo hội Công giáo về dòng tu. Khảo cứu các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi thấy chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về lịch sử hình thành, tổ chức cũng như đời sống tu trì và hoạt động tông đồ của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Kế thừa các thành tựu mà những công trình nghiên cứu trước đã đạt được và dựa vào quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, trong Luận văn này chúng tôi hướng đến khảo cứu một cách cơ bản và có hệ thống về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và hoạt động tông đồ của dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm hiện nay.
  • 18. 14 3. Mục đích và nhiệm vụ 3.1. Mục đích Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm trên các phương diện lịch sử, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và hoạt động tông đồ. 3.2. Nhiệm vụ Để thực hiện mục đích trên Luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau: - Khái quát lịch sử hình thành, phát triển của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và dòng Mến Thánh giá Phát Diệm - Tìm hiểu cơ cấu tổ chức và đời sống tu trì của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hiện nay - Tìm hiểu một số hoạt động tông đồ của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hiện nay - Phân tích xu hướng phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm và một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đối với hoạt động của dòng ở tỉnh Nình Bình hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng: Luận văn nghiên cứu dòng Mến Thánh giá ở giáo phận Phát Diệm - Phạm vi: +Về thời gian: Luận văn tìm hiểu đời sống tu trì và một số hoạt động của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm từ năm 1990 đến nay.
  • 19. 15 + Về không gian: Luận văn nghiên cứu dòng Mến Thánh giá trong giáo phận Phát Diệm. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn dựa trên phương pháp thống nhất logic và lịch sử; phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Kết hợp với một số phương pháp liên ngành như: phương pháp sử học, phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu… 6. Ý nghĩa của Luận văn Luận văn nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống quá trình hình thành, phát triển, cơ cấu tổ chức, đời sống tu trì và hoạt động xã hội của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Từ đó, tạo cơ sở lý luận cho việc đề ra phương hướng trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của dòng tu Công giáo ở Ninh Bình hiện nay. Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu về tôn giáo nói chung, Công giáo và dòng tu Công giáo nói riêng. 7. Kết cấu của Luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, Luận văn gồm có 02 chương và 06 tiết.
  • 20. 16 NỘI DUNG Chương 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở VIỆT NAM VÀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM 1.1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ thuộc quyền giáo phận được thành lập sớm nhất ở Việt Nam. Đây là dòng tu đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, có lời khấn sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc giám mục giáo phận và hoạt động chủ yếu hướng về việc truyền giáo cho lương dân [61, tr. 388]. Hiện nay, ở nước ta có 23 dòng Mến Thánh giá hoạt động trong hầu hết các giáo phận, là hội dòng có nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ tại Việt Nam. Người sáng lập dòng Mến Thánh giá là giám mục Lambert de la Motte, giám mục Đại diện Tông tòa đàng Trong. Lambert de la Motte sinh ngày 16/1/1624 tại Lisieux (Pháp) và mất ngày 15/6/1679 tại Ayuthia (Thái Lan), chịu chức linh mục ngày 27/12/1655 tại chủng viện Constances, được phong giám mục hiệu tòa Berythe ngày 29/7/1658 (Berythe thủ đô của Liban hiện nay) và ngày 9/9/1659 được bổ nhiệm giám mục Đại diện Tông tòa đàng Trong. Tháng 6 năm 1660 giám mục Lambert cùng hai linh mục thừa sai là Francois Deydier và Jacque Bourges lên đường nhận nhiệm sở. Đến năm 1662 thì đến được Ayuthia (Thái Lan), tuy nhiên tình hình không thuận lợi nên giám mục ở lại đây và bắt đầu thực hiện công cuộc truyền giáo, thành lập các cơ sở. Năm 1664 giám mục Lambert cùng với giám mục Pallu và các linh mục thừa sai tổ chức Công đồng giáo phận hay còn gọi là Công nghị Ayuthia để hoạch định đường hướng mục vụ và họp bàn
  • 21. 17 một số vấn đề liên quan đến vùng truyền giáo Đông Á. Công nghị Ayuthia đã quyết định lập một Hội tông đồ với tên gọi Những người Mến thập giá hay Mến Thánh giá. Hội tông đồ này gồm ít nhất 2 ngành khác nhau và chia ra 3 loại thành viên khác nhau. Loại thứ nhất gồm các giám mục và các bề trên miền truyền giáo được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ khắc nghiệt, giữ ba lời khấn và phải sống khổ hạnh. Loại thứ hai là các thừa sai khác gồm các linh mục, tu huynh và giáo dân. Loại thứ ba gồm các thành viên bản địa, trong loại này ít nhất phải hình thành một dòng nữ. Các chị em trong dòng này cũng sống thành cộng đoàn và phải sống khắc khổ nghiêm ngặt, trong một số điều kiện, họ có thể hoạt động tông đồ và truyền giáo. Tuy nhiên việc thành lập Hội tông đồ Mến Thánh giá đã không được Tòa thánh chấp nhận vì những quy định của dòng quá nghiêm ngặt, khắc khổ không thích hợp với các giám mục, linh mục phải lo việc truyền giáo. Năm 1669, giám mục Lambert đi kinh lý địa phận đàng Ngoài thay cho giám mục Francois Pallu là giám mục Đại diện Tông tòa đàng Ngoài. Cùng đi với giám mục Lambert có hai linh mục Hội Thừa sai Paris là Jacque Bourges và Gabriel Bouchard. Trước đó, năm 1666 linh mục Francois Deydier (linh mục Tổng đại diện địa phận đàng Ngoài) đã được cử sang đàng Ngoài thăm dò tình hình và thái độ chính quyền đối với các “Tây dương đạo trưởng” cũng như đối với các thương gia Tây phương (cụ thể là Hà Lan và Bồ Đào Nha) [12, tr. 54]. Giám mục Lambert đến đàng Ngoài theo chuyến tàu buôn của công ty Đông Ấn Pháp và tạm mang chức tuyên úy trên tàu (Tuyên uý: có thể là một linh mục hay là một thừa tác viên có chức thánh được chỉ định để phục vụ những giới đặc biệt như quân đội hay được ban quyền tổ chức các nghi lễ phụng vụ trong các đại hội của các tổ chức huynh đệ, các cơ quan lập pháp hay các đoàn thể khác (các hội đoàn chuyên biệt), để trông nom, coi sóc phần hồn cho tín đồ; linh mục coi
  • 22. 18 sóc một nhà nguyện hay được chỉ định thi hành tác vụ trong một tổ chức như tu viện, viện mồ côi, bệnh viện hay nhà tù). Ngày 30/08/1669 tàu đến đàng Ngoài, sau khi được sự chấp thuận của Chúa Trịnh, tàu tiến lên Phố Hiến và đậu tại đây (Phố Hiến ở về tả ngạn sông Hồng, cách Thăng Long khoảng 50km đường sông, trước kia là nơi buôn bán sầm uất, nhất là về mặt giao thương với các tàu buôn phương Tây). Sau khi thụ phong linh mục cho 7 thầy giảng, ngày 14/2/1670 giám mục Lambert triệu tập Công đồng xứ đàng Ngoài tại Phố Hiến. Công đồng có mục đích phổ biến những nghị quyết của Tòa thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Đại diện Tông tòa, tổ chức các mặt sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận như phương pháp truyền đạo, cắt cử linh mục, tuyển mộ chủng sinh. Công nghị cũng đã đưa ra một bản văn gồm 34 điều (ngày 23/12/1673 Giáo hoàng Clemens X phê chuẩn rút xuống còn 33 điều) quy định các chức năng, kỷ luật, việc tổ chức và điều hành giáo hội địa phương, trong bản văn của Công đồng điều 18 và 21 có liên quan đến dòng Mến Thánh giá sau này. Sau Công đồng, linh mục Francois Deydier đã giới thiệu với giám mục Lambert về nhóm những phụ nữ đạo đức (gồm những phụ nữ góa bụa hoặc còn trinh tiết), họ sống chung với nhau tại Kiên Lao (Bùi Chu) và Bái Vàng (giáo phận Hà Nội ngày nay), tự làm ăn sinh sống, giữ lề luật và có lời khấn tư nhưng chưa được sự chấp thuận của giám mục giáo phận (trước đó, trong thư đề ngày 1.1.1667 linh mục Francois Deydier đã phúc trình lên giám mục Francois Pallu-giám mục Đại diện Tông tòa đàng Ngoài, cho biết có hai nhóm trinh nữ sống chung với nhau ở Kiên Lao và Bái Vàng và mối bận tâm của linh mục Francois Deydier là soạn thảo cho họ một bản Nội quy và hướng dẫn, huấn luyện họ về đời sống tu đức). Khi tiếp xúc với nhóm phụ nữ này, giám mục Lambert đã giới thiệu cho họ về Hội tông đồ Mến Thánh giá và bản luật mà giám mục đã soạn thảo trước đó tại Thái
  • 23. 19 Lan (trước khi thành lập dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, giám mục Lambert de la Motte đã soạn thảo Luật tiên khởi Mến Thánh giá. Đây là bản luật giám mục Lambert soạn thảo cho Hội tông đồ Mến Thánh giá). Những phụ nữ này bày tỏ ước muốn được sống đời sống thánh hiến như những nữ tu sống chung với nhau trong đan viện. Sau khi tìm hiểu và xem xét tình hình, ngày 19/02/1670 cũng là ngày lễ Tro (ngày thứ tư của mùa chay) giám mục Lambert de la Motte đã chủ sự lễ khấn của hai nữ tu đầu tiên là bà Anê và Paula ở Phố Hiến trên một chiếc thuyền neo tại sông Hồng, đối diện với làng Bái Vàng (thuộc địa phận Hà Nội) [61, tr 396]. Ngày khấn của hai nữ tu đầu tiên cũng là ngày thành lập dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Sau khi chủ sự lễ khấn, giám mục Lambert đã gửi cho hai nữ tu Anê và Paula một lá thư có kèm “Những Điều lệ nhỏ” mà giám mục đã viết tại Phố Hiến trước khi hai bà Anê và Paula khấn (theo tài liệu của tác giả Đỗ Quang Chính giám mục Lambert viết thư này tại Phố Hiến nhưng Những Điều lệ nhỏ gửi kèm theo thư thì chính là bản luật mà giám mục đã soạn thảo trước đó tại Thái Lan). Đây được coi là bản luật (hiến chương) đầu tiên của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Trong bản luật tiên khởi giám mục Lambert nêu rõ mục đích, nhiệm vụ và các quy tắc đối với nữ tu Mến Thánh giá. Sau khi truyền chức linh mục, tổ chức công đồng Phố Hiến và thành lập dòng Mến Thánh giá, giám mục Lambert de la Motte rời đàng Ngoài sớm hơn dự định, cho nên trên đường trở về Thái Lan, giám mục đã viết cho nữ tu Anê và Paula một lá thư với nội dung nhắc nhở hai nữ tu đầu tiên của dòng Mến Thánh giá Việt Nam hãy sống và thực hành đời sống tu trì theo mục đích, linh đạo mà giám mục đã chỉ ra trong bản luật của dòng. Có thể nói, bức thư này của giám mục có
  • 24. 20 tính chất long trọng hơn bởi lời mở đầu là lề lối thư luân lưu của các giám mục. Hơn một năm sau khi rời đàng Ngoài về Thái Lan, năm 1671 giám mục Lambert quyết định đi kinh lý địa phận đàng Trong (thuộc sở nhiệm của giám mục). Trong chuyến kinh lý lần này cùng đi có hai thừa sai Pháp là Vachet và Mahot cùng hai linh mục người đàng Trong là Giuse Trang và Luca Bền. Khi đến được đàng Trong, giám mục Lambert mắc bệnh nặng và phải ở lại dưỡng bệnh hơn sáu tuần lễ tại vùng Nhà Ru (thuộc phía Nam huyện Ninh Hòa và phía Bắc Nha Trang ngày nay) [12, tr 85]. Sau khi hồi phục sức khỏe, giám mục Lambert đến Quảng Ngãi. Tại đây giám mục tiếp xúc với một số thiếu nữ đạo đức, họ có ý nguyện sống chung và giữ trọn đức khiết tịnh. Trước đó, khi còn ở Thái Lan, giám mục Lambert đã nhận được thư của linh mục Hainques cho biết ý định của một nhóm thiếu nữ muốn được sống đời sống “tận hiến cho Thiên Chúa”. Sau khi tìm hiểu và trao đổi với họ về đời sống thiêng liêng, giám mục Lambert quyết định thành lập ở đàng Trong một dòng Mến Thánh giá và đến tháng 12 năm 1671 tại An Chỉ (Quảng Ngãi) dòng Mến Thánh giá đàng Trong chính thức được thành lập, số nữ tu đầu tiên là 10 hoặc 8 người [xem:12, tr. 91-92], sinh sống trong ngôi nhà do bổn đạo dâng cúng, đây được coi là cơ sở đầu tiên của dòng. Cũng giống như dòng Mến Thánh giá đàng Ngoài, giám mục Lambert trao cho các nữ tu dòng Mến Thánh giá đàng Trong một bản luật dòng. Hai bản luật dòng Mến Thánh giá, một của dòng Mến Thánh giá đàng Ngoài năm 1670, một của dòng Mến Thánh giá đàng Trong năm 1671 hoàn toàn giống nhau [12, tr 95]. Mặc dù dòng Mến Thánh giá đàng Ngoài và đàng Trong cùng được giám mục Lambert de la Motte thành lập và cùng thực hành theo một bản luật dòng nhưng không thể thành lập một dòng
  • 25. 21 thống nhất. Bởi vì, bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ này đang chia tách lãnh thổ đàng Trong và đàng Ngoài (Trịnh, Nguyễn phân tranh). Hơn nữa, đàng Ngoài và đàng Trong là hai giáo phận khác nhau, do đó thiết lập ở mỗi giáo phận một dòng Mến Thánh giá sẽ thuận lợi hơn trong việc huấn luyện, điều hành và hoạt động của dòng. Khi mới thành lập, các nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam chưa được Tòa thánh phê chuẩn là nữ tu dòng, mà chỉ được xem như những phụ nữ thuộc hội đạo đức. Bởi vì, thời kỳ này Tòa thánh chỉ thừa nhận dòng tu nữ khi có lời khấn trọng thể và các nữ tu phải sống trong các đan viện kín còn những phụ nữ chỉ có lời khấn đơn và tham gia các hoạt động bên ngoài nhà dòng thì chưa đủ điều kiện để thừa nhận là nữ tu. Chính vì vậy, Tòa thánh chuẩn nhận sự thành lập dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam bằng cách ban ân xá đặc biệt cho dòng. Tuy nhiên, dòng Mến Thánh giá được chuẩn nhận không phải trực tiếp do văn thư Tòa thánh mà do văn thư của Bộ truyền giáo (Theo tài liệu của Đỗ Quang Chính, ngày 28/8/1678 Bộ Truyền giáo đã chấp thuận ban ân xá thông thường cho các huynh đệ đoàn do các vị đại diện Tông tòa thiết lập ở đàng Ngoài và đàng Trong, dưới danh hiệu Những người Mến Thánh giá trong địa sở của các giám mục). Và được thành lập như một tu hội trực thuộc bản quyền của vị giám mục giáo phận. Đến ngày 8/12/1900 Hiến chế Conditaea Christo (do giáo hoàng Lêô XIII ký) được ban hành công nhận những dòng khấn đơn (không khấn trọng) cũng gọi là dòng tu và những thành phần trong dòng đó được mang danh hiệu tu sĩ. Như vậy, theo Hiến chế này, dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam được nhìn nhận là một dòng tu và các nữ tu được thừa nhận là tu sĩ. Tuy nhiên, cho đến công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934 mới tiến hành cải tổ các nhà Phước (tu hội) Mến Thánh giá thành hội dòng giáo phận với ba lời khấn dòng. Trước đó, từ năm 1916 tại giáo
  • 26. 22 phận Phát Diệm, giám mục Marcou Thành giao cho Thừa sai Louis de Cooman (Tổng Đại diện giáo phận, sau này là giám mục phó với quyền kế vị) tiến hành cải tổ và biên soạn luật mới cho dòng Mến Thánh giá Phát Diệm quy định việc khấn dòng theo Giáo luật năm 1917, sửa đổi tu phục (nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh giá trước ngực), sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu. Đến năm 1924 luật mới của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được Tòa Thánh phê duyệt. Thời kỳ đầu khi mới thành lập, để củng cố cơ sở tu viện cũng như tránh việc cấm đạo của triều đình phong kiến đương thời, nữ tu Mến Thánh giá sống chung trong những ngôi nhà đơn sơ gọi là nhà Mụ dưới quyền cai quản của một mẹ Nhất [34, tr 62]. Hàng ngày, ngoài việc ngắm nguyện đọc kinh, tự kiểm và sám hối, các nữ tu còn làm ruộng, dệt vải, làm bánh thánh, làm thuốc nam mang bán và chữa bệnh cho dân nghèo, dạy nghề dệt, thêu cho trẻ em. Những công việc này một mặt là phương tiện sinh sống chính của các nữ tu mặt khác giúp họ có điều kiện tiếp xúc và dễ dàng hòa nhập vào dân chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động truyền bá và phát triển đạo. “Được trang bị các kiến thức khoa học tiên tiến, các nữ tu tỏa vào trong dân chúng để cứu chữa những người bệnh tật. Rất nhiều người dân bên đời được cứu chữa đã mang ơn các nữ tu và có cảm tình với bên giáo. Trong khi len lỏi trong dân chúng để chữa bệnh các nữ tu kết hợp với việc đạo như thu nhận những tân tòng, mua hồn các trẻ em hấp hối, một hình thức nhân đạo cho phần hồn, vì trẻ em chết yểu bên đời không liệt vào hàng những người được thờ cúng. Chính họ là những người tự nguyện phục vụ trong những trại cô nhi, trong các bệnh viện và nhất là phục vụ trong các trại hủi do giáo hội mở” [34, tr. 63]. Dưới thời thuộc Pháp, Công giáo nói chung, dòng tu nói riêng được chính quyền bảo hộ, các hoạt động truyền giáo phát triển và mở rộng. Đặc
  • 27. 23 biệt, vai trò của nữ tu Mến Thánh được nâng cao “Nữ tu Mến Thánh giá là những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [61, tr. 390] nên đã cộng tác và hỗ trợ đắc lực cho các giáo sĩ trong việc truyền giáo như dạy chữ quốc ngữ, dạy giáo lý, hướng dẫn sống đạo trong trường học, ấn hành sách báo bằng chữ quốc ngữ. Cùng với quá trình truyền bá và phát triển của Công giáo ở Việt Nam, trải qua hơn 300 năm tồn tại, dòng Mến Thánh giá ngày càng phát triển. Cho đến nay, ở nước ta đã có 23 dòng Mến Thánh giá, các cộng đoàn của dòng được thành lập trong hầu hết các giáo phận ở Việt Nam. Khi thành lập dòng Mến Thánh giá có lẽ chủ đích của giám mục Lambert de la Motte là thiết lập một dòng tu nữ theo luật chung của giáo hội và theo truyền thống của các dòng tu, với hình thức là thành lập cơ sở đầu tiên (nhà Mẹ) của dòng tại một giáo phận. Sau đó, thiết lập các cộng đoàn (tu viện) trong giáo phận và các giáo phận khác (hoặc giáo phận mới được chia tách). Các cộng đoàn mới thiết lập này vẫn thuộc quyền của nhà Mẹ và chỉ có một nhà Mẹ duy nhất. Đây là hình thức phát triển chung và phổ biến của các dòng tu thời kỳ này. Tuy nhiên, trường hợp dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam lại có điểm khác biệt. Hai cơ sở đầu tiên của dòng là Mến Thánh giá ở đàng Ngoài thành lập năm 1670 và Mến Thánh giá đàng Trong thành lập năm 1671 là hai dòng độc lập thuộc quyền giám mục giáo phận. Sau này, giáo phận đàng Ngoài và đàng Trong chia tách thành các giáo phận mới và nhiều cộng đoàn Mến Thánh giá nằm trong giáo phận mới cũng tách thành dòng Mến Thánh giá độc lập. Những cộng đoàn này dù trước đây thuộc quyền nhà Mẹ ở giáo phận chưa chia tách thì sau khi chia tách giáo phận, nhà dòng Mến Thánh giá cũng được tách ra và trở thành một dòng Mến Thánh giá độc lập, trực thuộc quyền giám mục giáo phận mới. Ngoài ra, trong mỗi giáo phận ở Việt Nam có thể có một dòng Mến Thánh giá hoặc
  • 28. 24 có nhiều dòng Mến Thánh giá độc lập với nhau trong một giáo phận. Chính hình thức phát triển và mở rộng như trên cho nên hiện nay ở Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá [61, tr. 389-390] hoạt động trong 16 giáo phận. Mỗi dòng có nội quy và luật dòng riêng, độc lập trong đường hướng hoạt động. Tuy nhiên, có sự liên kết với nhau và cùng dựa trên bản luật đầu tiên của dòng Mến Thánh giá Việt Nam được soạn năm 1670 và 1671. Chính vì vậy, có thể nói nét đặc thù của các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam là vừa độc lập vừa có sự liên kết với nhau trong đường hướng hoạt động. Hiện nay, ở Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá, cụ thể như sau: Tổng giáo phận Hà Nội gồm có 6 dòng Mến Thánh giá thuộc các giáo phận Bùi Chu, Hà Nội, Hưng Hóa, Phát Diệm, Thanh Hóa và Vinh. Dòng Mến Thánh giá Kiên Lao (thuộc giáo Bùi Chu ngày nay) và dòng Mến Thánh giá Hà Nội là hai cộng đoàn Mến Thánh giá đầu tiên của dòng Mến Thánh giá Việt Nam được giám mục Lambert de la Motte thành lập tại đàng Ngoài năm 1670. Đây được coi là cội nguồn của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Hiện nay, dòng Mến Thánh giá Hà Nội có 20 cộng đoàn với 106 nữ tu khấn trọn, 79 nữ tu khấn tạm, 16 tập sinh, 16 tập viện và 60 đệ tử [61, tr.397]. Dòng Mến Thánh giá Kiên Lao - Bùi Chu do mới tái lập nên hiện nay, dòng chưa có nhà Mẹ, nhưng có 3 điểm Ninh Cường, Xuân Hà, An Bài và 12 địa điểm làm việc tông đồ tại các giáo xứ, giáo họ trong giáo phận Bùi Chu. Dòng Mến Thánh giá Vinh: được thành lập cùng với quá trình chia tách địa phận. Năm 1846, địa phận Tây đàng Ngoài tách thành 2 địa phận là Tây đàng Ngoài (Hà Nội) và Nam đàng Ngoài (địa phận Vinh). Vào thời gian này tại địa phận Vinh đã có 8 nhà dòng Mến Thánh giá với 220 nữ tu. Sau khi
  • 29. 25 chia tách địa phận, 8 nhà dòng này trở thành dòng Mến Thánh giá độc lập tại địa phận Vinh với tên gọi dòng Mến Thánh giá Vinh. Hiện nay, dòng có 14 cộng đoàn với 160 nữ tu khấn trọn, 121 nữ tu khấn tạm, 22 tập sinh, 50 tiền tập và 257 đệ tử [61, tr. 398]. Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được giám mục Alecxandre Marcou (có tên Việt Nam là Thành) thành lập năm 1902 tại Lưu Phương thuộc giáo phận Phát Diệm. Hiện nay, tại giáo phận Phát Diệm dòng có 1 nhà Mẹ, 15 cộng đoàn và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu, 120 dự tu [8, tr.1]. Dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa được thành lập cùng với quá trình thành lập giáo phận Thanh (năm 1932, giáo phận Thanh được thành lập tách ra từ giáo phận Phát Diệm, trong giáo phận đã có sẵn 4 cộng đoàn dòng Mến Thánh giá). Ngày 9/11/1932 Tòa thánh cho phép lập dòng Mến Thánh giá riêng cho giáo phận Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến ngày 23/11/1935 giám mục Louis de Cooman mới công bố sắc lệnh thành lập dòng, cho đến năm 1936 dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa mới chính thức tách khỏi dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Nữ tu Anna Trần Thị Hợp là Bề trên tiên khởi của dòng. Hiện nay, dòng có 5 cộng đoàn với 10 tập sinh, 19 tiền tập, 65 đệ tử và 15 dự tu [61, tr. 399]. Dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa thành lập năm 1943 tại giáo phận Hưng Hóa. Hiện nay, dòng có 1 nhà Mẹ và 7 cộng đoàn với 54 nữ tu khấn trọn, 50 khấn tạm, 25 tập sinh, 28 tiền tập và 92 đệ tử [61, tr. 397]. Tổng giáo phận Huế gồm có 3 dòng Mến Thánh giá thuộc giáo phận Quy Nhơn, Huế và Nha Trang. Dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn có nguồn gốc là dòng Mến Thánh giá An Chỉ được giám mục Lambert de la Motte thành lập ở địa phận đàng
  • 30. 26 Trong năm 1671 (Quảng Ngãi). Hiện nay, dòng có 51 cộng đoàn trong 8 giáo phận ở Việt Nam với 203 nữ tu khấn trọn, 82 nữ tu khấn tạm, 30 tập sinh, 23 tiền tập và 65 đệ tử. Tại California và Na Uy có 5 cộng đoàn với 13 nữ tu khấn trọn, 18 khấn tạm, 8 tập sinh và 11 đệ tử [61, tr. 401]. Dòng Mến Thánh giá Huế được linh mục Thừa sai Pierre de Sennemand thành lập năm 1719. Từ cộng đoàn đầu tiên, sau này nhiều cộng đoàn được thành lập như cộng đoàn Di Loan (1780), Kẻ Bàng (1797), Phủ Cam (1797), Nhu Lý, Bố Liêu, Mỹ Hương, Trung Quán và Sáo Bùi (1805 - 1812), Dương Sơn (1828). Hiện nay, dòng có 302 nữ tu khấn trọn, 115 nữ tu khấn tạm, 50 tập sinh, 36 tiền tập và 215 tìm hiểu phục vụ trong các giáo phận: Tại tổng giáo phận Huế: có 1 nhà Mẹ và 3 cộng đoàn lớn và 32 cộng đoàn nhỏ. Tại giáo phận Xuân Lộc có 1 nhà Miền và 13 cộng đoàn nhỏ. Tại giáo phận Nha Trang có 1 nhà Chính và 6 cộng đoàn trong các giáo xứ tại Cam Ranh. Tại giáo phận Ban Mê Thuột có 3 cộng đoàn. Tại giáo phận thành phố Hồ Chí Minh có 3 cộng đoàn [61, tr. 402]. Dòng Mến Thánh giá Nha Trang có nguồn gốc từ cộng đoàn Mến Thánh giá Hướng Phương. Năm 1954 một số nữ tu của cộng đoàn Hướng Phương thuộc dòng Mến Thánh giá Vinh di cư vào Nam, được giám mục Marcel Piquet Lợi nhận vào giáo phận Nha Trang. Đến năm 1955 giám mục Marcel Piquet Lợi cho các nữ tu Mến Thánh giá Hướng Phương định cư tại giáo xứ Tân Bình cùng với một số giáo dân gốc địa phận Vinh. Năm 1995 dòng được Tòa thánh chính thức phê chuẩn nâng lên cấp giáo phận với tên gọi là dòng Mến Thánh giá Nha Trang. Hiện nay, dòng có 31 cộng đoàn trong 5 giáo phận: Nha Trang, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, thành phố Hồ Chí Minh và Xuân Lộc với 109 nữ tu khấn trọn, 82 khấn tạm, 42 tập sinh, 30 tiền tập và 154 đệ tử [61, tr. 402].
  • 31. 27 Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 14 dòng Mến Thánh giá thuộc các giáo phận Cần Thơ, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Phan Thiết, Vĩnh Long và Xuân Lộc. Dòng Mến Thánh giá Cái Nhum được thành lập ngày 16/06/1800 tại Cái Nhum thuộc giáo phận Vĩnh Long. Hiện nay, dòng có 44 cộng đoàn trong 3 giáo phận Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt với 115 nữ tu khấn trọn, 66 nữ tu khấn tạm, 15 tập sinh, 15 tiền tập và 82 đệ tử [61, tr. 403]. Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được thành lập năm 1840 tại Thủ Thiêm thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Hiện nay, dòng có 60 cộng đoàn trong 7 giáo phận ở Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, Long Xuyên, Vĩnh Long, Mỹ Tho và 1 giáo phận Portland (Hoa Kỳ) với 281 nữ tu khấn trọn, 61 khấn tạm, 30 tập sinh, 38 tiền tập và 50 đệ tử [61, tr. 403]. Dòng Mến Thánh giá Cái Mơn được giám mục Dominique Lefèbvre Ngãi thành lập năm 1844 tại Cái Mơn (thuộc giáo phận Vĩnh Long). Hiện nay dòng có 105 cộng đoàn hoạt động tại 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh với 239 nữ tu khấn trọn, 70 khấn tạm, 18 tập sinh, 25 tiền tập và 120 đệ tử [61, tr. 404]. Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán (thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1852. Hiện nay dòng có 54 cộng đoàn trong 5 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Phú Cường, Xuân Lộc và Đà Lạt với 262 nữ tu khấn trọn, 68 khấn tạm, 22 tập sinh, 26 tiền tập và 50 tìm hiểu. Dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm gốc là dòng Mến Thánh giá Hà Nội. Năm 1954 một số nữ tu dòng Mến Thánh giá Hà Nội di cư vào Nam định cư và hoạt động tại Đà Lạt. Sau đó, năm 1975 chuyển nhà Mẹ và nhà tập về Thủ Đức (thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 1995 theo
  • 32. 28 nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Khiết Tâm thuộc tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, dòng có 12 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Xuân Lộc và Long Xuyên với 95 nữ tu khấn trọn, 33 khấn tạm, 12 tập sinh, 12 tiền tập và 60 đệ tử [61, tr. 406]. Dòng Mến Thánh giá Gò Vấp gốc là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được thành lập năm 1954 do một số nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm di cư vào Nam và thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tại Gò Vấp (thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh). Cho đến năm 1995 theo nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Gò Vấp. Hiện nay, dòng có 32 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Xuân Lộc và Long Xuyên với 308 nữ tu khấn trọn, 104 khấn tạm, 44 tập sinh, 49 tiền tập và 120 đệ tử [61, tr. 405]. Dòng Mến Thánh giá Đà Lạt (gốc Mến Thánh giá Thanh Hóa). Năm 1954, đa số nữ tu dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa di cư vào Nam và nhà Mẹ được thiết lập tại Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng (thuộc giáo phận Đà Lạt). Ngày 23/1/2002 qua Văn thư của Bộ Phúc Âm hóa Các Dân tộc, Hồng y Tổng trưởng đã chấp thuận cho tách rời hai miền Thanh Hóa - Đà Lạt thành 2 dòng độc lập. Đến ngày 2/2/2002 giám mục giáo phận Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thành lập dòng Mến Thánh giá Đà Lạt. Hiện nay, 229 nữ tu khấn trọn, 123 khấn tạm, 47 tập sinh, 20 tiền tập và 150 đệ tử. Tại Việt Nam có 31 cộng đoàn, Hoa Kỳ có 3 cộng đoàn và Đài Loan có 1 cộng đoàn [61, tr. 406]. Dòng Mến Thánh giá Tân Lập có nguồn gốc từ nhà dòng Trung Đồng và Đông Thành (Thái Bình). Năm 1954, số nữ tu của 2 nhà dòng di cư vào Nam và định cư tại Tân Lập (Sài Gòn). Đến năm 1960 dòng chính thức được thành lập tại tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và mang
  • 33. 29 tên dòng Mến Thánh giá Thái Bình Tân Lập. Ngày 29/05/1995, Hồng Y Martinez, Tổng trưởng Bộ Đặc trách Tu hội đời sống Thánh hiến (Bộ Tu sĩ), ra Sắc lệnh đổi tên gọi cho dòng thành dòng Mến Thánh giá Tân Lập. Hiện nay dòng có 13 cộng đoàn với 91 nữ tu khấn trọn, 32 nữ tu khấn tạm, 15 tập sinh, 7 tiền tập và 42 đệ tử [61, tr. 407]. Dòng Mến Thánh giá Tân Việt (thuộc tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh) có nguồn gốc từ nhà phước Cổ Việt thuộc giáo phận Thái Bình (Nhà phước là tên gọi các cơ sở hay nhà dòng của dòng Mến Thánh giá thời kỳ này). Năm 1954 nữ tu nhà phước Cổ Việt di cư vào Nam và định cư tại giáo xứ Tân Mai (Biên Hòa). Sau đó, chuyển về sinh hoạt tại giáo xứ Tân Việt (Sài Gòn). Ngày 16/6/1976 Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký Nghị định phê chuẩn dòng Mến Thánh giá Thái Bình Tân Việt là dòng độc lập trực thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 29/6/1995 dòng chính thức được đổi tên là dòng Mến Thánh giá Tân Việt theo nghị định của Bộ Tu sĩ. Hiện nay, dòng có 8 cộng đoàn với 54 nữ tu khấn trọn, 19 nữ tu khấn tạm, 8 tập sinh, 4 tiền tập và 57 đệ tử [61, tr. 407]. Dòng Mến Thánh giá Thủ Đức có nguồn gốc từ các nữ tu thuộc giáo phận Bắc Ninh. Năm 1954 một số nữ tu thuộc giáo phận Bắc Ninh di cư vào Nam và tiếp tục duy trì nếp sống tu trì. Cho đến năm 1961 linh mục Baotixita Đào Duy Du (gốc Bắc Ninh) giúp nữ tu cộng đoàn Bắc Ninh ở miền Nam cải tổ và xây dựng cơ sở tại Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Được sự đồng ý của Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, dòng Mến Thánh giá Đà Lạt giúp huấn luyện nữ tu cộng đoàn Bắc Ninh. Đến năm 1970, dòng Mến Thánh giá Bắc Ninh chính thức ra đời, có Bề trên và Ban cố vấn riêng và năm 1995 Tòa thánh chấp thuận đổi tên thành dòng Mến Thánh giá Thủ Đức. Hiện nay, dòng có 13 cộng đoàn trong 4 giáo phận: thành phố Hồ Chí Minh, Cần
  • 34. 30 Thơ, Đà Lạt và Xuân Lộc với 65 nữ tu khấn trọn, 30 khấn tạm, 10 tập sinh, 6 tiền tập và 70 đệ tử [61, tr. 408]. Dòng Mến Thánh giá Cần Thơ được giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thành lập năm 1975 tại Sóc Trăng thuộc giáo phận Cần Thơ. Hiện nay dòng có nhà Mẹ tại Sóc Trăng, 18 cộng đoàn phục vụ trong giáo phận Cần Thơ và 1 cộng đoàn tại giáo tổng phận thành phố Hồ Chí Minh. Dòng có 79 nữ tu khấn trọn, 14 khấn tạm, 11 tập sinh, 8 tiền tập và 45 đệ tử [61, tr. 408]. Dòng Mến Thánh giá Tân An (giáo phận Mỹ Tho) được giám mục Giuse Trần Văn Thiện thành lập năm 1965 với cơ sở đầu tiên là Tu viện Mến Thánh giá Tân An. Ngày 14/1/1968, tu viện Mến Thánh giá Tân An được Khâm sứ Tòa thánh Angelo Palams nhận thực và làm phép. Thời gian này Tu viện (nhà dòng) có 6 em đệ tử và một nữ tu phụ trách do Bề trên dòng Mến Thánh giá Chợ Quán cử đến để giúp đỡ dòng Mến Thánh giá Tân An thời gian đầu thành lập. Đến ngày 22/12/1973 Tòa thánh chấp thuận đơn xin phép lập dòng của giám mục Giuse Trần Văn Thiện và Hồng y Angelo Rossi, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc. Ngày 15/8/1976, Giám mục Giuse Trần Văn Thiện ủy quyền cho linh mục Antôn Lê Quang Thạnh nhận lời khấn lần đầu của 8 khấn sinh. Đến năm 1988, giám mục Anrê chủ sự lễ khấn trọn của 4 nữ tu dòng Mến Thánh giá Tân An. Đây là lễ khấn trọn đầu tiên của dòng. Hiện nay, dòng có 10 cộng đoàn với 20 nữ tu khấn trọn, 7 khấn tạm, 12 tập sinh, 8 tiền tập và 50 đệ tử [61, tr. 409]. Dòng Mến Thánh giá Bắc Hải có nguồn gốc từ nhà phước Nam An, Liễu Dinh, Kẻ Sặt, Yên Trì thuộc giáo phận Hải Phòng. Năm 1954 các nữ tu cộng đoàn Nam An di cư vào Nam, định cư tại Hố Nai. Sau đó, năm 1976, Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho trở thành
  • 35. 31 một dòng Mến Thánh giá độc lập trực thuộc giáo phận Xuân Lộc. Đến năm 1995, Tòa thánh cho phép đổi tên thành dòng Mến Thánh giá Bắc Hải - Xuân Lộc. Hiện nay, dòng có 15 cộng đoàn với 123 nữ tu khấn trọn, 30 nữ tu khấn tạm, 18 tập sinh, 55 đệ tử và 30 dự tu [61, tr. 410]. Dòng Mến Thánh giá Phan Thiết: Năm 1975 một số nữ tu dòng Mến Thánh giá Huế di tản vào Hàm Tân, Bình Thuận và ở tại cô nhi viện Trinh Nữ (cơ sở của dòng) trong giáo xứ Tân Tạo thuộc giáo phận Phan Thiết. Ngày 29/10/1983 theo quyết định của Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc, giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục giáo phận Phan Thiết đã chính thức nhận nhóm nữ tu trên nhập tịch trở thành dòng Mến Thánh giá Phan Thiết. Hiện nay, dòng có 87 nữ tu khấn trọn, 86 nữ tu khấn tạm, 32 tập sinh, 40 tiền tập, 52 đệ tử và 64 dự tu [61, tr. 411]. Như vậy, dòng Mến Thánh giá là dòng giáo phận được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của dòng gắn liền với quá trình truyền bá và phát triển Công giáo vào Việt Nam. Trong quá trình phát triển các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam được tách ra và mang tên giáo phận hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của dòng. Khi mới thành lập các hội dòng chỉ là những cộng đoàn nhỏ với một số ít các nữ tu, qua quá trình phát triển các cộng đoàn ngày càng mở rộng và trở thành hội dòng độc lập, tự trị. Năm 1954 nhiều dòng Mến Thánh giá ở miền Bắc di cư vào Nam và thành lập cơ sở mới, có dòng vẫn giữ nguyên tên gọi, có dòng trong quá trình phát triển đã cải tổ và được giám mục giáo phận nơi cư trú cộng nhận và mang tên giáo phận như dòng Mến Thánh giá Đà Lạt gốc Mến Thánh giá Thanh Hóa, dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm gốc Mến Thánh giá Hà Nội, dòng Mến Thánh giá Gò Vấp gốc dòng Mến Thánh giá Phát Diệm… Cùng với sự phát triển của Công giáo ở Việt Nam, các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng cộng đoàn và đông lên
  • 36. 32 về nhân sự. Theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2005, hiện nay tại Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá với trên 4.450 nữ tu đã khấn và 3.221 tu sinh, là hội dòng có số nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ ở Việt Nam, chiếm khoảng hơn 1/3 số nữ tu cả nước. Hoạt động của các dòng Mến Thánh giá ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực thích ứng với sự phát triển của xã hội và giáo hội. 1.2. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm Giáo phận Phát Diệm hiện nay trước đây là một phần của giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải (quen gọi là giáo phận Thanh) thành lập năm 1901 theo Đoản sắc của giáo hoàng Lêo XIII ban hành ngày 15/4/1901. Đến ngày 8/2/1902, các Sắc chỉ của Tòa thánh liên quan đến việc thành lập giáo phận Thanh đã được chính thức công bố trong cuộc họp tại Kẻ Sở và từ năm 1902 giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải trở thành một giáo phận độc lập với đầy đủ nhân sự và cơ sở vật chất [xem:11 (tập 2), tr.566]. Năm 1924, giáo phận Thanh đổi tên là giáo phận Phát Diệm theo địa giới hành chính nơi đặt tòa giám mục. Đến năm 1932 Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là giáo phận Thanh và giáo phận Phát Diệm. Giáo phận Thanh (thuộc tỉnh Thanh Hóa) giao cho các thừa sai Pháp đảm nhận, giáo phận Phát Diệm gồm tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình, được giao cho hàng giáo sĩ Việt Nam chịu trách nhiệm [11 (tập 2), tr. 575-576]. Quá trình hình thành và phát triển của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm gắn liền với sự thành lập và phát triển của giáo phận Phát Diệm. Năm 1902 giáo phận Thanh chính thức tách khỏi giáo phận Bắc kỳ Duyên Hải trở thành một giáo phận độc lập, Tòa thánh bổ nhiệm giám mục Alecxandre Marcou (có tên Việt Nam là Thành) lúc đó là phó giáo phận
  • 37. 33 Tây Đàng Ngoài làm giám mục Đại diện tông tòa giáo phận Thanh. Khi giáo phận Thanh được thành lập, đã có ba cộng đoàn (còn gọi là nhà) của các nữ tu Mến Thánh giá đó là cộng đoàn Bạch Bát được thành lập năm 1749, cộng đoàn Phúc Nhạc được thiết lập năm 1788 và cộng đoàn Cách Tâm thành lập năm 1828, ba cộng đoàn độc lập với nhau và tất cả đều thuộc lãnh thổ của tỉnh Ninh Bình [11 (tập 2), tr. 570]. Với tư cách là giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của giáo phận, năm 1902 giám mục A.Marcou quy tụ các nữ tu Mến Thánh giá ở ba cộng đoàn nói trên và lập thành một dòng Mến Thánh giá lấy tên là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, đặt tại Lưu Phương thuộc giáo phận Phát Diệm và nhà Lưu Phương trở thành nhà Mẹ của dòng. Giám mục A.Marcou thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm đúng với mục đích, nhiệm vụ và tinh thần của dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam do giám mục Lambert de la Motte đề ra. Sau khi thành lập dòng Mến Thánh giá, giám mục A.Marcou đã cho di chuyển nhà in từ Phúc Nhạc về Lưu Phương và giao cho các nữ tu Mến Thánh giá Phát Diệm phụ trách công việc in sách đạo “công tác của chị em là in sách (thời đó bằng chữ nôm và chữ nho), các đơn từ, văn tự… bằng chữ nho; còn sách đạo bằng chữ nôm: sách Kinh, sách bổn, lịch Công giáo, sách cấm phòng, sách Giảng sự thương khó của chúa Giêsu… Nhà in tại Phúc Nhạc là chung cho cả 3 giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa và Phát Diệm” [55, tr. 163]. Ngoài ra, các nữ tu còn làm thuốc nam bán kết hợp với những công việc khác như làm ruộng, chăn nuôi và may đồ phụng vụ (may áo lễ, khăn vai, khăn thánh, áo các thánh, ảnh…). Những công việc này một mặt giúp nữ tu đảm bảo trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mặt khác thông qua đó nữ tu có điều kiện thâm nhập, tiếp xúc với dân chúng chủ yếu là những người nghèo đói và truyền bá đạo Công giáo.
  • 38. 34 Năm 1916 Giám mục Marcou Thành giao cho Thừa sai Louis de Cooman (có tên Việt Nam là Hành) - Tổng Đại diện giáo phận Thanh (sau này là giám mục phó với quyền kế vị) phụ trách và biên soạn luật mới cho dòng Mến Thánh giá Phát Diệm [55, tr. 94]. Với trách nhiệm mới giám mục Louis de Cooman tiến hành cải tổ dòng Mến Thánh giá trên các phương diện như thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, biên soạn lại Hiến pháp quy định việc khấn dòng theo Giáo luật năm 1917; sửa đổi tu phục, nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh giá trước ngực; sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu như Bà Mẹ đổi thành Bề trên chung của cả hội dòng, chị giữ việc gọi là Tổng quản lý. Tại các cộng đoàn, đứng đầu là Bà Nhất, chị Cai được gọi là Quản lý. Đến năm 1924 luật mới của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được Tòa Thánh phê duyệt. Như vậy, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng Mến Thánh giá đầu tiên ở Việt Nam được cải tổ và ban hành luật mới. Ngày 02/02/1925 giám mục A.Marcou Thành và giám mục Louis de Cooman đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 71 [11 (tập 2), tr. 571] nữ tu tại nhà Mẹ Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn đầu tiên sau 255 năm kể từ khi giám mục Lambert de la Motte nhận lời khấn của 2 nữ tu Anê và Paula tại Phố Hiến và cũng là lễ khấn tạm đầu tiên của nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (Giáo luật 1917 quy định lời khấn đơn dành cho các dòng tu có đời sống phục vụ tông đồ truyền giáo). Sáu năm sau, tức ngày 01/02/1931, các nữ tu này được khấn trọn và đây cũng là lễ khấn trọn đầu tiên của các nữ tu dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam. Năm 1932, Tòa thánh phân chia giáo phận Phát Diệm thành hai giáo phận là Thanh Hóa và Phát Diệm, cho nên dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng được chia tách. Trong đó, các cộng đoàn của dòng
  • 39. 35 nằm trong lãnh thổ Thanh Hóa thuộc về dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa và các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ Ninh Bình và huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) thuộc về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Như vậy, sau khi chia tách giáo phận dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng chia tách và hoạt động độc lập. Khi mới thành lập, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm mới có cơ sở đầu tiên tại Lưu Phương, sau này cùng với sự phát triển của Công giáo trong giáo phận, số nhân sự của dòng ngày càng tăng, cho nên dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành lập thêm nhiều cộng đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận. Cụ thể là cộng đoàn Ninh Bình được thành lập năm 1919; cộng đoàn Văn Hải thành lập năm 1927; cộng đoàn Khiết Kỷ thiết lập năm 1937; cộng đoàn Hướng Đạo thành lập năm 1938; cộng đoàn Tôn Đạo và cộng đoàn Vô Hốt thành lập năm 1940; cộng đoàn Quyết Bình và cộng đoàn Dưỡng Điềm thành lập năm 1950; cộng đoàn Như Tân thiết lập năm 1952 và cộng đoàn Tân Khẩn thành lập năm 1953 [55, tr. 97]. Cùng với việc phát triển nhân sự và thành lập các cộng đoàn mới, nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm còn giúp cải tổ các hội dòng Mến Thánh giá ở các giáo phận khác như năm 1942 đã giúp cải tổ Hội dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa (giáo phận Hưng Hóa). Năm 1946 giúp thành lập dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (giáo phận Bùi Chu tỉnh Nam Định). Năm 1951 giúp cải tổ dòng Mến Thánh giá Bùi Chu, sau này đổi tên là Dòng Đức Mẹ Trinh Vương. Năm 1954, sau hiệp định Giơneve lãnh thổ nước ta chia cắt thành 2 miền, Công giáo ở Việt Nam diễn ra một cuộc di cư lớn. Giáo phận Phát Diệm cũng là một trong những giáo phận có số lượng chức sắc và giáo dân di cư đông. Trong đó nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm phần lớn di cư vào Nam, cho nên thời kỳ này nhân sự của dòng có nhiều xáo trộn. Ngày
  • 40. 36 11/07/1954 cùng với giám mục Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm, khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam, còn 30 nữ tu lớn tuổi ở lại, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa vì không có người ở [64]. Số nữ tu của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm di cư vào Nam và đã thành lập dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tại Gò Vấp thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1995 theo nghị định của Bộ tu sĩ, dòng chính thức được đổi tên là Mến Thánh giá Gò Vấp. Sau cuộc di cư, đến năm 1957 tình hình ổn định hơn, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tiếp nhận 30 thỉnh sinh và chia thành các lớp đào tạo trong ba năm 1958, 1959 và 1960. Sau thời gian đào tạo và huấn luyện ngày 01/01/1963 dòng tổ chức lễ khấn tạm cho 30 tập sinh này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm không tuân thủ theo quy định của chính quyền địa phương. Cho nên trong hai năm 1966 - 1967, chính quyền yêu cầu 12 nữ tu trở về gia đình, nhưng thời gian này do ảnh hưởng của cuộc di cư, giáo phận Phát Diệm đang thiếu linh mục và nhân sự phục vụ tại các giáo xứ. Vì thế thay vì trở về sinh hoạt tại gia đình thì các nữ tu này đến các giáo xứ (Tân Khẩn, Trì Chính, Mông Hưu, Phương Thượng, Phát Diệm, Dưỡng Điềm) phục vụ và trở thành trợ tá đắc lực trong các công việc mục vụ của giáo xứ như dạy giáo lý cho trẻ em tại, phụ trách ca đoàn, phục vụ phòng thánh, đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà. Trong thời gian chiến tranh, cùng với những khó khăn của đất nước, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm cũng gặp nhiều khó khăn và gần như không phát triển nhân sự. Sau công cuộc đổi mới đất nước, nhất là sau khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo, từ năm 1991 các nữ tu dòng Mến Thánh giá Phát Diệm được tạo điều kiện thuận lợi trở lại dòng sinh sống và hoạt động. Với sự giúp đỡ của giám mục Bùi
  • 41. 37 Chu Tạo (giám mục giáo phận Phát Diệm) nữ tu Ana Đinh Thị Hiền được gửi vào dòng Mến Thánh giá Gò Vấp (gốc là dòng Mến Thánh giá Phát Diệm) để chuẩn bị khấn trọn theo giáo luật và lễ khấn trọn diễn ra vào ngày 12/06/1991. Sau đó nữ tu Ana Hiền trở về dòng Mến Thánh giá Phát Diệm nhận trách nhiệm đại diện. Ngày 14/09/1991 nữ tu Ana Hiền đã nhận lời khấn cho 7 nữ tu cùng lớp tại nhà nguyện Tòa giám mục Phát Diệm. Ngày 24/10/1991 một số ứng sinh mới của dòng được gửi vào nhà Mẹ của dòng Mến Thánh giá Gò Vấp để huấn luyện ở các lớp đệ tử, tiền tập viện và tập viện. Cùng năm này, với sự giúp đỡ của giám mục Bùi Chu Tạo, nhà nguyện của dòng đã được xây dựng lại trên chính nền nhà nguyện cũ bị bom đánh phá trong thời kỳ chiến tranh. Đến ngày 14/09/1992, tại nhà nguyện của dòng, giám mục Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn cho 8 nữ tu sau 29 năm khấn tạm (1963-1992). Từ năm 1993, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm tái thiết khu trường đệ tử cho tập sinh ở và học tập. Sau đó, dần dần tái thiết các khu nhà khác của dòng đồng thời từng bước khôi phục và tái lập các cộng đoàn trước đây đã đóng cửa do thiếu nữ tu trông coi. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do chiến tranh, chia ly nhưng cho đến nay dòng Mến Thánh giá Phát Diệm vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng mở rộng hoạt động. Hiện nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo phận Phát Diệm dòng có 15 cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Cộng đoàn hoạt động trong giáo phận Phát Diệm là: cộng đoàn Lưu Phương (nhà Mẹ), Thành Đức (Cách Tâm), Hướng Đạo, Văn Hải, Như Sơn, Quyết Bình, Quy Hậu, Hóa Lộc, Dưỡng Điềm, Tân Mỹ, Thuần Hậu, Phương Thượng, Trung Đồng, Sào Lâm và Vô Hốt. Cộng
  • 42. 38 đoàn hoạt động ngoài giáo phận là: cộng đoàn Quỹ Nhất (giáo phận Bùi Chu), cộng đoàn sinh viên Hà Nội (giáo phận Hà Nội) [64]. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu, 120 dự tu [8, tr. 1]. Tiểu kết chương 1: Dòng Mến Thánh giá là dòng tu nữ được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của dòng gắn liền với quá trình truyền bá và phát triển Công giáo vào Việt Nam. Trong quá trình phát triển các cộng đoàn của dòng được tách ra và trở thành một dòng Mến Thánh giá độc lập mang tên giáo phận hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của dòng. Cho đến hiện nay, theo số liệu thống kê của giáo hội Công giáo Việt Nam (Niên giám 2005), tại Việt Nam có 23 dòng Mến Thánh giá với trên 4.450 nữ tu đã khấn và 3.221 tu sinh, là hội dòng có số nhân sự lớn nhất so với các dòng tu nữ ở Việt Nam, chiếm khoảng hơn 1/3 số nữ tu cả nước. Hoạt động của các dòng Mến Thánh giá ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực thích ứng với sự phát triển của xã hội và Giáo hội. Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là một trong 23 dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam, là dòng Mến Thánh giá được thành lập tương đối sớm so với các dòng Mến Thánh giá ở Việt Nam và cũng là dòng Mến Thánh giá đầu tiên được cải tổ và ban hành luật mới. Quá trình hình thành của dòng gắn liền với quá trình thành lập của giáo phận Phát Diệm. Hiện nay, dòng do nữ tu Têrêxa Mai Thị Ngát làm Tổng phụ trách. Tại giáo phận Phát Diệm dòng có 15 cộng đoàn thuộc 15 giáo xứ và 2 cộng đoàn hoạt động ngoài giáo phận. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình, tính đến năm 2013, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm có 233 nữ tu và 120 dự tu.
  • 43. 39 CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM 2.1. Cơ cấu tổ chức Cơ cấu tổ chức của dòng tu Công giáo hình thành theo hệ thống của từng dòng chứ không có hệ thống chung thống nhất cho tất cả các dòng tu thế giới. Mặc dù, Toà thánh Vatican cũng đặt ra Bộ Tu sĩ (tên gọi đầy đủ là Bộ lo về Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ) để hướng dẫn và điều hành các dòng tu. Bộ này là cơ quan hành chính của giáo triều có nhiệm vụ trong các lĩnh vực thiết lập, giải thể dòng tu, phê chuẩn hiến chương, nội quy của các hội dòng, hiệp thông giữa các bề trên thượng cấp của các dòng tu và những vấn đề cơ bản liên quan đến giáo huấn, giáo luật về dòng tu. Tuy nhiên, Bộ tu sĩ không có quyền can thiệp sâu vào đời sống tu trì cũng như hoạt động của tu sĩ các dòng tu. Mọi vấn đề điều hành và quản trị dòng tu đều do mỗi dòng tu tuỳ theo cấp độ (dòng giáo hoàng hay dòng giáo phận) tổ chức điều hành dưới quyền của các bề trên dòng. Do vậy, cùng với việc thành lập các cơ sở dòng thì cơ cấu tổ chức cũng được thiết lập để điều hành hoạt động của dòng. Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm là dòng giáo phận, cho nên tổ chức hành chính của dòng gồm 2 cấp: nhà Mẹ và các cộng đoàn. Nhà Mẹ hay cộng đoàn là nơi ở và sinh hoạt của nữ tu. Nhà Mẹ là cơ sở chính của dòng, còn cộng đoàn là các cơ sở trực thuộc (thông thường đối với các dòng tu hoạt động nói chung các cơ sở trực thuộc dòng được gọi là Tu viện). Theo giáo luật, để thành lập một Tu viện cần phải có Nghị định của Bề trên có thẩm quyền trong dòng và sự thỏa thuận bằng giấy tờ của giám mục giáo phận tại nơi sẽ thành lập nhà “những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của giám mục giáo phận” [32, tr. 207-208]. Theo giáo luật điều 608 “Cộng
  • 44. 40 đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề trên được chỉ định chiếu theo quy tắc của luật; mỗi nhà phải có ít nhất một nguyện đường là nơi cử hành Thánh lễ và lưu giữ Thánh thể, để thực sự là trung tâm của cộng đoàn”. Nhà Mẹ và các cộng đoàn của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm thành lập cũng tuân theo các quy định của giáo luật. Nhà Mẹ được thành lập với sự đồng ý bằng văn bản của giám mục giáo phận Phát Diệm. Còn các cộng đoàn do Tổng phụ trách dòng thành lập với sự đồng ý của Ban Tổng cố vấn. Hiện nay, dòng có 1 nhà Mẹ tại Lưu Phương và 15 cộng đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm và 2 cộng đoàn ngoài giáo phận. Các cộng đoàn trong dòng liên kết với nhau và liên kết với nhà Mẹ trong các hoạt động cũng như trong đời sống tu trì. Đứng đầu nhà Mẹ là Tổng phụ trách dòng, đứng đầu các cộng đoàn là Phụ trách cộng đoàn. Các chức vụ trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm Trong dòng Mến Thánh giá Phát Diệm hai chức vụ Bề trên thực thụ theo giáo luật là chức vụ Tổng phụ trách và chức vụ Phụ trách cộng đoàn. Các Bề trên thi hành một quyền bính cá biệt và hữu hiệu theo Hiến chương và Nội quy [56, tr. 121]. Tổng phụ trách dòng: là người đứng đầu nhà Mẹ đồng thời cũng là người điều hành hội dòng. Tổng phụ trách do Tổng tu nghị bầu cử dưới quyền chủ tọa và xác nhận của giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ. Tổng phụ trách dòng có nhiệm kỳ 4 năm, có thể tái nhiệm một lần. Những người được tuyển chọn làm Tổng phụ trách dòng phải là nữ tu đã khấn trọn 10 năm và không quá hạn tuổi do Nội quy ấn định. Ngoài ra phải là người có lòng yêu mến hội dòng, nắm vững đoàn sủng của dòng, nêu gương cho chị em trong việc trau dồi các nhân đức, tuân giữ luật lệ và các truyền thống của dòng, trung thành với giáo huấn của Giáo hội, có trình độ và hiểu biết
  • 45. 41 thần học [xem:56, tr.133]. Nếu vì một lý do rất nghiêm trọng, chị Tổng phụ trách có thể xin từ chức hoặc bị bãi chức. Quyết định về hai trường hợp này thuộc thẩm quyền giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ [56, tr.125]. Quyền và trách nhiệm của Tổng phụ trách dòng: Tổng phụ trách dòng có quyền trên toàn thể hội dòng, từng cộng đoàn và mỗi nữ tu. Quyền của Tổng phụ trách được quy định theo Hiến chương, Nội quy và các quyết định của Tổng tu nghị. Tổng phụ trách dòng có nhiệm vụ điều hành và linh hoạt đời sống hội dòng về mọi phương diện trong tinh thần liên đới trách nhiệm với Ban Tổng cố vấn, các vị Phụ trách cộng đoàn và các chị đặc trách huấn luyện; Chủ tọa Tổng tu nghị và chính thức công bố các quyết định của Tổng tu nghị cho toàn thể hội dòng; bảo vệ Hiến chương, Nội quy và đảm bảo thi hành các quyết định của Tổng tu nghị; Kinh lý các cộng đoàn ít nhất 2 lần trong nhiệm kỳ; Duy trì kỷ luật, sự hiệp nhất và bình an trong hội dòng; Chịu trách nhiệm về hội dòng trước giám mục; Cư trú tại trụ sở nhà Mẹ, chỉ được vắng nhà khi thi hành chức vụ nhưng nếu vắng mặt khỏi giáo phận trên một tháng, cần trình báo giám mục giáo phận. Khi vắng mặt vì những lý do khác, cần có phép của giám mục [xem:56, tr.133-134]. Phụ trách cộng đoàn: do Tổng phụ trách dòng bổ nhiệm sau khi tham khảo cộng đoàn liên hệ bằng cách để cho tất cả nữ tu khấn trọn và khấn tạm trong cộng đoàn đề cử và được sự chấp thuận của Ban Tổng cố vấn [xem: 56, tr.123]. Những người được tuyển chọn làm Phụ trách cộng đoàn phải là nữ tu đã khấn trọn ít nhất 5 năm và không quá hạn tuổi do nội quy ấn định. Ngoài ra phải là người có lòng yêu mến hội dòng và quan tâm xây dựng tình đoàn kết giữa các nữ tu với nhau và giữa cộng đoàn với môi trường địa phương. Phụ trách cộng đoàn có nhiệm kỳ 4 năm [56, tr.145]. Trách nhiệm và quyền hạn: linh hoạt và điều hành đời sống cộng đoàn về mọi mặt trong tinh thần liên đới trách nhiệm với Hội đồng cộng
  • 46. 42 đoàn và Tu nghị cộng đoàn. Có quyền quyết định trong khuôn khổ Hiến chương và Nội quy, đồng thời khích lệ sự tham gia tích cực của mọi nữ tu vào việc quản trị cộng đoàn; Thi hành các chức vụ của mình dưới quyền Tổng phụ trách dòng; Cư trú tại cộng đoàn và chỉ vắng mặt khi thi hành chức vụ. Khi vắng mặt vì những lý do thì tuỳ thuộc vào thời gian để xin phép vắng mặt. Nếu vắng từ 15 ngày đến 6 tháng thì phải có phép của Tổng phụ trách dòng. Nếu trên 6 tháng thì phải có phép của Tổng phụ trách dòng với sự đồng ý của Ban Tổng cố vấn nhưng không được vắng mặt trên 1 năm. Trong trường hợp đi chữa bệnh, học tập, làm việc tông đồ nhân danh hội dòng vắng mặt trên 1 năm thì có phép của Tổng phụ trách dòng với sự đồng ý của Ban Tổng cố. Vắng mặt trên 1 năm mà không thuộc các lý do nêu trên thì phải có phép của giám mục sở tại do Tổng phụ trách xin. Theo Giáo luật và Hiến chương dòng Mến Thánh giá, Tổng phụ trách dòng và Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn các cấp. Đối với Tổng phụ trách dòng phải có Ban Tổng cố vấn, đối với Phụ trách cộng đoàn phải có Ban cố vấn cộng đoàn. Hiến chương dòng cũng quy định rõ chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm, số thành viên của Ban Tổng cố vấn và Ban cố vấn cộng đoàn. Ban Tổng cố vấn: là những người cộng sự của Tổng phụ trách, góp ý với Tổng phụ trách những vấn đề quan trọng. Ban Tổng cố vấn gồm có Phó Tổng phụ trách là đệ nhất Tổng cố vấn và 4 hoặc 6 Tổng cố vấn khác. Nhiệm kỳ của các Tổng cố vấn là 4 năm, có thể tái đắc cử nhiều lần liên tiếp [56, tr. 134]. Ban Tổng cố vấn do Tổng tu nghị bầu ra, chủ tọa Tổng tu nghị là Tổng phụ trách dòng. Những người được bầu làm Tổng cố vấn phải là nữ tu đã khấn trọn 5 năm, có lòng yêu mến hội dòng, có kinh nghiệm tu trì và tông đồ, biết lắng nghe và phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của các nữ tu. Các Tổng cố vấn cộng tác với Tổng phụ trách dòng bằng
  • 47. 43 cách hài hòa và hữu hiệu trong điều hành và linh hoạt hội dòng theo tinh thần liên đới và phụ đới [56, tr.135]. Tổng cố vấn đắc cử đầu tiên đương nhiên trở thành Phó Tổng phụ trách dòng. Trách nhiệm của Phó Tổng phụ trách là thay thế Tổng phụ trách dòng khi Tổng phụ trách dòng vắng mặt nhưng không được tự tiện thay đổi điều gì ngược lại với ý muốn của Tổng phụ trách dòng. Trong trường hợp Tổng phụ trách dòng đoạn nhiệm, Phó Tổng Phụ trách xử lý thường vụ và trong vòng 3 tháng triệu tập Tổng Tu nghị bầu cử Tổng phụ trách dòng mới [56, tr.135]. Ngoài ra, trong cơ cấu tổ chức của dòng Mến Thánh giá Phát Diệm còn có các chức vụ Tổng Thư ký, Tổng Quản lý. Tổng Thư ký: có nhiệm vụ soạn thảo, truyền đạt, lưu trữ các văn thư chính thức của hội dòng, tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng và chỉ biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu. Tổng Thư ký là một nữ tu đã khấn trọn, có khả năng làm việc văn phòng, đức tính cẩn thận và có lòng yêu mến hội dòng [56, tr.136]. Tổng Quản lý: là một nữ tu đã khấn trọn, có lòng yêu mến hội dòng, có tinh thần nghèo khó, ý thức về công bằng, cẩn mật và quảng đại với nữ tu. Tổng Quản lý có trách nhiệm quản lý tài sản của dòng dưới quyền điều khiển của Tổng phụ trách dòng. Có trách nhiệm báo cáo tình trạng tài chính của hội dòng hàng năm cho hội dòng vào cuối năm dương lịch, 4 năm một lần cho Tổng Tu nghị thường lệ và cho giám mục giáo phận nơi có nhà Mẹ theo yêu cầu của giám mục. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng dòng khi bàn về vấn đề kinh tế và chỉ biểu quyết khi Tổng phụ trách dòng yêu cầu [56, tr.136]. Ban Cố vấn cộng đoàn là những người cộng sự của Phụ trách cộng đoàn, góp ý với Phụ trách cộng đoàn những vấn đề quan trọng liên quan đến việc điều hành cộng đoàn. Cố vấn cộng đoàn do Tổng phụ trách dòng